Thượng viện khước từ bảo vệ quyền tự do tôn giáo, thông qua Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân; TT Biden sẽ ký
Một khối đa số lưỡng đảng của Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân hôm thứ Ba (29/11) sau khi bác bỏ một bộ ba điều khoản sửa đổi chi tiết mà các nhà bảo trợ tuyên bố là cần thiết để bảo vệ quyền tự do thực hành và biểu đạt tôn giáo.
Với 61 phiếu thuận và 36 phiếu chống, khối đa số này — bao gồm 49 thành viên Đảng Dân Chủ và 12 thành viên Đảng Cộng Hòa — đã thông qua một biện pháp được Hạ viện thông qua hồi tháng Bảy và Tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ ký. Hạ viện vẫn phải đồng ý với những sửa đổi nhỏ của Thượng viện đối với dự luật ban đầu.
Cuộc bỏ phiếu về dự luật gây tranh cãi này đã vượt qua một loạt rào cản về thủ tục đòi hỏi phải có ít nhất 60 phiếu bầu mà những người đề xướng đã vượt qua với sự hỗ trợ từ 50 thành viên Đảng Dân Chủ của Hạ viện và một tá (12) thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ việc thông qua cuối cùng.
12 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa này là các Thượng nghị sĩ Roy Blunt của Missouri, Joni Ernst của Iowa, Dan Sullivan của Alaska, Cynthia Lummis của Wyoming, Rob Portman của Ohio, Shelley Moore Capito của West Virginia, Susan Collins của Maine, Thom Tillis của North Carolina, Richard Burr của North Carolina, Lisa Murkowski của Alaska, Mitt Romney của Utah, và Todd Young của Indiana.
Vào cuối ngày thứ Hai (28/11), trong một cuộc bỏ phiếu kéo dài về một đề nghị hạn chế tranh luận, ba trong số 12 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa ủng hộ dự luật đã giữ lại phiếu bầu của họ cho đến khi những người đề xướng đồng ý cho phép biểu quyết trực tiếp đối với các sửa đổi do Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah), Thượng nghị sĩ James Lankford (Cộng Hòa-Oklahoma) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đề ra. Mỗi đề nghị sửa đổi nhằm mục đích giảm bớt các mối đe dọa từ đề nghị này đối với tự do tôn giáo.
Trong suốt cuộc tranh luận về đề nghị này, những người phản đối tuyên bố dự luật sẽ gây thiệt hại nặng nề cho quyền tự do tôn giáo, kể cả sau khi những người đề xướng chấp nhận một sửa đổi mà họ nói sẽ khắc phục những lo ngại đó.
Trong một bài diễn văn sôi nổi trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu về các sửa đổi, ông Lankford đã hỏi, “Hôm nay là về việc tôn trọng quyền của tất cả mọi người, hay là về việc bịt miệng một số người và tôn trọng những người còn lại?”
Thành viên Đảng Cộng Hòa Oklahoma này — người nổi tiếng ở tiểu bang quê nhà ông trước khi theo sự nghiệp chính trị nhờ công việc của ông với một trại thanh niên Baptist miền Nam — đã nói với các đồng nghiệp rằng “có ba vấn đề chính trong dự luật về vấn đề tự do tôn giáo. Nếu ba điều này không được thay đổi trong dự luật này, thì nó sẽ đặt quyền tự do tôn giáo vào nguy cơ lớn đối với hàng triệu người Mỹ, những người … đã chân thành tín ngưỡng tôn giáo.”
Theo ông Lankford, người đầu tiên trong số ba người cho biết dự luật đề cập đến “bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào hành động theo danh nghĩa của pháp luật tiểu bang” sẽ phải chịu hình phạt vì không ủng hộ hôn nhân đồng giới hoặc giữa các chủng tộc.
“Đây sẽ là một tổ chức mà một tiểu bang thuê để hoàn thành một việc gì đó cho họ. Đây có thể là một nhà tù tư nhân, chẳng hạn, nó cũng có thể là một cơ quan nhận con nuôi, cơ quan chăm sóc nuôi dưỡng. Đó có thể là một tổ chức thực sự cung cấp nhà ở cho các gia đình nhập cư, một nơi tạm trú cho người vô gia cư được tiểu bang ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. Nó có thể là bất kỳ số lượng tổ chức nào,” ông Lankford giải thích.
Nhiều cơ quan như vậy dựa trên đức tin và Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân “sẽ là một hạn chế mới đối với những tổ chức tôn giáo chính thức ký hợp đồng mà sau đó rất có thể sẽ bị loại khỏi việc cung cấp các dịch vụ đó … hoặc từ bỏ đức tin của họ,” ông nói.
Vấn đề thứ hai mà ông Lankford chỉ ra là dự luật này tạo ra việc buộc phải đưa ra một “quyền hành động riêng” mới cho “một cá nhân cảm thấy rằng họ đã bị tổn hại” bởi một tổ chức được quy định trong luật.
Ông Lankford giải thích: “Bây giờ, điều luật mới này không định nghĩa ‘tổn hại’ nghĩa là gì, nó chỉ nói rằng nếu ai đó cảm thấy họ bị tổn hại, giờ đây họ sẽ có cơ hội kiện người khác.”
“Nếu Quốc hội tạo ra một quyền mới để kiện người dân, sẽ có rất nhiều vụ kiện … Đối với bất kỳ ai tin rằng quyền kiện người mới này sẽ không được sử dụng và sẽ không được sử dụng nhanh chóng bởi các luật sư và các nhóm bên ngoài trên khắp đất nước, thì quý vị đang dối lừa chính mình. Những gì dự luật này thực sự làm là nó bịt miệng bất kỳ cá nhân nào có thể không đồng ý và nó ngăn cản bất kỳ tổ chức dựa trên đức tin nào hợp tác với chính phủ,” ông nói.
Vấn đề thứ ba nằm ở ngôn ngữ của dự luật nói rằng “nếu một lợi ích không phát sinh từ một cuộc hôn nhân.” Ông Lankford cho biết ông đã hỏi nhiều luật sư cụm từ đó có nghĩa là gì và nhận được nhiều câu trả lời khác nhau.
“Dự luật này rõ ràng về những điều mà nó không có ý định bàn về. Khi nó nói rằng tất cả những quyền khác nhau được trao mà không bao gồm hôn nhân, thì nó không bao gồm niềm tin của quý vị về hôn nhân,” ông Lankford chỉ ra. Ông nói rằng kết quả là niềm tin về hôn nhân vẫn có thể là cơ sở để kiện tụng chống lại các cá nhân và tổ chức.
Sửa đổi của ông Lankford chỉ cần đa số quá bán, nhưng đã bị đánh bại với số phiếu biểu quyết theo tỷ lệ 45-52. Không thành viên Đảng Dân Chủ nào ủng hộ, trong khi các thành viên Đảng Cộng Hòa Portman, Collins, và Murkowski bỏ phiếu chống.
Bản sửa đổi của ông Lee đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 12 thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ đề nghị này. Nhưng thành viên Đảng Dân Chủ duy nhất ủng hộ đề nghị đó là Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia). Do đó, bản sửa đổi đã thất bại với số phiếu 48-49. Bản sửa đổi của ông Rubio cũng thất bại với số phiếu 48 trên 49.
Thượng nghị sĩ Baldwin cho biết đề nghị sửa đổi là cần thiết để “mang đến cho hàng triệu người Mỹ trong các cuộc hôn nhân đồng giới và khác chủng tộc sự chắc chắn rằng họ sẽ tiếp tục được hưởng các quyền tự do, quyền và trách nhiệm dành cho tất cả các cuộc hôn nhân khác.”
Án lệ Obergefell kiện Hodges năm 2015 của Tối cao Pháp viện đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên toàn quốc. Án lệ Loving kiện Virginia của Tối cao Pháp viện đã hợp pháp hóa hôn nhân dị chủng ở Mỹ.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times