Tin Việt Nam ngày 13/10: Gần 3,500 ca mắc mới, 106 ca tử vong, Hà Nội cho bán hàng ăn tại chỗ, taxi, xe buýt hoạt động trở lại
Nội dung tối 13/10
Gần 3,500 ca mắc mới, 106 ca tử vong, số ca thở máy và ECMO giảm sâu
Tối 13/10, Bộ Y tế thông báo về 3,461 ca mắc mới gồm 3 ca nhập cảnh và 3,458 ca tại 47 tỉnh/thành, trong đó có 1,432 ca cộng đồng.
Gần 3,500 ca mắc ghi nhận chủ yếu tại Sài Gòn (1,162), Bình Dương (501), Đồng Nai (486), Hà Giang (152), An Giang (121), Đắk Lắk (113), Đồng Tháp (87), Kiên Giang (76), Tiền Giang (74), Gia Lai (60), Long An (59), Bình Thuận (55), Tây Ninh (51), Trà Vinh (46).
So với ngày 12/10, số ca nhiễm tại Việt Nam ngày 13/10 tăng 519 ca, trong đó, Hà Giang tăng 152 ca, Sài Gòn tăng 144 ca, Đắk Lắk tăng 113 ca, Tây Ninh giảm 61 ca, Bình Thuận giảm 17 ca, Đồng Nai giảm 15 ca.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 849,691 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 845,050 ca. Có 787,286 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 106 ca tử vong tại 9 tỉnh/thành, chủ yếu ở Sài Gòn (73) và Bình Dương (18), nâng tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 lên 20,869 ca, chiếm tỷ lệ 2.4% so với tổng số ca nhiễm.
Về tình hình điều trị, trong ngày có 1,191 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4,120 ca, trong đó có 3,427 ca thở oxy, 693 ca thở máy và ECMO.
Thêm 2 đường bay nội địa được hoạt động trở lại
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa áp dụng quyết định, trong đó bổ sung thêm 2 đường bay gồm Sài Gòn – Cà Mau và Hà Nội – Điện Biên vào danh sách các đường bay mở lại trong giai đoạn thí điểm từ 10/10 đến hết ngày 20/10.
Như vậy, tổng số chuyến bay được phép thực hiện thí điểm là 21 chuyến khứ hồi (tương đương 42 chuyến/ngày).
Như vậy, mỗi ngày sẽ có 42 chuyến bay gồm: 15 chuyến Sài Gòn đi Cà Mau, Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hoà, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Phòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá với tần suất 2 chuyến/ngày.
Từ Hà Nội có 6 chuyến đi Sài Gòn, Đà Nẵng và Điện Biên. Ngoài ra, các đường bay Đà Nẵng – Cần Thơ, Đà Nẵng – Đắk Lắk, Hà Nội – Cần Thơ và Thanh Hoá – Lâm Đồng cũng 2 chuyến/ngày.
Hà Nội cho bán hàng ăn tại chỗ, taxi, xe buýt hoạt động trở lại
Chiều nay (13/10), Hà Nội áp dụng quyết định, từ 6h ngày mai (14/10), thành phố khôi phục hàng loạt hoạt động kinh doanh, dịch vụ, trong đó, xe buýt, xe taxi được hoạt động trở lại theo công suất và hướng tuyến quy định; bảo tàng, công viên mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn; khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú hoạt động trở lại không quá 50% công suất.
Đáng chú ý, hoạt động nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải bảo đảm khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được chích 2 liều vaccine COVID-19; khách hàng quét mã QR.
Đà Nẵng đón khách quốc tế từ tháng 11
Ngày 13/10, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đã kiến nghị thành phố hai phương án thí điểm đón khách quốc tế và khách nội địa.
Theo đó, từ tháng 11, thành phố dự kiến bắt đầu đón 2 nhóm khách quốc tế là khách thương mại hoặc Việt kiều, nhập cảnh mục đích công vụ, thăm người thân, hồi hương; nhóm thứ hai là khách du lịch theo tour hoặc combo trọn gói, với một số thị trường quốc tế, trong đó, tập trung vào Hàn Quốc và Nga.
Với khách nội địa, từ ngày 20/10, Đà Nẵng sẽ khôi phục du lịch tại chỗ để phục vụ người dân tại tỉnh. Từ tháng 11 tổ chức mô hình “bong bóng du lịch” giữa Đà Nẵng với một số địa phương khác, trước mắt là với Quảng Nam và Quảng Ninh.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tp Đà Nẵng cho biết, hiện tại có hơn 80% người ngành du lịch bị mất việc, ngừng việc và hơn 90 doanh nghiệp tạm đóng cửa.
9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách du lịch của tỉnh sụt giảm nghiêm trọng, GRDP âm 1.25% so với cùng kỳ, các cơ sở lưu trú phục vụ chỉ khoảng 1.06 triệu lượt người, giảm 48.4% so với cùng kỳ.
Bão Kompasu hạ cấp, cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 345 km
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 21h ngày 13/10, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Thanh Hóa khoảng 365 km, cách bờ biển Nghệ An khoảng 365 km, cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 345 km với sức gió mạnh cấp 10 (90-100 km/h), giật cấp 12.
Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, đi vào vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng tiếp tục suy yếu dần. Đến 7h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Nam Định đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, đi vào đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Cảnh báo mưa lớn: Từ 13-15/10, ở khu vực Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt.
Tại khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt.
Từ ngày 16/10 đến ngày 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp có khả năng xuất hiện trên dải hội tụ nhiệt đới nên ở khu vực Trung Bộ tiếp tục có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.
Xem thêm