Tổng thống Erdoğan của Thổ Nhĩ Kỳ: Khoảnh khắc con ngựa thành Troy của NATO
Thổ Nhĩ Kỳ được xem như là một người ngoài cuộc trong liên minh NATO. Trong một báo cáo của Freedom House, quốc gia này bị xếp vào hạng mục “không tự do” cùng với các quốc gia như Afghanistan, Iraq, Trung Quốc, Cuba, Syria, và Nga. Đây là một nhận định từ Viện Gatestone.
Liên minh NATO thực chất là một liên minh an ninh. Tuy nhiên, tuyên ngôn của NATO nói rằng tổ chức này được thành lập dựa trên các nguyên tắc dân chủ, tự do cá nhân, và pháp quyền. Chế độ độc tài chuyên chế thô bạo ở Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, đã không tuân theo những nguyên tắc này.
Theo Chỉ số Dân chủ năm 2021 do Economist Intelligence Unit tổng hợp, Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ 103 trong số 167 quốc gia. Chỉ số này được đánh giá dựa trên năm tiêu chí: quy trình bầu cử và tính đa nguyên, hoạt động của chính phủ, sự tham gia chính trị, văn hóa chính trị dân chủ, và quyền tự do dân sự.
Freedom House, một tổ chức do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đã xếp Thổ Nhĩ Kỳ vào hạng mục “không tự do” trong báo cáo “Freedom in the World 2022” (Tự do Trên thế giới năm 2022), cùng với Afghanistan, Angola, Belarus, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Ethiopia, Haiti, Iran, Iraq, Libya, Nicaragua, Nga, Arab Saudi, Somalia, Sudan, Syria và một số chính quyền lừa đảo khác thuộc thế giới thứ ba. Nếu dựa trên nguyên tắc dân chủ, thì liệu một trong những quốc gia này có thể được coi là thành viên NATO không? Thế nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại vẫn là một thành viên trong liên minh đó.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất bị Hoa Kỳ trừng phạt
Từ quan điểm chính sách an ninh thì Thổ Nhĩ Kỳ là người ngoài cuộc trong liên minh NATO. Năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với tư cách là “đối tác đối thoại” (các đối tác đối thoại khác là Belarus và Sri Lanka; các quốc gia quan sát viên là Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan, Iran, và Mông Cổ). Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan tuyên bố, ông đang nhắm đến tư cách thành viên SCO vào năm 2022.
Ngay từ tháng 09/2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo rằng họ đã thuê một công ty Trung Quốc (nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ) để xây dựng cấu trúc phòng thủ hỏa tiễn và phòng không tầm xa đầu tiên cho mình. Trong năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất bị Hoa Kỳ trừng phạt theo Đạo luật Chống lại Các đối thủ của Mỹ Thông qua Trừng phạt (CAATSA).
Tháng 05/2022, ông Devlet Bahçeli, đối tác trong liên minh theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của ông Erdoğan, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ nên cân nhắc việc rời khỏi NATO. Có thể là ông Bahçeli đã đúng. Tiếc rằng nhận định này đã bị xem như là một trò đùa.
Thổ Nhĩ Kỳ chặn Thụy Điển gia nhập NATO
Ông Erdoğan cần NATO — đặc biệt là tại thời điểm này, khi mà ông ấy đang đứng trước cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử nghị viện quan trọng vào ngày 14/05 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ấy cần vũ khí cho luận điệu chống phương Tây, chống NATO, và “chúng ta chống lại những kẻ ngoại đạo” của mình. Ông đã liên kết kế hoạch mở rộng NATO ở Bắc Âu trong đó có bao gồm Thụy Điển và Phần Lan với chiến dịch tranh cử của mình.
Hai vụ việc khiêu khích ở Stockholm hồi tháng Một — một vụ trong đó một hình nộm của ông Erdoğan bị treo trên cột đèn và vụ khác là khi một chính trị gia Đan Mạch đốt kinh Koran trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ — đã tạo cơ hội hoàn hảo cho ông Erdoğan tập hợp sự ủng hộ và đánh lạc hướng cử tri của ông khỏi nền kinh tế ốm yếu. Và cả hai vụ việc này đều bị chính quyền Thụy Điển chỉ trích.
Trước sự hoan nghênh nhiệt thành từ các cử tri bảo tồn truyền thống và theo chủ nghĩa dân tộc của mình, ông Erdoğan tuyên bố rằng Thụy Điển không còn có thể nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một thành viên NATO (mọi thành viên NATO đều có quyền phủ quyết). Vào ngày 21/01/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã hủy chuyến thăm dự kiến của ông tới người tương nhiệm Thụy Điển, ông Pal Jonson. Thủ đô Ankara cũng hủy cuộc họp ba bên với Thụy Điển và Phần Lan về việc mở rộng Bắc Âu của NATO.
Giáo sư nghiên cứu khuyên áp dụng ‘chiến lược kiên nhẫn’
Ông Özer Sencar, người đứng đầu viện thăm dò Metropoll, nói rằng việc gia tăng các vấn đề an ninh trong chính sách ngoại giao trước cuộc bầu cử sẽ cho phép ông Erdogan củng cố cơ sở cử tri của mình. “Ông ấy tạo ấn tượng về một ‘nhà lãnh đạo mạnh mẽ’ ở Thổ Nhĩ Kỳ,” ông nói. “Vị lãnh đạo nào có thể đưa ra một vấn đề an ninh, thì nhà lãnh đạo mạnh mẽ ấy sẽ được người dân ủng hộ từ phía sau.”
Vậy cần làm gì đây? Ông John R. Deni, giáo sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược tại Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ (U.S. Army War College), khuyên trên The Hill là nên theo “chiến lược kiên nhẫn”:
“Có một số bước mà Hoa Thịnh Đốn ít nhất có thể báo hiệu là đang cân nhắc tiến hành nếu thủ đô Ankara không nhượng bộ về Phần Lan và Thụy Điển vào cuối mùa xuân. Những bước này có thể bao gồm: làm suy yếu giá trị đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách thể hiện công khai sự không hài lòng và sẵn sàng hành động của Hoa Thịnh Đốn; tiến hành một đợt trừng phạt khác đối với các mặt hàng xuất cảng quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, các bộ và các nhà lãnh đạo; tái áp đặt một lần nữa các hạn chế đối với việc bán thiết bị quân sự của Hoa Kỳ cho Thổ Nhĩ Kỳ; và báo hiệu sự sẵn sàng xem xét lại lập trường quân sự của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như sự hiện diện của Mỹ ở đó. Có nguy cơ những hành động như vậy ảnh hưởng đến luận điệu trong nước của ông Erdoğan, nhưng các hành động này cũng có thể đạt được mục tiêu quan trọng hơn là củng cố tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển trong NATO. Trong mọi trường hợp, dường như chiến lược kiên nhẫn là lựa chọn chính sách khôn ngoan hơn trong thời điểm hiện tại.”
Ông Deni nói có lý. Bất kỳ cuộc đối đầu công khai không khôn ngoan nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây trong vài tháng trước cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ mang lại cho ông Erdoğan thêm phiếu bầu. Hầu hết người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin vào những gì họ được học ở trường tiểu học: người bạn duy nhất của một người Thổ Nhĩ Kỳ là một người Thổ Nhĩ Kỳ khác.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sống trong một giả thuyết bài ngoại, rằng mọi quốc gia khác đều là kẻ thù của đất nước họ và có âm mưu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Từ quan điểm tâm lý tập thể, cảm giác ngây thơ này đã làm cho họ phải đoàn kết sau lưng người lãnh đạo. Thông qua việc gây rắc rối với phương Tây thì ông Erdoğan một lần nữa lại chiến thắng.
Về tác giả
Ông Burak Bekdil, một trong những ký giả nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, gần đây đã bị sa thải khỏi tờ báo uy tín nhất của đất nước sau 29 năm làm việc, vì ông đã viết cho Viện Gatestone về những gì đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông là một thành viên tại Diễn đàn Trung Đông.
Do Burak Bekdil thực hiện
Bảo Bình biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức