Tòa Bạch Ốc thay đổi quan điểm, bật đèn xanh cho Quốc hội để thông qua dự luật cấm TikTok
Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan kêu gọi các nhà lập pháp ‘hành động nhanh chóng’
HOA THỊNH ĐỐN — Tuần này (06/03-12/03), Tòa Bạch Ốc đã thay đổi quan điểm, nói rằng họ sẽ ủng hộ một dự luật của Thượng viện về việc cấm TikTok ở Hoa Kỳ.
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã không đưa ra hành động gì trong hai năm qua về cách giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia đến từ ứng dụng di động của Trung Quốc.
Hôm thứ Ba (07/03), cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã hoan nghênh một dự luật lưỡng đảng cho phép chính phủ TT Biden cấm ứng dụng chia sẻ video này.
Trong một tuyên bố, ông cho biết, “Luật này sẽ trao quyền cho chính phủ Hoa Kỳ để ngăn chặn một số chính phủ ngoại quốc khai thác các dịch vụ công nghệ đang hoạt động tại Hoa Kỳ theo cách gây rủi ro cho dữ liệu nhạy cảm của người dân Mỹ và an ninh quốc gia của chúng ta.”
“Chúng tôi mong muốn được tiếp tục làm việc với cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa về dự luật này, đồng thời kêu gọi Quốc hội hành động nhanh chóng để dự luật này được gửi tới bàn làm việc của Tổng thống.”
Hôm thứ Ba, Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia) và John Thune (Cộng Hòa-South Dakota) đã giới thiệu dự luật nói trên có tên là Đạo luật Hạn chế sự Xuất hiện của các Mối đe dọa An ninh Gây rủi ro cho Công nghệ Thông tin và Truyền thông (gọi tắt là RESTRICT Act). Dự luật lưỡng đảng này là đề xướng gần đây nhất về việc tìm cách loại bỏ hoàn toàn ứng dụng này do lo ngại rằng nó có thể được sử dụng để theo dõi người Mỹ.
Tuần trước (27/02-05/03), một dự luật do Đảng Cộng Hòa bảo trợ với các mục tiêu tương tự đã được Ủy ban Ngoại giao Hạ viện thông qua trong một cuộc bỏ phiếu theo quan điểm đảng phái.
Trong hai năm qua, chính phủ TT Biden đã cố gắng tìm cách giải quyết mối đe dọa đến từ TikTok — ứng dụng di động thịnh hành nhất đối với thanh thiếu niên trong nước với khoảng 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Hồi tháng 12/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký luật cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Ngoài ra, ít nhất 30 tiểu bang đã có hành động ngăn chặn ứng dụng phổ biến này, bằng cách cấm sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ hoặc bằng cách khởi kiện.
Tuy nhiên, lâu nay những người chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Quốc hội đã lập luận rằng TikTok nên bị cấm hoàn toàn ở Hoa Kỳ.
Lo ngại rằng chủ sở hữu Trung Quốc của ứng dụng này là công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh có quyền truy cập vào thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng Mỹ đang là nguyên nhân dẫn đến phản ứng dữ dội hiện tại đối với TikTok. Các nhà phê bình cho rằng ĐCSTQ có thể buộc ByteDance cung cấp thông tin về người dùng Mỹ.
Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS), một hội đồng liên ngành của chính phủ, đã điều tra TikTok trong hơn hai năm qua để xác định xem liệu việc Trung Quốc truy cập vào dữ liệu nhạy cảm của người dùng có gây rủi ro cho an ninh quốc gia hay không.
Được biết trong cuộc điều tra này, chính phủ ông Biden đã xem xét các cách để buộc công ty này bán các hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có những quan điểm đối lập trong chính phủ, đang gây ra sự bế tắc, như tờ Wall Street Journal đã đưa tin hồi cuối năm ngoái.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng cấm TikTok thông qua một sắc lệnh trong những tháng cuối cùng tại vị, nhưng sắc lệnh của ông đã bị một số tòa án liên bang bãi bỏ. Sau khi nhậm chức, ông Biden đã đảo ngược sắc lệnh hành pháp của ông Trump. Ông Biden đề nghị sử dụng một “cách tiếp cận dựa trên bằng chứng” để xác định xem TikTok có phải là một mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ hay không.
Ứng dụng ‘rất quỷ quyệt’
Trung bình người dùng Mỹ dành 80 phút mỗi ngày cho TikTok, nhiều hơn thời gian dành cho Facebook và Instagram cộng lại.
Theo ông Arthur Herman, một thành viên cao cấp kiêm giám đốc của Sáng kiến Liên minh Lượng tử tại Viện Hudson, thuật toán của TikTok cho phép ứng dụng này lôi kéo người dùng theo cách mang tính kiểm soát và nhờ đó đã dẫn đến về sự thành công phi thường của ứng dụng này.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hồi tháng Một, ông cho biết, thuật toán này được các kỹ sư tại công ty mẹ xây dựng, và nó “vô cùng tinh vi.”
Ông lưu ý: “Nó tinh vi hơn rất nhiều so với bất kỳ thứ gì mà các kỹ sư người Mỹ đã từng làm trên các nền tảng như Facebook, Twitter, hay thậm chí là Google.”
Tuy nhiên, nó cũng “rất quỷ quyệt” và đó là lý do tại sao ứng dụng này nên bị cấm hoàn toàn, ông Herman tuyên bố.
Tòa Bạch Ốc từ chối phúc đáp các câu hỏi về lý do tại sao chính phủ quyết định rằng bây giờ là thời điểm cho hành động lập pháp và liệu họ có thất vọng trước các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa TikTok và CFIUS hay không.
“Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi lo ngại về ứng dụng đặc biệt này, TikTok,” Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên hôm thứ Tư (08/03).
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times