Tin Việt Nam ngày 18/9: Gần 9,400 ca mắc mới, 220 ca tử vong, Tp HCM với 3 chiến lược điều trị COVID-19 giai đoạn mở cửa, Bình Dương thực hư với chuyện hơn 149,000 liều vaccine hết hạn, hơn 200 xe hàng nông sản, thủy sản ùn ứ ở đường biên
Nội dung chiều 18/9
Việt Nam chấp thuận khẩn cấp vaccine của Cuba
Mới đây, Bộ Y tế chấp thuận có điều kiện vaccine COVID-19 có tên Abdala của Cuba. Vaccine này sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA – Cuba, được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học (CIGB) – Cuba.
Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) là nơi đề nghị chấp thuận loại vaccine này.
Vaccine Abdala mỗi liều 0.5 ml chứa 50 mcg vaccine protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của nCoV, bào chế ở dạng hỗn dịch chích bắp. Vaccine được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều.
Đây là vaccine COVID-19 thứ 8 được chấp thuận lưu hành có điều kiện tại Việt Nam sau AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Janssen, Vero Cell của Sinopharm, Sputnik V, Hayat-Vax.
Theo Bộ Y tế, vaccine Abdala sử dụng công nghệ tái tổ hợp protein tương tự vaccine nội địa Nano Covax đang phát triển tại Việt Nam.
Đây cũng là vắc xin mới tại Cuba, lịch chích Abdala gồm 3 liều, nhiều hơn các vaccine thông thường đã sử dụng tại Việt Nam. Phía Cuba đã cam kết có thể cung cấp cho Việt Nam 10 triệu liều Abdala.
Sài Gòn thêm hãng bay chở hàng đến Tân Sơn Nhất, lập ‘hành lang xanh’
Ngày 18/9, một lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho biết, đơn vị vừa có thêm hợp đồng phục vụ cho hãng chuyên chở hàng hóa Air Incheon đi, đến Tân Sơn Nhất.
Theo SAGS, đây là tin vui trong bối cảnh hàng không nội địa ngưng trệ do dịch bệnh, nhưng các hãng bay nước ngoài vẫn đăng ký hoạt động luân chuyển hàng giữa Việt Nam – Hàn Quốc, từ đó có thêm doanh thu, tạo công việc cho nhân viên.
Về phía hàng không nội địa, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (đơn vị quản lý khai thác 22 sân bay nội địa) cho biết, đang thiết lập khung chương trình “hành lang xanh” tại các cảng, phục hồi đi lại trong trạng thái bình thường mới.
“Hành lang xanh” bao gồm 3 phần: “con người xanh”, “phương tiện, hạ tầng xanh”, “quy trình xanh”, trong đó, con người là nhân viên hàng không, hành khách; phương tiện, hạ tầng là sân bay, máy bay, xe buýt; còn quy trình là các hướng dẫn giảm thiểu tiếp xúc, tuân thủ quy trình phòng dịch.
Đối với lộ trình thí điểm đón khách quốc tế dự kiến vào tháng 10/2021, ông Nguyễn Minh Đông, Giám đốc Cảng HKQT Phú Quốc khẳng định, sẵn sàng tiếp nhận các chuyến bay chở khách du lịch quốc tế. Hiện 98% nhân viên của cảng đã chích vaccine, khi có kế hoạch khai thác các chuyến bay quốc tế thì cảng điều động 100% nhân lực trở lại làm việc.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa theo 3 giai đoạn với điều kiện đi kèm là khách được bay phải có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, phải có chứng nhận tiêm đủ liều, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát…
Hà Nội xuất hiện chùm 6 ca mắc tại ‘vùng xanh’, phong toả Chung cư ở quận Hoàng Mai
Trưa nay 18/9, trong tổng số 15 ca dương tính mới, Hà Nội xuất hiện 6 ca mắc mới tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Đây là chùm ca bệnh mới ghi nhận trong 1 gia đình tại ‘vùng xanh’ và chưa rõ nguồn lây.
Trong chùm ca bệnh mới này có 1 ca cộng đồng phát hiện qua sàng lọc ho sốt là nữ, 84 tuổi ở Việt Hưng.
Đáng chú ý, ca cộng đồng này thường xuyên ở nhà, sau khi xuất hiện sốt, ho, khó thở nhẹ, được người nhà tự mua thuốc điều trị nhưng không đỡ. Ngày 17/9, cụ khó thở, chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám, xét nghiệm khẳng định cho kết quả dương tính.
Hiện đã xác định có 20 F1, 20 F2 liên quan. Trong tối 17/9, phường Việt Hưng đã tạm phong toả ngách 22/17 nơi có 13 gia đình với 53 người sinh sống, lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu vực, các F1 đã được đưa đi cách ly. Đêm 17/9, địa phương cũng đã phong tỏa toàn bộ ngõ 17 phố Kim Quan.
Trong đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến trưa 18/9, Hà Nội ghi nhận tổng 3,901 ca COVID-19, trong đó 1,597 ca cộng đồng.
Cũng tại Hà Nội, lúc 8h26 cùng ngày 18/9, sau khi ghi nhận 1 mẫu gộp gồm 10 người dương tính với COVID-19 tại Chung cư Park View Tower – Đồng Phát, phường Vĩnh Hưng yêu cầu các cư dân tại Chung cư tạm thời không rời khỏi nhà.
Đồng thời giao cảnh sát, Ban chỉ huy quân sự phường kiểm soát không để người ra vào chung cư đến khi có thông báo mới.
Trạm y tế phường được yêu cầu phối hợp với Tổ dân phố, Ban quản lý Tòa nhà Đồng Phát lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC Hà Nội theo quy định.
Doanh nghiệp Đà Nẵng than ‘khó xin giấy đi đường’
Mới đây, một số doanh nghiệp xây dựng, thi công công trình nhà ở dân dụng tại Đà Nẵng cho biết, gặp khó trong việc xin giấy đi đường, trong khi công trình dang dở và đã vào mùa mưa bão.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp này, hồ sơ xin cấp giấy đi đường nhiều lần bị trả về yêu cầu bổ sung thông tin. Tài khoản đăng nhập hệ thống cấp giấy đi đường lúc đăng nhập được, lúc không. Hệ thống đăng ký giấy mới từ ngày 19 đến 25/9 tới đây còn yêu cầu cung cấp danh sách cán bộ nhân viên đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Bên cạnh đó, số lượng người của doanh nghiệp được cấp giấy đi đường quá ít so với nhu cầu lao động. Ngoài ra, hệ thống cấp giấy đi đường của TP hiện chỉ chấp nhận một pháp nhân, doanh nghiệp không thể lập tài khoản mới với pháp nhân cũ để xin giấy ở các phường khác.
Theo ghi nhận, hệ thống cấp giấy đi đường của TP Đà Nẵng hiện không cho phép thay đổi, điều chỉnh thông tin về nhân viên, tuyến đường trực tiếp trên danh sách đã được cấp. Doanh nghiệp muốn bổ sung hoặc thay đổi thông tin về cán bộ nhân viên bắt buộc phải cập nhật lại từ đầu danh sách và các văn bản liên quan theo hướng dẫn của cơ quan quản lý.
Những cơ quan, doanh nghiệp muốn tăng số lượng xin giấy đi đường phải được cơ quan cấp giấy mở số lượng trên hệ thống mới được duyệt thêm.
Về vấn đề này, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sở chỉ cấp giấy đi đường cho các công trình động lực, trọng điểm, cấp bách. Đối với các công trình khác như nhà ở dân dụng, thẩm quyền cấp giấy đi đường được phân cấp cho quận huyện hoặc xã phường nơi có công trình.
Theo ông Phong, đối với công trình nhà ở dân dụng, chủ nhà có thể liên hệ các phường, xã để đăng ký danh sách giấy đi đường cho công nhân.
Cách chức Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lạng Sơn
Ngày 18/9, tỉnh Lạng Sơn cho biết, ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lạng Sơn vừa nhận quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức.
Trước đó, tháng 4/2020, ông Duyệt bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cụ thể theo cáo trạng, từ năm 2016-2018, với vai trò là Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường kiêm Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư do Sở làm chủ đầu tư quản lý 2 dự án, ông Duyệt đã thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, để xảy ra sự việc là đơn vị thi công tự lập dự toán, áp mã hiệu sai để nâng giá trị dự toán công trình.
Ngoài ra, ông Duyệt còn lựa chọn đơn vị không đủ năng lực giám sát công trình. Tổng số ngân sách thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm của ông Duyệt là hơn 590 triệu đồng.
Tháng 1/2021, TAND tỉnh Lạng Sơn đã tuyên phạt ông Nguyễn Đình Duyệt 2 năm tù, hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm và không được đảm nhiệm chức vụ liên quan trong 2 năm. Ông Duyệt sau đó đã kháng cáo và đến nay, phiên xử phúc thẩm chưa mở lại.
Xem thêm