Thương đạo Trung Hoa: Thương nhân Huy Châu lấy nghĩa làm lợi, giữ thành tín vang danh khắp thiên hạ
Đối với người thời nay, Huy Châu chỉ là một khái niệm địa lý cổ xưa. Vùng đất này bao gồm Tích Khê, Huyện Hấp, Hưu Ninh, Huyện Y, Kỳ Môn thuộc An Huy và huyện Vụ Nguyên mà giờ đây đã quy hoạch về tỉnh Giang Tây. Nếu có duyên đi du lịch đến những nơi này, quý vị vẫn sẽ cảm nhận được sức hấp dẫn khó tả của Huy Châu cổ kính. Ở đó có dãy núi Hoàng Sơn đẹp như mơ như ảo, có dãy núi Tề Vân mang Tiên khí của Đạo gia, có dòng sông Tân An chảy vắt ngang, có những ngôi làng cổ tường trắng mái rêu, những con đường sâu thẳm tĩnh mịch vô cùng. Nơi đây còn có di tích về các đại gia tộc nhiều đời nối tiếp với những từ đường lộng lẫy, và cả những ngôi đền thờ tĩnh mịch như đang kể lại chuyện xưa trong mưa gió …
Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, Huy Châu đã là quê hương của các thương nhân nổi tiếng với “mười nhà thì chín nhà theo nghiệp buôn bán,” “lấy kinh doanh thương nghiệp làm sản nghiệp lâu dài.” Đây còn là vùng đất khoa cử hưng thịnh, “khoa bảng liên tục, tông phong vang danh khắp nước, quan cao tước lớn, đời nào cũng không thiếu người,” nổi tiếng là nơi có số người trúng tiến sĩ và trạng nguyên đứng đầu cả nước. Theo “Huy Châu phương chí”, thời Minh ở Huy Châu có 452 người đỗ tiến sĩ văn, 56 người đỗ tiến sĩ võ. Thời nhà Thanh, số người đỗ tiến sĩ văn ở Huy Châu có đến 684 người, 111 người đỗ tiến sĩ võ. Số tiến sĩ văn thời Minh và thời Thanh ở Huy Châu chiếm 2.2% cả nước, trong đó thời nhà Minh chiếm 1.82% cả nước, thời nhà Thanh chiếm 2.55% cả nước. Ngoài ra, thời nhà Thanh có 19 người có nguyên quán và trú quán tại Huy Châu thi đỗ Trạng nguyên, chiếm 17% cả nước.
Huy Châu là vùng đất địa linh nhân kiệt, tự nhiên ngay cả các thương nhân cũng nổi tiếng với cái tên “Nho thương.” Họ không chỉ lấy sự thành tín làm gốc trong kinh doanh, mà còn trọng đức hành thiện, tín phụng “kiếm tiền phải có đạo lý, lấy nghĩa làm lợi, không lấy lợi làm lợi.” Hơn nữa, bản thân mỗi người cũng tôn sùng tư tưởng Nho gia và Phật gia, đồng thời phát triển giáo dục, đầu tư xây dựng các công trình công cộng trong thôn xóm và dòng tộc. Sau đây xin kể về một số thương gia Huy Châu thời nhà Minh không tham tiền bất nghĩa.
Người mất, nợ không mất: ông chủ cầm đồ kinh doanh giữ thành tín
Huyện Hưu Ninh có ngọn núi Tề Vân. Truyền thuyết kể rằng, trên núi có một Tiên nhân biết truyền thụ đạo thuật. Một người tên là Uông Thông Bảo ở làng Lĩnh Nam trong huyện Hưu Ninh nghe nói đến chuyện này, liền chạy từ nhà đến núi Tề Vân tìm vận may, xem thử có Tiên duyên hay không. Tuy ông không tìm được Tiên nhân, nhưng lại cứu được Chu Phúc, một người đồng hương kinh doanh cầm đồ ở Tùng Giang. Chu Phúc dẫn ông đến cửa hàng cầm đồ của mình, hết lòng truyền thụ cho ông kiến thức về cầm đồ.
Sáu năm sau, Uông Thông Bảo thông minh lanh lợi đã có thể tự mình đảm đương công việc kinh doanh của mình. Dưới sự giúp đỡ của Chu Phúc, ông mở tiệm cầm đồ họ Uông. Bởi vì ông kinh doanh trung thực nên nhanh chóng thu hút được rất nhiều khách hàng, thậm chí có lúc người đến còn phải xếp hàng dài trước cửa. Để tiết kiệm thời gian cho khách hàng, Uông Thông Bảo đã mở thông tường cả bốn phía của cửa hàng. Mỗi mặt đều bố trí cửa, giúp khách hàng có thể vào từ bất kỳ phía nào để hoàn tất giao dịch. Dần dần, ông trở thành một người làm ăn nổi tiếng ở vùng Tùng Giang.
Một hôm, Uông Thông Bảo nhờ thủ quỹ tìm trương mục của một vị tú tài họ Chu. Hóa ra mấy năm trước, khách hàng cũ là Chu tú tài đã bỏ 500 lượng bạc vào tiệm cầm đồ, nói đó là tiền riêng nhưng không tiện mang theo bên mình, cho nên gửi ở đây, đợi khi cần sẽ đến lấy, và cũng hy vọng họ sẽ không nói cho người khác biết. Uông Thông Bảo đồng ý giữ số bạc và bảo đảm giữ bí mật, cũng nói là sẽ trả lãi hàng năm.
Sau đó, Chu Tú tài đi du học ở bên ngoài, đã mấy năm không có tin tức gì. Gần đây, có người đưa tin đến nói rằng, anh ta đã qua đời nơi đất khách quê người. Sau khi Uông Thông Bảo biết chuyện thì rất buồn, bảo thủ quỹ kiểm tra xem tiền của Chu tú tài rốt cuộc được bao nhiêu rồi.
Sau khi kiểm tra xong, thủ quỹ nói với ông rằng số vốn 500 lượng cộng lãi đã là 1,800 lượng. Người thủ quỹ rất vui mừng nói: “Người chết là hết nợ. Anh ta yêu cầu chúng ta giữ bí mật, chứng tỏ chắc chắn là anh ta chưa nói với ai khác. Đây quả là món hời trời ban.” Uông Thông Bảo lại nói: “Trời biết đất biết, anh biết ta biết. Chu tú tài mất rồi, nhưng số bạc vẫn là của cậu ấy. Phải đi tìm người nhà của cậu ấy để trả lại cho họ.”
Uông Thông Bảo còn nói với người thủ quỹ: “Sở dĩ thương nhân Huy Châu có thể trở thành thương nhân bậc nhất thiên hạ, chính là bởi vì chúng ta lấy thành tín để kinh doanh. Dù là tham lam một chút lợi của cậu ấy, thì cũng là vết nhơ trong đạo làm người. ‘Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo’ [quân tử thích tài vật, lấy nó cũng phải có đạo lý]. Ta đã nói với cậu ấy là sẽ trả lãi. Hơn nữa, chúng ta quả thực đã dùng tiền của cậu ấy để kiếm tiền, vậy thì không thể che giấu lương tâm mà tham lam được.”
Uông Thông Bảo hỏi thăm tin tức khắp nơi, cuối cùng cũng tìm được nhà của Chu tú tài. Nhà cậu còn có cha mẹ già cả, gia cảnh cũng không mấy dư dả. Vì thế, ông mang theo 1,800 lượng bạc đến Chu gia. Cha mẹ Chu tú tài đang đau buồn vì mất con, lúc đầu tưởng là có người tới đòi nợ thì tỏ ý lo lắng không thể giúp con mình trả nợ. Uông Thông Bảo bèn nói rõ ngọn nguồn, cũng đem số bạc ra và nói hai ông bà hãy dùng số bạc này để dưỡng lão. Hai ông bà lão rất bất ngờ, vì họ nằm mơ cũng không nghĩ đến việc sẽ có người đem một khoản tiền lớn tới cửa nhà. Vì vậy, họ năm lần bảy lượt bái tạ Uông Thông Bảo. Sau chuyện này, danh tiếng của Uông Thông Bảo cũng càng vang xa.
Những chuyện nhân nghĩa tương tự, bao gồm mở kho phát thóc, cứu trợ người dân bị nạn …, cả đời Uông Thông Bảo đã làm rất nhiều. Vào những năm cuối niên hiệu Gia Tĩnh triều Minh, khi ông hơn 90 tuổi, triều đình ban cho ông một tước sĩ bậc nhất để biểu dương.
Đây là Thần linh đang khảo nghiệm ta
Ở Kỳ Môn có một người làm ăn nhỏ tên là Trình Thần Bảo, chuyên bán thuốc nhuộm màu xanh. Ông nghe nói thuốc nhuộm màu xanh ở Phúc Kiến tốt, bèn đặc biệt đi một chuyến, đồng thời mang theo tiền để đặt cọc. Một thời gian sau, ông chủ ở Phúc Kiến đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để chuyển đến Huy Châu.
Khi Trình Thần Bảo tiếp nhận lô hàng này thì vừa vặn có khách hàng tới, nên ông bèn sai người làm kiểm đếm. Sau khi người làm đếm xong, nói với ông là tất cả đã nhận đủ, không sai sót. Vì thế, Trình Thần Bảo trả tiền hàng cho đối phương, thuận tiện hỏi đối phương có phải lập tức trở về hay không. Vị thương nhân Phúc Kiến nói ngày hôm sau mới phải rời đi, còn hôm nay thì sẽ đi dạo phố ở đây. Hai bên vui vẻ nói lời tạm biệt.
Sau khi thương nhân Phúc Kiến đi rồi, Trình Thần Bảo đến nhà kho, cảm thấy hàng hóa có gì đó không đúng, số lượng rất nhiều, bèn tự mình đếm lại một lần nữa. Quả nhiên, thương nhân Phúc Kiến đã đưa dư năm mươi thạch. Lúc này, một số người bán lẻ nghe nói thuốc nhuộm màu xanh về đến nơi rồi, liền đến mua. Trình Thần Bảo đề nghị họ đợi thêm một thời gian, nói rằng người bán thuốc nhuộm đưa dư cho ông nên cần tìm được đối phương để trả lại. Có người khuyên nói: “Buôn bán vốn nhỏ lãi ít, bỗng dưng dôi ra được nhiều thuốc nhuộm như vậy, thì có thể nhân cơ hội để kiếm được ít tiền. Chả trách ông tên là Trình Thần Bảo, Thần linh đang phù hộ ông đấy.”
Thế nhưng, Trình Thần Bảo lại không nghĩ như vậy, ông nói: “Người đang làm, trời đang nhìn. Tiền của trái lương tâm thì không thể nhận. Đây không phải Thần linh đang phù hộ tôi, mà là Thần linh đang khảo nghiệm tôi. Tôi phải đi tìm ông ấy.” Nói rồi, ông đóng cửa kho, lần theo từng cửa hàng, nhà nghỉ để tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm được vị thương nhân người Phúc Kiến ở trong một nhà nghỉ. Ông ấy đang nhàn nhã uống trà.
Thương nhân Phúc Kiến nhìn thấy Trình Thần Bảo thì vô cùng kinh ngạc, vội hỏi đã xảy ra chuyện gì. Trình Thần Bảo bèn giải thích nguyên nhân. Vị thương nhân vẫn không tin: “Làm sao có thể như vậy? Tôi làm sao có thể đưa cho ông dư nhiều như vậy?”
Sau đó, Trình Thần Bảo dẫn vị thương nhân trở lại kho hàng và kiểm lại một lần nữa. Quả nhiên số hàng bị dư ra năm mươi thạch. Vị thương nhân Phúc Kiến cảm kích nói: “Ông chủ Trình, ông đúng là quân tử! Nếu gặp phải người hám lợi, dù tôi có tìm đến xin lại thì họ cũng sẽ quỵt nợ. May mà hôm nay ông tìm được tôi, nếu không, khi tôi quay về mới phát hiện ra sai sót, thì chi phí đi lại khứ hồi cũng tốn bao nhiêu tiền.”
Dựa vào thành tín, Trình Thần Bảo đã tích lũy được số tài sản nhất định và kiếm được hơn 700 lạng bạc. Tuy nhiên, khi đến làm ăn ở đất Sở, thấy nạn đói kéo dài nhiều năm, cuộc sống người dân khốn khó, ông không chỉ dùng tiền để hỗ trợ, mà còn từ bỏ việc lấy lại số tiền nợ của mình. Kết quả khi quay về nhà, ông chỉ mang về hơn một trăm lạng bạc. Ngoài ra, ông còn dùng tiền để giúp đỡ những người trong dòng tộc đang gặp khó khăn. Vợ ông nói đùa: “Người khác càng kiếm càng được nhiều tiền, tại sao mình càng kiếm lại càng được ít đi vậy?” Trình Thần Bảo cười nói: “Tôi không thể không nói đến lương tâm đạo đức sao?”
Dù không phát tài nhưng Trình Thần Bảo lại có uy tín rất cao trong dòng họ. Mọi người tiến cử ông làm Tế tửu [người dâng rượu cúng] trong làng, quan phủ cũng ban cho ông một tước vị.
Mấy trăm lượng bạc thay đổi vận mệnh
Một thương nhân huyện Y tên là Phương Tam Ứng từng kinh doanh ở vùng Kiến Xương (thuộc Cửu Giang ngày nay). Một hôm, ông vào nghỉ ở một nhà trọ, đang lúc muốn nghỉ ngơi thì đột nhiên phát hiện phía dưới tấm đệm có gì cứng cứng, tựa hồ có vật gì đó. Ông mở ra nhìn, hóa ra là mấy trăm lượng bạc. Ông lập tức đi hỏi chủ nhà trọ xem có ai bị mất đồ không. Ông chủ nói không biết nhưng một ngày trước có khách trọ, rạng sáng nay vừa mới rời đi.
Phương Tam Ứng suy đoán có khả năng là người khách hôm trước để quên, liền quyết định ở lại nhà trọ nghỉ thêm vài ngày. Thế nhưng ông đợi mấy ngày cũng không có ai đến. Không còn cách nào khác, ông mang theo số bạc trên lưng, đi tới chỗ nào thì liền hỏi chỗ đó, hỏi thăm xem có người mất đồ không. Mấy năm trôi qua, ông vẫn không tìm được người mất của.
Ngày hôm đó, Phương Tam Ứng đi tới Phủ Châu, dự định ngồi thuyền qua sông. Trên thuyền có một người bán gà mang theo một lồng gà. Bởi vì thời tiết nóng nực, phân gà phát ra mùi hôi thối rất khó ngửi. Rất nhiều hành khách nhao nhao chỉ trích người buôn không nên mang theo nhiều gà như vậy, hơn nữa còn nói buôn thứ này cũng không kiếm được bao nhiêu tiền. Người bán gà lại nói: “Năm đó tôi cũng là một người có tiền. Nếu không bị mất tiền thì cũng làm ông chủ rồi, ai còn đi buôn bán thứ này?”
Mọi người trêu chọc ông ta rằng có phải vì ăn chơi cờ bạc, mỹ nữ nên bị hết sạch tiền hay không. Tuy nhiên, người buôn gà buồn rầu nói: “Đều tại tôi không cẩn thận! Mấy năm trước nghỉ trọ ở Kiến Xương, để mấy trăm lượng bạc ở dưới đệm. Ngày hôm sau vì vội lên thuyền nên quên mất.”
Phương Tam Ứng vừa nghe, lập tức đến nói chuyện và hỏi ông ta tại sao không quay lại tìm. Người bán gà nói, một là thuyền đã rời đi được một ngày thì ông ta mới nhớ ra, nếu quay lại tìm thì phải mất thời gian dăm ba ngày; hai là cũng không có lộ phí để quay lại tìm. Hơn nữa, ông nghĩ sau nhiều ngày như thế, chắc chắn có người đã lấy số tiền ấy đi rồi, cho nên mới quyết định không đi tìm nữa.
Phương Tam Ứng lại hỏi người bán gà, khi đó anh ta ở nhà trọ nào? Phòng nào? Tổng cộng có bao nhiêu bạc? Túi đựng bạc có màu gì? Người bán gà nghe hỏi chi tiết như vậy thì cảm thấy khó hiểu, nhưng vẫn có sao nói vậy với Phương Tam Ứng.
Sau khi nghe người bán gà nói xong, Phương Tam Ứng mừng rỡ nói: “Cuối cùng thì tôi cũng tìm được anh. Số bạc của anh ở chỗ tôi.” Nói xong, ông liền lấy số bạc từ trong túi ra đưa cho người bán gà. Người bán gà như trải qua giấc mơ, nước mắt lưng tròng, lập tức quỳ xuống dập đầu, rối rít cảm ơn, đồng thời hỏi danh tính của Phương Tam Ứng.
Thế nhưng Phương Tam Ứng lại nói: “Số bạc này vốn là của anh. Anh xứng đáng có nó, đừng hỏi danh tính. Tôi cũng là một thương nhân. Chúng ta đều là người cùng hội cùng thuyền.” Nói xong, ông quay lại chỗ cũ, không nói thêm lời nào. Mọi người trên thuyền đều không khỏi ấn tượng về nghĩa cử của Phương Tam Ứng, tất cả đều nhìn ông với ánh mắt ngưỡng mộ.
Sau khi thuyền cập bến, người buôn gà đuổi theo Phương Tam Ứng, nhiều lần gặng hỏi nhưng ông vẫn im lặng. Người đi cùng bèn nói nhỏ danh tính của Phương Tam Ứng với người buôn gà. Sau đó, người bán gà dùng số tiền này thành gia lập nghiệp, và mua được một trạch viện, đồng thời đặt bài vị trường sinh của Phương Tam Ứng lên bàn thờ.
Trên đời này thật sự rất khéo trùng hợp. Lại qua vài năm sau, Phương Hoành, Huyện lệnh huyện Nghi Hoàng, tỉnh Giang Tây, khi đi thị sát tình hình dân chúng thì gặp trời mưa lớn, phải trú nhờ ở nhà một người dân. Chủ nhân của ngôi nhà này chính là người buôn gà năm đó. Ông đem câu chuyện thay đổi vận mệnh của mình kể cho Phương Hoành, mà Phương Hoành lại chính là con trai của Phương Tam Ứng.
Lời kết
Ở Huy Châu thời xưa, có rất nhiều câu chuyện về các thương nhân Huy Châu kinh doanh thành tín, trọng đức hành thiện. Có lẽ ở Huy Châu, nhà nhà đều treo những câu đối như:
“Vạn thế gia phong duy hiếu đễ,
Bách niên thế nghiệp tại độc thư”
Tạm diễn nghĩa:
Gia phong vạn đời duy chỉ có hiếu đễ,
Sự nghiệp đời người cả trăm năm ở việc đọc sách.
“Dục cao môn đệ tu vi thiện,
Yếu hảo nhi tôn tất độc thư”
Tạm diễn nghĩa:
Mong địa vị cao quý tất phải tu thiện,
Muốn con cháu giỏi tất phải đọc sách.
“Truyền gia lễ giáo truân tam vật (tam cương),
Hoa quốc văn chương bản lục kinh”
Tạm diễn nghĩa:
Lễ giáo truyền gia là tam cương,
Văn chương khiến cho đất nước hoa lệ là lục kinh.
“Đôn hiếu đễ thử lạc hà cực,
Tước thi thư kỳ vị vô cùng”
Tạm diễn nghĩa:
Thật thà, hiếu nghĩa, nào có gì vui hơn thế,
Đọc Thi, Thư, ý vị vô cùng.
“Sở ngôn thiện, sở hành thiện, sở tư thiện, thiện nhật tích nhi bất tri;
Quyết (kỳ) thân khánh, quyết gia khánh, quyết hậu khánh, khánh phương lai nhi vị ngải.”
Tạm diễn nghĩa:
Những lời nói thiện, những việc làm thiện, những suy nghĩ thiện, việc thiện tích lại hàng ngày mà không biết;
Bản thân hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, sau này hạnh phúc, hạnh phúc đến chưa biết bao giờ dừng.
Những câu đối này có thể giải thích tại sao thương nhân Huy Châu lại có thể trung thực, giữ chữ tín, tích đức hành thiện như thế, và tại sao họ được gọi là thương gia “đệ nhất thiên hạ.”
Họ đã được thấm nhuần trong bầu không khí dạy cách làm người ngay từ khi còn nhỏ. Trong dòng máu của họ thấm đẫm tế bào “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” của Nho gia, và họ đã tự mình thực hành điều đó trong suốt cuộc đời mình.
Tư liệu tham khảo:
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ