Tin Việt Nam ngày 13/10: Gần 3,500 ca mắc mới, 106 ca tử vong, Hà Nội cho bán hàng ăn tại chỗ, taxi, xe buýt hoạt động trở lại
Nội dung chiều 13/10
Quân đội bắt đầu rút khỏi Sài Gòn
Từ hôm nay (13/10), lực lượng quân đội hỗ trợ phòng dịch COVID-19 ở Sài Gòn bắt đầu rút quân khỏi các quận/huyện.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết ngày 15/10, lực lượng này sẽ hoàn tất việc rời Sài Gòn. Riêng lực lượng Quân y sẽ tiếp tục ở lại hỗ trợ Sài Gòn đến hết tháng 11.
Theo báo cáo của Sở Y tế Tp HCM, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, thành phố đã nhận sự chi viện của các lực lượng từ 132 đơn vị với 158,000 nhân lực của thành phố; nhân lực chi viện khác là gần 28,000 người, trong đó, gần 17,000 người từ Bộ Quốc phòng và cảnh sát là hơn 1,700 người.
Vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi khác gì người lớn?
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chiều 12/10 với Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dự kiến, ngày 15/10, Bộ sẽ áp dụng Hướng dẫn chích vaccine cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi. Cùng với đó, Bộ đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3-11 tuổi; sẵn sàng có hướng dẫn chích khi có vaccine.
Về việc chích vaccine cho trẻ em, trước đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho hay, với nhóm từ 12-17 tuổi, liệu trình chích vaccine Pfizer tương đương với người trưởng thành là 2 liều 30 microgam cách nhau 3 tuần.
Đối với nhóm 5-11 tuổi, liều lượng có sự khác biệt. Các nhà khoa học khẳng định “trẻ em không phải người lớn thu nhỏ”. Vaccine Pfizer chích cho trẻ em với liều lượng thấp hơn, chỉ 10 microgram.
Trẻ em có hệ miễn dịch khác với người trưởng thành. Các nhà khoa học nhận định, trẻ em có miễn dịch mạnh mẽ dù chích vaccine liều thấp.
Tiến sĩ Robert Frenck, Bệnh viện Nhi Cincinnati cho hay, tác dụng phụ ở trẻ em cũng giống hệt người lớn, phổ biến nhất là đau tại vùng chích, ngoài ra còn có đau đầu và mệt mỏi, sốt và ớn lạnh. Tác dụng phụ ở trẻ kéo dài 1-2 ngày.
Bắc Ninh xuất hiện chuỗi lây nhiễm ở trường mầm non
Trong 3 ngày qua, Bắc Ninh ghi nhận 12 ca cộng đồng tại Tiên Du, Từ Sơn và Tp Bắc Ninh, trong đó có 6 bé học Trường Mầm non Sao Mai, hơn 700 học sinh và giáo viên trường được lấy mẫu xét nghiệm.
Ban chỉ đạo phòng dịch của tỉnh cho biết, chùm ca ở trường mầm non được phát hiện sau khi một gia đình gồm bố, mẹ và con trú tại tầng 6, chung cư Cường Thịnh, phường Võ Cường, Tp Bắc Ninh có kết quả dương tính ngày 11/10. Trong đó, người con sinh năm 2016, đang học Trường Mầm non Sao Mai. Chùm ca này hiện chưa rõ nguồn lây, được đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Hiện, sức khỏe của cả 6 em bé F0 này đều ổn định. Hơn 3,300 học sinh trên địa bàn phường Võ Cường nghỉ học, 4 tòa nhà, chung cư tại phường đang được phong tỏa. Địa phương đã xác định 70 F1, đang rà soát các F2.
Từ ngày 4- 12/10, Bắc Ninh ghi nhận 15 ca nhiễm mới gồm 3 ca về từ Sài Gòn, 12 ca tại cộng đồng (Tiên Du và Từ Sơn mỗi nơi 1 ca, Tp Bắc Ninh 10 ca).
Hà Tĩnh xả tràn 5 hồ chứa phòng mưa lớn
Trước dự báo Hà Tĩnh sẽ có các đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 8, Công ty MTV thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, từ ngày 8/10 tới nay, đơn vị đã xả tràn 5 hồ chứa gồm: hồ Bộc Nguyên, hồ Kim Sơn, hồ Sông Rác, hồ Thượng Sông Trí, hồ Tàu Voi.
Công ty này cho hay, đến thời điểm hiện tại, 5 hồ chứa này vẫn tiếp tục được xả tràn, để hạ thấp mực nước trong các hồ, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du trước mưa lớn.
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, dung tích các hồ chứa trên địa bàn đang phổ biến đạt từ 75%-95% dung tích thiết kế. Riêng các hồ chứa lớn như: Ngàn Trươi, Kẻ Gỗ hiện nay mới đạt 46% đến 64% dung tích thiết kế.
Bão Kompasu cách Hà Tĩnh 540 km, miền Bắc và Trung mưa lớn kéo dài
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 13h ngày 13/10, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Thanh Hóa khoảng 600 km, cách Nghệ An khoảng 610 km, cách Hà Tĩnh khoảng 540 km với sức gió mạnh cấp 11 (100-120 km/giờ), giật cấp 14.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, đi vào vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng suy yếu dần. Đến 1h ngày 14/10, vị trí tâm bão cách Thanh Hóa khoảng 240 km, cách Nghệ An khoảng 250 km, cách Hà Tĩnh khoảng 190 km với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, đi vào đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13h ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền Thanh Hóa đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9 và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Do ảnh hưởng của bão Kompasu, từ chiều tối nay (13/10) đến ngày 15/10, ở khu vực Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt
Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt.
Từ ngày 16/10 đến ngày 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên ở khu vực Trung Bộ tiếp tục có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.
Xem thêm