‘Thời kỳ bùng nổ đã qua’: Kinh tế Trung Quốc trầy trật với các vấn đề về cấu trúc, nợ nần chồng chất
Phải chăng “Phép lạ Trung Quốc” đang phai nhòa? Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chật vật với vô số thách thức khác nhau. Quốc gia này đang phải đối diện với tốc độ tăng trưởng kinh tế dưới xu hướng, đồng tiền sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên gia tăng, hoạt động sản xuất bị thu hẹp, và lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn về tài chính.
Ông Nicholas Lardy, thành viên cao cấp không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), cho biết Trung Quốc đang phải vật lộn với “những vấn đề cấu trúc to lớn” đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Theo ông, Bắc Kinh không có khả năng lại được chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng 8 hay 9% nữa.
“Thời kỳ bùng nổ đã qua,” ông Lardy nói.
Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc báo cáo tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3%. Trong năm 2021 và năm 2020, tỷ lệ này lần lượt là 8.4% và 2.2%. Kể từ khi tăng hơn 14% trong năm 2007, tăng trưởng GDP đã có xu hướng đi xuống.
Nhưng trong khi một số người khẳng định rằng Bắc Kinh đang giảm tốc độ mở rộng xuống còn 2% trong bối cảnh có nhiều vấn đề khác nhau trên khắp quốc gia, thì ông Lardy khẳng định rằng ông không thấy điều này trong dữ liệu mà ông đang xem xét.
“Tôi thực sự nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng của họ trong vài năm tới có thể sẽ cao hơn đáng kể trong khoảng 3%,” ông nói trong một sự kiện trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), “tôi chắc chắn nghĩ rằng có rất nhiều vấn đề về cấu trúc. Có một số mối đe dọa. Nhưng tôi không nghĩ họ sẽ suy giảm.”
Mặc dù đã từ bỏ hầu hết các hạn chế về sức khỏe cộng đồng theo chính sách Zero COVID trong thời kỳ đại dịch và mở cửa lại nền kinh tế, kỳ vọng của các nhà kinh tế về một thời kỳ bùng nổ đáng kể chưa bao giờ trở thành hiện thực. Nhu cầu tiêu dùng yếu, dẫn đến tình trạng giảm phát trong tháng Bảy. Xuất cảng đã sụt giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu dưới mức xu hướng từ các đối tác thương mại quan trọng, những bên vốn đang phải đối diện với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng chậm. Những ảnh hưởng của sự sụp đổ trên thị trường bất động sản, vốn chiếm khoảng ⅔ tổng tài sản của các gia đình Trung Quốc, đang lan rộng sang nền kinh tế rộng lớn hơn.
Tất cả những yếu tố này đã thúc đẩy chính quyền Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thực hiện nhiều nỗ lực kích thích trong những tháng gần đây, từ hạ lãi suất cơ bản đến cắt giảm thuế giao dịch chứng khoán. Một loạt các nhà phân tích thị trường cho rằng Bắc Kinh sẽ cần phải tung ra các biện pháp kích thích liên tục như bắn súng bazooka để vực dậy nền kinh tế.
Ông Robert Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại ING, cho biết trong một ghi chú: “Một số thị trường đang chuẩn bị cho phản ứng kích thích kiểu bazooka mà chúng ta đã chứng kiến trong thời gian gần đây khi Trung Quốc gặp khó khăn về kinh tế. Nhưng chúng tôi không hề chắc chắn liệu chúng ta có sẽ chứng kiến điều đó vào thời điểm này hay không.”
Ông Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết trong một báo cáo rằng việc không có phản ứng mạnh mẽ “cho thấy một mức độ tê liệt chính sách đáng lo ngại.” Ông Evans-Pritchard lưu ý nếu không có phản ứng kích thích đáng kể, “thì sự suy thoái có thể kéo dài thêm một thời gian nữa.”
“Bây giờ chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng tính theo quý chỉ là 3.0% hàng năm trong thời gian còn lại của năm,” ông viết. “Mức kỳ vọng này dựa trên giả định rằng các nhà hoạch định chính sách cuối cùng sẽ can thiệp mạnh mẽ hơn. Nhưng ngay cả khi họ làm thế, thì bất kỳ sự tái tăng tốc nào đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể sẽ chỉ ở mức khiêm tốn do sự suy giảm mang tính cấu trúc trong xu hướng tăng trưởng.”
Các nhà kinh tế trình bày trường hợp rằng các quan chức đang chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế yếu hơn và đang kiềm chế không tăng hết tốc lực do số nợ rất lớn mà tất cả các cấp chính quyền đang phải đối mặt.
Núi nợ của Trung Quốc
Hai đại công ty bất động sản Trung Quốc đang ngập chìm trong nợ, Bích Quế Viên và Hằng Đại, đã thu hút mọi sự chú ý của giới truyền thông. Nhưng các cấp chính quyền cũng đang phải đối mặt với thực tế mắc nợ khá lớn. Và, ông Jude Blanchette, Chủ tịch Freeman về các Nghiên cứu Trung Quốc, nói tại sự kiện của CSIS rằng những vấn đề nợ này đã thiết lập một “mức trần cho tăng trưởng.”
Nợ chính quyền trung ương đã tăng vọt kể từ năm 2011 khi các quan chức cố gắng ngăn chặn một vụ chìm tàu kiểu Titanic trong nhiều sự kiện kinh tế khác nhau, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản năm 2015. Ước tính nợ quốc gia của Trung Quốc ở trên mức 14 ngàn tỷ USD, tăng 36% so với năm 2022 và chiếm khoảng 250% GDP. Con số này cao hơn Hoa Kỳ nhưng thấp hơn Nhật Bản.
Mối lo ngại chính của các nhà kinh tế là xu hướng này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài có thể sánh ngang với Thập niên Mất mát của Nhật Bản vào những năm 1990.
Nhưng không chỉ có chính quyền trung ương của Trung Quốc là đang phải coi chừng mức nợ cao ngất ngưởng. Các chính quyền địa phương — cấp tỉnh và thành phố — đang chứng kiến khối lượng nợ rất lớn, tổng cộng dự kiến là 12.8 ngàn tỷ USD vào năm 2022. Ngoài ra, giới lãnh đạo đang phải chật vật để theo kịp chi phí trả lãi nợ ngày càng tăng.
Ví dụ, Quý Châu, một tỉnh ở phía tây nam, là một trong những chính quyền mắc nợ nhiều nhất toàn quốc khi báo cáo khoản nợ gần 166 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ trên GDP là 62%.
Hạc Cương, một thành phố Trung Quốc giáp biên giới với Nga, đã duy trì tổng số nợ cao hơn gấp đôi thu nhập tài chính của mình. Các quan chức đã ứng phó với những lỗ hổng tài chính này bằng cách thực hiện nhiều biện pháp hạn chế tiền tệ hơn do thâm hụt ngân sách hàng năm rất lớn.
Các chuyên gia lưu ý rằng các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) đã góp phần gây ra những vấn đề này. LGFV phục vụ như công cụ tài trợ để hậu thuẫn cho các dự án cơ sở hạ tầng. Ví dụ, năm 2020, Quảng Châu và Thượng Hải đã phê chuẩn lần lượt 25 tỷ USD và 38 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng. Nhiều năm sau, dữ liệu mới cho thấy một số lượng kỷ lục LGFV đã không thanh toán được nợ ngắn hạn trong tháng Bảy, với tổng trị giá khoảng 260 triệu USD.
“Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và thị trường bất động sản ốm yếu, các đô thị ngập trong nợ nần giờ đây gây ra một rủi ro tiềm tàng cho tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính của Trung Quốc,” các nhà phân tích của PIMCO viết trong một ghi chú nghiên cứu. “Nếu bất kỳ LGFV nào vỡ nợ, thì tình trạng vỡ nợ đó đều có thể sẽ tạo ra biến động trên thị trường tài chính Trung Quốc, làm tăng chênh lệch lãi suất tín dụng, khiến lãi suất giảm do sự chuyển đổi đầu tư sang nơi an toàn hơn, từ trái phiếu doanh nghiệp sang trái phiếu chính phủ và thậm chí làm suy yếu đồng nhân dân tệ.”
Nhưng các chuyên gia cũng nói thêm rằng mọi tác động tiêu cực sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Chính quyền trung ương đã tiến hành cải tổ vào tháng trước, cho phép các chính quyền địa phương thay thế khoản nợ LGFV trị giá 140 tỷ USD bằng trái phiếu địa phương. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hứa sẽ sử dụng một “rổ các biện pháp” để đẩy lui các nguy cơ nợ địa phương. Các biện pháp này có thể gồm việc chính quyền trung ương phát hành trái phiếu để cứu trợ các đô thị mặc dù các quan chức đã nói với các chính quyền địa phương vào đầu năm nay rằng sẽ không có gói cứu trợ nào.
Theo Fitch Ratings, các khu vực mắc nợ nhiều hơn của Trung Quốc được dự đoán sẽ sử dụng các đợt phát hành mới để trả nợ tồn đọng, thúc đẩy mức nợ chung tăng thêm nữa.
Các tác động
Khi các chuyên gia tranh luận về việc liệu Trung Quốc có sẽ trải qua tình trạng suy thoái kéo dài hay sụp đổ hay không, câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào. Liệu các quan chức sẽ ủng hộ cải tổ theo định hướng thị trường hơn hay tăng cường kiểm soát nhà nước? Ngoài ra, diễn biến này có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế toàn cầu khi xét đến việc Trung Quốc chiếm khoảng ⅓ tăng trưởng toàn cầu?
Ông Lardy cho rằng sự suy thoái của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến một số quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
“Suy thoái của Trung Quốc sẽ có tác động lớn hơn đến Đức so với Hoa Kỳ,” ông nói. “Nhưng nếu quý vị xét trên phạm vi toàn cầu, thì tôi nghĩ có một khuynh hướng phóng đại tầm quan trọng của Trung Quốc.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại the Epoch Times