Tin Việt Nam ngày 14/10: Hơn 4,000 ca mắc mới, 81 ca tử vong, Bộ Y tế chấp thuận chích vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi
Nội dung sáng 14/10
Tổng gần 850,000 ca nhiễm, hơn 787,000 ca khỏi bệnh
Tính đến sáng 14/10, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 849,691 ca nhiễm, 787,286 ca đã khỏi bệnh, 4,120 ca nặng đang điều trị và 20,869 ca tử vong. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (kể từ 27/4) đến nay, số ca nhiễm là 845,050 ca.
Hôm qua 13/10, Việt Nam ghi nhận 3,461 ca mắc mới gồm 3 ca nhập cảnh và 3,458 ca tại 47 tỉnh/thành, trong đó có 1,432 ca cộng đồng.
Số mắc ngày 13/10 so với ngày 12/10 tại Việt Nam tăng 519 ca, trong đó, Hà Giang tăng 152 ca, Sài Gòn tăng 144 ca, Đắk Lắk tăng 113 ca, Tây Ninh giảm 61 ca, Bình Thuận giảm 17 ca, Đồng Nai giảm 15 ca.
Cũng trong ngày 13/10, Việt Nam có 1,191 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, số tử vong là 106 ca tại 9 tỉnh/thành, chủ yếu ở Sài Gòn (73) và Bình Dương (18).
Bình Định nới lỏng, cho mở phòng gym, karaoke
Ngày 13/10, tỉnh Bình Định áp dụng quyết định mở lại hoạt động gym, spa, massage, karaoke… từ ngày 15/10. Ngoài ra, các dịch vụ được mở lại còn có fitness, yoga, aerobic, khiêu vũ, bida, dịch vụ Internet công cộng, trò chơi điện tử; thẩm mỹ, làm đẹp; bảo tàng, thư viện, triển lãm, rạp chiếu phim… Tất cả loại hình này hoạt động không quá một nửa công suất.
Khu di tích, danh lam thắng cảnh, điểm tham quan du lịch mở lại nhưng không quá 30 người một đoàn khách tại một địa điểm và thời gian. Dịch vụ ăn, uống được bán tại chỗ nhưng không quá 50% số bàn. Người dân được tắm biển ở khung giờ 4h30-7h, không tập trung quá 10 người…
Đến 13/10, tỉnh Bình Định ghi nhận 1,442 ca COVID-19, 1.242 người đã khỏi bệnh, 17 ca tử vong; 183 người đang cách ly.
Thái Bình chuẩn bị đón hơn 1,000 người về từ các tỉnh phía Nam
Tỉnh Thái Bình vừa áp dụng phương án tổ chức đón 1,391 công dân trở về từ Sài Gòn và Bình Dương, Đồng Nai, Long An; chia làm 2 chuyến vào các ngày 15, 16/10 từ ga Sài Gòn về ga Nam Định.
Công dân đăng ký về quê cần chuẩn bị: CMND/Căn cước công dân/Hộ khẩu/Giấy khai sinh đối với trẻ em; phiếu xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ; giấy chứng nhận đã chích vaccine (nếu có).
Sau khi về đến Ga Nam Định, các huyện/thành phố bố trí ô tô khách đến đón công dân của địa phương mình về khu cách ly tập trung.
Tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ công dân các chi phí như phí di chuyển từ ga Sài Gòn về ga Nam Định; phí di chuyển từ ga Nam Định về khu cách ly tập trung; một phần chi phí trong thời gian công dân cách ly tại các khu cách ly tập trung của địa phương.
Ninh Bình cấm biển, Quảng Bình cấm sông tránh bão Kompasu
Chiều 13/10, tỉnh Ninh Bình áp dụng quyết định, trong đó, yêu cầu các địa phương không cho tàu thuyền ra khơi, và thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi an toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng lên kế hoạch cho các khu vực di tản dân cư ở những địa điểm có nguy cơ sạt lở.
Trong ngày 13/10, tỉnh Quảng Bình cũng đã ban lệnh cấm toàn bộ tàu thuyền ra khỏi các cửa sông như Nhật Lệ, Roòn, Gianh, Lý Hòa… cho đến khi hết mưa bão và không còn cảnh báo rủi ro. Ngoài ra, tại các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão lớn như cửa Gianh (huyện Bố Trạch), Nhật Lệ (Tp Đồng Hới), các đội y tế lưu động đã túc trực để thực hiện xét nghiệm nhanh và khai báo y tế đối với toàn bộ ngư dân khi đưa tàu thuyền vào neo đậu.
Còn tại Quảng Ninh, bắt đầu từ 17h ngày 13/10, Sở GTVT cấm xe máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Bãi cháy.
Trước đó, lo ngại bão đổ bộ, gây mưa lớn, nhiều thủy điện, hồ đập ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Nghệ An đã xả tràn để bảo đảm an toàn hồ đập, tránh gây ngập lụt vùng hạ du. Ngoài ra, các tỉnh cũng chuẩn bị phương án di tản.
Hàng trăm tấn cá chết, hoa màu bị ngập sâu
Ngày 13/10, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết, mấy ngày qua, ảnh hưởng của bão số 8 gây mưa kéo dài kèm việc xả lũ của đập thủy điện Đồng Nai 5 đã làm thiệt hại trên 750 tấn cá nuôi bè của 91 gia đình nuôi cá (do bị chết và thoát trôi theo dòng lũ).
Đồng thời có 167 ha hoa màu như cam, quýt, bưởi, mít, chuối bị ngập sâu từ 30 đến 60 cm gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân chính là do đập thủy điện xả nước, xả dồn dập bất ngờ khiến sông không kịp thoát nước nên tất cả cá nuôi trên sông không chịu nổi chết như ngả rạ.
Bão Kompasu suy yếu trước khi đổ bộ, không khí lạnh tăng cường
Sáng nay (14/10), bão Kompasu ở Vịnh Bắc Bộ tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 7h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách Thanh Hóa khoảng 220 km, cách Nghệ An khoảng 230 km, cách Hà Tĩnh khoảng 200 km với sức gió mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.
Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây, suy yếu thành một vùng áp thấp và đi vào khu vực Thanh Hóa, Nghệ An với sức gió giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Cảnh báo mưa lớn: Trong ngày hôm nay (14/10), Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 15 0mm.
Từ ngày 16-19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp có khả năng xuất hiện trên dải hội tụ nhiệt đới nên ở khu vực Trung Bộ tiếp tục có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam, sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ hôm nay đến ngày 15/10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-22 độ C, vùng núi có nơi dưới 18 độ C.
Khu vực Hà Nội: Từ nay đến ngày 15/10 có mưa vừa, mưa to. Từ nay đến ngày 15/10, trời lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ C.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm