Tổng thống Philippines chỉ trích quy định mới của Hải cảnh Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông
Hôm thứ Tư (29/05), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết, quy định mới của Hải cảnh Trung Quốc có thể dẫn đến việc người ngoại quốc ở trên khu vực Biển Đông sẽ bị giam giữ. Đây là một tình thế leo thang “đáng lo ngại.”
Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Philippines, Bắc Kinh, và các quốc gia khác diễn ra liên tục. Gần đây, Hải cảnh Trung Quốc đã ban hành “Quy định về thủ tục thi hành Luật Hành chính của Hải cảnh,” và từ ngày 15/06 sẽ thực thi Luật Hải cảnh đã được ban hành vào năm 2021, cho phép giam giữ những người ngoại quốc bị nghi ngờ “xâm phạm” lãnh hải hoặc vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Theo Reuters, Tổng thống Philippines Marcos đã nói với các ký giả trong chuyến thăm chính thức tới Brunei rằng: “Chính sách mới [của ĐCSTQ] này đe dọa giam giữ công dân của chúng tôi. Điều này không giống như trước và đang khiến tình hình [căng thẳng] ngày càng leo thang.”
Ông Marcos cho biết, Philippines “sẽ qua tất cả các tuyến liên lạc với Trung Quốc để ngăn chặn hành vi hung hăng của nước này,” để ngư dân của Philippines có thể đánh cá ở Biển Đông.
Ông Marcos nói rằng, chỉ khi kiểm soát được những hành vi công kích này thì “chúng ta mới có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày một cách yên ổn.”
Các tàu Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông thường xuyên bị ĐCSTQ cáo buộc “xâm phạm” vùng biển chủ quyền của Trung Quốc. Trong năm qua, hai bên liên tục xảy ra các cuộc xung đột như vậy.
Vào hôm thứ Tư (28/05), Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, các quy định này là nhằm “duy trì” trật tự hàng hải, đồng thời cáo buộc Philippines “liên tục gây ra tình trạng leo thang ở Biển Đông.”
Bắc Kinh tuyên bố nước này có quyền kiểm soát hầu hết các vùng biển trên Biển Đông. Biển Đông là tuyến đường biển chiến lược, nơi có lượng thương mại hàng hải trị giá hơn 3,000 tỷ USD đi qua mỗi năm. Năm 2016, Tòa án trọng tài quốc tế La Haye đã phán quyết rằng các yêu sách chủ quyền rộng lớn của ĐCSTQ ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý quốc tế, nhưng Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết này.