Trẻ em có chọn cha mẹ cho mình không?
Chị Deb Wise đang đưa cô con gái 4 tuổi Katie vào thị trấn để dùng bữa trưa với chồng của chị, anh Dennis. Bé Katie hỏi liệu chú Tom, một người bạn tốt của họ, có ở đó không. Chị Wise trả lời có, và Katie kề sát bên chị thì thầm một bí mật.
“Chú ấy đã có lần cứu mạng con,” cô bé nói.
Chị Wise lặng đi và nổi da gà khắp người.
Không đời nào con gái chị có thể biết được điều đó. Khi chị Wise phát hiện mình đang mang thai Katie, chị đã cân nhắc, với một trái tim nặng trĩu, ý định phá thai.
Kỳ thực, việc mang thai Katie đã giải cứu cuộc đời của chị Wise. Và kể từ khi chị và anh Dennis được ban cho cô con gái vui vẻ này, gần như không có dấu hiệu nào cho thấy rằng Katie cũng biết chuyện ấy. Trên thực tế, theo chị Wise, bé Katie đã dự tính cho điều đó.
Nhưng lời nhận xét đó về chú Tom đã làm sáng tỏ câu chuyện — lúc đó, chị Wise biết rằng bé Katie chính là mẹ chị, bà Elizabeth, đã trở về.
Tiền kiếp của trẻ em
Chị Wise đã tìm kiếm lời khuyên từ bà Carol Bowman. Dưới sự cho phép của chị Wise, bà Carol đã kể lại câu chuyện của chị trong cuốn sách “Return From Heaven” (Trở Về Từ Thiên Đường).
Bà Bowman là một nhà trị liệu tiền kiếp và nhà nghiên cứu luân hồi có hiểu biết độc đáo về kiếp trước của trẻ em. Sau lần tự mình trải qua liệu pháp tiền kiếp, bà đã thấy những đứa con nhỏ của mình, 5 và 9 tuổi vào thời điểm đó, đều chữa lành các hội chứng sợ (phobia) ngay lập tức và vượt qua một căn bệnh thể chất trong vài ngày. Vì thế, sự thấu tỏ rằng có lẽ “linh hồn muốn chữa lành,” dẫn đến các hội chứng sợ và tình trạng bệnh không thể giải thích được, đã thúc đẩy bà tham gia vào nhiều cuộc trò chuyện với các bậc cha mẹ trong cộng đồng của bà, những người hóa ra cũng từng nghe thấy con cái của họ tự nhiên nhớ lại những ký ức từ tiền kiếp.
Nghiên cứu của bà Bowman dẫn đến sự ra đời của cuốn sách “Children’s Past Lives” (Tiền Kiếp Của Trẻ Em), đóng vai trò như một bản hướng dẫn cho các gia đình người Mỹ bối rối khi con nhỏ của họ, thường dưới 6 tuổi, bắt đầu nhớ lại các kiếp trước.
Trong ba thập niên qua, bà Bowman đã thu thập hàng trăm câu chuyện và phát hiện ra nhiều chủ đề lặp đi lặp lại — một trong số đó là chuyện chuyển sinh trong cùng gia đình.
“Khi tôi nghiên cứu sâu hơn, tôi đã gặp những trường hợp mà các bậc cha mẹ gọi cho tôi nói rằng, ‘điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng tôi nghĩ cha tôi đã được tái sinh làm con gái tôi’ hoặc ‘mẹ tôi đã mất trong một tai nạn xe hơi đã trở lại là con trai tôi,’” bà Bowman nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình NTD.
“Sự trở về với gia đình” này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng nó xảy ra đủ thường xuyên để bà Bowman nhận ra hiện tượng này xứng đáng được nghiên cứu. Bà đã thu thập rất nhiều câu chuyện và chúng trở thành cơ sở cho cuốn sách của bà, có nhan đề “Return From Heaven” (Trở Về Từ Thiên Đường), khám phá một số lý do cho hiện tượng này và những ảnh hưởng của trải nghiệm này đối với các gia đình.
Ban đầu, bà Bowman cho rằng sự trở về với gia đình là ngoại lệ, không phải là quy luật, và hơn nữa là điều hiếm hoi. Khi bà thu thập thêm càng nhiều câu chuyện, bà nhận ra rằng chuyển sinh vào cùng một gia đình là điều hợp lý.
Cô bé Katie và bà Elizabeth
Trẻ em nói về việc chọn cha mẹ, mặc dù ở phương Tây, đó không phải là một cụm từ gợi nhắc về luân hồi.
Cha mẹ của chị Wise ly dị khi chị còn nhỏ, và sau đó, mẹ chị đã hoàn toàn thay đổi. Điều đó thật khủng khiếp đối với bà, bà bị trầm cảm nặng và uống rất nhiều rượu.
Bà Elizabeth đã ngược đãi con khi say, cả bằng lời nói và thể chất. Chị Wise nhớ lại việc nhốt mẹ trong phòng ngủ trong những cơn giận dữ và che chở cho em gái mình. Trong một quãng thời gian, chị Wise thực sự ghét mẹ mình, nhưng chị không bao giờ kể với bất cứ ai về những khoảnh khắc trong gia đình như vậy.
Khi chị Wise 18 tuổi, mối quan hệ của chị với mẹ bắt đầu được cải thiện. Mối quan hệ này kết thúc đột ngột khi bà Elizabeth rơi vào tình trạng hôn mê, qua đời hai tuần sau đó. Quá trình chữa lành của chị Wise đột ngột bị gián đoạn. Chị cầu nguyện cho mẹ mình và cảm thấy những lời cầu nguyện đó không được hồi đáp.
Nhiều năm sau, chị Wise kết hôn và có ba con. Chồng chị thường xuyên có những cuộc chè chén say sưa, và trong thời gian này, chị Wise đã có những giấc mơ về thời thơ ấu của mình — những ký ức hạnh phúc về mẹ khi mẹ còn trẻ. Đó là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Chị Wise sợ phải rời bỏ cuộc hôn nhân này, ngay cả sau khi chị đã yêu anh Dennis.
Sau đó, chị Wise mang thai đứa con thứ tư, và những giấc mơ không đến với chị nữa.
Đứa trẻ là con của anh Dennis và đã làm đảo lộn cuộc sống của chị Wise. “Chúng tôi đã vô cùng bấn loạn,” chị Wise nói với bà Bowman. Chị đã suy xét đến việc phá thai.
Ngày hôm sau, anh Tom, đồng nghiệp của anh Dennis, nói rằng cả đêm qua anh không ngủ được vì bị ám ảnh bởi tiếng khóc của một đứa trẻ, và nghĩ có lẽ đó là một dấu hiệu cho thấy có một đứa trẻ đang gặp rắc rối. Anh Dennis rơi nước mắt khi nghe điều này và chia sẻ toàn bộ câu chuyện với anh Tom. Anh Tom đã thúc giục anh Denis cứu sống đứa bé.
Việc mang thai đó đã thúc đẩy chị Wise ly hôn. Bằng hữu và gia đình hoàn toàn xa lánh và quay lưng lại với chị khi họ phát hiện ra chị đang mang thai. Nhưng chị Wise tin rằng đó là lựa chọn đúng đắn để giữ lại em bé.
Cô bé Katie biết nói sớm, và một trong những câu hoàn chỉnh đầu tiên của cô bé là, “Mẹ có nhớ khi con là mẹ của mẹ không?” Chị Wise nghĩ rằng đó chỉ là lời nói của trẻ con và không quá chú ý đến nó.
Một ngày nọ, bé Katie bò vào lòng chị Wise và nói, “Họ thường gọi con là Blondie,” đó là biệt danh của bà Elizabeth khi còn bé, mà chắc chắn Katie chưa bao giờ nghe thấy. Cô bé nói về khoảng thời gian là “mẹ” của chị Wise một lần nữa và sau đó nói, “Nhưng con không yêu thương mẹ nhiều khi mẹ là con gái nhỏ của con.”
Điều đó vừa ám ảnh vừa kỳ lạ. “Tại sao con lại không yêu thương con gái mình? Các bà mẹ vẫn luôn yêu thương các cô con gái nhỏ của mình cơ mà!” chị Wise nói. Cô bé Katie trả lời: “Bởi vì mẹ thường la mắng con, mẹ đẩy con vào phòng và khóa cửa lại.” Chị Wise sửng sốt. Chị chưa bao giờ kể với bất cứ ai về những lần nhốt mẹ trong phòng ngủ.
Bằng chứng tiếp tục xuất hiện, khi bé Katie chia sẻ chi tiết về cuộc sống của bà Elizabeth và cho thấy sở thích với cùng một loại thực phẩm kỳ quái ở thời kỳ trầm cảm, cho đến khi Katie chia sẻ rằng chú Tom đã cứu mạng cô bé, và lúc đó chị Wise chợt hiểu ra.
“Tôi cảm thấy buồn cho mẹ tôi — bà có một tuổi thơ khốn khổ, và vì nghiện ngập, bà chưa bao giờ có mối quan hệ tốt với bất kỳ ai trong chúng tôi. Thật là lãng phí một cuộc đời. Bây giờ, tôi cảm thấy nếu bé Katie là mẹ tôi, thì bà đã được trao một cơ hội khác. Có lẽ đây là cuộc đời thứ hai, thứ ba, hoặc thứ một trăm của bà để lĩnh hội ra điều đó. Tôi nghĩ đó là lý do bà [chuyển sinh] trở về. Hy vọng lần này mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Bất kể linh hồn này là ai, tôi yêu cô bé,” chị Wise nói với bà Bowman.
“Một điều mà tôi biết chắc chắn: Nếu Katie là mẹ tôi, thì cô bé đã cứu mạng tôi. Bằng lần quay trở lại này, bé buộc tôi phải thoát khỏi một cuộc hôn nhân tồi tệ và nguy hiểm. Có lẽ đó là cách cô bé trả ơn tôi vì tất cả những điều xấu xa mà cô bé đã làm khi tôi lớn lên. Và những dấu hiệu nhỏ của Katie, những lần kể chuyện của cô bé, tôi tin rằng đó là cách mẹ tôi cho tôi biết bà ấy đã trở lại và chúng tôi có thể tiếp tục có một mối quan hệ yêu thương lần này.”
Tại sao là nơi đây một lần nữa?
Cha mẹ của bé Jessa không theo đạo, vì vậy, họ rất ngạc nhiên khi đứa con 2 tuổi của họ thường nói về thiên đàng và kể cho họ nghe những câu chuyện về Chúa. Cô bé nói rằng trước khi cô là con gái của họ, cô là con gái của Chúa, và trước đó, cô có những người cha mẹ khác và sống trong một ngôi nhà gỗ.
Cô bé nói với họ rằng trước khi mình được sinh ra, cô bé đã ngồi bên Chúa, và họ đã chọn cha mẹ cho cô vì họ cần một người như cô trong cuộc sống của họ.
Cùng với những ký ức về một kiếp sống khác, trẻ em đôi khi cũng nhớ lại những ký ức về quãng thời gian giữa các kiếp sống. Một đứa trẻ 4 tuổi trong cuốn sách của bà Bowman cho biết thiên đường không chỉ là nơi để “nghỉ ngơi và tận hưởng. Bạn có việc phải làm ở đó.” Một phần của công việc này chính là chọn ra gia đình tiếp theo của mình.
Điều mà các đứa trẻ nhớ về quãng thời gian giữa các kiếp sống mô tả là tương tự với “phía bên kia” mà những người trải nghiệm cận tử thường nói đến. Ngoài ra còn có các kỹ thuật thôi miên được phát triển để hồi tưởng những ký ức từ phía bên kia chứ không phải là kiếp trước, tiết lộ các yếu tố tương tự.
Nghiên cứu cho thấy mọi người thường chuyển sinh song song với những linh hồn mà họ có mối quan hệ khác nhau trong kiếp trước, có lẽ để học cách tha thứ bằng cách quay trở lại với người đã đối xử sai lầm với chúng ta trong quá khứ, hoặc ngược lại — quay trở lại với người mà chúng ta đã đối xử không tốt để sửa sai, bà Bowman nói. Những “trường hợp cùng một gia đình” này cho thấy sự chuyển sinh không phải là ngẫu nhiên.
Những trường hợp trên cho thấy sự chuyển sinh của một người thật đáng kinh ngạc, bà Bowman giải thích. Trong các trường hợp cùng một gia đình hoặc các trường hợp trở về gia đình, bà đã chứng kiến những hành trình chuyển đổi mà trong đó cả trẻ em và cha mẹ, và đôi khi là gia đình mở rộng, cùng nhau tái sinh. Đôi khi đó là những bậc ông bà có quá ít thời gian để hiểu gia đình của họ, và đôi khi đó là những đứa trẻ đã ra đi một cách bi thảm khi còn nhỏ — ngay cả khi bị sẩy thai — trở lại [làm con của] cùng một người mẹ.
Trong trường hợp của chị Wise, mẹ chị đã trở về để khắc phục lỗi lầm trong quá khứ.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times