Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng (P.3): Viên minh châu trên con đường tơ lụa
Cát vàng trên sa mạc dưới ánh hoàng hôn trông như một con sông dài, khiến cho quang cảnh vùng biên ải thật hùng vĩ và tráng lệ. Từng toán thương khách đi theo hướng về ốc đảo, từng bước rời xa con đường liên thông giữa hai lục địa Á-Âu. Những thứ như tơ lụa, đồ gốm quý giá của các vương triều Trung Hoa và các nền văn minh, cùng các nghệ thuật, tín ngưỡng đặc biệt của phương Tây không ngừng qua lại, giao hòa với nhau, khiến cho nền văn minh của nhân loại không ngừng bừng bừng sức sống mới.
Thiên hạ rộn ràng, đều là vì lợi mà đến; Thiên hạ nhốn nháo, cũng vì lợi mà đi. Việc đi đông về tây trên con đường tơ lụa, cần phải không sợ bão cát, khô hạn và các loại phong nguy bôn ba, mang theo giấc mộng của con người đối với tài phú và văn minh của đất nước khác. Con đường này tràn ngập nguy hiểm và cơ hội giao thương, phía đông bắt nguồn từ thành Trường An triều Hán, phía tây đến thành Rome của La Mã, nó đã đem hai đế quốc mạnh nhất trên vùng đất này liên thông với nhau.
Bởi vì hoạt động thương mại lấy tơ lụa tinh mỹ làm chủ, cho nên các học giả hậu thế bèn gọi nó là “Con đường tơ lụa”. Ở phương Đông, con đường hành lang Hà Tây dài và hẹp, chính là yết hầu yết đạo quan trọng trên thương lộ này, và Đôn Hoàng chính là thị trấn vàng trên chỗ yết hầu yết đạo quan trọng này.
Thị trấn tơ lụa quan trọng
Nếu như phóng tầm mắt về phía Tây xa xôi, việc Trương Khiên khơi thông đến Tây Vực, không chỉ có ảnh hưởng đối với triều Hán, Tây Vực, mà đối với lục địa Á-Âu lớn nhất tinh cầu này của chúng ta, đều có sức ảnh hưởng không thể đong đếm được. Tại đầu Tây rộng lớn của đại lục, đứng sóng vai với Hán triều, là một đế quốc La Mã hùng mạnh, họ đã là siêu cường quốc, cũng là khởi nguồn văn minh của nhân loại tại phương Đông và phương Tây.
Rất sớm từ trước khi Hán triều khái thác về phía Tây, ở hai đầu đại lục Á-Âu đã có những liên hệ thưa thớt, nội địa đại lục cũng chính là khu vực Trung Á bao gồm cả Tây Vực bên trong, vẫn là khu đất hạch tâm và đầu mối quan trọng giúp cho hai nền văn minh lớn Đông và Tây ảnh hưởng lẫn nhau. Hoạt động buôn bán lẻ tẻ nhọc nhằn đem tơ lụa của Trung Quốc đưa đến phương Tây. Các quý tộc La Mã rất nhanh chóng bị mê hoặc bởi mặt hàng dệt mềm mại, lung linh và xinh đẹp này.
Mặc dù một lạng tơ lụa có giá cao ngất trời một lượng vàng, nhưng điều này vẫn không thể ngăn cản nó trở thành sản phẩm xa xỉ thời thượng thịnh hành trên toàn La Mã. Số tiền người La Mã hàng năm chi tiêu cho tơ lụa, cao tới ba ngàn kg vàng. Các thương nhân lúc đầu, là những người thông minh nhanh nhẹn và sẵn có tinh thần mạo hiểm, họ hợp thành từng đội từng đội thương đoàn, bôn tẩu ở giữa hai phía Đông và Tây, dấu chân họ in khắp đại lục Á-Âu. Họ đã vượt qua được những khu vực nguy hiểm nhất, đồng thời cũng giành được những khoản tiền kếch xù.
Các thế hệ thương khách, dùng bước chân của mình mở ra con đường kết nối triều Hán và La Mã, cũng chính là “Con đường tơ lụa” nổi danh thiên hạ. Con đường này sau khi triều Hán nắm được hành lang Hà Tây, đã trở nên bộn bề và náo nhiệt chưa từng có. Triều Hán đã xây quận, đồn trú quân đội, bảo đảm trật tự và an ninh ở khu vực biên thùy, các loại sản vật quý báu của Trung Nguyên cũng được vận chuyển thuận lợi đến biên ải xa xôi. Hoạt động thương mại lẻ tẻ lúc ban đầu, dần dần hội tụ lại, đều lấy hành lang Hà Tây làm con đường giao dịch chủ yếu.
Đôn Hoàng, cũng bởi vậy vươn lên trở thành một trong những thị trấn quan trọng làm đầu mối then chốt trên con đường qua lại giữa phương Đông và phương Tây. Từng đoàn thương khách muốn tiến vào khu trung tâm đại lục, phải vượt qua cao nguyên Pamir (còn gọi là dãy núi Củ hành), xuyên ngang qua sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Cán (Taklamakan), đi qua các thành phố thị trấn như Tát Mã Nhĩ Hãn (Samarkand thuộc Uzbekistan), Vương quốc Shule (thuộc Tân Cương ngày nay), Vu Điền (thuộc Tân Cương ngày nay). Trên đường đi, họ có thể phải đối mặt với những nguy cơ mất mạng như nóng bức, khô hạn, bệnh tật, trộm cướp. Sau mấy tháng lặn lội gian khổ, họ rốt cục đã tới được Đôn Hoàng.
Bởi vì hành lang Hà Tây là cổ chai để đi vào Trung Nguyên, Đôn Hoàng ở phía cực Tây, thuộc vị trí đặc biệt là miệng bình, là một nơi dừng chân của những người như sứ giả, thương khách, giáo sĩ truyền giáo… của các nước trước khi tiến vào vương triều Trung Hoa. Hành trình tiếp theo sẽ bắt đầu ở hành lang Hà Tây tương đối trù phú, đây cũng là một chặng đường mà thương khách yêu thích nhất. Hơn nữa, họ sắp đến nơi mục tiêu khi đi về phía Đông – chính là Trường An, khoảng cách đến giấc mộng giàu có của họ càng tới gần.
Những thương nhân khi đó, sẽ tạm dừng chân và nghỉ ngơi ở Đôn Hoàng, và mua bán một số hàng hóa quý giá. Bởi vậy mà trong thành Đôn Hoàng, hội tụ các loại kỳ trân dị bảo của phương Đông và phương Tây, cùng với nền văn hóa nghệ thuật đa dạng và đan xen. Nhân sĩ của các quốc gia kết giao, sống xen kẽ, khiến những giá trị lý niệm và phong tục lễ nghĩa đã được thẩm thấu, ảnh hưởng qua lại ở nơi đây, cuối cùng cùng nhau sáng tạo ra một nền văn hóa và lịch sử đặc sắc rực rỡ của Đôn Hoàng.
“Hậu Hán thư” trích dẫn “Kỳ cựu chí”, đã miêu tả Đôn Hoàng như thế này: “Quốc gia thuộc Càn vị, đất xếp vào khu Cấn, nước có sự thần kỳ ở suối Huyền Tuyền, núi có sự kỳ lạ của Minh Sa (Đồi Cát hát), nơi đất bằng không có rắn độc, nơi sông ngòi không có tê giác hổ, là nơi đô hội qua lại của tộc người Hoa và người Nhung“.
Mà năm đó Hán Vũ Đế tâm nguyện rằng Đôn Hoàng sẽ mang đến sự thịnh vượng huy hoàng, và thực tế đã ấn chứng được tấm lòng rộng mở của ông, nhiều dân tộc ở đây cùng nhau tồn tại, văn hóa Đông-Tây giao hòa.
Hoa Nhung đô hội
Nhìn từ điều kiện tự nhiên, Đôn Hoàng là một dải đất tuyệt hảo thích hợp cho trồng trọt và chăn nuôi, có được ưu thế trời ban: Tuyết trên núi Kỳ Liên tan hội tụ thành những dòng sông to nhỏ, tưới nhuần cho những cánh đồng cỏ bát ngát phía trước núi và vùng đất bằng ở giữa hai bên núi. Vậy nên, nơi này đã có nông trường với những đồng cỏ và nguồn nước tốt tươi, lại cũng có vùng đất màu mỡ với những đồng lúa bát ngát, đã cung cấp điều kiện thuận lợi cho những người Hán chuyên trồng trọt cũng như các dân tộc du mục thuộc Tây Vực sống tập trung ở Đôn Hoàng
Trước triều đại nhà Hán, một vùng Đôn Hoàng là nông trường chăn nuôi của các dân tộc thiểu số Tây Bắc, bắt đầu từ triều Hán, ngày càng nhiều người dân ở nội Trung Nguyên dời đến Đôn Hoàng trấn thủ biên cương, khai khẩn, dần dần tạo thành một quần thể kết cấu mới lấy người Hán làm chủ thể, sống lẫn lộn với nhiều dân tộc khác. Cư dân Đôn Hoàng cũng từ thuần túy du mục chuyển sang cuộc sống phong phú vừa trồng trọt vừa chăn nuôi, lại bởi vì sự phồn vinh của con đường tơ lụa, nên phát triển cả hoạt động thương nghiệp nổi tiếng thế gian.
Đôn Hoàng cũng đã từ dị vực lột xác thành một đô thị quốc tế, nơi các nền kinh tế, sản vật và văn hóa Trung Quốc và phương Tây giao hòa với nhau. Đến thời kỳ Ngụy Tấn, Đôn Hoàng xuất hiện một làn sóng di dân mới. Thời cuộc rối ren, mấy năm chiến hỏa liên miên khiến cho Trung Nguyên đại địa cảnh hoang tàn khắp nơi. Khi đó, hành lang Hà Tây cách xa nơi chiến loạn đã trở thành chốn thần tiên trong lòng các nhân sĩ Trung Nguyên. Từng đám thế gia đại tộc, nho sinh văn nhân vượt qua Hoàng Hà, dừng chân tại Đôn Hoàng. Cùng với việc tìm được nơi cư ngụ yên ổn cho bản thân, họ cũng mang đến cho Đôn Hoàng càng nhiều văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Ngoài việc chịu ảnh hưởng của vương triều Trung Hoa, Đôn Hoàng còn trải qua nhiều chính quyền do người Hồ tạo dựng, không kể đến những bộ lạc như Nguyệt Thị, Hung Nô vốn đã chiếm giữ hành lang Hà Tây, chỉ tính riêng thời kỳ “Ngũ Hồ thập lục quốc” đầy sóng gió và biến động: Triều đại Bắc Ngụy, Tây Ngụy và Bắc Chu do người Tiên Ti thành lập, nhà Tiền Tần của người Đê, và triều đại Hậu Lương của Hung Nô đều lần lượt để lại dấu tích ở Đôn Hoàng. Ngoài ra còn có những thế lực hùng cứ một phương như Thổ Phiên, Tây Hạ, Duy Ngô Nhĩ và Thổ Cốc Hồn, họ cũng đã viết nên một chương sử phong phú và đậm đà màu sắc cho Đôn Hoàng.
Nếu như có người muốn kinh doanh tơ lụa ở trong quận Đôn Hoàng, thì những người giao dịch nhiều nhất chắc chắn là các thương gia người nước ngoài mũi cao, mắt sâu và râu ria rậm rạp, đa số họ sống ở thành phố Samarkand của Uzbekistan ngày nay, họ là những người Sogdian mà ngày nay đã biến mất. Do làm việc kinh doanh tơ lụa, người Sogdian cũng tạo dựng được chỗ đứng trên lãnh thổ của vương triều Trung Hoa, xây dựng quê hương của mình tại vùng đất Trương Dịch, Chiêu Vũ trên hành lang Hà Tây.
Người Sogdian nhập tịch vào vương triều Trung Hoa phần lớn là dùng các họ như: “Khang, Sử, An, Tào, Thạch, Mễ, Hà, Hỏa Tầm, Mậu Địa”, cho nên còn được gọi là “Cửu họ Chiêu Vũ”. Người Sogdian là một dân tộc thương mại thuần túy, được ví như người Do Thái của phương Đông.
Theo “Đường Hội Yếu” ghi chép, đàn ông Sogdian bắt đầu từ lúc 5 tuổi đã phải đọc sách học chữ, học đạo lý kinh doanh thương mại. Họ biết cách làm sao để kiếm được lợi nhuận tốt nhất, không chỉ bán những sản phẩm mỹ nghệ tự chế, mà còn tổ chức các thương đoàn rất lớn, liên tục qua lại giữa Trung Á và Trường An. Họ lũng đoạn thương mại quốc tế trên con đường tơ lụa trong một thời gian rất dài.
Những người hoạt động thương mại mà bị thu hút hòa nhập vào cuộc sống ở Đôn Hoàng còn có người Tát San Ba Tư ở Tây Á, người Ả Rập, người Ấn Độ ở Nam Á, v.v… Họ lũ lượt đổ về thị trấn vàng trên con đường tơ lụa này để tìm đến quốc gia cường thịnh với nhiều kỳ trân dị bảo ở phương Đông. Được coi là “Chốn đô hội giao lưu Hoa Nhung”, Đôn Hoàng quả thật là xứng với tên gọi đó.
Trăm nước tụ hội
Việc giao thương trên con đường tơ lụa và sự giao lưu giữa phương Đông và phương Tây không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nó cũng có quỹ đạo hưng suy như thủy triều lên xuống giống như mọi thứ thông thường khác. Lịch sử Trung Hoa đến những năm cuối thời Đông Hán, những cuộc chinh phạt và chiến loạn ở Trung Nguyên cũng ảnh hưởng tới sự phồn hoa ở Đôn Hoàng, thậm chí là của toàn bộ con đường tơ lụa. Vì chiến loạn mà Đôn Hoàng bị ngăn cách hoàn toàn với nội địa Trung Nguyên, suốt 20 năm thiếu mất chức vụ Thái thú. Mất đi sự ước thúc của chính lệnh, các hào tộc giàu có xưng bá một phương, họ thôn tính đất đai của người dân, và gây khó khăn đủ đường cho các thương đoàn, việc buôn bán trên con đường tơ lụa cũng vì thế mà tiêu điều.
Thương nghiệp ở Đôn Hoàng đang nôn nóng chờ đợi sự phục hưng, các thương đoàn phương Tây trông ngóng mong chờ vào sự kinh doanh của vương triều Trung Nguyên. Vào thời kỳ Tào Ngụy, triều đình phái Thái thú đến Đôn Hoàng nhậm chức, tuy nhiên Thái thú đó lại sợ thế lực của các cường hào, thiếu can đảm và khả năng diệt trừ những tệ nạn tích tụ, không thể thay đổi tất cả các loại hỗn loạn dưới sự quản lý của mình. Cuối cùng vào những năm Thái Hòa, Quận Đôn Hoàng lại đón Thái thú mới – Thương Từ. Vị quan viên nhận lệnh trong lúc nguy khó này nổi tiếng là thanh liêm giản dị, biết xử lý công việc, đã đứng ra đảm nhận sứ mệnh phục hưng sức sống cho Đôn Hoàng.
Sự tích Thái thú Thương Từ cai quản Đôn Hoàng được ghi chép trong “Tam Quốc Chí”. Sau khi Thương Từ nhậm chức, đã áp dụng hàng loạt những chính sách hữu hiệu, áp chế đám hào tộc, an ủi người dân. Ông nhìn thấy tình trạng đất đai bị thôn tính quá nghiêm trọng, nhà giàu có vô số ruộng đất, còn người nghèo thì không có một tấc cắm dùi, vì thế ông đã miễn giảm thuế, phân phối lại ruộng đất, cải thiện khó khăn cho người dân. Một số lượng lớn các vụ án kiện tụng của các huyện bị tồn đọng trước đây, cuối cùng đã được tập hợp đến Quận chỗ Thái thú. Thương Từ liền đích thân xét xử, cân nhắc nặng nhẹ, cố gắng xử phạt nhẹ, phóng thích rất nhiều phạm nhân bị giam giữ nhiều năm mà chưa được phán xử.
Sau khi chỉnh đốn nội chính, Thương Từ bắt tay vào việc khôi phục hoạt động giao thương với phương Tây. Đầu tiên ông tự mình thăm hỏi thương nhân người Hồ, cũng hứa hẹn: Người muốn đến Lạc Dương làm ăn, chính phủ sẽ hỗ trợ họ làm giấy thông quan và những thủ tục liên quan khác, và sẽ mở ra một con đường chuyên dụng, phái người dân có trách nhiệm hộ tống các thương đoàn. Khi giao dịch xong ở Hà Tây và quay trở về Tây Vực, quan phủ sẽ dùng giá ổn định giao dịch công bằng với họ, sau đó mới đem những hàng hóa nước ngoài này giao dịch công khai. Việc làm của Thương Từ được sự đồng thanh khen ngợi của dân chúng và người Hồ, việc giao thương giữa Trung Nguyên và phương Tây lại bước sang một đỉnh cao mới.
Hoạt động rầm rộ nhất trên con đường tơ lụa, phải thuộc về Lễ hội thương mại được mệnh danh là “Triển lãm vạn quốc” vào năm Đại Nghiệp thứ 5 của nhà Tùy (năm 609). Người chủ trì minh hội này chính là vị hoàng đế gây ra nhiều tranh cãi trong lịch sử – Tùy Dương Đế. Vương triều nhà Tùy là vương triều thống nhất kết thúc sự chia cắt mấy trăm năm của Trung Nguyên, quốc lực lớn mạnh, Tùy Dương Đế cũng rất quan tâm đến sự phát triển của Hà Tây.
Đầu tiên, Tùy Dương Đế phái lão thần Bùi Củ giàu kinh nghiệm, tìm kiếm kế sách khôi phục sự giao thương phồn vinh phía tây bắc cho một dải hanh lang Hà Tây. Bùi Củ đã đem kết quả điều tra miệt mài của mình biên thành ba cuốn “Tây Vực đồ ký”, phân loại tình hình đại khái của 44 quốc gia hoặc bộ tộc ở Tây Vực, và vẽ ra rất nhiều bản đồ quý giá. Ông cũng là lần đầu tiên tổng kết ra 3 con đường từ bờ đông Địa Trung Hải đến Đôn Hoàng, thể hiện được toàn bộ diện mạo của con đường tơ lụa thời xưa.
Bùi Củ phát hiện thấy rằng thương mại trong khu vực Hà Tây đều là do người dân kinh doanh tự phát, thiếu sự quản lý và thúc đẩy của chính phủ. Đồng thời, các trạm dịch trên thương lộ Hà Tây đã nhiều năm không tu sửa, không thể cung cấp chỗ ăn nghỉ cho các thương đoàn, mà những thế lực ở bên cạnh thương lộ như Đột Khuyết, Thổ Cốc Hồn có thể sẽ tập kích hoặc bóc lột các thương đoàn qua lại đây bất cứ lúc nào. Vì vậy mấy trăm năm qua, các thương gia người Hồ phần lớn đều dừng chân tại hành lang Hà Tây, không được đi sâu vào trong để tiến hành giao thương qua lại với Trung Nguyên. Đối với những vấn đề này, Bùi Củ giảm thuế quan, xây trạm dịch, cung cấp thêm nhiều ưu đãi và tiện lợi cho các thương nhân. Thương mại trên con đường tơ lụa vốn bị gián đoạn một thời gian, dần dần được khôi phục lại sức sống.
Dựa vào những kiến thức của Bùi Củ, Tùy Dương Đế đưa ra một quyết định táo bạo, đích thân đưa văn võ bá quan, phi tần hậu cung cùng mười vạn đại quân, đi khai thông tới hành lang Hà Tây, để liên kết đồng minh với các nước Tây Vực. Đoàn quân trùng trùng điệp điệp của Tùy Dương Đế xuất phát từ Trường An, tại Thanh Hải đánh bại đội quân của Thổ Cốc Hồn, thu hàng hơn 10 vạn người. Sau đó, đại quân tiến đến bên ngoài thành Trương Dịch, dưới núi Yên Chi. Bùi Củ cùng với thủ lĩnh và sứ thần của 27 nước cung nghinh thánh giá, các quý tộc của quốc gia Tây Vực như Cao Xương, Y Ngô cũng đến triều kiến Hoàng đế Trung Nguyên, nguyện kết giao hòa hảo với nhà Tùy.
Trong lễ hội quốc tế liên minh chưa từng có trong lịch sử, sứ thần, thương nhân và dân chúng các nước đổ vào thành Trương Dịch, khắp nơi đều có thể nhìn thấy những nhân sĩ dị tộc ăn mặc lộng lẫy, cùng kỳ trân dị bảo rực rỡ muôn màu. Toàn bộ hành lang Hà Tây đều ngập tràn không khí vui tươi náo nhiệt và ấm áp . Năm thứ hai sau Lễ hội thương mại, Tùy Dương Đế hạ lệnh cho mở con đường từ hành lang Hà Tây đi đến nội thành Trung Nguyên, thương nhân và vương công quý tộc của Tây Vực có thể thuận lợi tiến nhập vào kinh đô và các đô thị khác của Trung Nguyên, góp phần tăng thêm khung cảnh phồn thịnh lạ mắt cho mảnh đất Trung Nguyên.
Việc tiên phong phát triển kinh doanh vùng Tây Bắc của nhà Tùy không chỉ khiến giao thương của Hà Tây được phồn thịnh trở lại, mà còn đặt nền móng vững chắc cho kinh tế, nghệ thuật, văn hóa của Đôn Hoàng và toàn bộ hành lang Hà Tây được phát triển hưng thịnh và huy hoàng dưới triều đại nhà Đường.
(Còn tiếp)
Trương Hiến Nghĩa biên tậpSương Sương biên dịchQuý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ