Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ vụ kiện chương trình giám sát của chính phủ liên bang
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (SCOTUS) đã từ chối xét xử một vụ kiện chống lại chương trình giám sát của chính phủ liên bang.
Chương trình được đề cập ở trên, được gọi là “Upstream (Thượng nguồn),” cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) chặn lưu lượng điện thoại và internet từ bên trong và bên ngoài Hoa Kỳ.
Các chi tiết của chương trình này nằm trong số những thông tin do cựu nhà thầu CIA và NSA Edward Snowden, người đã tố cáo các chương trình giám sát hàng loạt do chính phủ Hoa Kỳ sắp đặt hồi năm 2013, làm rò rỉ. Cho đến lúc đó, chính phủ của cựu Tổng thống George W. Bush và cộng đồng tình báo đã tuyên bố sai sự thật rằng dữ liệu của người Mỹ không được thu thập và lưu trữ.
Chương trình Upstream cung cấp cho NSA quyền truy cập vào lượng dữ liệu đồ sộ, thường thông qua sự tuân thủ của các nhà cung cấp viễn thông. Các nhà cung cấp chọn dữ liệu có nhiều khả năng có nguồn gốc ngoại quốc nhất trước khi chuyển chúng cho NSA. Tuy nhiên, chương trình này cũng được sử dụng ở Hoa Kỳ.
Vụ án Wikimedia kiện NSA, đã được Wikimedia, một tổ chức bất vụ lợi sở hữu Wikipedia, kiện NSA. Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) đã trợ giúp Wikimedia với tư cách cố vấn pháp lý.
Trong một bài đăng trên blog về vụ kiện này, ACLU đã viết: “Chương trình giám sát Upstream, mà chính phủ tuyên bố là được cho phép từ Đề Mục 702 của Đạo luật sửa đổi FISA, được thiết lập để thu giữ tất cả các thông tin liên lạc quốc tế của người Mỹ, bao gồm thư điện tử, nội dung duyệt web và các truy vấn của công cụ tìm kiếm. Với sự giúp đỡ của các công ty như Verizon và AT&T, NSA đã cài đặt các thiết bị giám sát trên ‘mạng tốc độ cao’ của Internet — mạng lưới cáp, bộ chuyển mạch và bộ định tuyến dung lượng cao mà lưu lượng truy cập Internet đi qua.
‘Đặc quyền bí mật nhà nước’
Phiên tòa này là một cuộc tranh cãi văn hóa lớn hơn về sự cân bằng hợp lý giữa tự do và an ninh, một vấn đề đã được luật có phạm vi rộng được thông qua sau vụ tấn công ngày 11/09 nhấn mạnh.
Nếu SCOTUS xét xử vụ kiện này, điều đó có thể đã đánh dấu một sự kiện tạo tiền lệ liên quan đến các chương trình giám sát hàng loạt đang diễn ra khác.
Trước đó, vụ án đã đi đến một kết quả với các ý kiến trái chiều khi được xem xét tại Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 4. Tuy nhiên, tòa án này đó đã phán quyết rằng chính phủ có thể khẳng định một cách hợp lý “đặc quyền bí mật nhà nước” về chương trình Upstream.
Ông James Buatti, giám đốc pháp lý tại Wikimedia Foundation, đã gọi quyết định này là “một đòn tấn công vào quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận của một cá nhân” trong một bài đăng trên blog của Wikimedia.
Ông Buatti viết rằng: “Việc Tối cao Pháp viện từ chối chấp nhận đơn kiến nghị của chúng tôi giáng một đòn mạnh vào quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận của một cá nhân — hai nền tảng của xã hội chúng ta và các khối xây dựng nên Wikipedia.”
Đề mục 702 của FISA
Ông Buatti cũng đề cập đến một phần gây nhiều tranh cãi của Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA), ban đầu được Quốc hội thông qua vào năm 1978 như một biện pháp bảo vệ các quyền tự do dân sự của người Mỹ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do tiếp cận kiến thức của mọi người và thúc giục Quốc hội xem xét vấn đề giám sát hàng loạt khi đánh giá xem có nên tái phân quyền Đề mục 702 vào cuối năm nay hay không,” ông Bugatti nói.
FISA ban đầu được thông qua để ứng phó với báo cáo lạm dụng giám sát tình báo của chính phủ. Dự luật này là sản phẩm cuối cùng của các cuộc điều tra của Thượng viện về tính hợp pháp của các hoạt động tình báo nội địa. Ban đầu, dự luật nhằm áp đặt các biện pháp bảo vệ tư pháp và quốc hội đối với việc giám sát các đặc vụ ngoại quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ đồng thời cung cấp cho các cơ quan tình báo các công cụ cần thiết để theo dõi các mối đe dọa thực sự từ ngoại quốc.
Do đó, người Mỹ ít biết đến dự luật này sau khi các đạo luật khác được thông qua để ứng phó với vụ tấn công khủng bố ngày 11/09.
Những dự luật này, bao gồm Đạo luật Ái Quốc và Đạo luật An ninh Hàng không và Vận tải, đã tìm cách tăng cường an ninh trong nước nhưng lại làm tổn hại nhiều quyền tự do dân sự của Mỹ.
Nghe lén không có lệnh hoặc ủy quyền hợp pháp
FISA lần đầu tiên thu hút sự chú ý của công chúng vào tháng 12/2005 sau khi một bài báo của New York Times xuất bản cho thấy rằng Tổng thống George W. Bush ít nhất kể từ năm 2002 đã thực hiện việc nghe lén không có lệnh hoặc ủy quyền hợp pháp tại Hoa Kỳ. Một bản tin khác từ Bloomberg gợi ý rằng việc sử dụng rộng rãi FISA này có thể đã bắt đầu từ năm 2000, trước khi các cuộc tấn công khủng bố khiến các biện pháp đó trở nên cần thiết.
FISA sau đó đã được sửa đổi vào năm 2008 để trao nhiều quyền hạn mới cho Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) và các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Đề mục 702 lần đầu tiên được đưa ra để xác định các quyền và nghĩa vụ pháp lý hồi năm 2008.
Đề mục 702 của FISA viết: “Tổng Chưởng lý (AG) và Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) có thể cùng cho phép nhắm mục tiêu (i) những người không phải công dân Hoa Kỳ (ii) những người được cho là ở bên ngoài Hoa Kỳ. (iii) để có được thông tin tình báo ngoại quốc.”
Tuy nhiên, quyền lực này có thể cấp một vòng tìm kiếm mở rộng khả dĩ cho FBI và các cơ quan tình báo khác, những người có thể sử dụng quyền lực tương tự đối với công dân Mỹ có bất kỳ tương tác nào với người ngoại quốc được nhắm mục tiêu.
Trên danh nghĩa, điều này là bất hợp pháp; Đề mục 702 của FISA chỉ cho phép giám sát các đặc vụ ngoại quốc hoạt động bên ngoài Hoa Kỳ.
Nhưng vẫn còn những lo ngại — đặc biệt là trong số các thành viên Đảng Cộng Hòa đang đẩy mạnh cuộc điều tra về việc vũ khí hóa chính phủ liên bang — về việc gia hạn chương trình giám sát này.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times