Pháp cảnh báo: Chính sách công nghiệp của ĐCSTQ đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Hôm Chủ Nhật (26/05), Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết toàn bộ nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ dư thừa sản phẩm xuất cảng giá rẻ từ Trung Quốc. Trong khi đó, Hội nghị thượng đỉnh của bộ trưởng tài chính nhóm các nước G7 cũng đã đưa ra hàng loạt chỉ trích về tình trạng dư thừa công suất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm Chủ Nhật, ông Le Maire nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg rằng: “Trung Quốc đang sản xuất các thiết bị công nghiệp ngày càng rẻ tiền, dẫn đến việc mô hình kinh tế (toàn cầu) của chúng ta phát sinh vấn đề. Bởi vì điều này không chỉ tạo thành mối đe dọa đối với Liên minh Âu Châu (EU) và Hoa Kỳ, mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu.”
“Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này,” ông Le Maire nói.
Các nước G7 đang liên kết để đưa ra phản ứng cứng rắn và nhất quán chống lại vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc. Các quốc gia G7 này cho rằng chính sách của ĐCSTQ đe dọa các nhà sản xuất trong nước của họ.
Hôm thứ Bảy (25/05), bộ trưởng tài chính của các nước G7 đã kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày tại Stresa, phía bắc Italy. Sau đó, họ loan báo một tuyên bố chung cho biết: “Chúng tôi cảm thấy lo ngại về việc Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng chính sách và cách làm ‘phi thị trường’ một cách toàn diện. Các chính sách và cách làm này đã gây tổn hại cho công nhân, các ngành công nghiệp, và tính linh hoạt của nền kinh tế [ở các quốc gia] của chúng tôi.”
Tuyên bố chung tiếp tục cho biết lãnh đạo các quốc gia G7 sẽ “xem xét các biện pháp để bảo đảm một môi trường cạnh tranh công bằng, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).”
Điều này đánh dấu một bước tiến mới trong cách diễn đạt thường mang tính trung lập trong tuyên bố của G7 về vấn đề thương mại.
Trước Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Tài chính các nước G7, trong tháng Năm này, Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã tuyên bố tăng mạnh thuế quan đối với hàng loạt sản phẩm nhập cảng từ Trung Quốc. Trong đó bao gồm xe điện, pin, vi mạch máy điện toán và các sản phẩm y tế. Tổng thống Biden tiếp tục duy trì mức thuế quan được áp dụng dưới thời chính phủ cựu TT Trump, đồng thời tăng thuế đối với các hàng hóa khác của Trung Quốc, bao gồm tăng thuế xe điện gấp bốn lần lên mức trên 100%, và tăng thuế chất bán dẫn gấp đôi lên đến 50%.
Hôm thứ Bảy (25/05), Bộ trưởng Thương mại và Sản xuất Italy Adolfo Urso cho biết EU nên làm giống như Hoa Kỳ là áp đặt quan thuế lên các sản phẩm của Trung Quốc để bảo vệ các ngành công nghiệp của mình. “Nếu chúng ta không muốn các ngành công nghiệp của châu Âu bị hủy diệt, thì việc tăng quan thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc là không thể tránh khỏi,” ông Adolfo Urso nói.
Ông Urso đặc biệt đề cập đến ngành công nghiệp xe hơi. Ông nói rằng việc tăng mạnh mức thuế quan của Hoa Kỳ có thể dẫn đến việc Trung Quốc chuyển hướng xuất cảng sang châu Âu, từ đó gây tổn hại cho các ngành công nghiệp của EU.
Châu Âu hiện đang là điểm đến chính của xe điện Trung Quốc. Mức quan thuế của EU [đối với sản phẩm này] chỉ 5%-10%, và trong ba năm qua, số lượng xe điện xuất cảng của Trung Quốc sang châu Âu đã tăng lên đến 851%.
Cuộc điều tra của Liên minh Âu Châu về các biện pháp trợ giúp cho xe điện sắp kết thúc, và EU có thể sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với xe hơi xuất cảng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mức quan thuế tiềm năng của EU dự kiến sẽ thấp hơn so với Hoa Kỳ.
Theo quy định của EU, cuộc điều tra hoàn thành trong vòng 13 tháng. Điều này có nghĩa là EU có thể áp dụng mức thuế tạm thời ngay sau tháng Bảy, và mức thuế cuối cùng vào cuối tháng Mười Một.