Tin Việt Nam ngày 21/7: Gần 5,400 ca mắc mới, 36 ca COVID-19 tử vong, Việt Nam gia công lô vaccine Sputnik V đầu tiên, Bộ Nông nghiệp đề nghị mở lại 3 chợ đầu mối ở TP. HCM
Nội dung trưa 21/7:
|
-
Nhật Bản hỗ trợ thiết bị bảo quản vaccine trị giá 20 tỷ đồng
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định cung cấp 1,600 hộp lạnh bảo quản vaccine COVID-19 với thiết bị theo dõi nhiệt độ kèm theo, phục vụ cho việc vận chuyển vaccine tới các điểm chích ngừa.
Gói hỗ trợ này trị giá 100 triệu yen Nhật (khoảng 20 tỷ đồng) và hiện đang được JICA mua thông qua UNICEF Việt Nam, dự kiến được giao trong tháng 9.
Hộp lạnh được JICA cung cấp sẽ bảo quản vaccine ở nhiệt độ 2-8°C có kèm theo thiết bị theo dõi nhiệt độ để bảo đảm quá trình vận chuyển vaccine từ các kho bảo quản trung tâm tới các điểm chích được an toàn.
Trong tháng 7 này, JICA cũng sẽ triển khai chương trình hợp tác với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) trong Dự án “Phòng chống lây nhiễm và Tăng cường kiểm soát dịch tễ tại cửa khẩu biên giới”. Tổng trị giá gói hỗ trợ khoảng 20 triệu yen (tương đương khoảng 4 tỷ đồng).
JICA sẽ tiếp tục cùng Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam sớm kiểm soát dịch COVID-19.
-
Đồng Nai giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 9 ngày
Ngày 21/7, tỉnh Đồng Nai quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 thêm 9 ngày, kéo dài đến ngày 1/8 so với quy định trước.
Sau 12 ngày thực hiện (bắt đầu từ ngày 9/7), đến nay Đồng Nai yêu cầu tiếp tục áp dụng Chỉ thị trên theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.
Tỉnh yêu cầu tất cả doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người làm việc tại đơn vị. Từ ngày 22/7, các doanh nghiệp phải áp dụng một trong 3 phương án gồm: 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm (một cung đường chở công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở) và linh động cùng lúc áp dụng 2 phương án trên. Nếu không thực hiện sẽ phải ngừng sản xuất.
Sáng 21/7, Đồng Nai ghi nhận thêm 215 ca COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 lên 1,566 ca. Trong đó, thành phố Biên Hòa có 768 ca, Vĩnh Cửu 245 ca, Nhơn Trạch 157 ca, Thống Nhất 147 ca…
Hiện Đồng Nai đã thiết lập 2 Bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 và 6 Bệnh viện dã chiến với tổng hơn 2,000 giường bệnh. Ngoài ra Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Thống Nhất chuẩn bị sử dụng 2 Trung tâm hồi sức cấp cứu chuyên điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch với hơn 100 giường.
-
Khánh Hòa ghi nhận 5 ca COVID-19 tử vong
Sáng 21/7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, ông Bùi Xuân Minh cho biết, trong 3 ngày từ 19-21/7, Bệnh viện Dã chiến tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh ghi nhận 5 ca COVID-19 tử vong.
Theo ông Minh, 5 bệnh nhân này đều lớn tuổi (từ 55 đến 82 tuổi), mắc nhiều bệnh lý nền, trong đó, 2 bệnh nhân đã trở nặng, thở máy nhiều ngày, 3 bệnh nhân còn lại trở nặng vào ngày 18 và 19/7.
Trong số 5 bệnh nhân tử vong, có 3 bệnh nhân ở thị xã Ninh Hòa, 1 bệnh nhân ở TP. Nha Trang và 1 bệnh nhân ở huyện Cam Lâm.
Tính đến ngày 21/7, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 713 ca mắc COVID-19. Đến nay, ngành y tế đã lấy mẫu test nhanh 126,000 người, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho 185,000 người.
-
Số ca nhiễm tăng đột ngột, Bình Dương sắp chích ngừa vaccine diện rộng
Tới đây, trong ngày 24/7, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai chích vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng do CDC, Trung tâm Y tế thành phố Thủ Dầu Một, Trạm Y tế các phường Phú Lợi, Phú Hòa thực hiện.
Hiện tỉnh đã thành lập 600 đội lấy mẫu, bảo đảm trả kết quả trong 24 giờ. Bên cạnh đó, năng lực cách ly tập trung được nâng lên 20,000 giường, có thể mở rộng lên 30,000 giường.
Bình Dương đã bố trí 65 chốt kiểm soát trọng điểm gồm: 33 chốt kiểm soát chính (liên tỉnh) ở các cửa ngõ của tỉnh, trên tuyến đường lưu thông huyết mạch ra, vào địa bàn; 32 chốt kiểm soát phụ (nội huyện, liên huyện) ở các cửa ngõ của tỉnh và huyện, thị, thành phố trên tuyến đường liên huyện, đường dân sinh.
Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương đã ghi nhận 4,382 ca mắc COVID-19. Sáng nay (21/7), tỉnh Bình Dương có số ca mắc mới tăng đột ngột với 657 ca.
-
Người về Thanh Hóa phải test nhanh nếu không đảm bảo 1 trong 2 yêu cầu
Từ 0h hôm nay (21/7), tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, tất cả công dân từ các tỉnh/thành khác đến Thanh Hóa lưu trú hoặc công dân trong tỉnh ra ngoài tỉnh ngay sau khi trở về phải khai báo y tế tại Trạm Y tế hoặc Trung tâm Y tế gần nhất để được hướng dẫn, phân luồng và chỉ định thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Trường hợp không có giấy chứng nhận đã chích đủ vaccine COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ thì phải làm test nhanh kháng nguyên và phải tự trả phí xét nghiệm.
Riêng với người về từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, có thể làm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm soát dịch ở Dốc Xây ở thị xã Bỉm Sơn và xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành. Tỉnh miễn phí test nhanh cho người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 12 tuổi, gia đình chính sách, hộ nghèo, thương binh, bệnh binh.
Tỉnh Thanh Hoá mở đợt cao điểm từ ngày 21/7 đến ngày 21/8 kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch.
-
Bé gái ở Hà Tĩnh chào đời nặng đến 6.2 kg
Sáng nay (21/7), Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh cho biết, vào tối 20/7, Khoa Sản của bệnh viện đã phẫu thuật thành công, đón bé gái sơ sinh cân nặng 6.2 kg.
Bệnh viện cho biết, bé gái là con thứ 4 của sản phụ N.T.H. (sinh năm 1981; ngụ tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh) và là một trong những trẻ sơ sinh có cân nặng hiếm thấy tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh. Hiện sức khỏe sản phụ H. và bé gái bình thường, đang được theo dõi tại bệnh viện.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sơ sinh giới tính nữ đủ tháng, có trọng lượng cơ thể 3.2-4.2 kg. Trường hợp bé gái cân nặng 6.2 kg được xem là hiếm gặp.
-
TP. HCM: Thịt heo rẻ tại nguồn, người chăn nuôi lỗ nặng nhưng vẫn khó bán
Văn phòng Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, ghi nhận ngày 20/7, giá heo hơi của các trang trại gia công thuộc các doanh nghiệp đang ở mức 58,500 đồng/kg nhưng giá heo hơi nông hộ, trang trại tư nhân chỉ còn 52,000 đồng/kg, nông dân lỗ nặng nhưng vẫn rất khó bán.
Tại TP. HCM, dù giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá bán lẻ thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá thịt heo có thương hiệu từ 140,000-200,000 đồng/kg các loại thông dụng (trừ sườn non ở mức 270,000-300,000 đồng/kg). Giá thịt heo bán trực tuyến ở các nhóm bán thực phẩm tươi sống cũng tương đương giá bán ở siêu thị.