Tin Việt Nam ngày 14/10: Hơn 4,000 ca mắc mới, 81 ca tử vong, Bộ Y tế chấp thuận chích vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi
Nội dung chiều 14/10
Sài Gòn thí điểm ăn uống tại chỗ, ‘tháng 11 cũng chưa thể bình thường mới’
Sáng nay 14/10, Chủ tịch Tp HCM Phan Văn Mãi khẳng định, thành phố sẽ cho phép kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ, có thể thí điểm ở quận 7 hoặc địa bàn an toàn.
Về việc Sài Gòn có mở cửa nhiều hoạt động như Hà Nội hay không, ông Mãi cho biết, mỗi thành phố có đặc điểm dịch bệnh khác nhau nên không thể áp dụng các biện pháp giống nhau.
Theo ông Mãi, hiện tại chưa thể nói thành phố đã trở lại trạng thái bình thường mới, lý do là nhiều đơn vị vẫn chưa hoạt động, học sinh chưa được đến trường học trực tiếp, các cơ sở y tế cũng chưa hoạt động hết công suất và nhiều hoạt động xã hội khác cũng chưa mở cửa.
Vị lãnh đạo thành phố cho hay, ngay cả khi dịch theo chiều hướng thuận lợi thì tháng 11, địa phương vẫn chưa thể trở lại bình thường mới hoàn toàn.
Đồng Nai chi hỗ trợ thêm 300,000 đồng/người dân ở trọ
Ngày 14/10, tỉnh Đồng Nai áp dụng chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, trong đó đáng chú ý, người thuê trọ được hỗ trợ mức 300,000 đồng/người/lần.
Ngoài ra, người lang thang, cơ nhỡ trong khu cách ly; người ở trọ thực hiện giãn cách tạm thời được hỗ trợ tiền ăn, tiền mua vật dụng thiết yếu 120,000 đồng/người/ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, việc hỗ trợ người thuê trọ được tính theo đầu người và hỗ trợ một lần. Bà Hiền cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 176,000 phòng trọ.
Các địa phương trong tỉnh sẽ lập danh sách người dân thuộc các nhóm được hỗ trợ theo quyền lợi để tỉnh thực hiện chi đúng đối tượng.
Đồng Nai cho phép người đến từ Sài Gòn bằng ô tô cá nhân
Cũng tại Đồng Nai, ngày 14/10, tỉnh này áp dụng bổ sung quy định cho phép người di chuyển đi/đến Sài Gòn sử dụng xe ô tô cá nhân với điều kiện: người ngồi trên xe đã chích vaccine COVID-19 ít nhất 1 liều sau 14 ngày hoặc đã khỏi COVID-19 dưới 6 tháng. Có kết quả xét nghiệm âm tính trong 7 ngày.
Trước đó, từ 4/10, Tp. HCM áp dụng phương án cho người lao động đi/đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An bằng xe đưa đón hoặc xe cá nhân với điều kiện như trên.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, tỉnh Đồng Nai chỉ cho phép người lao động di chuyển theo phương án tổ chức bằng ô tô công ty, người đi xe cá nhân (ô tô, xe máy) thì chưa được phép.
Khán giả có thể vào sân Mỹ Đình xem trận Việt Nam-Nhật Bản
Theo dự kiến vào tháng 11 tới đây, 2 trận đấu của tuyển Việt Nam với Nhật Bản và Ả – rập Xê út trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 có thể đón khán giả tại sân Mỹ Đình.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã kiến nghị lên Ban chỉ đạo quốc gia phòng dịch COVID-19 về kế hoạch đón khán giả trong 2 trận đấu trên.
Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhận định, hiện tình hình dịch bệnh cơ bản đang dần được kiểm soát. Sự cổ vũ của các CĐV sẽ là nguồn động viên tinh thần lớn cho tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng phải chờ cơ quan chức năng.
Theo ông Lê Hoài Anh, nếu được chấp thuận, ban tổ chức sẽ bán ra số lượng vé khoảng 50% sức chứa của sân Mỹ Đình. Khán giả vào sân cần đáp ứng yêu cầu như đã chích vắc-xin, có xét nghiệm PCR âm tính.
Tuyển Việt Nam vừa kết thúc trận đấu với Oman, và dự kiến sẽ về Nội Bài trong tối nay (14/10). Sau khi thực hiện cách ly, các cầu thủ sẽ có một khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi trở lại vào ngày 25/10 để chuẩn bị cho 2 lượt trận gặp Nhật Bản (11/11) và Ả – rập Xê út (16/11).
VFF không đồng ý đưa trận Việt Nam – Trung Quốc về sân Lạch Tray
Tại một diễn biến liên quan, ngày 14/10, VFF cho biết, không đồng ý đưa trận đấu Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam-Oman về sân Lạch Tray (Hải Phòng).
Một thành viên thường trực VFF cho hay, kế hoạch thi đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại này đã được thông qua, theo đó, việc di chuyển, sinh hoạt, tập luyện sẽ theo quy trình “bong bóng” khép kín. Đội tuyển Việt Nam sẽ ở tại khách sạn Grand Plaza, tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, thi đấu tại SVĐ Mỹ Đình.
Theo vị thành viên này, việc thay đổi địa điểm thi đấu của đội tuyển sẽ dẫn đến phải thay đổi toàn bộ việc di chuyển, tập luyện, ăn ở để bảo đảm phòng dịch theo quy định. Do đó, VFF không đồng ý đưa 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam về sân Lạch Tray.
Nguyên nhân nổ đường ống dẫn nước gây sạt lở ở Đà Lạt
Ngày 14/10, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thông báo về nguyên nhân nổ đường ống dẫn nước gây sạt lở ở Đà Lạt là do yếu tố bất lợi trong thi công chưa được tính toán đầy đủ.
Theo Sở này, việc vận chuyển khoảng 8,000 m3 đất và vật liệu trên nền vỉa hè chỉ lót bằng tấm thép dày 12 mm, dẫn đến không bảo đảm khả năng chịu lực của mương xây bằng đá chẻ nên xảy ra sự cố.
Trước đó vào chiều 4/7, đường ống dẫn nước lớn qua dự án showroom Toyota Ngọc Anh Lâm Đồng (số 9, đường Ba Tháng Tư, phường 3, Tp Đà Lạt) bất ngờ phát nổ, gây sạt lở nghiêm trọng ngay tại trung tâm Tp Đà Lạt.
Vụ sạt lở làm gãy, đổ hoàn toàn hệ thống thoát nước, đồng thời gãy đường ống cấp nước sinh hoạt. Thiệt hại về tài sản sau vụ nổ đường ống ước tính khoảng 2.4 tỷ đồng.
Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8 ngay trên vùng biển Nam Định-Thanh Hóa
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, lúc 15h ngày 14/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách Nam Định khoảng 68 km, cách Thanh Hóa khoảng 71 km, cách Nghệ An khoảng 125 km với sức gió mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8.
Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây, suy yếu thành một vùng áp thấp và đi vào đất liền với sức gió giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong chiều và đêm nay (14/10), ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 40-70 mm, có nơi trên 100 mm. Đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Từ ngày đêm 15/10 đến ngày 18/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp có khả năng xuất hiện trên dải hội tụ nhiệt đới nên ở khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.
Xem thêm