Tin Việt Nam ngày 18/9: Gần 9,400 ca mắc mới, 220 ca tử vong, Tp HCM với 3 chiến lược điều trị COVID-19 giai đoạn mở cửa, Bình Dương thực hư với chuyện hơn 149,000 liều vaccine hết hạn, hơn 200 xe hàng nông sản, thủy sản ùn ứ ở đường biên
Nội dung sáng 18/9
Vượt 667,600 ca nhiễm, số thở máy và ECMO giảm
Tính đến sáng 18/9, Việt Nam có 667,650 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 663,232 ca. Có 433,465 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao là Tp HCM (326,795), Bình Dương (173,086), Đồng Nai (38,081), Long An (29,843), Tiền Giang (12,760).
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 16,637 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Trong ngày hôm qua (17/9), Việt Nam ghi nhận 11,521 ca mắc mới, trong đó có 6,656 ca cộng đồng; tăng 1,024 ca so với ngày 16/9. Trong đó, Tp HCM tăng 237 ca, Bình Dương tăng 1,015 ca, Đồng Nai giảm 222 ca, Long An giảm 8 ca, Kiên Giang giảm 18 ca.
Ngày 17/9 Việt Nam có 212 ca tử vong tại 13 tỉnh/thành, tập trung chủ yếu tại Tp HCM với 166 ca, Bình Dương 28, Đồng Tháp 4 ca… Trong số 5,505 bệnh nhân nặng đang điều trị, có 4,479 ca thở oxy, 1,026 ca thở máy và ECMO giảm so với ngày 16/9 (với 1,052 ca).
Chính phủ chấp thuận sử dụng hơn 2,600 tỷ đồng mua gần 20 triệu liều vaccine Pfizer
Ngày 17/9, Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất Quỹ vaccine COVID-19 để mua bổ sung gần 20 triệu liều Pfizer và chi cho việc chích ngừa.
Cụ thể, sử dụng 2,652,537 triệu đồng từ nguồn Quỹ vaccine COVID-19 Việt Nam để mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine COVID-19 BNT162 của Pfizer và chi thực hiện các hoạt động phục vụ việc chích ngừa vaccine COVID-19 theo đề nghị của Bộ Y tế ngày 16/9/2021.
Trước đó, vào giữa tháng 8, Chính phủ áp dụng mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer theo hình thức chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Luật Đấu thầu.
Như vậy tính đến thời điểm này, Việt Nam đã đặt mua 51 triệu liều vaccine Pfizer, trong đó 31 triệu liều đặt trước đó.
Số ca nhiễm tại ‘vùng đỏ’, ‘vùng cam’ giảm mạnh, Sài Gòn vẫn ‘chưa dám lạc quan’
Kết quả xét nghiệm tầm soát diện rộng đợt 3 cho thấy, số ca nhiễm COVID-19 tại ‘vùng đỏ’, ‘vùng cam’ ở Tp HCM giảm mạnh so với 2 đợt trước đó. Hiện Tp HCM đang bước vào xét nghiệm tầm soát diện rộng đợt 4.
Ngày 17/9, tại buổi họp báo định kỳ, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách HCDC cho biết, qua xét nghiệm đợt 3, tỷ lệ dương tính tại ‘vùng xanh’ và ‘cận xanh’ là 0.5%, ‘vùng vàng’ là 0.6%, ‘vùng đỏ’ và ‘vùng cam’ là 1.1%
Trong khi đó, vào thời điểm thành phố hoàn thành xét nghiệm đợt 1 ngày 4/9 và đợt 2 ngày 6/9, tỷ lệ dương tính ở ‘vùng xanh’, ‘vùng cận xanh’ là 0.8%; ‘vùng vàng’ là 1.5%; ‘vùng cam’, ‘vùng đỏ’ là 3.6% (đợt 1) và 2.7% (đợt 2).
Phó Giám đốc phụ trách HCDC cho hay, Tp HCM đang bước vào đợt xét nghiệm diện rộng lần thứ 4. Theo số liệu, ca nhiễm COVID-19 tại ‘vùng đỏ’, ‘vùng cam’ giảm mạnh trong đợt 3 so với 2 đợt trước đó.
Tính đến 18h ngày 17/9, TP HCM có 326,795 ca COVID-19.
Trong chiều cùng ngày, TP HCM thông tin, số ca tử vong mỗi ngày đang có xu hướng giảm, tuy nhiên ngành y tế vẫn không dám lạc quan vì số ca bệnh nặng vẫn còn nhiều.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp HCM, tỷ lệ bệnh nhân trên số giường tại tầng 2 là 69.2% và tầng 3 là 77.5%. Tỷ lệ tử vong ở tầng 2 là 4.5% và ở tầng 3 là 33.4%, tỷ lệ bệnh nhân phải sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị nặng còn khá cao. Do đó, ông Hưng nhận định thời gian tới số ca tử vong có thể sẽ tiếp tục tăng.
Sài Gòn dự kiến chi hỗ trợ đợt 3 từ ngày 22/9
Trong thông báo kết luận về phương án hỗ trợ gửi các đơn vị liên quan, Tp HCM cho biết, từ ngày 22/9 đến 4/10, các địa phương sẽ chi gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn.
Cũng trong thông báo trên, chính quyền thành phố yêu cầu các quận/huyện và Tp Thủ Đức hoàn tất danh sách người nhận hỗ trợ trước ngày 20/9, tiền chuyển về địa phương trước 21/9 để kịp thời chi đến tay người dân.
Trước đó, hôm 15/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị số lượng người dự kiến nhận hỗ trợ trong đợt này là hơn 7.5 triệu người. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/lần, tổng dự toán kinh phí hơn 7,500 tỷ đồng.
Người nhận hỗ trợ là những người bị mất việc, gặp khó khăn đang có mặt tại thành phố, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Ngoài ra, thân nhân của người bị mất việc gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, người nội trợ, không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc… cũng được xem xét.
Đà Nẵng không nhận được 200,000 liều vaccine Vero Cell như thông báo
Ngày 17/9, theo thông báo mới nhất từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Quốc gia, đợt này, TP Đà Nẵng không nhận được thêm 200.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm như phân bổ ban đầu.
Cùng với thành phố Đà Nẵng, tại miền Trung, các tỉnh Quảng Bình, Phú Yên cũng được thông báo không được phân bổ lô vaccine này.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở Y tế đã có văn bản điều chuyển 120,000 liều vaccine Astra Zeneca về các quận huyện. Lãnh đạo thành phố đề nghị các quận huyện lập danh sách nhóm người ưu tiên, đặc biệt là ở các địa phương có mức độ dân cư đông, khu kiệt hẻm, những vùng có yếu tố nguy cơ.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm