Tin Việt Nam ngày 18/08: Cháy lớn tại di tích Quốc Tử Giám ở Thừa Thiên-Huế; Macbook sắp được sản xuất tại Việt Nam,
Macbook, Apple Watch sắp được sản xuất tại Việt Nam
Hôm 17/08, tờ The Nikkei cho hay, 2 nhà cung cấp thiết bị cho Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn bắt đầu thử nghiệm dây chuyền sản xuất Apple Watch và MacBook ở miền bắc Việt Nam.
Cụ thể, Foxconn đang hỗ trợ tăng sản lượng iPad tại Việt Nam, trong khi Apple thỏa thuận với các nhà cung cấp để thử nghiệm lắp ráp với loa HomePod.
Bên cạnh đó, tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ đã yêu cầu các nhà cung ứng lập dây chuyền thử nghiệm sản xuất MacBook ở Việt Nam, nhưng do cần chuỗi cung ứng lớn hơn nên tiến độ chuyển dịch vẫn diễn ra chậm chạp.
Với việc sản xuất iPhone tại thị trường Trung Quốc, Apple đang chuyển một số hoạt động sang các thị trường khác, bao gồm Ấn Độ. Năm nay, Ấn Độ bắt đầu lắp ráp iPhone 13 và đang tính đến kế hoạch gia công máy tính bảng iPad.
Theo Nikkei, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của Apple khi hãng này đang có kế hoạch lớn tại đây. Tại thị trường này, ngoài sản xuất iPhone, tiếp tục chuyển dịch hoạt động sản xuất iPad, sắp tới sẽ là AirPods, Apple Watch, HomePod và nhiều thứ khác…
Vietnam Airlines mở thêm đường bay, tăng tần suất bay trong tháng 9
Theo thông tin từ hãng hàng không quốc gia, từ 1/9, hãng sẽ mở thêm đường bay mới giữa Đà Nẵng và Kuala Lumpur (Malaysia) với tần suất 4 chuyến/tuần. Trong tuần, các chuyến bay sẽ khởi hành vào các ngày thứ 2, 4, 6 và Chủ Nhật.
Từ 15/9, hãng sẽ nối lại đường bay giữa Đà Nẵng và Bangkok (Thái Lan) với tần suất 7 chuyến/tuần, khởi hành hàng ngày.
Trên các đường bay giữa Hà Nội, Sài Gòn và Seoul (Hàn Quốc), từ ngày 15/9, mỗi tuần hãng sẽ tăng thêm một chuyến. Sau khi tăng, đường bay Hà Nội – Seoul sẽ bay 10 chuyến/tuần, chặng Sài Gòn – Seoul bay 11 chuyến/tuần.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong tuần từ ngày 03 đến ngày 09/08, Vietnam Airlines khai thác gần 2,600 chuyến bay, nhiều hơn Vietjet Air 6 chuyến.
Tuy nhiên về tỷ lệ đúng giờ, hãng chỉ đạt 78.7%, đứng cuối cùng trong số 6 hãng của Việt Nam. Trong khi đó, Bamboo Airways dẫn đầu với tỷ lệ 92%.
FLC lại bị HoSE cảnh báo ngừng giao dịch
Trong văn bản gửi Tập đoàn FLC (mã: FLC), Sở Giao dịch chứng khoán Tp HCM (HoSE) cho biết, đến ngày 15/8, FLC chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên (quá 6 tháng tính từ ngày kết thúc năm tài chính); chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021, đồng thời chưa lựa chọn đơn vị kiểm toán tài chính năm 2022.
Theo đó, HoSE thông báo, sẽ “nâng lên diện đình chỉ giao dịch” đối với cổ phiếu FLC nếu công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Ngoài ra, FLC còn bị yêu cầu giải trình về việc tổ chức Đại hội cổ đông thường niên và việc lựa chọn đơn vị kiểm toán tài chính năm 2022 về Sở trước ngày 19/08.
Trước đó, từ ngày 01/06, cổ phiếu FLC đã bị chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch (chỉ giao dịch buổi chiều) vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán quá 45 ngày so với quy định.
Cũng trong tình trạng tương tự như FLC, cổ phiếu HAI của Nông dược H.A.I khả năng cũng bị đình chỉnh giao dịch nếu tiếp tục vi phạm quy định công bố thông tin và buộc phải có văn bản giải trình về các nội dung tương tự FLC.
Cả hai doanh nghiệp này đều liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, đã bị bắt giam để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Cháy lớn tại di tích Quốc Tử Giám ở Thừa Thiên-Huế
Vụ cháy xảy ra vào lúc 14h30 hôm 17/08 tại khu nhà cạnh Di Luân Đường, bên trong di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn trên đường 23.8 (phường Đông Ba, Tp Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Vào thời điểm trên, tại khu vực xảy ra cháy, ngọn lửa bùng phát dữ dội, cột khói cao hàng chục mét bốc lên từ phía bên trong tòa nhà.
Đến 16h cùng ngày, ngọn lửa được khống chế, tuy nhiên phần mái ngói, cột kèo của tòa nhà đã bị thiêu rụi, nhiều phần của tòa nhà bị sụp đổ, hư hỏng nặng.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế cho biết, nguyên nhân cháy có thể là do chập điện. Hiện lực lượng chức năng đang xác minh.
Quốc Tử Giám ở kinh thành Huế, được vua Duy Tân xây dựng năm 1908, thay cho Quốc Tử Giám ở làng An Ninh xây dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng.
Sau năm 1975, Quốc Tử Giám được sử dụng làm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế. Tháng 12/1993, cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn, Quốc Tử Giám đã có tên trong danh mục di sản thế giới của UNESCO.
Hiện, đây là di tích trường đại học duy nhất thời Nguyễn còn tồn tại ở Việt Nam. Những năm gần đây, di tích này được Thừa Thiên-Huế lên kế hoạch xây dựng để trở thành bảo tàng giáo dục khoa cử.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.