Tin xấu cho Bắc Kinh: Ứng cử viên Đảng Dân Tiến Lại Thanh Đức đắc cử tổng thống Đài Loan
Không có đảng nào giành được thế đa số.
ĐÀI BẮC, Đài Loan – Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền đã có được chức vụ tổng thống thêm bốn năm nữa, có nghĩa là Đài Loan và Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong vai trò là các đối tác trước những thách thức từ Bắc Kinh.
Ứng cử viên tổng thống của DPP, Phó Tổng thống Đài Loan đương nhiệm Lại Thanh Đức (Lai Ching-te, hay còn gọi là William Lai), đã đánh bại hai ứng cử viên khác khi giành được hơn 5.5 triệu phiếu bầu, tương đương với khoảng 40% số phiếu bầu. Chiến thắng của ông có nghĩa là người tranh cử liên danh với ông, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), người đã thôi giữ chức đại diện (hoạt động như đại sứ trên thực tế) của Đài Loan tại Hoa Kỳ từ tháng Mười Một, sẽ trở thành phó tổng thống mới.
Ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), thị trưởng đương nhiệm của thành phố Tân Bắc và là ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng (KMT) — đảng đối lập chính, đứng thứ hai với khoảng 4.6 triệu phiếu bầu. Ở vị trí thứ ba với khoảng 3.6 triệu phiếu bầu là ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je), cựu thị trưởng Đài Bắc và là ứng cử viên tổng thống của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), một đảng tương đối mới được thành lập vào năm 2019.
Trong bài diễn văn mừng chiến thắng, ông Lại cho biết “Đài Loan đã giành được chiến thắng cho cộng đồng các nền dân chủ.”
“Chúng tôi đang nói với cộng đồng quốc tế rằng giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài, chúng tôi sẽ đứng về phía dân chủ, Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền dân chủ trên khắp thế giới,” ông Lại nói, sử dụng tên chính thức của Đài Loan.
“Thông qua hành động của chúng tôi, người dân Đài Loan đã chống lại thành công những nỗ lực từ các thế lực bên ngoài nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử này,” ông nói thêm, một lời nhận xét bóng gió về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử của Đài Loan. “Chúng tôi tin rằng chỉ người dân Đài Loan mới có quyền lựa chọn tổng thống của riêng mình.”
Ông Lại nhấn mạnh sẽ duy trì hiện trạng trên khắp Eo biển Đài Loan. Ông nói thêm: “Miễn là có phẩm giá và sự bình đẳng giữa hai bên, Đài Loan rất sẵn lòng tham gia đối thoại với Trung Quốc.”
Tổng thống đắc cử cũng ca ngợi Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), chủ tịch đương nhiệm của DPP, nói rằng chính sách ngoại giao và chính sách quốc phòng của bà “đã nhận được sự công nhận từ cộng đồng quốc tế.”
“Tổng thống Thái Anh Văn đã nhiều lần bày tỏ thiện chí [với Trung Quốc] trong tám năm qua. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không đưa ra sự hưởng ứng lẽ ra nên có,” ông Lại nói. Bà Thái làm tổng thống từ năm 2016, đắc cử hai nhiệm kỳ bốn năm.
“Vì vậy, trong tương lai, chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ nhận ra tình hình mới và hiểu rằng chỉ có hòa bình mới mang lại lợi ích cho cả hai bên eo biển,” ông nói thêm. “Ngoài ra, hòa bình và ổn định toàn cầu phụ thuộc vào hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ hiểu được tình hình vì Trung Quốc cũng có trách nhiệm.”
Ông Lại và bà Tiêu dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/05.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng và thù địch với Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn cai quản. Trong khi đó, Đài Loan nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ trong việc duy trì nền dân chủ và lối sống của họ.
Trung Quốc, vốn vẫn điều phi cơ và tàu quân sự đến các khu vực gần Đài Loan trong những năm gần đây, đã tiếp tục gây hấn trong ngày bầu cử. Hôm thứ Bảy (13/01), Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo rằng bộ đã phát hiện tám phi cơ và sáu tàu quân sự của Trung Quốc di chuyển gần hòn đảo này trong vòng 24 giờ trước 6 giờ sáng hôm thứ Bảy.
Chiến thắng của ông Lại có thể sẽ gây khó chịu cho chính quyền Trung Quốc, vốn có truyền thống ưu ái các ứng cử viên Quốc Dân Đảng. So với DPP, Quốc Dân Đảng ít xem Bắc Kinh là một mối đe dọa hơn đối với an ninh quốc gia của Đài Loan.
Cũng trong hôm thứ Bảy, các phiếu bầu của người dân Đài Loan đã đổ về để chọn ra các nhà lập pháp cho Lập pháp viện Đài Loan. Không có đảng nào giành được thế đa số — có nghĩa là DPP đã mất thế đa số lập pháp có được trong thời chính phủ của bà Thái.
Ông Lại đã tuyên bố trước cuộc bầu cử rằng ông sẽ tiếp tục các chính sách của bà Thái về ngoại giao, quốc phòng, và các vấn đề xuyên eo biển.
Đài Loan
Một số chuyên gia Đài Loan đã trả lời phỏng vấn trên chương trình “Crossroads” (Giao lộ Thông tin) của EpochTV trước cuộc bầu cử, cung cấp phân tích của họ về những kết quả bầu cử khác nhau.
Tiến sĩ Lại Di Trung (Lai I-chung), chủ tịch tổ chức tư vấn Prospect Foundation có trụ sở tại Đài Loan, cho rằng nếu ông Lại trở thành tân tổng thống, điều đó sẽ gửi đi một tín hiệu đến thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, rằng Đài Loan sẽ tiếp tục “đứng vững” cùng các đối tác của mình.
“Đài Loan sẽ tiếp tục duy trì nền dân chủ, quyền tự do của người dân, [và] trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” chủ tịch tổ chức nghiên cứu này cho biết. “Nếu Quốc Dân Đảng hoặc TPP thắng cử, thì tôi nghĩ đó sẽ là [một] tín hiệu rất, rất khác.”
Ông Lại cảnh báo rằng nếu ông không đắc cử tổng thống, thì Đài Loan sẽ trở thành một kẽ hở cho phép Trung Quốc có được công nghệ và hàng hóa bất chấp các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Ông Trầm Bá Dương (Puma Shen), một trong những ứng cử viên lập pháp cao cấp của DPP và là giám đốc Khoa Tội phạm học Sau đại học của Đại học Quốc lập Đài Bắc (NTPU) của Đài Loan, nói rằng chiến thắng của ông Lại có nghĩa là Đài Loan tiếp tục hợp tác với các bằng hữu và đồng minh của mình, hợp tác cùng họ để ngăn chặn Trung Quốc.
Ông Trầm nhấn mạnh rằng Đài Loan vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ xâm lược từ phía ĐCSTQ. Ông giải thích rằng người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình có thể bị chính các quan chức quân sự của mình lừa dối để tin tưởng sai lầm rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ chiến thắng nếu tấn công Đài Loan.
Nói cách khác, ông Trầm nhận định kết quả bầu cử hôm thứ Bảy sẽ không phải là vấn đề quan trọng nhất liên quan đến một cuộc xâm lược tiềm ẩn; mà nói đúng hơn, những gì đang diễn ra trong nước ở Trung Quốc mới là điều quan trọng, ông cho biết.
Hồi tháng 02/2023, Giám đốc CIA William Burns nói rằng “theo thông tin tình báo,” Hoa Kỳ chắc chắn rằng ông Tập đã chỉ thị cho quân đội của mình sẵn sàng xâm chiếm Đài Loan vào năm 2027.
Sự ủng hộ của Hoa Kỳ
Trước đó trong tuần này (08-14/01), chính phủ Tổng thống Biden đã xác nhận rằng họ đang dự định cử một phái đoàn không chính thức đến Đài Loan sau cuộc bầu cử để gặp cả tổng thống đắc cử lẫn các ứng cử viên khác của hòn đảo này. Theo bà Kathleen Waters, phó phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), phái đoàn sẽ gồm các cựu quan chức cao cấp của Hoa Kỳ.
Hôm thứ Sáu (12/01), Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska) đã lên X, nền tảng trước đây gọi là Twitter, để thông báo rằng Thượng viện Hoa Kỳ đã đồng thuận thông qua một nghị quyết lưỡng đảng vào hôm trước, để chứng minh “cam kết và quyết tâm vững vàng, không suy suyển của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan.”
Theo văn bản của nghị quyết, Thượng viện cam kết “tiếp tục mối quan hệ đối tác mạnh mẽ trên các lĩnh vực ngoại giao, tình báo, kinh tế, và văn hóa, bất kể kết quả của cuộc bầu cử năm 2024 ở Đài Loan như thế nào.”
Nghị quyết này là do ông Sullivan và Thượng nghị sĩ Tim Kaine (Dân Chủ-Virginia) dẫn đầu. Những người đồng bảo trợ khác gồm có các thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina), Kevin Cramer (Cộng Hòa-North Dakota), Chris Coons (Dân Chủ-Delaware), và Chris Van Hollen (Dân Chủ-Maryland).
“Trong khoảng thời gian từ cuộc bầu cử ngày 13/01 đến lễ nhậm chức vào tháng Năm, Hoa Kỳ cần thể hiện cam kết và quyết tâm vững vàng, không suy suyển trong việc ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan và — quan trọng nhất là — chúng ta cần tăng cường khả năng răn đe xuyên eo biển ngay bây giờ,” ông Sullivan nói trong một tuyên bố.
“Mọi cuộc bầu cử ở Đài Loan đều đe dọa tiền đề trọng tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc — rằng một nhà độc tài cầm quyền vĩnh viễn sẽ biết điều gì là tốt nhất cho 1.4 tỷ người,” ông Sullivan nói thêm. “Hàng triệu người dân Trung Quốc ở Hoa lục sẽ theo dõi cuộc bầu cử sắp tới của Đài Loan và đặt câu hỏi, ‘Tại sao chúng ta không thể làm điều đó?’ Đây là một điểm yếu lớn đối với ông Tập Cận Bình.”
Các dân biểu Gerry Connolly (Dân Chủ-Virginia), Mario Diaz-Balart (Cộng Hòa-Florida), Ami Bera (Dân Chủ-California), và Andy Barr (Cộng Hòa-Kentucky), những đồng chủ tịch của Nhóm họp kín Quốc hội về Đài Loan (Congressional Taiwan Caucus), đã giới thiệu một nghị quyết tương tự tại Hạ viện hôm 10/01.
Ông Connolly nói trong một tuyên bố hôm thứ Tư (10/01): “Hơn bao giờ hết, điều bắt buộc là Hoa Kỳ phải hoàn toàn ủng hộ Đài Loan và cam kết của nước này đối với nền dân chủ.”
Ông Connolly nói thêm: “Trước những mối đe dọa và hăm dọa không ngừng từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vai trò lãnh đạo của Đài Loan với tư cách là một quốc gia dẫn đầu toàn cầu về y tế công cộng, các sản phẩm tân tiến, và quản trị dân chủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các thể chế dân chủ và bác bỏ chủ nghĩa độc tài trong nước và ở ngoại quốc.”
Ông Díaz-Balart nói với The Epoch Times trước cuộc bầu cử rằng sự ủng hộ của Quốc hội dành cho Đài Loan là “hoàn toàn ở cả hai đảng.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times