Mối liên hệ của Armenia với liên minh do Nga dẫn đầu ‘trên thực tế’ đang bị đóng băng
Thủ tướng lặp lại cáo buộc rằng khối an ninh do Moscow lãnh đạo đã không bảo đảm an ninh cho đất nước ông.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan xác nhận rằng nước ông trên thực tế đã đình chỉ liên hệ với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh gồm sáu quốc gia do Nga đứng đầu.
Hôm 28/02, ông nói với các nghị sĩ ở thủ đô Yerevan của Armenia, rằng: “Đình chỉ liên hệ có nghĩa là Armenia không có đại diện thường trực tại CSTO và không tham gia các sự kiện cấp cao [của CSTO].”
Là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Armenia đã trở thành một thành viên của CSTO vào năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã.
Ông Pashinyan cáo buộc rằng hồi tháng 09/2023, CSTO đã không đến chi viện cho Armenia khi Azerbaijan tiến hành một cuộc tấn công kéo dài trong 24 giờ tại tâm điểm căng thẳng Nagorno-Karabakh.
Vào thời điểm đó, khu vực miền núi này là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Armenia, kể từ đó phần lớn người dân ở đây đã rời đến nước láng giềng Armenia.
Tuy nhiên, khu vực Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.
Mặc dù Azerbaijan không phải là thành viên CSTO nhưng nước này có mối liên hệ mật thiết với Moscow, quốc gia luôn tìm cách làm trung gian hòa giải để đạt được một [thỏa thuận] hòa bình lâu dài giữa hai quốc gia kỳ phùng địch thủ này.
Diễn thuyết trước các nghị viên quốc hội, ông Pashinyan cho biết CSTO có nghĩa vụ “chứng minh sự tương quan hữu ích của họ đối với an ninh của Armenia.”
Ông xác nhận rằng Armenia “trên thực tế” đã đình chỉ liên hệ với khối an ninh do Moscow lãnh đạo này.
Ông Pashinyan nói: “Và nếu những vấn đề [về an ninh của Armenia] này không được giải quyết, thì chúng tôi sẽ chính thức làm như vậy [đình chỉ liên hệ].”
Năm 1994, các nhóm ly khai người Armenia — được quân đội Armenia hậu thuẫn — đã giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh và các khu vực xung quanh từ tay Azerbaijan.
Vào năm 2020, Azerbaijan tái chiếm khu vực này trong cuộc chiến kéo dài 6 tuần khiến hàng nghìn người của cả hai bên thiệt mạng.
Xung đột lại bùng phát một lần nữa vào tháng 09/2023 khi Azerbaijan thực hiện một cuộc tấn công kéo dài 24 giờ nhằm giải giáp các nhóm ly khai có trụ sở tại Karabakh và đưa toàn bộ khu vực này về dưới quyền kiểm soát của mình.
Kể từ đó, Armenia đã tìm cách quy trách nhiệm cho Nga — và nói rộng hơn là CSTO — vì đã không ngăn chặn được cuộc tấn công của Azerbaijan.
Trong những nhận xét gần đây với The Wall Street Journal, ông Pashinyan cho biết cuộc tấn công đó đã “đưa chúng tôi đến quyết định rằng chúng tôi cần đa dạng hóa các mối bang giao của mình trong lĩnh vực an ninh.”
Bình luận của ông được nhiều người xem là dấu hiệu cho thấy Armenia có ý định rời khỏi CSTO.
Trong khi đó, Moscow đã đáp lại những lời chỉ trích của ông Pashinyan bằng cách lưu ý rằng tuyên bố chủ quyền đối với Nagorno-Karabakh của Azerbaijan đã được quốc tế công nhận — thậm chí các quan chức ở Armenia cũng công nhận.
Các quan chức Nga chỉ ra thêm rằng các nghĩa vụ phòng thủ chung của CSTO không áp dụng cho Nagorno-Karabakh, vì xét về mặt pháp lý thì khu vực này không nằm trong địa phận lãnh thổ Armenia.
Moscow cũng cáo buộc ông Pashinyan đang tìm cách lợi dụng vấn đề Nagorno-Karabakh để đưa Armenia — một đồng minh danh nghĩa của Nga — vào con đường thân phương Tây hơn.
Điện Kremlin ‘yêu cầu sự rõ ràng’
Trong những tháng sau cuộc tấn công của Azerbaijan, Armenia đã công khai tìm cách tách mình ra khỏi CSTO.
Ngay sau cuộc tấn công, Yerevan đã triệu hồi đại diện thường trực của mình tại khối an ninh này và vẫn chưa bổ nhiệm người mới.
Nước này cũng từ chối tham gia các cuộc tập trận quân sự chung được tổ chức tại Belarus, thành viên CSTO, một đồng minh chủ chốt của Nga.
Ngay sau đó, đại diện của Armenia đã không xuất hiện tại một hội nghị thượng đỉnh của CSTO do Minsk tổ chức với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong bài diễn văn được phát sóng hôm 22/02, ông Pashinyan nhắc lại những bất bình của mình liên quan đến tư cách thành viên của Armenia trong khối này.
Ông nói với kênh truyền hình France 24: “Hiệp ước An ninh Tập thể đã không hoàn thành các mục tiêu của mình đối với Armenia.”
“Hiện tại, chúng tôi đã đình chỉ việc tham gia hiệp ước này về mặt thực tế.”
“Còn về điều gì xảy ra tiếp theo, chúng ta sẽ phải xem.”
Ông Pashinyan cũng nói rằng Azerbaijan không nghiêm túc với việc đạt được một thỏa thuận hòa bình, thậm chí còn cho rằng Azerbaijan đang có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công khác.
Bộ Ngoại giao Azerbaijan mô tả những nhận xét này là “một nỗ lực nhằm bóp méo sự thật và lừa dối cộng đồng quốc tế.”
Hôm 26/02, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow “vẫn chưa có được” hiểu biết rõ ràng về quan điểm của Yerevan liên quan đến tư cách thành viên CSTO của nước này.
Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi thường xuyên liên lạc với các đối tác Armenia của mình.”
“Chúng tôi đang yêu cầu sự rõ ràng về vấn đề này. Chúng tôi sẽ duy trì liên lạc để tìm hiểu xem chuyện này là thế nào.”