Thượng nghị sĩ Hawley: Người tố cáo TikTok cho biết dữ liệu của Hoa Kỳ có thể dễ dàng được truy cập từ Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) đang thúc giục Bộ Ngân khố Hoa Kỳ tiến hành xem xét kỹ lưỡng các cáo buộc mới của người tố cáo liên quan đến ứng dụng video TikTok do Trung Quốc sở hữu mà gần đây đã được ông chú ý.
Ông Hawley cho biết một người tố cáo TikTok đã đến gặp ông. Người đó trực tiếp biết rằng các biện pháp kiểm soát truy cập của ứng dụng này có thể yếu hơn so với được đề nghị trước đây. Ông nói trong một bức thư hôm 08/03 gửi Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen rằng những cáo buộc này “liên quan sâu sắc” và dường như mâu thuẫn với các tuyên bố công khai của các giám đốc điều hành cao cấp TikTok và công ty mẹ có trụ sở tại Bắc Kinh của công ty này là ByteDance.
Những điều được tiết lộ từ các bản ghi âm bị rò rỉ rằng các kỹ sư ở Trung Quốc đã nhiều lần truy cập vào dữ liệu Hoa Kỳ trên nền tảng này kể từ tháng 01/2022 đã làm dấy lên lo ngại của lưỡng đảng trong Quốc hội.
Hồi tháng 09/2022, Giám đốc Điều hành TikTok Vanessa Pappas đã làm chứng trước các thượng nghị sĩ rằng TikTok có “các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về những ai và cách thức dữ liệu của chúng tôi được truy cập” đồng thời tuyên bố rằng “trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ không cung cấp dữ liệu đó cho Trung Quốc.” Tuy nhiên, theo ông Hawley, người tố cáo này đã mô tả những biện pháp kiểm soát truy cập này, nếu có tồn tại, thì cùng lắm là “hời hợt.”
Các nhân viên TikTok và ByteDance có thể “chuyển đổi giữa dữ liệu của Trung Quốc và Hoa Kỳ bằng cách chỉ cần nhấp vào một nút sử dụng một công cụ độc quyền gọi là Dorado,” ông Hawley cho biết, dẫn lời người tố cáo vốn đã ví việc này như một “công tắc đèn.”
Người tố cáo này còn nêu lên một công cụ khác có tên là Aeolus, nói rằng công cụ này cho phép một nhân viên ở Trung Quốc truy cập dữ liệu của Hoa Kỳ với sự cho phép của một người quản lý và một chủ sở hữu tập dữ liệu.
Trong bức thư nói trên, người này nói với văn phòng của ông Hawley, “Tôi đã tận mắt chứng kiến các kỹ sư làm việc tại Trung Quốc chuyển sang các bộ dữ liệu không phải của Trung Quốc và tạo các tác vụ theo lịch trình để sao lưu, tập hợp, và phân tích dữ liệu.”
Ông Hawley viết trong bức thư, người tố cáo này cũng mô tả sự phối hợp chặt chẽ giữa TikTok và ByteDance. Người này cho biết cả hai công ty này đều “dựa vào nhu liệu độc quyền do họ thiết kế ở Trung Quốc, do đó giảm bớt sự giám sát của ngoại quốc và cho phép các kỹ sư Trung Quốc chèn các nhu liệu cửa hậu (software backdoor.)”
Ông Hawley trích dẫn lời người tố cáo, “Về phương diện chức năng, TikTok và ByteDance là cùng một công ty. Họ sử dụng cùng các công cụ phân tích dữ liệu và các ứng dụng trò chuyện, đồng thời các nhà quản lý thường xuyên liên lạc với nhau.”
‘Những cáo buộc rất đáng lo ngại’
Ông Hawley xem “những cáo buộc rất đáng lo ngại” này là lý do mới nhất dẫn đến việc loại bỏ hoàn toàn TikTok, ứng dụng phổ biến nhất đối với thanh thiếu niên Mỹ, khỏi Hoa Kỳ.
Ông viết, “Mặc dù TikTok đưa ra nhiều cam đoan rằng các đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc không có quyền truy cập vào dữ liệu Hoa Kỳ, nhưng ngày càng có nhiều khả năng họ làm như vậy.”
Ông đã yêu cầu bà Yellen cung cấp thông tin về những gì TikTok đã chia sẻ với ủy ban đánh giá giao dịch ngoại quốc — Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS) — mà bà chủ trì liên quan đến các công cụ nhu liệu, các cơ sở dữ liệu, các sản phẩm nội bộ, khả năng truy cập được tuyên bố cho nhân viên TikTok ở Trung Quốc thông qua những công cụ này, và quy trình phê chuẩn nội bộ mà CFIUS biết.
Một phát ngôn viên của TikTok nói với The Epoch Times rằng người tố cáo này “dường như đã được cung cấp thông tin sai lệch.”
“Những công cụ mà Thượng nghị sĩ Hawley mô tả trong bức thư chủ yếu là các công cụ phân tích — những công cụ này không cấp quyền truy cập trực tiếp vào dữ liệu một cách độc lập,” phát ngôn viên này cho biết. “Tại Hoa Kỳ, Bộ phận Bảo mật dữ liệu Hoa Kỳ [của TikTok] quản lý tất cả quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Hoa Kỳ và các quyền truy cập này chỉ có thể rời khỏi môi trường đám mây Oracle trong các trường hợp bị hạn chế và giám sát như được mô tả trong thỏa thuận được đề nghị của chúng tôi với CFIUS.”
TikTok cho biết “việc các công ty công nghệ thiết kế các công cụ và dịch vụ của riêng họ nhằm đáp ứng các nhu cầu kinh doanh nội bộ là thông lệ” và rằng “thường thì trong số đó, không có công cụ nào chịu sự xem xét kỹ lưỡng từ bên ngoài.”
Nhằm nỗ lực được duy trì hoạt động tại Hoa Kỳ, TikTok đã và đang thực hiện một chương trình có tên “Dự án Texas” bằng cách hợp tác với đại công ty điện toán Oracle của Hoa Kỳ, một công ty có cơ sở hạ tầng đám mây sẽ lưu trữ dữ liệu Hoa Kỳ của TikTok. Công ty này bảo đảm rằng “mọi dòng mã sẽ được nhiều bên thứ ba kiểm tra, thử nghiệm, và hiệu khảo cụ thể nhằm bảo đảm rằng không có cửa hậu.”
Nỗ lực cấm TikTok — một ứng dụng có hơn 113 triệu người dùng Hoa Kỳ mỗi tháng — đã và đang đạt được động lực ở Hoa Kỳ và các nước khác, vào thời điểm mà các mối đe dọa xuất phát từ các tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh nhằm thách thức trật tự thế giới dân chủ tự do đang thu hút nhiều mối quan tâm hơn.
Hành động tại Quốc hội
Hôm 01/03, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm vào TikTok.
“Bất kỳ ai tải ứng dụng TikTok vào thiết bị của họ đều đã cung cấp cho ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] một cửa hậu để truy cập tất cả thông tin cá nhân của họ. Đó là một quả khinh khí cầu do thám trong điện thoại của quý vị,” Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), chủ tịch ủy ban đã đưa ra dự luật nói trên, nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Hơn một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ đã tiến hành cấm TikTok trên các thiết bị chính phủ. Dự luật này cũng được thực thi ở một cấp liên bang theo một phần của dự luật chi tiêu 1.65 ngàn tỷ USD được thông qua hồi tháng 12/2022.
Trong một phiên điều trần của Ủy ban Đặc biệt Thượng viện về Tình báo viện hôm 08/03, Giám đốc FBI Christopher Wray đã tái khẳng định rằng TikTok đặt ra những mối lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư, đồng thời có thể được ĐCSTQ sử dụng như một công cụ để thao túng lối suy nghĩ của hàng triệu người ở Mỹ.
Tuy nhiên, khi được Phó Chủ tịch ủy ban, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) hỏi về việc liệu chế độ Bắc Kinh có thể sử dụng ứng dụng này để gieo rắc sự bất hòa trong công chúng và thúc đẩy một số luận điệu nhất định hay không, ông Wray cho biết “nếu chuyện đó xảy ra, thì nhiều dấu hiệu bề ngoài rất khó có thể nhận thấy được.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times