Lã Động Tân giảng nhân quả: Cự tuyệt tà dâm, Trời cao ban phúc báo
Một người chỉ cần trong tâm còn có ý niệm chính trực, Trời cao nhất định sẽ biết được, và ngược lại thì Trời cao cũng nhất định sẽ biết.
Vào đời nhà Thanh xuất hiện một cuốn sách có tên “Thuyết nhân quả ba đời của Phu Hựu Đế quân Thuần Dương Tổ sư”, mở đầu nói ở Đông Hải có một vùng bồng lai tiên đảo, chính là nơi Thần tiên ở. Ở trên đảo có một vị thần tiên là Thuần Dương Tổ sư Lã Động Tân. Ông vốn là cháu trai của Lã Vị, Lễ Bộ thị lang – Tướng quốc đời Đường, ông lần lượt thi đậu Hiếu Liêm và Tiến sỹ. Khi phiến loạn Hoàng Sào xảy ra, ông đến ẩn cư ở Chung Nam Sơn, sau gặp được Chung Ly tổ sư truyền thụ phương pháp tu đạo, đắc Đạo thành Tiên.
Sau khi thành Tiên, Lã Động Tân vâng lệnh Ngọc Đế hiển hiện ở nhân gian, cứu độ chúng sinh, chỉ ra chỗ mê. Phàm là những người tích thiện căn ở đời, đều được ông thu nhận làm đồ đệ. Một hôm, các đệ tử tụ tập lại với nhau, lập Pháp đàn, dùng lễ mời Tổ sư tế đàn, cũng xin hỏi về hết thảy nhân quả trên đời.
Lã Động Tân nói cho đệ tử rằng: “Muốn biết nhân quả kiếp trước hãy xem những gì được ở hưởng kiếp này, muốn biết nhân quả đời sau hãy xem những gì tạo ra ở đời này… Tạo hóa chỉ bởi tại tâm con người mà thôi.” Ngay sau đó ông lại lần lượt giải thích từng việc một về quan hệ nhân quả công danh, lợi lộc, trường thọ của kiếp trước kiếp này.
Khi đệ tử hỏi: “Có người nhiều đời đỗ đạt danh khoa, tướng duyên kéo dài không dứt, đây là loại nhân quả gì?”, Lã Động Tân nói cái này có thể là bởi vì kiếp trước không phạm vào dâm dục, kiếp này đỗ đạt cao, đạt vinh hiển, quang tông diệu tổ. Hoặc là bởi vì có người ở kiếp này giữ vững trinh tiết, không phạm vào dâm dục, không chỉ nhận được phúc báo ở kiếp này, mà còn kéo dài đến kiếp sau.
Như thế nào là không phạm dâm dục đây? Lã Động Tân giải thích tiếp: “Khi gặp thiếu nữ cho dù xinh đẹp kiều diễm, cũng không khởi một niệm tà dâm nào. Người lớn tuổi hơn thì coi là chị, người nhỏ tuổi hơn thì coi là em gái. Dung nhan như hoa như ngọc mà không phải vợ ta, thì phải biết tránh mạo phạm e sợ danh tiết bị tì vết cả đời. Một là sợ tổn âm đức bản thân, hai là sợ kinh động tới Thần linh ở Thiên thượng, ba là sợ báo ứng đến rất nhanh, không dám cẩu thả phạm tội tà dâm. Khi gặp người khác nói chuyện khuê phòng, thì dùng lời lẽ chính đáng, thái độ nghiêm nghị mà khuyên răn họ. Khi đi đường mà gặp nữ nhân, quay đầu không dám nhìn họ. Nếu gặp chị em nuôi, không được phép lui tới nói chuyện tư tình. Đối với chị em họ, khi gặp nhau không cho phép cười thỏa thích. Khi gặp thím và chị dâu, không được cùng ngồi cùng đi. Khi gặp cháu gái, thì phải đoan chính nghiêm khắc thủ lễ không được thân mật. Khi gặp sách họa tà bậy, lập tức đem đi đốt hết. Khi gặp người bạn phóng đãng bừa bãi, không được kết giao. Tâm có mang sự chính trực thì Trời xanh đều biết, cho nên đời này đỗ đạt khoa cử, công danh vinh hiển”. Nói tóm lại, đó là khi gặp nữ tử, bất luận có quan hệ như thế nào, đều phải giữ lễ cự sắc, đó mới là chính nhân quân tử.
Lã Động Tân sau đó lại đưa ra ba câu chuyện về người xưa cự tuyệt sắc được phúc báo:
Thời nhà Đường có Địch Nhân Kiệt, cả đời chính trực, thông minh. Một đêm có một người phụ nữ đến bên gối ông, ông để nguyên quần áo thức đến canh năm. Về sau đỗ đạt làm chức Tể tướng, con cháu giữ nhiều chức cao trong triều đình. Ở Giang Tây có một thư sinh thiếu niên, tên gọi là La Luân. Đêm khuya đang đọc sách ở trên lầu, có một người con gái đến gần bên anh ta. La Luân khuyên cô gái quay trở về, về sau La Luân đỗ đầu bảng làm Trạng Nguyên. Ở vùng Dư Thiên có một vị thầy thuốc họ Trần, từng chữa trị cho một gia đình rất nghèo khó, ban đêm có một người phụ nữ đến nói muốn hầu ông đêm đó để trả ơn ông đã cứu mạng. Trần y chỉ nói là không được, không ngừng nói là không được cho tới sáng. Về sau, con ông tham gia thi Hương đỗ đầu bảng. Nhiều đời con cháu hiển quý, còn để lại âm đức cho đời sau.
Rốt cuộc ba câu chuyện này xảy ra như thế nào?
Địch Nhân Kiệt cự sắc được đỗ đạt
Địch Nhân Kiệt là tể tướng nổi tiếng thời Võ Chu và nhà Đường, ông làm quan chính trực liêm minh, thực thi pháp luật không thiên vị, lại còn có dũng khí thẳng thắn can gián, ông từng cố gắng khuyên Võ Tắc Thiên lập người kế thừa nhà Đường, khiến ngai vàng nhà Đường được truyền tiếp tới đời sau.
Thời còn trẻ, Địch Nhân Kiệt có tướng mạo tuấn mỹ. Năm đó, ông đến kinh thành Trường An để tham gia khoa cử. Một hôm khi ông cùng với người hầu của mình đi đến Lâm Thanh, vì sắc trời đã tối, liền đến khách điếm để nghỉ ngơi. Ở phía sau phòng trọ của khách điếm chỉ có một gian thư phòng thanh nhã, chỉ đặt một chiếc giường đơn sơ. Sau khi ăn cơm tối xong Địch Nhân Kiệt liền ở trong gian thư phòng này đóng cửa, ngồi dưới đèn đọc sách.
Đọc sách đến canh hai, cửa phòng đột nhiên bị mở ra, một cô gái xinh đẹp bước vào. Trong lòng Địch Nhân Kiệt có hơi giật mình, không biết đây là người hay là quỷ, đành phải đứng lên thi lễ, rồi hỏi thăm cô gái đến có chuyện gì. Cô gái nói: “Tiện thiếp đang độ tuổi trẻ thì mất chồng, đêm dài buồn chán, may mắn hôm nay có lang quân hạ cố ghé qua, làm cho thiếp cảm thấy vô cùng may mắn.” Thì ra cô gái là chủ nhân của khách điếm này.
Địch Nhân Kiệt thấy cô gái xinh đẹp như hoa, không khỏi động tâm, đang muốn tiến lên, đột nhiên nghĩ đến “Mỹ sắc ai mà không yêu thích, không thể nào qua mắt được Trời cao”, nên quyết tâm cự tuyệt. Nhưng cô gái không chỉ tiếp tục dùng lời lẽ trêu chọc, mà còn tiến lên ôm lấy ông. Địch Nhân Kiệt cảm thấy khó mà nhịn nổi, vốn muốn xuôi theo cô gái, bỗng nhiên lại thầm nghĩ: “Không được, không được!” Liền vội vàng giãy thoát ra khỏi cô gái, muốn mở cửa đi ra ngoài, nhưng dưới tình thế cấp bách thế mà không thể mở được cửa.
Không có cách nào để thoát thân, Địch Nhân Kiệt đành phải giả vờ hùa theo nói với cô gái rằng, mặc dù bản thân động lòng, nhưng thân thể mắc bệnh lở loét đã ba năm, không cách nào làm bạn với phụ nữ. Cô gái biết đây là lấy cớ để từ chối, liền tỏ ý rằng dù có cùng chung chăn gối với ông nửa đêm cũng được, nói xong vẫn đem hai tay đặt trên vai của Địch Nhân Kiệt. Địch Nhân Kiệt mặc dù đã động lòng, nhưng lại nghĩ tới câu không thể nào qua mắt được Trời cao, nên miệng vẫn nói “Không được, không được”. Ba phen mấy bận như thế đều không thể thoát khỏi cô gái.
Lúc đó đột nhiên Địch Nhân Kiệt nhớ lại có vị cao Tăng trước đây đã dạy ông phương pháp loại bỏ tâm sắc dục, đó chính là khi đối mặt với mỹ sắc, thì hãy tưởng tượng đến dáng vẻ của đối phương khi mắc bệnh nặng thì dung mạo sẽ hốc hác tiều tụy, mắt hõm sâu, tưởng tượng đến hình dáng đáng sợ khi đối phương bị bệnh chết, thi thể sẽ thối rữa, toàn thân đầy máu mủ giòi bọ. Tà niệm lập tức biến mất, ông liền viết bốn câu thơ cho cô gái đọc:
“Mỹ sắc nhân gian chí nhạc xuân,
Ngã dâm nhân phụ phụ dâm nhân.
Nhược tương mỹ sắc tư vong phụ,
Biến thể thư toản diệt sắc tâm.”
(Sắc đẹp như mùa xuân cực lạc chốn nhân gian,
Ta dâm với vợ người thì vợ ta sẽ dâm với người khác.
Nếu đem sắc đẹp nghĩ thành người phụ nữ đã chết,
Khắp thân thể giòi bọ, lập tức diệt được sắc tâm.)
Cô gái không hiểu ý của bốn câu thơ, Địch Nhân Kiệt liền giải thích rằng: “Người người đều có cái tâm háo sắc này, không thể ngăn cấm, nhưng Trời cao kia khó mà dối gạt, sẽ làm hỏng âm đức. Ta thấy nàng mặt hạnh má đào, môi son cổ ngọc, dù là người bằng sắt cũng phải mất hồn. Cái lửa dục vọng này, hẳn cần phải diệt, diệt rồi lại bùng lên, cứ như vậy ba lần, nếu có ba vị mỹ nhân, thì đã làm hỏng mất đức hạnh của ba người rồi. Hiện giờ ta chỉ xem nàng là một người đã chết, sau bảy ngày, bị muôn vàn giòi bọ đục khoét, bốc mùi hôi thối, thì tâm dâm dục liền biến mất. Nếu nàng vẫn còn lòng ái mộ ta, cũng hãy đem ta ví như một người đã chết, nghĩ đến toàn thân đầy giòi bọ, một đống xương khô, cho dù dung mạo có hơn người, thì lửa này sẽ tắt, không thể sinh ra nữa.”
Cô gái sau khi nghe xong, như đang ở trong mộng mới bừng tỉnh, bái tạ rồi đi. Địch Nhân Kiệt thấy cô gái ấy đã rời đi, trong lòng mừng rỡ. Sau khi trời sáng thì lập tức rời khỏi khách điếm, về sau thi đỗ Tiến sĩ, đồng thời làm đến chức Tể tướng, có công an bang định quốc. Còn về cô gái kia, nghe nói cũng chiếu theo phương pháp đó, đã giữ vững được tiết hạnh của người phụ nữ.
Thần Tiên chuyên quản chuyện nhân gian, La Luân vốn sớm được định thi đỗ
La Luân là người vùng Vĩnh Phong, Cát An, tỉnh Giang Tây, từ nhỏ đã thông minh có lễ độ. Lúc 5 tuổi ông đi theo mẹ đến vườn cây ăn quả, khi quả rụng xuống, mọi người đều nhao nhao đi nhặt, còn cậu bé La Luân lại không nhúc nhích, đợi đến lúc ông chủ đem trái cây đưa cho cậu thì cậu mới đưa tay nhận lấy. Mặc dù nhà nhà nghèo, nhưng cậu không ngừng đọc sách, lập chí đọc sách Thánh hiền. Tri phủ Trương Tuyên thương cảm nhà cậu nghèo khó, nên mỗi tuần đều mang gạo đến cho nhà cậu, cậu cung kính cảm tạ nhưng không nhận. Đến năm 14 tuổi, La Luân liền bắt đầu làm thầy giáo ở trong thôn, kiếm tiền nuôi mẹ.
Vào năm Thành Hóa thứ hai, La Luân tham gia thi đình, viết bài thi hơn vạn chữ, thẳng thắn chê trách các thói xấu đương thời, được chọn làm Trạng Nguyên, nổi danh khắp kinh đô, được ban cho chức Hàn Lâm Tu soạn. Nghe nói khi đi tham gia thi hội, lúc thuyền đi qua vùng Tô Châu, La Luân nằm mộng thấy Phạm Văn Chính Công (Phạm Trọng Yêm) của triều Tống nói với La Luân rằng: “Sang năm ngươi sẽ đỗ Trạng Nguyên.” La Luân khiêm tốn nói không dám nhận. Phạm Công nói: “Chuyện phát sinh ở tửu lâu đó vào năm ấy, ngươi đã làm cho Thái Thanh (Thái Thượng Lão Quân) cảm động, cho nên dùng cách này để hồi báo cho ngươi.” Lúc này La Luân mới nhớ tới sự việc, năm đó từng đến một tửu lầu để ăn cơm, có một cô ca sĩ xinh đẹp thấy La Luân là thanh niên tài tuấn nên đem lòng ái mộ, cô chủ động sà vào lòng của La Luân, La Luân nhã nhặn từ chối không nhận. Thì ra Trời cao lại có cảm ứng như vậy.
Ngoài ra, ở vùng núi Song Kế của Tuyền Châu còn lưu truyền rộng rãi một truyền thuyết như sau: Trước khi đến kinh thành tham gia thi cử, La Luân đã đến nơi đây cầu mộng để hỏi về tiền đồ của mình. La Luân ở lại trong “động Phong Sơn” liên tiếp chín ngày chín đêm, nhưng không mơ thấy giấc mộng nào. Sáng sớm ngày thứ mười, La Luân mượn bút mực của người coi Miếu, rồi viết lên vách động hai câu thơ:
“Thiên lý lộ đồ lai cầu mộng, cửu tiêu vô mộng thị vô duyên.
Thần tiên bất quản phàm gian sự, hồi khứ giang tây trung trạng nguyên.”
Tạm dịch:
“Ngàn dặm đường xa đến cầu mộng, Trời không thác mộng quả vô duyên.
Thần Tiên không quản việc nhân gian, quay về Giang Tây đỗ Trạng Nguyên.”
Viết xong hai câu thơ La Luân liền quăng bút rồi ra đi. Nhưng chờ khi La Luân đi đến dưới chân núi, thì trên trời đột nhiên nổi lên một trận sấm. La Luân đành quay lại hang động để lấy cây dù đã để quên trong lúc vội vàng, khi vào động thì phát hiện hai chữ của câu thơ trên vách động đã được thay đổi: chữ “vô duyên” đổi thành “hữu duyên”, chữ “không quản” đổi thành “chuyên quản”, hơn nữa nước mực còn chưa khô. Về sau quả nhiên La Luân được đề tên bảng vàng.
Thầy thuốc họ Trần cự sắc, tử tôn đắc phúc báo
Ở vùng Dư Hàng, tỉnh Chiết Giang có vị thầy thuốc họ Trần, chữa khỏi bệnh cho một bệnh nhân sắp chết của một gia đình nghèo khó, mà lại không hề lấy một đồng tiền phí chữa bệnh. Về sau, vào một hôm, khi thầy thuốc Trần đang trên đường đi chữa bệnh về thì gặp mưa to, vừa khéo đi ngang qua nhà của người bệnh nhân nghèo ấy, liền ghé vào xin nghỉ lại.
Đến nửa đêm, người vợ của bệnh nhân ấy vâng lời mẹ chồng, đi đến trước giường của thầy thuốc Trần, ý định lấy thân để cảm tạ. Thầy thuốc Trần thấy người thiếu phụ trẻ đẹp, không khỏi động tâm, nhưng lập tức khắc chế bản thân và nói “Không thể!”. Người thiếu phụ liên tục khẩn cầu, thầy thuốc Trần chỉ có lảng tránh, liên tục nói ““Không thể!”! Không thể!”
Vì để tránh cho mình mất khống chế, thầy thuốc Trần cả đêm không ngủ, một mực ngồi cho đến khi trời hửng sáng. Đến cuối cùng, khi suýt chút nữa ông không khắc chế được bản thân, liền la lớn lên “‘Không thể!’ là hai chữ khó nhất!” Rốt cục đợi được cho đến khi trời sáng, ông lặng yên rời đi.
Về sau, con trai của thầy thuốc Trần tham gia thi cử. Lúc quan chủ khảo chấm bài thi dự định loại bỏ bài thi của con trai thầy thuốc Trần, thì đột nhiên nghe thấy một giọng nói: “Không thể!” Vì vậy quan chủ khảo khêu đèn để đọc lại, vẫn cho rằng bài thi không tốt, quyết định loại bỏ. Lúc này, lại nghe thấy có giọng nói liên tục cất lên: “Không thể! Không thể!” Cuối cùng quan chủ khảo quyết định giữ chủ ý ban đầu, không suy xét nữa. Giọng nói kia lại vang lên: “‘Không thể!’ là hai chữ khó nhất!”, mà lại là nói liên tục không ngừng.
Quan chủ khảo cảm thấy rất kỳ quái, liền cho con trai thầy thuốc Trần trúng tuyển. Sau khi công bố danh sách những người thi đậu, quan chủ khảo tìm đến gặp con trai thầy thuốc Trần, muốn hỏi là có chuyện gì xảy ra. Con trai thầy thuốc Trần cũng không biết. Đợi khi anh ta về nhà đem chuyện này nói cho cha biết, thầy thuốc Trần không khỏi thở dài cảm thán: “Đây là do ngày trước ta đã làm một chuyện tốt, không ngờ rằng ông Trời lại dùng phương thức này để hồi báo cho ta vậy!”
Có thể thấy được, một người chỉ cần trong tâm còn có ý niệm chính trực, Trời cao nhất định sẽ biết được, và ngược lại thì Trời cao cũng nhất định sẽ biết.
Tài liệu tham khảo:
“Thuyết nhân quả ba đời của Phu Hựu Đế quân Thuần Dương Tổ sư”
“Tiết Cương phản Đường”
“Minh Sử”
“Song Kế Tiên sơn chí”
“Thọ Khang bảo giám”
Tác giả: Liu Xiao (Lưu Hiểu)
Biên tập: Li Jingcheng
Tiểu Minh biên dịch
Xem thêm: