Trải nghiệm thần kỳ của ông lão 70 tuổi
Ngôi làng tôi sống khi còn nhỏ xinh đẹp và thanh bình. Nơi ấy có một cây xoan cổ thụ cành lá xum xuê. Trải qua bao nhiêu năm gió táp mưa sa, cây vẫn sừng sững ở đó. Vậy mà một trận nhân họa “cộng sản” lại nhẫn tâm phá hủy cây cổ thụ ấy. Từ đó, mọi người không còn được hưởng thụ ân che chở của cây nữa, chỉ còn lại những tiếng thở dài tiếc nuối vô tận!
Quê hương xinh đẹp bị tàn phá
Tôi sinh ra vào những năm 1950, ở một làng quê vùng thung lũng miền trung Trung Quốc. Làng nằm giữa ba ngọn núi đơn độc có tên là Bảo Sơn. Ba ngọn núi này, một ngọn có sản vật ngọc, một ngọn có sản vật là đá Kyanite xanh lam, còn một ngọn toàn là đá vôi. Chúng mang đến lợi ích kinh tế to lớn cho người dân.
Khi tôi còn nhỏ, trong làng có chưa đến một trăm người. Ngôi làng tuy bé nhưng cổ kính và trang nhã. Trước làng có một hồ nước hình chữ nhật, xung quanh là những con đường, tựa như khung gương. Hai phía có hai con đường dẫn vào làng, như chân của chiếc gương. Vì vậy, mọi người nói hồ nước chúng tôi giống một chiếc gương. Phía đông hồ nước có cửa thoát, được tạo nên bằng các phiến đá xanh chạm trổ thành hình răng lược ngăn cách với bên ngoài. Các “răng lược” được xếp đặt theo hàng chếch nghiêng, nước phải chảy gấp khúc mới có thể thoát ra ngoài, mục đích là không để cho những con cá nhỏ thoát khỏi hồ. Ở miệng đường dẫn nước mưa đổ vào hồ có một tảng đá xanh hình hộp chữ nhật bóng loáng. Mọi người thường ngồi ở đó giặt áo quần và rửa tay chân rất tiện lợi.
Phía nam hồ nước là vườn mai còn lưu lại từ thời Trung Hoa Dân Quốc. Vào mùa xuân và mùa hạ, lá xanh, hoa nở, cây kết trái tỏa hương thơm bay theo làn gió. Ở phía tây đầu làng có một giếng nước cổ miệng tròn, gờ giếng bằng đá xanh, xung quanh thành giếng cũng được xây bằng đá xanh nhẵn bóng. Đặc biệt, giếng có ròng rọc kéo nước bằng đá, dây thừng cọ xát vào thành giếng tạo ra một rãnh sâu. Không ai biết được giếng nước cổ được xây dựng vào lúc nào.
Cây xoan cổ thụ bên cạnh giếng có niên đại xa xưa, thậm chí còn lâu đời hơn giếng nước cổ. Dân làng chưa từng đo lường được rốt cuộc cây cổ thụ cao lớn đến bao nhiêu. Không thể dùng con số chính xác để tính toán, nhưng những người già trong làng nói: có một người lạ lần đầu tiên đến ngôi làng này, khi còn cách xa ngôi làng mười dặm, tám dặm dừng lại hỏi đường, người ta sẽ dùng tay chỉ vào cây cổ thụ và nói: “Chỗ cái cây kia chính là ngôi làng đó.” Người hỏi đường sẽ tự hiểu, theo hướng cây ấy đi thì sẽ đến được chỗ cần tìm.
Cây xoan rốt cuộc to bao nhiêu? Bên trong của nó hoàn toàn rỗng, chỉ có các bộ phận xung quanh vẫn còn “sống.” Phía nam của cây có một ô “cửa,” người lớn có thể ra vào bên trong mà không cần cúi đầu. Bước vào trong thân cây và nhìn lên trên thì chỉ thấy một mảng tối đen, không nhận biết được đỉnh của nó. Nơi đây vẫn luôn là “phòng cắt tóc” của người dân trong làng. Ở giữa đặt một băng ghế rộng chuyên dụng có ngăn kéo dành cho thợ cắt tóc. Người cắt tóc ngồi ở trên đó, thợ cắt tóc đi vòng quanh ghế để cắt tóc cho họ. Xung quanh có người vừa ngồi nói chuyện phiếm vừa chờ đợi đến lượt mình. Mặc dù khoang rỗng ở giữa to đến vậy, tán cây khổng lồ phía trên được nâng đỡ bởi “lớp da” xung quanh không dày lắm, nhưng không hề ảnh hưởng đến sức sống mãnh liệt của những cành lá tươi tốt xum xuê của nó.
Tầng lá của cây xoan dày và rậm như thế nào? Người lớn kể rằng: Khi trời đổ mưa (khoảng 10 ~ 15mm), ở dưới tán cây sẽ không thấy được giọt mưa nào. Bóng cây còn rộng hơn cả sân đập lúa mì. Dù là giữa ngày hè nóng bức, người dân chỉ cần đến dưới bóng cây sẽ cảm thấy mùa thu đã tới rồi. Toàn thân nóng nực, mồ hôi vừa ướt đẫm lập tức sẽ biến mất không thấy tăm hơi. Cảm giác mát mẻ dễ chịu đó thật không cách nào diễn tả được!
Một cây cổ thụ cao lớn tạo bóng mát, che mưa cho biết bao nhiêu người, mang đến cho người dân biết bao nhiêu hưởng thụ trong cuộc sống và tinh thần. Một cây đại thụ có nhiều công lao đối với ngôi làng, trăm ngàn năm qua trải biết bao gió táp mưa sa, sấm rền chớp giật, vượt qua vô số khắc nghiệt của tự nhiên, đều không khiến cây khô kiệt ngã xuống. Thế nhưng, một trận nhân họa “cộng sản” lại nhẫn tâm phá hủy nó. Đảng cộng sản của Mao Trạch Đông đã điên cuồng chặt hạ cây cổ thụ xuống chỉ để dùng nó nung lò luyện sắt thép! Từ đó, cây không còn, bóng mát tiêu tan, chim chóc tản mất, người dân cũng không được hưởng thụ ân che chở của cây nữa. Dân làng không còn được thưởng thức bóng dáng đẹp đẽ và tư thế hùng vĩ của cây cổ thụ. Chỉ còn lại những tiếng thở dài tiếc nuối vô tận!
Giặc cộng sản soán quyền, nông dân trở thành nông nô
Xung quanh làng có hơn 300 mẫu ruộng đất. Toàn bộ là đất pha, tuy không phải là đất màu mỡ bậc nhất nhưng cũng là loại đất tốt. Trước năm 1949, phần lớn diện tích đất đó thuộc sở hữu của địa chủ. Một số hộ gia đình nhỏ cũng sở hữu một phần nhỏ bé trong số đất ấy. Đất của địa chủ cho những tá điền thuê trồng trọt. Cha tôi kể rằng, nhà tôi có ba đinh là ông nội, em trai của ông nội và cha tôi, trong nhà có trâu bò, lừa, xe kéo, cối xay đá và nông cụ khác. Nhà tôi thuê một trăm mẫu đất trồng, phân chia tỉ lệ 5-5 với địa chủ, nghĩa là có năm mươi mẫu đất. Mỗi năm lương thực được phân chia chất đầy kho, rau dưa đầy đủ, dầu mè đựng đầy chum to.
Ông nội của tôi đến làng này vào năm 1946. Đến năm 1949, giặc cộng sản lên nắm chính quyền. Số tiền bán lương thực của nhà tôi chỉ trong ba năm (từ 1946 đến năm 1949) đã mua được sáu mẫu đất. Những người nông dân khác sở hữu vài mẫu đất cũng đều có cơm ăn, áo mặc, nhà ở đầy đủ, cũng có thể thành gia lập thất, nuôi dưỡng con cái. Không hề nghe nói có ai không có cơm ăn, không có nhà ở, càng không có hiện tượng mất mạng vì đói kém. Vào những dịp nông nhàn, mọi người tự do thoải mái tham gia hội làng, xem diễn kịch. Cha tôi thường ngồi ghế đặt trên xe bò kéo lót cỏ bồng đi xem hội, xem kịch.
Sau khi giặc cộng sản cướp chính quyền, họ tạm thời phân chia đất cho người nghèo, nhưng chưa tới vài năm thì thực hiện việc thu mua và tiêu thụ dàn trải. Đầu tiên là thu lương thực của nông dân quy về sở hữu của Đảng. Tiếp đó, họ thành lập các tổ đổi công, Hồng quang xã, công xã nhân dân, lại tịch thu đất đai, xe kéo, gia súc, nông cụ sung công thuộc về địa chủ lớn nhất là ĐCSTQ. Đông đảo nông dân hoàn toàn bị biến thành nông nô không có đất đai, không có tự do chính trị, không có tự do đi lại.
Cơm tập thể ăn không đủ no, người mất mạng vì đói kém nhiều vô số kể
Cha tôi nói: “Lần này nghèo đến tận cùng rồi!” Đâu chỉ như vậy! Tiếp sau đó lại tổ chức ăn “cơm tập thể.” Tất cả mọi thứ kể cả nồi, chén, thìa muỗng, thau chậu đều bị ĐCSTQ tịch thu. Khi thực hiện ăn cơm tập thể, một số rất ít cán bộ, người của nhà ăn là ăn ngon uống tốt, đầu to bụng phệ, mặt mày hồng hào tỏa sáng, còn hầu hết các “xã viên” (nông nô), bao gồm cả nhà chúng tôi, chỉ có thể ăn cháo loãng. Ăn cơm tập thể không đủ no, chúng tôi bèn lén ăn thêm rau dại, lá cây, bã rượu, châu chấu, chuột. Mọi người đói đến mức mặt phù thũng, xanh xao vàng vọt, da bọc xương. Những người già yếu đều mất mạng vì đói. Ông nội tôi mất vào năm 1959 cũng vì nguyên nhân này. Người chết đói trên toàn quốc nhiều vô số kể. Những người biết được sự thật này không còn tin tưởng vào lời nói dối trắng trợn “Đảng cộng sản là vị cứu tinh vĩ đại, đã giải cứu đông đảo nhân dân bần cùng khốn khổ thoát khỏi xã hội cũ đói rét khổ cực, lầm than.”
Vì sao ĐCSTQ làm ra những chuyện hoang đường như vậy? Tại buổi họp trong thôn, một cán bộ công xã đã tiết lộ bí mật trong đó. Vào một đêm trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” của những năm 1970 (từ 16/05/1966 đến 06/10/1976), nông nô mang mỹ danh “xã viên công xã” ngồi lộn xộn trong một khu nhà xay bột đang tỏa ra mùi phân và nước tiểu lừa nồng nặc. Tiếng nói của một cán bộ công xã dáng người cao to, khuôn mặt kiên nghị, đang tuyên truyền cho quần chúng: “Không có Thần Tiên, Hoàng Đế, Chúa cứu thế. Toàn bộ đều là nhờ Đảng cứu giúp người nghèo, tạo phúc cho nhân dân. Chính quyền Đảng cộng sản một khi mất đi, thì tất cả mọi thứ đều không còn. Địa chủ sẽ một lần nữa cưỡi lên đầu, lên cổ nhân dân, làm mưa làm gió, bần nông và trung nông sẽ lại một lần nữa chịu hai lần khổ, nhận hai lần tội.”
Cho dù Đảng cộng sản đã thực hiện tuyên truyền tẩy não về mọi mặt như vậy trong một thời gian dài, nhưng vẫn không thể xóa bỏ sự thật trong lòng những người đến từ “xã hội cũ.” Một người có xuất thân là bần nông, trước năm 1949 trong nhà có vài mẫu đất, nay bị gọi là “gia đình có vấn đề” đã nhỏ giọng nói khẽ với tôi rằng: “Ở xã hội cũ, gia đình tôi có vài mẫu đất, cũng nộp thuế lương thực, nhưng chỉ giao nộp chưa đầy một cái đấu tre vuông, bây giờ thì giao nộp nhiều, giữ lại ít.” Lời nói chân thực đơn giản này đã phản ánh tình trạng cùng khổ của người nông dân thời kỳ Cách mạng Văn hóa, bóc trần những lời tuyên truyền lừa dối của Đảng cộng sản.
Câu nói: “Chính quyền Đảng cộng sản một khi mất đi thì tất cả mọi thứ đều không còn,” không phải nói người dân chịu khổ, chịu tội, mà là những quyền và lợi ích của Đảng cộng sản có được sẽ hoàn toàn chấm dứt. Để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, Đảng cộng sản đã không ngần ngại thổi bùng “ngọn gió cộng sản” khiến người dân mất mạng vì đói. Những người nông dân sinh sống trên đồng ruộng phì nhiêu đất đai màu mỡ giữa ba ngọn Bảo Sơn lại có thể nghèo xơ xác, bị mất mạng vì đói một cách cư nhiên, thực là “chuyện lạ trên đời”!
“Thanh niên trí thức” xuống nông thôn, rốt cuộc thực hiện được ước mơ sinh sống ở thành thị
Đưa thanh niên trí thức xuống nông thôn lao động vốn là để giải quyết tình trạng thanh niên ở thành thị thất nghiệp, nhưng được ca tụng là “tiếp nhận việc giáo dục lại tầng lớp bần nông và trung nông,” “tha hồ phát huy tài năng.” Hiện thực tàn khốc của việc lao động chân tay nặng nhọc, bán mặt cho đất, phơi lưng cho trời, gần như không có thu nhập, đời sống văn hóa bần cùng, đặc biệt là nạn xâm hại đối với nữ thanh niên trí thức… đã khiến cho những người thanh niên trí thức cảm nhận sâu sắc việc bị lừa dối, họ nhớ nhung cuộc sống ở thành thị. Một thanh niên trí thức đã viết trong thơ rằng:
“Đêm thành phố huyền ảo,
Trời màu hồng, mây màu hồng,
Từng ô cửa sổ, từng ngọn đèn,
Ngọt ngào mông lung,
Như ánh mắt người tình ngái ngủ.”
Bài thơ đã khơi dậy khao khát vô tận đối với cuộc sống thành thị trong tôi. Tôi quyết tâm đi vào nơi có “mây màu hồng” kia.
Ông Mao Trạch Đông qua đời, “Tứ nhân bang” [1] tan rã, thảm họa “Cách mạng Văn hóa” chấm dứt. ĐCSTQ vì muốn tiếp tục tồn tại, buộc phải cải cách mở cửa, khôi phục kỳ thi tuyển sinh đại học. Kỳ thi tuyển sinh đại học là cơ hội duy nhất để trẻ em nông thôn thay đổi cuộc sống “bán mặt cho đất, phơi lưng cho trời,” chỉ dựa vào việc bán sức lực mà sinh tồn. Vì thế, tôi dùng tinh thần “cột tóc lên xà nhà, lấy dùi đâm chân,” quên ăn quên ngủ để ôn luyện học tập. Sau khi “liều mạng” học, cuối cùng ước mơ của tôi cũng trở thành hiện thực, tôi thi đậu vào một trường sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại thành phố làm việc, kết hôn, sinh con và sống một cuộc sống ở thành thị.
Giảng chân tướng trong công viên, được Thần đồng khích lệ
Tôi làm công việc giáo dục ở thành phố, nhưng lý niệm của tôi không được chấp nhận và phát triển, nên chỉ có thể lặng lẽ cố gắng. Ngoài thời gian làm việc, đọc sách và viết lách, tôi đi đến những di tích danh thắng cổ, công viên và những nơi khác để thăm viếng, khám phá cảnh đẹp, hoặc gặp gỡ những người có tri thức để nâng cao kiến thức. Một ngày nọ, tôi nhìn thấy một câu đối trong đền thờ Vũ Hầu, dường như nó không có trong sách vở:
“Hóa dục thùy khắc độc tham thượng kỳ cung tường chiêm mỹ phú,
Văn minh tòng tư đại khải hội khán tường tự khởi phong vân.”
Tạm dịch:
“Việc giáo dục mình ai lo liệu, còn dựa vào tường cung ngóng đẹp giàu,
Văn minh từ đây khai mở rộng, nhìn thứ lớp trường làng khởi gió mây.”
Câu đối đã biểu đạt về tầm quan trọng của giáo dục nhà trường đối với văn minh nhân loại và phát triển cá nhân một cách sâu sắc tinh tế. Nội dung của nó có tác dụng cổ vũ to lớn đối với vô số học sinh khắc khổ học tập. Tôi thường đọc và giải thích cho học sinh nhằm khích lệ các em nỗ lực học tập.
Ở công viên, trong khi được tiếp thu tri thức, tôi cũng đồng thời truyền bá tri thức cho người khác. Chẳng hạn như nói với mọi người về sáu tiêu chuẩn của một nước Trung Quốc mới: tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do bầu cử, tư pháp độc lập, quốc hữu hóa quân đội, tam quyền phân lập. Tôi còn nói về sáu bằng chứng cho thấy ĐCSTQ là giới xã hội đen: không đăng ký với Bộ dân chính, không tách bạch ngân khố Đảng và ngân khố quốc gia, tuyên truyền ngang tàng bạo ngược, chiếm đóng Trung Nam Hải, quản trị đất nước không theo pháp luật, không quốc hữu hóa quân đội, v.v.
Tôi còn giới thiệu về các cuốn sách như “Chín bài bình luận về Đảng cộng sản” và truyền phát video “Ngụy hỏa” phân tích vạch trần vụ tự thiêu giả ở Thiên An Môn và các video khác bị ĐCSTQ nghiêm cấm truyền chiếu. Có người cảm thấy rất hứng thú đối với nội dung mà tôi nói, sau khi nghe xong còn nhờ tôi viết lên giấy cho họ. Song cũng có người phản đối. Những người cực đoan đó đã từng đánh, mắng chửi, đe dọa tôi, còn gọi điện đến đồn công an để báo cáo tôi. Vì vậy, tôi bị giam giữ hành chính mười ngày. Nhưng tôi không hề sợ hãi, vẫn tiếp tục như trước.
Vào một buổi chiều nọ, một nhóm “Mao phấn” đứng trong vùng dành riêng cho họ – dưới gốc cây bồ kết, đang nói ông Mao Trạch Đông sống gian khổ tiết kiệm, mặc quần áo vá. Tôi nói với họ: Miếng vá đó cũng không phải là miếng vá bình thường. Số tiền chi trả cho miếng vá đó còn nhiều hơn số tiền để mua mười bộ quần áo mới. Nó là miếng vá duy nhất trong cả nước do chuyên gia may vá ở Thượng Hải thực hiện. Miếng vá có vân vải giống y như quần áo cũ, giá tiền của miếng vá rất đắt, còn dùng chuyên cơ vận chuyển từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, rồi lại từ Thượng Hải vận chuyển trở lại Bắc Kinh. Đối với những lời tôi nói, có người tin, cũng có người không tin.
Khi tôi chuẩn bị trở về nhà, lúc đến cổng phía tây của công viên, thì phía sau chợt có một giọng nói non nớt vang lên: “Ông ơi, những điều ông nói đều đúng cả. Những người đó bảo rằng ông nói không đúng sự thật, còn nói muốn đánh ông nữa đấy.” Tôi quay đầu lại nhìn, thấy một cậu bé khoảng chừng bốn đến năm tuổi, gương mặt nhỏ trắng trẻo, đôi mắt to sáng ngời đang nhìn tôi. Cậu bé không có người nhà đi cùng, cũng không có bạn bè bên cạnh. Tôi cảm kích nói: “Cậu bé ngoan, cảm ơn cháu đã khích lệ và nhắc nhở ông. Ông không sợ họ.” Khi tôi đi ra khỏi cổng công viên, nhìn lại bên trong thì không thấy cậu bé ấy đâu nữa. Chuyện thần kỳ này khiến tôi hiểu rằng, đây hẳn là Thần Phật đã nhìn thấy tôi thành tâm giảng chân tướng cứu người, nên phái một vị Thần đồng giáng trần đến khích lệ! Nhất thời, có một dòng nước ấm áp chậm rãi tràn vào tim tôi…
Bài viết được đăng lại từ nguồn “Tân Kỷ Nguyên”
Chú thích: