Tin Việt Nam ngày 21/7: Gần 5,400 ca mắc mới, 36 ca COVID-19 tử vong, Việt Nam gia công lô vaccine Sputnik V đầu tiên, Bộ Nông nghiệp đề nghị mở lại 3 chợ đầu mối ở TP. HCM
Nội dung sáng 21/7:
|
-
Thêm 2,787 ca mắc mới, Bình Dương tăng đột ngột với 657 ca
6h ngày 21/7, Bộ Y tế thông báo về 2,787 ca mắc mới COVID-19 gồm 12 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 2,775 ca trong nước tại TP. HCM (1,739), Bình Dương (657), Đồng Nai (85), Tiền Giang (65), Vĩnh Long (39), Khánh Hòa (38), Bến Tre (35), Bà Rịa – Vũng Tàu (18), Cần Thơ (16), Đắk Lắk (13), Kiên Giang (12), Bình Phước (12), Hậu Giang (9), Long An (8 ), Hà Giang (6), Phú Yên (5), Đắk Nông (4), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (3), Bình Định (2), Nghệ An (2), Lâm Đồng (2), Gia Lai (1), trong đó, 393 ca ghi nhận trong cộng đồng.
Như vậy, tính từ 27/4 đến sáng 21/7, Việt Nam có tổng cộng 61,940 ca bệnh. Đã có 11/59 tỉnh/thành qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
Hôm qua 19/7, Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức, TP. HCM đã triển khai thử nghiệm hướng dẫn cho người dân trên địa bàn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Đồng Nai cũng ban hành kế hoạch thí điểm cách ly F1 tại nhà ở 4 huyện/thị/thành trên địa bàn gồm: thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh, huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom. Thời gian thực hiện: từ ngày 20/7 đến 23/8, báo cáo kết quả thực hiện thí điểm trước ngày 30/8.
-
Đề nghị còn 2 chuyến bay mỗi ngày từ TP. HCM ra Hà Nội
Ngày 20/7, Bộ Giao thông vận tải đề nghị lên Chính phủ 2 phương án điều chỉnh hoạt động khai thác ra Hà Nội từ các sân bay khu vực phía Nam để phòng dịch. Cụ thể:
Phương án 1 (giảm một phần khai thác): dừng khai thác các đường bay Cần Thơ – Hà Nội,; Phú Quốc – Hà Nội và ngược lại. Giảm lượng khách khai thác đường bay giữa TP.HCM – Hà Nội xuống còn 800 khách/ngày.
Phương án 2 (áp dụng tương tự giai đoạn từ ngày 1 đến 15/4/2020 khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16): dừng khai thác các đường bay: Cần Thơ – Hà Nội; Phú Quốc – Hà Nội và ngược lại. Đường bay giữa TP. HCM – Hà Nội: khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày.
Trong 2 phương án trên, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chọn phương án 2. Theo Bộ GTVT, nếu phương án 2 được thông qua, việc kiểm soát dịch bệnh và nguồn lây sẽ dễ dàng hơn, nguy cơ lây nhiễm từ TP. HCM đến Hà Nội thấp hơn, tuy nhiên, nhu cầu đi lại của hành khách nhất định cần di chuyển giữa Hà Nội và TP. HCM sẽ bị hạn chế tối đa.
Trước đó, từ 9/7, đường bay TP. HCM – Hà Nội và ngược lại khai thác tối đa 1,700 khách/chiều/ngày, phân bổ Vietnam Airlines 700 khách, Pacific Airlines 200 khách, Vietjet Air 400 khách, Bamboo Airways 400 khách.
-
Bà Rịa – Vũng Tàu xét nghiệm miễn phí cho shipper và tài xế ‘luồng xanh’
Chiều 20/7, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành văn bản trong đó quy định, shipper được giao các mặt hàng thiết yếu nhưng phải có giấy xét nghiệm không nhiễm COVID-19 trong vòng 72h kể từ khi lấy mẫu, có trang phục, cài đặt app và thể hiện rõ “1 tuyến đường 2 địa chỉ”, có sổ nhật ký giao hàng…
Đáng chú ý, tỉnh sẽ dùng ngân sách để xét nghiệm miễn phí cho “shipper”. Việc lấy mẫu thực hiện vào 8h sáng, là mẫu xét nghiệm PRC, gộp 10 người. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho tài xế “luồng xanh” (là những xe được cấp thẻ nhận diện có mã QR, dán trên cửa kính xe).
Theo thống kê của Sở Công thương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có khoảng 800 người giao hàng của các doanh nghiệp lớn, siêu thị lớn. Ngoài ra còn có hàng trăm shipper của các công ty, doanh nghiệp nhỏ, chuyên giao thực phẩm, thức ăn, đồ uống.
-
Úc gia hạn điều tra ống thép chính xác với 4 nước, trong đó có Việt Nam
Ngày 20/7, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) vừa gia hạn lần thứ 5 thời gian ban hành kết luận điều tra vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép chính xác có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Theo thông báo của ADC, kết luận điều tra cuối cùng sẽ được ban hành muộn nhất vào ngày 27/8 tới.
Trước đó, ngày 1/6, ADC đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ và báo cáo dữ liệu trong việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép chính xác như sau:
Về cáo buộc tình hình thị trường đặc biệt (PMS), ADC cho rằng không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về giá nguyên liệu giữa Việt Nam và các nước khác; không có sự tác động của Chính phủ làm lệch lạc giá trị thông thường; các văn bản quy hoạch định hướng tổng thể cho ngành thép không còn hiệu lực ảnh hưởng.
Về cáo buộc bán phá giá và trợ cấp, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều được kết luận không bán phá giá và không nhận trợ cấp hoặc nhận trợ cấp không đáng kể từ Chính phủ.
Ngoài ra, ADC cũng kết luận hàng hóa từ Việt Nam và Đài Loan không gây ra thiệt hại đáng kể.
-
Giá vàng giảm khi dòng tiền dồn vào kênh đầu tư khác
Trong phiên giao dịch lúc 6h ngày 21/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay tại 1,810 USD/ounce, đánh dấu một phiên giảm 3 USD/ounce.
Đêm qua 20/7, giá vàng thế giới có lúc lên tới 1,825 USD/ounce nhưng không trụ được ở mức giá này khi dòng tiền trên thị trường dồn vào các kênh sinh lời khác.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 56.800 triệu đồng/lượng mua vào và 57.550 triệu đồng/lượng bán ra. Giảm 50,000 đồng/lượng theo chiều mua và đi ngang chiều bán ra.
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 56.900 triệu đồng/lượng mua vào và 57.520 triệu đồng/lượng bán ra. Đi ngang chiều mua và chiều bán ra.
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức 56.900 triệu đồng/lượng mua vào và 57.570 triệu đồng/lượng bán ra. Đi ngang chiều mua và chiều bán ra.
Chuyên gia Stephen Innes (Công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management, Thụy Sỹ) cho biết, thị trường vàng đang giảm dần do lợi suất cực thấp. Tuy nhiên, vàng cạnh tranh với đồng USD cho nhu cầu trú ẩn an toàn, do đó đà tăng giá của kim loại quý này sẽ bị hạn chế trong ngắn hạn.
Các nhà phân tích tại Haywood Research cho rằng, lạm phát vẫn là một yếu tố quan trọng đối với giá vàng trong dài hạn.
-
Đông Á đối mặt 2 cơn bão mạnh trên Biển Đông, sức gió 120 km/giờ
Cơ quan khí tượng cho biết, trên vùng biển ở Đông Á, 2 cơn bão mạnh đã hình thành và được dự báo gây mưa to gió lớn ở khu vực này trong những ngày tới.
Đáng chú ý, vào cuối ngày hôm qua (20/7), bão Cempaka với sức gió lên đến 120 km/giờ đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Trong tuần này, bão này được dự báo gây mưa lũ ở nhiều địa phương tại miền Đông Nam Trung Quốc. Riêng 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam dự kiến hứng lượng mưa từ 100-200 mm. Con số này có thể lên đến 500 mm tại một số khu vực hẻo lánh. Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp Mỹ dự báo bão Cempaka sẽ đi qua các khu vực nói trên và trở lại biển Đông vào cuối tuần.
Ngoài Cempaka, một cơn bão mạnh khác có tên In-Fa. Bão In-Fa được dự báo ảnh hưởng đến Nhật Bản và Đài Loan trước khi đổ bộ vào Trung Quốc. Riêng tại Nhật Bản, In-Fa dự kiến gây mưa trước khi Thế vận hội Tokyo khai mạc ngày 23/7.
Hôm 20/7, cơ quan dự báo thời tiết Trung Quốc cho biết, bão In-Fa dự kiến đổ bộ vào vùng ven biển giữa 2 tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến trong ngày 25/7.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm