Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên đảo gần Đài Loan để chuẩn bị cho cuộc xung đột
Trong cuộc tập trận quân sự chung giữa Hoa Kỳ và Philippines diễn ra từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm, một số phân đội nhỏ đã bay đến ba hòn đảo mang tính chiến lược trên Eo biển Luzon (hay Lữ Tống) của Philippines. Sự xuất hiện của các phân đội nhỏ này cho thấy, binh lính Thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ cùng với đồng minh thực hiện cuộc tập trận chiến thuật liên tục trên các đảo đang trên đường tiến đến những nơi chuẩn bị cho việc giao chiến tiềm năng với quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 26/05, The Wall Street Journal đưa tin trong cuộc tập trận quân sự này, Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong thực tế. Họ đang điều chỉnh một chiến lược mà họ cho rằng rất quan trọng trong quá trình giao chiến với quân đội ĐCSTQ trên các đảo lân cận.
Những binh sỹ tham gia tập trận thuộc Trung đoàn Bờ biển số 3 (3rd Marine Littoral Regiment) của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Trung đoàn này được thành lập vào tháng 03/2022, và là một phần trong kế hoạch tái thiết toàn diện của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ để đáp ứng tốt hơn cho cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc sau nhiều thập niên chiến đấu tại Iraq và Afghanistan.
Khu quân sự Bắc Luzon của Philippines trước đây đã nêu khẳng định Eo biển Luzon là “địa điểm chiến lược quan trọng để điều động quân đội nhằm đạt được lợi thế chiến lược. Đây cũng được coi là vị trí hiểm yếu (choke point) cho giao thông đường không và đường biển.”
Từ ngày 22/04 đến ngày 10/05, Hoa Kỳ và Philippines tổ chức cuộc tập trận quân sự chung mang tên “Balikatan” trong năm 2024. Việc Hoa Kỳ và Philippines đưa một số hòn đảo gần Đài Loan, bao gồm cả Itbayat, vào cuộc tập trận đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Điều này làm nổi bật vai trò của Philippines trong cuộc xung đột tiềm tàng ở Eo biển Đài Loan.
Ký giả của The Wall Street Journal đã bay đến đảo Itbayat trên Eo biển Luzon cùng với Trung đoàn tác chiến Bờ biển số 3. Tại đây, binh sỹ của đội tác chiến đã đo lường các con đường và cầu để xác định những loại phương tiện di chuyển có thể hoạt động trong thời chiến. Sau đó, họ tiến đến phần phía bắc của hòn đảo, phía đối diện với Đài Loan để quan sát cẩn thận.
Một đơn vị chiến đấu khác đã đến đảo Mavulis ở phía bắc Philippines, cách Đài Loan chỉ 88 dặm (141.6 km). Họ tiến hành trinh sát mặt đất để tìm hiểu cần chuẩn bị những gì trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Các binh sỹ nhận thấy rằng họ thực sự sẽ cần những tàu hải quân nhưng hiện tại vẫn chưa được bố trí. Tàu hải quân có thể vận chuyển lực lượng thủy quân lục chiến cùng các thiết bị giữa các đảo, hoặc từ điểm này đến điểm khác trên bờ biển. Nếu không có các tàu hải quân thì lực lượng thủy quân lục chiến sẽ bị hạn chế bởi địa hình gập ghềnh và đường sá chật hẹp ở khu vực này, lúc đó họ chỉ có thể dựa vào trực thăng để vận chuyển. Nhưng trong thời chiến, trực thăng lại rất dễ bị phát hiện, và năng lực vận chuyển thấp hơn so với tàu thủy.
Chiến lược của quân đội Hoa Kỳ khiến ĐCSTQ khó theo dõi vị trí
The Wall Street Journal cho biết, trong cuộc xung đột, những binh sỹ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ mang theo hỏa tiễn và radar, tiến về phía trước xa nhất và nhanh nhất có thể. Họ sẽ hoạt động theo từng đội nhỏ, di chuyển qua các đảo và đường ven biển để tiếp tục tiến về phía trước. Kiểu di chuyển này khiến hỏa tiễn, máy cảm biến, và phi cơ không người lái của ĐCSTQ không thể nhận ra.
Ông John Lehane, chỉ huy binh đoàn đóng tại Hawaii nói với The Wall Street Journal rằng quân địch sẽ phải “tốn rất nhiều nguồn lực để biết chúng tôi đang ở đâu, chúng tôi đang làm gì. “Chúng tôi khiến cho việc ra quyết định của quân địch trở nên phức tạp hơn.”
Một mục tiêu khác của Thủy quân lục chiến là làm cho ĐCSTQ lâm vào tình trạng khó khăn trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, giúp cho các lực lượng khác của Hoa Kỳ có nhiều thời gian khai triển hơn.
Theo The Wall Street Journal, ông Benjamin Jensen, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) kiêm giảng viên tại Đại học Thủy quân lục chiến (Marine Corps University), cho biết những đội quân nhỏ và linh hoạt này sẽ trở thành kỵ binh ven biển của thế kỷ 21.
Ông Jensen nói, “Tình huống lý tưởng là, quý vị có những đội quân di động di chuyển lên xuống ở chuỗi đảo đầu tiên, có thể khiến cho phía Trung Quốc (ĐCSTQ) phải liên tục tìm kiếm quý vị.” Điều này đặt “gánh nặng lớn” lên mạng lưới tình báo của ĐCSTQ.
Theo thông tin công khai, chuỗi đảo đầu tiên bắt đầu từ quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu ở phía bắc, đoạn giữa gần với Đài Loan và phía nam gần với Philippines và quần đảo Sunda Lớn đến New Zealand. Đây là tuyến phòng thủ hàng đầu trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ.
Trong các cuộc tập trận thực tế, quân đội Hoa Kỳ không dễ đạt được tất cả các mục tiêu trên. Họ phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm cả việc vận chuyển trang thiết bị.
Trong hai năm qua, Trung đoàn Bờ biển số 3 của Thủy quân lục chiến đã thực hiện huấn luyện tại quần đảo Hawaii. Họ khai triển các cuộc tác chiến mô phỏng tại California, và bốn hải trình tới Philippines. Trung đoàn này diễn tập các chiến thuật truyền tin trong tình huống vẫn duy trì ẩn nấp bí mật, chẳng hạn như tạo ra tiếng ồn lớn trong phổ điện từ để làm nhiễu quân địch.
Philippines là nơi trọng yếu đối với quân đội Hoa Kỳ trong việc ứng phó với xung đột Eo biển Đài Loan
Tháng 08/2023, Philippines nêu rõ lập trường của mình đối với xung đột eo biển Đài Loan trong tài liệu chính sách an ninh quốc gia. Tài liệu cho biết, “Khoảng cách địa lý giữa Đài Loan và quần đảo Philippines khá gần, ngoài ra còn có hơn 150,000 công dân Philippines đang sinh sống tại Đài Loan, nên bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào ở Eo biển Đài Loan đều sẽ không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến Philippines.”
Tài liệu cho biết: “Philippines lo ngại về sự ổn định kinh tế của mình, dòng người tị nạn tiềm năng, và sự an toàn của những kiều dân [tại Đài Loan].”
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trước đây đã tuyên bố rõ ràng rằng, “Chúng tôi nằm ở tuyến đầu trong tình thế căng thẳng ở hai bờ eo biển.”
Trước đây, Philippines cho phép quân đội Hoa Kỳ sử dụng 5 căn cứ quân sự của Philippines. Hồi năm ngoái, Philippines thông báo bổ sung thêm 4 căn cứ nữa, nâng tổng số căn cứ mở cửa cho quân đội Hoa Kỳ lên 9. Trong số các căn cứ mới tăng thêm này, có hai căn cứ nằm ở đảo Luzon, cách rất gần Đài Loan.