Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng (P.12): Ánh hào quang của Quy Nghĩa quân thời thịnh thế
Giữa sa mạc rộng lớn, đội quân Hán Đường uy phong lẫm liệt, những truyền thuyết huy hoàng về hai triều đại này chưa bao giờ ngừng lại. Kho tàng nghệ thuật quý giá chói lọi trong Động Đôn Hoàng vẫn đang vọng lên những âm thanh hào hùng, chí khí sục sôi của những người tráng sĩ hàng ngàn năm trước. Những điều ấy được thể hiện trên bức bích họa dài 8 mét trong Hang 156 thuộc Hang Mạc Cao. Bức họa đã triển hiện cảnh tượng hùng vĩ trong chuyến đi tuần của vị tướng quân.
Đội nghi trượng gồm quân nhạc, đội ca vũ hơn trăm người, cờ bay phấp phới, chiêng trống rền vang, tiếng nhạc rộn ràng tấu lên những điệu múa uyển chuyển. Họ đang vây quanh vị tướng nhà Đường mặc hồng bào, cưỡi bạch mã, tay quất roi mây băng qua cầu. Con ngựa sắt đeo chiếc chuông vàng, chạy xa ngàn dặm, bức tranh này thể hiện tinh thần và chí khí cầu tiến, dám nghĩ dám làm của vị tướng quân.
Bức tranh xuất hành này được sáng tác vào giữa triều đại nhà Đường. Khi những thịnh vượng, phồn hoa qua đi, Đại Đường khai quốc sau trăm năm cực thịnh, bắt đầu bước vào giai đoạn vĩ thanh. Vào năm Thiên Bảo thứ 14 (tức năm 755), Ngư Dương gióng trống khua chiêng náo loạn cả nước, trở thành điểm chia cắt trong triều đại nhà Đường. Vậy, vị tướng trong bức tranh là ai? Đôn Hoàng đã trải qua câu chuyện kinh tâm động phách nào?
Thời đại của Quy Nghĩa quân
Để bình định phiến quân nổi loạn bất ngờ, triều đình chiêu binh khắp nơi, điều động một lượng lớn đội quân tinh nhuệ đang canh giữ Hà Tây và Lũng Hữu về Trung Nguyên để dẹp quân nổi loạn. Lợi dụng sơ hở trong các tuyến phòng thủ biên giới của quân đội nhà Đường, những kẻ ngoại tộc Thổ Phồn ở cao nguyên Thanh Hải Tây Tạng đã đưa quân xâm lược miền Đông. Với vai trò là cửa ngõ quan trọng của Con đường Tơ Lụa, Đôn Hoàng bỗng chốc trở thành một cô thành nguy cơ rình rập.
Mặc dù quân dân Đôn Hoàng đã ra sức chiến đấu suốt 11 năm, nhưng cuối cùng đứng trước tuyệt lộ nội cạn lương thảo, ngoại thiếu viện quân, họ đã hoàn toàn bị đánh bại. Đôn Hoàng rơi vào tay kẻ địch, bị phiến quân Thổ Phồn chiếm đóng suốt 60 năm. Điều may mắn duy nhất là kẻ thống trị Thổ Phồn lại là tín đồ của Phật Đà, do đó sự nghiệp Phật giáo của Đôn Hoàng không bị tổn thất, việc khai tạc hang động Đôn Hoàng tiếp tục phát triển và những thành tựu nghệ thuật thời đầu vẫn được bảo tồn. Vậy số phận của Đôn Hoàng tiếp theo sẽ như thế nào?
Vào năm Đại Trung thứ 2 triều đại nhà Đường (tức năm 848), một vị đại anh hùng xuất thân từ hào môn thế tộc nhà họ Trương ở Đôn Hoàng, tên là Trương Nghị Triều. Từ nhỏ ông đã tận mắt chứng kiến sự thống trị tàn bạo của Thổ Phồn, và đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh lầm than của người Hán. Kể từ đó, ông đã ôm hoài bão lớn và chờ đợi thời cơ. Cơ hội cuối cùng cũng đã đến, nhận thấy quốc lực Thổ Phồn đang suy kiệt, thường xuyên xảy ra nội loạn, lợi dụng thời cơ ấy, ông đã quyết tâm nổi dậy khởi nghĩa. Trương Nghị Triều đã liên kết các lực lượng chính nghĩa của hào môn thị tộc, tăng nhân Phật giáo, nghĩa sĩ hào kiệt, v.v, bắt đầu khởi nghĩa ở Sa Châu.
Khi lực lượng nghĩa quân bắt đầu chiến đấu với quân đội Thổ Phồn, bách tính người Hán trong thành liên tục hưởng ứng, cuối cùng đánh bại quân Thổ Phồn, chiếm lại Sa Châu, sau đó là Qua Châu. Việc đầu tiên Trương Nghị Triều làm sau khi chiến thắng Thổ Phồn là xuyên qua Hành lang Hà Tây, nơi vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Phồn, báo tin chiến thắng cho Quân vương triều Đường.
Đồng thời, ông lấy Đôn Hoàng làm chú địa, chỉnh đốn đại quân, tiếp tục tiến về phía Đông. Sau đó, đội nghĩa quân thừa thắng xông lên, liên tiếp dành lại 11 quận ở Hà Tây. Vào năm Đại Trung thứ 5 (năm 852), Trương Nghị Triều đã giành lại một phần lớn đất đai ở Hà Tây bên ngoài Lương Châu. Vì vậy, ông lại phái một sứ đoàn lớn, mang theo bản đồ 11 quận, xuất phát đến Trường An báo tin, bày tỏ lòng tận trung đối với đất nước và quyết tâm lấy lại Tây Bắc.
Trương Nghị Triều đã lập công lớn trong việc phục hưng quân đội nhà Đường ở Tây Bắc. Triều đình đã thành lập Quy Nghĩa quân ở Sa Châu, phong cho Trương Nghị Triều làm Tiết độ sứ của Quy Nghĩa quân, nắm toàn bộ quân quyền ở Hà Tây và 11 quận Lũng Hữu. Quy Nghĩa quân tương đương với một trấn chư hầu ở biên giới phía Tây Bắc của nhà Đường, còn Trương Nghị Triều trở thành chủ tướng chân chính, Đôn Hoàng đã bước vào kỷ nguyên mới của đội Quy Nghĩa quân từ giữa nhà Đường đến đầu nhà Tống. Nhân vật chính trong bức bích họa chính là Trương Nghị Triều, tái hiện lại khoảnh khắc uy vũ khi ông dẫn quân xuất kích Thổ Phồn giành lại Hà Tây.
Vào năm Đường Hàm Thông thứ 2 (năm 861), Trương Nghị Triều giành lại Kinh Châu, lúc này tất cả các cố địa của Hà Tây đã được thu hồi. Triều đình lại thiếp lập Tiết độ sứ ở Kinh Châu, do Trương Nghị Triều kiêm nhiệm. Quân quyền của Nghĩa Quân ở Hà Tây có tính độc lập rất cao, Trương Nghị Triều đã thực hiện hàng loạt các chính sách để chấn chỉnh Hà Tây, phục hồi toàn diện chế độ nhà Đường, phát triển nông nghiệp, khiến nền kinh tế ở Đôn Hoàng phục hồi nhanh chóng. Đó cũng là thời điểm cực thịnh của Quy Nghĩa quân. Đến năm Hàm Thông thứ 8 (năm 867), Trương Nghị Triều về Trường An và giao cho Trương Hoài Thâm xử lý các công việc chính vụ.
Khi Trương Hoài Thâm lên cầm quyền, do nhiều nguyên nhân như các bộ lạc ngoại tộc thôn tính, gia tộc Trương thị xảy ra tranh giành nội bộ, v.v, lãnh địa của Quy Nghĩa quân liên tục bị thu hẹp. Vào thời kỳ cuối, quân đội chỉ còn cai quản hai quận của Qua Sa, Tiết độ sứ đã không giữ được uy danh như thời kỳ Trương Nghị Triều. Sau khi nhà Đường sụp đổ, Quy Nghĩa quân đã trở thành ngoại bang của Tây Vực, trong một giai đoạn còn cố gắng thành lập một quốc gia độc lập, nhưng hệ thống các trấn chư hầu nhanh chóng được khôi phục, lúc này chức Tiết độ sứ do Tào thị đảm nhận và tiếp quản toàn bộ binh quyền.
Quy Nghĩa quân dưới thời Tào thị đã cố gắng tìm kiếm không gian sinh tồn về phương diện ngoại giao: Liên hôn với các dân tộc thiểu số xung quanh để có được sự ủng hộ về chính trị và quân sự, cố gắng khôi phục quan hệ với vương tôn quý tộc ở vương triều Trung Nguyên, mượn sức mạnh trong nước để trấn nhiếp các nước chư hầu ở Tây Vực. Cuối cùng, vào những năm đầu triều đại Bắc Tống, chính quyền Quy Nghĩa quân đã bị Tây Hạ quốc tiêu diệt. Chính quyền Quy Nghĩa quân cai trị Đôn Hoàng trong gần 200 năm, sau những mở màn oai hùng lẫm liệt, cuối cùng đã bị chôn vùi trong biển sa mạc mênh mông.
Phong cách hang đá
Chính quyền Quy Nghĩa quân trên bề mặt là theo chế độ bá chủ, nhưng trên thực tế lại là một hòn đảo biệt lập trong đại dương dung hợp nhiều ngoại tộc, mất đi sự hỗ trợ và bảo hộ của vương triều Trung Nguyên hùng mạnh, cuối cùng không thể tránh khỏi bước đến suy tàn. Tuy nhiên, khi triều đình Trung Nguyên rơi vào suy tàn, hầu hết các khu vực phía Bắc đều bị ngoại tộc chiếm đóng, còn Đôn Hoàng là khu vực duy nhất duy trì chế độ nhà Hán và duy trì mối liên hệ với Vương triều Trung Nguyên. Quy Nghĩa quân đã có những thời khắc huy hoàng, thừa hưởng khí phách hào hùng và sức sống mãnh liệt, thịnh vượng của triều đình nhà Đường.
Hai nhà cầm quyền là Trương thị và Tào thị đều là những người sùng Đạo Phật, họ vận dụng quyền lực chính trị trong tay và thế lực gia tộc, thực hiện các chính sách tôn sùng Phật giáo, tích cực tham gia vào công cuộc khai tạc hang đá, tạo nên thời kỳ đỉnh cao cuối cùng hang đá Đôn Hoàng cổ đại. Gia tộc Trương thị cai trị Đôn Hoàng trong khoảng 60 năm, trung bình mỗi năm xây dựng một hang đá. Hiện có khoảng 60 hang đá vẫn còn trong hang Mạc Cao. Còn trong chế độ Tào thị, cũng có khoảng 55 hang đá được bảo tồn.
Mặc dù những hang đá trong thời kỳ Quy Nghĩa quân trải dài qua ba triều đại Hậu Đường, Ngũ Đại và Bắc Tống, tuy có sự đối lập tương đối rõ rệt giữa các chế độ, nhưng nghệ thuật hang đá vẫn giữ gìn được những đặc điểm nhất quán. Về hình dáng hang đá, tiêu biểu nhất là hang thờ Phật trung tâm. Bên ngoài thất chính có hành lang rộng và dài, thất chính hình vuông, ở chính giữa phía sau đặt Phật đàn, phía trước có bậc thang, phía sau có bình phong thông thẳng lên đỉnh hang. Trên Phật đàn thờ các tượng Phật và chúng đệ tử. Nhìn chung kiểu hang đá này có quy mô lớn, phản ánh khí phách của thế hệ, nói lên gia thế hùng hậu của các vương tôn thế tộc, đặc biệt là thực lực hùng hậu của nhà cầm quyền Quy Nghĩa quân.
Xét về góc độ nghệ thuật, các hang đá thời kỳ này nhìn chung không cao bằng thời Đường, nhưng cũng có những sáng tạo độc đáo riêng. Chẳng hạn, những mái hiên bằng gỗ gắn trên vách đá bên ngoài hang, vừa có thể chắn gió che mưa vừa làm vật trang trí. Kiến trúc mái hiên sớm nhất còn tồn tại trong hang đá Mạc Cao chính là công trình bên ngoài Hang 196, xây dựng vào thời kỳ Quy Nghĩa quân Trương thị. Trải qua hàng ngàn năm dãi nắng dầm mưa, nhưng một số cấu kiện vẫn được giữ gìn tương đối hoàn hảo.
Các mái hiên của hang đá vào thời Tào thị đã hoàn thiện hơn, hình dáng tổng thể gồm bốn cột và ba gian. Ở phần chính giữa là cửa ra vào, hai bên là cửa sổ. Dưới mái hiên có xà nhà và ván gỗ đóng cheo leo trên vách đá. Theo tính toán, có khoảng 300 động đá có mái hiên trong hang Mạc Cao, nhưng kết cấu mái hiên có độ dài ngắn khác nhau, kết nối với nhau tạo thành cảnh tượng rất tráng lệ.
Đôn Hoàng trong thời kỳ Tào thị, trong dân gian xuất hiện tranh “họa hành”, Tào thị còn bắt chước Vương triều Trung Nguyên, thành lập “họa viện” do quan viên quản lý, chiêu mộ một lượng lớn các thợ đục đá, các nhà điêu khắc, họa sĩ, v.v. để thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật tạc tượng.
Trong thời Ngũ Đại, Đôn Hoàng trở thành một khởi thuỷ khác của các họa viện cung đình thời sơ khai của Trung Quốc, nổi tiếng sánh ngang với Nam Đường và Hậu Thục. Do đó, hang đá Đôn Hoàng lúc này hầu hết đều do họa viện phụ trách xây dựng, thiết kế tinh tế và mang phong cách đặc biệt.
Dưới góc độ nghệ thuật tạc tượng, điểm nổi bật nhất là các bức tượng cao tăng. Điều này có liên quan đến địa vị cao thượng của các tăng lữ thời kỳ Quy Nghĩa quân. Khi Trương Nghị Triều kêu gọi khởi nghĩa, vị cao tăng lỗi lạc Hồng Biện đã dẫn dắt các tăng chúng đầu quân khởi nghĩa, đệ tử của ông là Ngộ Chân không những dốc lòng cho cuộc nổi dậy mà còn được cử đến Trường An với tư cách là Sứ quân. Có thể thấy những tăng chúng rất thân cận với Quy Nghĩa quân. Khi Trương Nghị Triều thành lập ti huyện Đô Tăng Thống ở Hà Tây để lãnh đạo tất cả các sự vụ Phật giáo, cao tăng Hồng Biện chính là người đứng đầu Đô Tăng Thống, sau sư Hồng Biện là Ngộ Chân.
Hình ảnh hai vị cao tăng xuất hiện khá nhiều trong các hang đá. Ví dụ, trong Hang 17, hang Mạc Cao, đúc một bức tượng thiền định của cao tăng Hồng Biện, khuôn mặt sống động như thật, có thể coi là một kiệt tác. Dưới khám thờ phía Tây của Hang 156, hang Mạc Cao của bức họa “Trương Nghị Triều xuất hành đồ”, có một đội người cúng dường, chính giữa họ là tượng cúng dường Bỉ Khâu. Theo khảo sát, hai vị này chính là chân dung hai vị cao tăng Hồng Biện và Ngộ Chân.
Vào thời kỳ này, các bức bích họa vẫn thịnh thành kiểu tranh kinh biến và tranh cố sự, nhưng nhiều bức trong đó đã thay đổi phong cách vẽ trên khổ rộng của nhà Đường, thay vào đó là vẽ nhiều bức tranh trên một bức tượng.
Ngoài ra, tranh cúng dường trở thành nội dung chính trong các bức bích họa, trình bày trên các mảng tường chính trong hành lang và thất chính. Người nam cúng dường đa phần là quan lại quyền quý, người nữ đa phần là phu nhân hào môn. Họ xếp hàng theo vai vế trong gia tộc, phảng phất như cảnh tượng gia đình tụ họp, vừa đi lễ Phật vừa phô trương thanh thế, khiến điện thờ Phật gần gũi như một ngôi đình, hoặc minh đường .
Có thể thấy rằng, nghệ thuật hang đá trong thời kỳ Quy Nghĩa quân càng thực tế và thế tục hoá hơn.
Tranh xuất hành
Các bức bích họa ở động Đôn Hoàng có nội dung rất phong phú, không chỉ có những thể loại chủ yếu như tranh Phật, tranh Kinh biến, tranh Cố sự, mà còn nhiều chủ đề gần gũi với đời sống hơn, khắc họa lịch sử, nhân tình thế thái, cuộc sống xã hội, v.v. Trong các động đá thời kỳ Quy Nghĩa quân, lần đầu tiên xuất hiện các hình tượng người cúng dường theo hình thức tranh Xuất hành. Những bức bích họa như thế đã phản ánh thân phận của quật chủ, cảnh tượng đời sống của người cổ đại, và có giá trị lịch sử phong phú.
Theo thống kê của các học giả ngày nay, ở động Đôn Hoàng có 5 tổ hợp tranh Xuất hành, tất cả đều tập trung vào thời kỳ Quy Nghĩa quân. Trong số đó, bức “Trương Nghị Triều thống quân xuất hành đồ” trong Hang 156, hang Mạc Cao là nguồn cảm hứng và tác phẩm tiêu biểu cho chủ đề này. Bức bích họa này được thể hiện theo khổ ngang, kéo dài từ phần dưới của bức tường phía Nam của thất chính đến phía Nam của bức tường phía Đông. Bức họa tái hiện cảnh hơn 200 người với vợ chồng Trương Nghị Triều là chủ thể, đang trên đường hành quân chống lại quân Thổ Phồn.
Trong bức bích họa này có rất nhiều nhân vật và mang thân phận khác nhau, chủ yếu có thể được chia thành ba nhóm: đội nghị trượng nhạc vũ dẫn đầu, Trương Nghị Triều ở trung tâm, đội quân hậu cần ở cuối cùng. Trong đội ngũ nghị trượng, có đội trống và kèn dọn đường, theo sau là đội vũ kỵ và văn kỵ. Ở giữa đội vũ kỵ có một nhóm vũ nhạc, tám vị vũ công trong tà áo dài ca múa uyển chuyển, điệu múa tự nhiên phóng khoáng, bên cạnh có cách nhạc công đánh trống tấu nhạc, thể hiện khí thế uy nghiêm hào hùng của đội quân khổng lồ. Phía sau còn có binh sĩ và kỵ binh cầm cờ.
Phần giữa của bức bích họa vẽ cảnh đón Tinh tiết Tiết độ sứ. Tinh tiết là một tín vật do Sứ giả cổ đại mang bên mình, tượng trưng cho thân phận và địa vị của người sở hữu, chức Tiết độ sứ thời nhà Đường sẽ được nhận Song Tinh song tiết. Bức bích họa vẽ kỵ sĩ “Song tiết” làm trung tâm, phía trước có 6 cờ lớn, cờ tinh, phướn nhỏ, phía sau có đội kỵ mã “Ngân đao quan” và “Nha tiền binh mã sứ”. Đội nghi trượng Tinh tiết hộ vệ phía sau rất nghiêm trang và hùng hậu, thể hiện thân phận của Trương Nghị Triều và lòng trung thành của ông với Vương triều Trung Nguyên.
Phía sau đội nghi trượng tinh tiết, Trương Nghị Triều cưỡi kỵ mã trông vô cùng trịnh trọng, thân hình của ông cao lớn và nổi bật hơn những người khác, trước sau đều có hộ vệ cận kề hộ giá. Ông đội khăn vấn, mặc áo hồng bào, đang thong dong cưỡi ngựa đến đoạn đầu cầu. Những chiếc cờ của cả đoàn xuất hành bay phấp phới, trải dài cả đoạn đường, tái hiện nghi lễ quân sự nghiêm trang, khí thế oai phong lẫm liệt của Quy Nghĩa quân. Đồng thời bức tranh cũng là ghi chép quan trọng đánh dấu lịch sử oai vũ, hùng tráng trong thời Hậu Đường.
Đối diện với Trương Nghị Triều là bức Xuất hành đồ của phu nhân Tống thị, được vẽ trên bức tường phía Bắc và một phần của bức tường phía Đông. Bức họa cũng phong phú rực rỡ không kém, phía trước là đội vũ công ca múa, phía sau là đội hộ vệ và người hầu. Tống phu nhân ở giữa đội kim thoa, cưỡi kỵ mã, thể hiện phong thái cao sang quyền quý của phu nhân thế gia và khí phách hiên ngang lẫm liệt của các tướng quân thân sĩ.
Trong thời kỳ chính quyền Tào thị, bức “Tào Nghị Kim phu nhân xuất hành đồ” xuất hiện trong Hang 100, hang Mạc Cao. Bức họa nằm phía dưới trải rộng bốn bức tường trong thất chính, với tổng chiều dài hơn 30m. Tranh cúng dường được phân bố đối xứng xung quanh trung tâm của khám thờ phía Tây. Bức tường phía Nam vẽ đội ngũ nam tử xuất hành với trung tâm vào Tào Nghị Kim. Bức tường phía Bắc vẽ đội ngũ nữ quyến với “Thiên Công Chúa”, phu nhân tộc Hồi Hột của ông, làm trung tâm. Trong bức họa còn có đội nghi trượng gồm trống kèn, vũ đạo, xe ngựa, nhưng không còn là cảnh chiến tranh khốc liệt, mà là cảnh tượng gia tộc Tào thị đến hang Mạc Cao lễ Phật, nên từ bức tranh cũng vừa lộng lẫy hoa lệ vừa toát lên phong thái ung dung, tự tại.
Sự kiện loạn An Sử thời nhà Đường giống như đường phân thủy, phân chia ranh giới giữa nhà Đường thịnh vượng và thời Trung Hậu Đường. Cuộc nổi loạn cũng ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác của Đôn Hoàng như chính trị, quân sự, nhân văn, nghệ thuật,v.v. . Kể từ đó, nghệ thuật hang đá Phật giáo ở địa phương cũng khoác lên diện mạo mới. Vào thời đại Quy Nghĩa quân, Phật giáo ngày càng có xu hướng phát triển mang đậm bản sắc tập quán dân tộc, hầu như tất cả những người đảm nhận chức Tiết độ sứ đều thúc đẩy quá trình phục hưng hang Đông Hoàng.
Sau khi Quy Nghĩa quân thất thủ, những tàn dư cuối cùng của Đại Đường thịnh thế đã biến mất, Đôn Hoàng cũng mất đi khí thế huy hoàng, lẫm liệt. Kho tàng nghệ thuật vô giá ấy dần ngủ yên trong ký ức của lịch sử, chờ đợi khoảnh khắc một lần nữa khiến cả thế giới phải trầm trồ sau hàng nghìn năm.
(Hết)
Trương Hiến Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ