Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ vụ kiện tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020
Hôm 09/01, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác bỏ một vụ kiện tìm cách lật ngược kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.
Các thẩm phán đã quyết định không nghe các tranh luận trong vụ Raland Brunson kiện Alma Adams. Họ đã không giải thích lý do.
Phán quyết này xảy ra sau khi vụ kiện trên được đưa ra để các thẩm phán xem xét trong cuộc họp ngày 06/01 của họ.
Ông Brunson, một người đàn ông ở Utah, đã yêu cầu Pháp viện xem xét lại vụ kiện sau khi một tòa phúc thẩm giữ nguyên một lệnh của tòa án cấp dưới vốn bác bỏ vụ kiện của ông hồi tháng 10/2022.
Ban đầu ông Brunson nộp đơn kiện của mình tại tòa án tiểu bang. Ông lập luận rằng các quan chức liên bang, bao gồm tất cả các thành viên của Quốc hội, đã không thực hiện lời tuyên thệ nhậm chức vì họ “cố tình từ chối” điều tra bằng chứng cho thấy cuộc bầu cử năm 2020 là gian lận. Sau đó vụ kiện này đã được chuyển đến tòa án liên bang.
Ông Brunson đã không trả lời điện thoại hoặc thư thoại yêu cầu bình luận về phán quyết bác bỏ của Tối cao Pháp viện. Ông nói trong một tuyên bố ngắn gọn trên mạng xã hội rằng “giờ đây chúng ta sẽ thực hiện bước tiếp theo của mình,” hoặc một bản kiến nghị xem xét lại.
Chính phủ Hoa Kỳ đã không phúc đáp yêu cầu bình luận. Tổng Cố vấn Pháp lý Elizabeth Prelogar đã chọn không đệ đơn phản hồi đơn kiện của ông Brunson lên tòa án hàng đầu quốc gia.
Vụ kiện của ông Brunson
Ông Brunson lưu ý rằng các cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Joe Biden đã thu hút ít người hơn so với các cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump và nói rằng đó là “bằng chứng gián tiếp” cho thấy cần có một cuộc điều tra về gian lận bầu cử, nhưng các bị đơn đã từ chối điều tra. Ông cũng chỉ ra việc luật bầu cử ở nhiều tiểu bang đã bị thay đổi như thế nào trước cuộc bầu cử, trong đó có một số thay đổi mà sau đó bị phát hiện là vi hiến, đồng thời các bản khai hữu thệ của nhân viên bầu cử và những người khác đã chứng thực sự gian lận.
Theo đơn kiện nói trên, hành động cố ý không điều tra gian lận là một hành động gây chiến và một cuộc tấn công nhằm vào quyền tham gia “một cuộc bầu cử trung thực và công bằng” của ông. Ông Brunson nói rằng hành động đó cũng vi phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Ông yêu cầu tòa án này cách chức các bị đơn và ra lệnh cho ông Trump được nhậm chức tổng thống.
Các luật sư của chính phủ đề nghị tòa án bác bỏ vụ kiện, nói rằng những cáo buộc trên đã bị cấm bởi quyền miễn trừ của nhánh lập pháp.
Phán quyết đầu tiên
Tòa án Địa hạt Liên bang Địa hạt Utah đã thụ lý vụ kiện, cho biết ông Brunson đã không thiết lập được quyền khởi kiện.
Thẩm phán Sơ thẩm Liên bang Jared Bennett, người được các thẩm phán khác bổ nhiệm, cho biết trong một khuyến nghị rằng ông Brunson đã không chứng minh được rằng ông có “tổn thất cá nhân” trong kết quả của vụ kiện này hoặc rằng ông phải chịu thiệt hại do các bị cáo gây ra.
“Ông Brunson đã thất bại trong việc thiết lập quyền khởi kiện theo Điều III của Hiến Pháp Hoa Kỳ bởi vì tất cả các sự kiện biện minh cho việc khởi kiện của ông ấy đều biện hộ cho những tuyên bố chung chung về hành vi bất hợp pháp của cơ quan lập pháp phát sinh từ việc kiểm phiếu các đại cử tri,” thẩm phán Bennett nói. “Điều được cho là tổn thất của ông Brunson chính xác là kiểu khiếu nại chung chung và khó phân biệt về hành vi của chính phủ mà các tòa án đã từ chối xem xét dựa trên quyền khởi kiện.”
Ông Brunson đã phản đối khuyến nghị này và yêu cầu được nộp đơn kiện sửa đổi nhưng Thẩm phán Địa hạt Jill Parrish, người được cựu Tổng thống Obama bổ nhiệm, đã từ chối yêu cầu đó và chấp thuận khuyến nghị trên, bác bỏ vụ kiện.
“Ông Brunson không lập luận được rằng những thay đổi trong đơn khiếu nại của ông ấy sẽ ảnh hưởng đến việc ông ấy thiếu quyền khởi kiện để đệ trình các cáo buộc của mình như thế nào. Và theo bất kỳ cách nào tòa án vẫn không thể lý giải những thay đổi được đề nghị đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến quyền khởi kiện của ông ấy để kiện các thành viên Quốc hội,” thẩm phán Parrish cho hay.
Phán quyết thứ hai
Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 10 sau đó đã giữ nguyên phán quyết này.
Thẩm phán Địa hạt Liên bang Bobby Baldock, người được cựu Tổng thống Reagan bổ nhiệm, viết trong phán quyết rằng ông Brunson đã không cung cấp bằng chứng rằng ông có quyền khởi kiện.
“Về căn bản, ông ấy cho rằng vì ông ấy cáo buộc các bị cáo đã hành động gian lận, và vì ‘hành vi gian lận là nghiêm trọng hơn hết thảy, nên ông có ‘quyền kiện các Bị cáo một cách tự do’ và bất kỳ luật liên bang hoặc án lệ nào đều không thể áp dụng nếu hành vi đó ‘ủng hộ sự phản quốc, hành động chiến tranh hoặc vi phạm các quyền bất khả xâm phạm (do Chúa ban) của ông Brunson,’” thẩm phán Baldock nói. “Nhưng không có cơ quan nào của ủng hộ ông cho rằng các cáo buộc gian lận, hành động chiến tranh, hoặc vi phạm các quyền được cho là ‘bất khả xâm phạm (do Chúa ban)’, khiến nguyên đơn không thể chứng minh quyền khởi kiện theo Điều III.”
Điều III của Hiến pháp Hoa Kỳ đặt ra các yêu cầu đối với quyền khởi kiện, hạn chế các tòa án phán quyết một số vụ kiện nhất định.
Tòa phúc thẩm phán quyết rằng ông Brunson cũng đưa ra một lập luận không đầy đủ để phản đối phán quyết của tòa án cấp dưới rằng chính phủ được bảo vệ bởi quyền miễn trừ đối với quốc gia.
Ông Brunson nói với Tối cao Pháp viện rằng ông có quyền khởi kiện và các lập luận của ông đã không được giải quyết thích đáng trong các phán quyết của tòa án cấp dưới.
“Nguyên đơn Brunson có quyền tự do khởi kiện Bị đơn theo tính chất nghiêm trọng của cáo buộc của mình,” đơn kiện nêu rõ, đồng thời cho biết thêm rằng “Các cáo buộc của nguyên đơn Brunson đối với sự liên quan của Bị đơn với một kẻ thù trong nước, và việc thực hiện các hành vi lừa đảo không được bảo vệ bởi bất kỳ loại luật nào thuộc quyền miễn trừ xét xử.”
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times