Tòa Bạch Ốc nhắm mục tiêu vào mã kim, kêu gọi các cơ quan quản lý thực thi nghiêm khắc hơn
Theo một bài blog của Tòa Bạch Ốc được phát hành hôm 27/01, Bắc Hàn, gian lận, và tổn thất tài chính là một số mối nguy hiểm phát sinh từ ngành công nghiệp mã kim. Bài blog này lập luận cho việc tăng cường giám sát đối với mã kim trên diện rộng, yêu cầu trợ giúp từ các cơ quan quản lý tài chính và các nhà lập pháp Quốc hội.
Bài blog này — được đồng chấp bút bởi cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese, Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Arati Prabhakar, và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Cecilia Rouse — đã phác thảo ra chiến lược của chính phủ nhằm giảm thiểu những rủi ro liên quan đến mã kim.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc nêu trên đã mô tả tài sản kỹ thuật số là một ngành công nghiệp mới mẻ đầy hứa hẹn nhưng phải được kiểm soát vì lợi ích của người tiêu dùng. Ông Sullivan từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mã kim, vốn đã được ông đặt dưới sự giám sát của chính phủ hồi tháng 06/2021, sau cuộc tấn công nhu liệu mã độc tống tiền (ransomware) vào hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu Colonial Pipeline đã được công bố rầm rộ.
Tòa Bạch Ốc chỉ ra Bắc Hàn để biện minh cho sự cần thiết phải ban hành thêm luật, nhấn mạnh rằng việc thiếu các giao thức an ninh đã cho phép Bắc Hàn “đánh cắp hơn một tỷ USD để tài trợ cho chương trình hỏa tiễn hiếu chiến của họ.” Điều này đề cập đến cáo buộc của cơ quan gián điệp chính của Nam Hàn rằng nước láng giềng phía bắc của họ đã sử dụng tin tặc do nhà nước tài trợ để lấy 1.2 tỷ USD từ các dự án tài sản kỹ thuật số khác nhau.
“Mã kim ẩn danh” (privacy coin) — loại mã kim “rửa” các giao dịch theo thuật toán để làm xáo trộn lịch sử quyền sở hữu của chúng — dường như cũng nằm trong tầm ngắm của chính phủ ông Biden. Bản báo cáo này được liên kết với một báo cáo (pdf) năm 2022 liệt kê các mã kim ẩn danh trong phần “Hành vi độc” của báo cáo này, đề cập rằng những mã kim đó là phương tiện trao đổi ưa thích của tội phạm và những kẻ xấu.
Những người ủng hộ đồng mã kim ẩn danh phổ biến Monero xem khả năng giao dịch ẩn danh là một trong những nguyên lý cốt lõi làm nền tảng cho phong trào mã kim này.
Tòa Bạch Ốc kêu gọi Quốc hội thông qua luật mới để giúp hạn chế hoạt động tội phạm trong không gian tài sản kỹ thuật số này. Các đề xướng bao gồm các hình phạt nặng hơn đối với các liên kết tài chính bất hợp pháp và các yêu cầu bổ sung về tính minh bạch đối với các công ty liên quan đến mã kim.
Một nỗ lực hợp tác với các nhà lập pháp quốc tế cũng là một trọng tâm chính của bài blog. Nhiều người đã quy trách nhiệm cho các quốc gia ngoại quốc với khung pháp lý lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho đa phần gian lận trong lĩnh vực này.
Chiến lược gia kinh tế vĩ mô Jim Bianco cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Wealthion: “Những sàn giao dịch ngoại quốc này hầu như không có quy định nào.” Tuy nhiên, ông Bianco đã nhận ra rủi ro mà các cơ quan quản lý có thể đồng ý với các công ty mà họ dự định quản lý, ví dụ như người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried.
“Rất nhiều người trong ngành này rất khó chịu với cậu ấy vì họ không nghĩ rằng cậu ấy đại diện cho lợi ích tốt nhất của ngành này,” ông Bianco nói. “Cậu ấy sẽ sử dụng tầm nhìn của mình về quy định để xây dựng một con hào xung quanh FTX.”
Thúc giục sự thận trọng trong quy định cũng là một chủ đề được nêu trong bài blog này. Các quan chức Tòa Bạch Ốc cảnh báo rằng nên tránh các luật khuyến khích đầu tư thêm vào mã kim.
“Luật pháp không nên cho phép cho các định chế chính thống, như quỹ hưu trí, lao vào thị trường mã kim,” bài blog này viết. “Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu ban hành luật đảo ngược tiến trình và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa mã kim và hệ thống tài chính rộng lớn hơn này.”
Theo trang web lập kế hoạch hưu trí Equable, ít nhất 15 quỹ hưu trí của tiểu bang và thành phố đã bị thua lỗ trong vụ bùng nổ FTX vào mùa thu năm 2022. Kế hoạch Hưu trí Giáo viên Ontario đã mất một khoản đầu tư 95 triệu USD vào việc trao đổi mã kim thất bại.
Một quỹ hưu trí khác của Canada đã mất 150 triệu USD khi đầu tư vào mạng mã kim không còn tồn tại Celsius, vốn đã nộp đơn xin phá sản vào tháng Bảy năm ngoái.
Nhưng một số nhà kinh tế cho rằng quy định sẽ không giúp bảo vệ các nhà đầu tư và sẽ tạo gánh nặng không cần thiết cho những người nộp thuế.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times