Khủng hoảng địa ốc có thể dẫn tới sụp đổ kinh tế ở Trung Quốc
Khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc và các cuộc đàn áp bằng quy định gần đây đối với lĩnh vực tài chính cho thấy quốc gia này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Hôm 28/08, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), đã tổ chức một cuộc họp, trong đó Bí thư CCDI, ông Lý Hi (Li Xi) đã kêu gọi giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách kinh tế của Bắc Kinh và cảnh báo chống lại sự thông đồng giữa các doanh nghiệp và quan chức chính quyền.
Trước khi ông Lý đưa ra nhận xét của mình, CCDI đã thông báo rằng ba quan chức cao cấp đang bị điều tra nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Hơn nữa, trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều giám đốc điều hành hàng đầu đã bị cách chức vì bị cáo buộc tham gia “các hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.”
Sự sụp đổ địa ốc đang rình rập
Hôm 17/08, Tập đoàn Hằng Đại (Evergrande Group), trước đây là đại công ty địa ốc lớn nhất Trung Quốc, đã đệ đơn khai bảo hộ phá sản tại Hoa Kỳ và đề nghị tòa án chấp thuận tái cấu trúc khoản nợ trị giá 19 tỷ USD. Khoản nợ của Evergrande ước tính lên tới 300 tỷ USD, khiến họ trở thành nhà phát triển địa ốc mắc nợ nhiều nhất thế giới.
Tập đoàn Hằng Đại tiếp tục giao dịch hôm 28/08 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX) sau 17 tháng tạm dừng, giảm hơn 80% trong ngày khai trương giao dịch. Giá đóng cửa hôm 31/08 là 0.275 HKD (khoảng 0.035 USD), giảm 99% so với mức cao nhất năm 2020, với vốn hóa thị trường là 3.63 tỷ HKD (khoảng 460 triệu USD).
Hôm 07/08, công ty địa ốc hàng đầu Trung Quốc, Bích Quế Viên (Country Garden), không trả được lãi cho hai trái phiếu bằng USD, mỗi trái phiếu trị giá 500 triệu USD, như dự kiến. Sau đó, công ty thông báo tạm dừng giao dịch trái phiếu trong nước.
Chủ tịch Bích Quế Viên, ông Mạc Bân (Mo Bin), cho biết trong một tuyên bố hồi tháng trước rằng công ty đang “gặp những khó khăn lớn nhất kể từ khi thành lập.”
Tờ báo Hoa ngữ Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao) của Singapore dẫn lời các nhà phân tích hôm 14/08 cho biết, với quy mô của Bích Quế Viên và khả năng phục hồi kinh tế kém của Trung Quốc, nếu nhà phát triển địa ốc này không giải quyết được tình trạng hỗn loạn tài chính, thì sự hỗn loạn này sẽ là tàn khốc đối với nền kinh tế Trung Quốc hơn cả sự sụp đổ của Evergrande.
Nhà kinh tế Trung Quốc Nhậm Trạch Bình (Ren Zeping) đăng trên mạng xã hội hôm 11/08 rằng nếu Bích Quế Viên sụp đổ, thì sự sụp đổ này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin thị trường, sự phục hồi kinh tế, kỳ vọng của người mua nhà, và hơn 60 ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn, ảnh hưởng đến việc làm của hàng chục triệu người.
Đỉnh điểm của sự sụp đổ địa ốc có thể vẫn chưa đến. Theo Jiemian News có trụ sở tại Trung Quốc, 289 công ty địa ốc ở Trung Quốc sẽ đáo hạn khoản nợ khoảng 960 tỷ nhân dân tệ (132.2 tỷ USD) trong năm tới.
Hơn nữa, khi lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc suy thoái, các nhà đầu tư ngoại quốc đang bán cổ phiếu Trung Quốc với tốc độ kỷ lục. Tờ Financial Times đưa tin các nhà giao dịch ngoại quốc đã bán gần 90 tỷ nhân dân tệ (12.4 tỷ USD) cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến trong tháng 08/2023.
Khủng hoảng tài chính của chính quyền địa phương
Sự yếu kém của lĩnh vực địa ốc sẽ ảnh hưởng đến tài chính của chính quyền các tỉnh. Nguồn thu của chính quyền địa phương vốn chủ yếu dựa vào việc bán đất cũng như thuế và trái phiếu liên quan đến địa ốc.
Khoản nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương đã trở nên lớn đến mức ngay cả Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền cũng không thể kiểm soát được. Tờ Financial Times đưa tin hôm 11/08 cho hay cơ quan hành chính hàng đầu của Trung Quốc, Quốc vụ viện, đang cử một nhóm kiểm toán viên và điều tra viên đến hơn chục tỉnh để kiểm tra tài khoản và khoản nợ của họ từ nguồn tài trợ ngoại bảng.
Vì chính quyền địa phương bị cấm vay trực tiếp từ ngân hàng, nên các phương thức tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) được tạo ra như một nền tảng tài chính để vay tiền và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, gồm có đường cao tốc và cầu. Khoản nợ đã phát sinh không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán chính thức nên trở thành “nợ ẩn.”
Hôm 12/07, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Hoa Kỳ ước tính nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc, tính cả nợ ẩn, có thể lên tới 94 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 13 ngàn tỷ USD).
Theo báo cáo từ trang web tin tức Tài Tân (Caixin) có trụ sở tại Bắc Kinh, hôm 21/08, ĐCSTQ đã phát hành một đợt ghi danh mới cho “trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt” hồi đầu tháng 07/2023 để thay thế một số khoản nợ ẩn của địa phương. Báo cáo cho biết số lượng trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt là khoảng 1.5 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 206.6 tỷ USD). Tuy nhiên, khoản tài trợ 1.5 ngàn tỷ nhân dân tệ chỉ là một con số nhỏ so với khoản nợ 94 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 13 ngàn tỷ USD).
Cuộc khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương hiện đã ảnh hưởng đến sinh kế của một bộ phận lớn người dân Trung Quốc. Cho đến thời điểm này trong năm nay, một số lượng lớn người về hưu ở một số tỉnh đã phản đối cái gọi là cải cách chăm sóc sức khỏe ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi y tế của họ. Hồi tháng 02/2023, một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở thành phố Vũ Hán về việc cắt giảm trợ cấp y tế, ảnh hưởng đến hàng triệu người về hưu.
Hồi đầu năm nay, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và tài chính của mình, đồng thời ngụ ý rằng việc phá sản có thể dẫn đến bất ổn xã hội đáng kể.
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times