Thủ tướng Armenia vấp phải sự phản đối ngày càng tăng sau khi nhượng lãnh thổ cho Azerbaijan
Vị thủ tướng đang bị bủa vây trong chỉ trích này nói rằng cần có những nhượng bộ ‘đầy đau đớn’ để củng cố hòa bình lâu dài trong khu vực.
Armenia phải đối mặt với sự phản đối ngày càng lớn của người dân về quyết định nhượng lại lãnh thổ cho nước láng giềng Azerbaijan trong thời gian gần đây. Azerbaijan là địch thủ lâu đời của nước này ở khu vực Nam Caucasus (Kavkaz).
Hôm 27/05, hàng nghìn người đã biểu tình ở thủ đô Yerevan để yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan, người mà họ đổ lỗi trong việc nhượng bộ lãnh thổ, phải từ chức.
Tháng trước, ông Pashinyan đã đồng ý từ bỏ 4 ngôi làng biên giới trong nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ với Azerbaijan và vạch rõ đường biên giới chung sau nhiều năm thù địch.
Bất chấp sự phản đối kịch liệt của dân chúng trước hành động này, hôm 24/05, chính quyền Yerevan đã nhượng lại quyền kiểm soát các ngôi làng phần lớn bỏ không cho Azerbaijan.
Ông Pashinyan đã bảo vệ quyết định này, điều mà theo ông là nhằm mục đích có được nền hòa bình lâu dài với Azerbaijan sau nhiều thập niên xung đột và giao tranh ở biên giới.
Kể từ khi thỏa thuận này lần đầu tiên được công bố, các cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối những nhượng bộ—cũng như phản đối ông Pashinyan và chính phủ của ông.
Các cuộc biểu tình mà hầu như không có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc này đang được ông Bagrat Galstanyan dẫn dắt. Ông Galstanyan là một tổng giám mục có uy tín trong Giáo hội Tông truyền Armenia.
Ông Galstanyan đến từ vùng Tavush, nơi có bốn ngôi làng biên giới nói trên.
Đức Tổng Giám mục đã kêu gọi những người ủng hộ thực hiện “các hành động bất tuân ôn hòa” như một cách thức biểu tình phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ cho Azerbaijan.
Ông Galstanyan cũng công bố ý định bắt đầu thủ tục đàn hặc ông Pashinyan với mục đích thay thế chức thủ tướng của ông.
Vị tổng giám mục cũng mang quốc tịch Canada này tuyên bố sẽ sử dụng “tất cả các công cụ pháp lý” để bảo đảm ông Pashinyan bị cách chức.
Những kẻ thù lâu năm
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Armenia và Azerbaijan—cả hai đều là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ—đã xảy ra hai cuộc giao tranh lớn ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Năm 1994, những người ly khai Armenia được Yerevan hậu thuẫn đã giành lấy quyền kiểm soát khu vực này, nơi từ lâu đã được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.
Năm 2020, các lực lượng của Azerbaijan đã chiếm lại Nagorno-Karabakh trong cuộc giao tranh kéo dài 6 tuần khiến hàng nghìn người của cả hai bên thiệt mạng.
Cuộc xung đột đó kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Moscow làm trung gian, cho phép Nga gửi khoảng 2,000 binh sĩ gìn giữ hòa bình tới khu vực này.
Tháng 09/2023, Azerbaijan đã thực hiện một cuộc tấn công kéo dài 24 giờ để giải giáp các nhóm ly khai Armenia có trụ sở tại Karabakh và thiết lập toàn quyền kiểm soát khu vực.
Kể từ đó, ông Pashinyan đã cáo buộc Nga—và lực lượng gìn giữ hòa bình khá lớn của nước này—đã không ngăn chặn được cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan.
Về phần mình, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng họ không thể ngăn cản Azerbaijan tiến hành các chiến dịch trên lãnh thổ của chính mình.
Đầu tháng này, theo yêu cầu của Armenia, Nga đã đồng ý rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Armenia trong bối cảnh xung đột chính trị ngày càng gia tăng giữa hai nước này.
Ông Pashinyan nói rằng đất nước của ông phải phân định biên giới với Azerbaijan để ngăn chặn xung đột thêm.
Văn phòng của ông Pashinyan cho biết hành động này rất “đau đớn” nhưng là nhằm mục đích giảm bớt những rủi ro “liên quan đến việc phân định biên giới và an ninh.”