‘Thỏa thuận nhận tội’ của ông Hunter Biden là một sự xem thường đối với hiểu biết của chúng ta
Sự hiểu biết của chúng ta có thể bị xem thường đến mức nào?
Vài ngày trước, đã có tình tiết giảm nhẹ trong các cáo trạng đối với Sam Bankman-Fried, người sáng lập và cựu Tổng giám đốc của sàn giao dịch mã kim FTX bị sụp đổ.
Và giờ đây, hôm 20/06, cuối cùng các quan chức liên bang đã đưa ra một “thỏa thuận nhận tội” dành cho con trai của tổng thống, ông Hunter, liên quan đến các cáo buộc trốn thuế mà về căn bản không gì hơn là một hình phạt nhẹ nhàng. Ông Hunter cũng sẽ nhận án phạt nhẹ hơn cả hoạt động phục vụ công ích vì đã mua một khẩu súng trong giai đoạn được xác nhận là bị nghiện ma túy.
Thật là một thỏa thuận tốt, phải vậy không?
Ý tứ sâu xa trong việc này không thể rõ ràng hơn, chính là muốn “ném” những cáo buộc rằng ông Hunter Biden đã lợi dụng vị thế và ảnh hưởng chính trị để trục lợi [trong các giao dịch] với ngoại quốc, trong đó có những quốc gia là kẻ thù không đội trời chung với chúng ta, và những giá trị còn lại của quốc gia này vào những chiếc “lỗ nhớ” khét tiếng ấy. (*)
Và có một ý tứ thứ hai mà ứng cử viên tổng thống Vivek Ramaswamy — người thường phản hồi nhanh hơn đối thủ của mình — đã đưa ra chính xác trong bài đăng trên Twitter của ông rằng:
“Không phải ngẫu nhiên mà ‘thỏa thuận nhận tội’ lố bịch của ông Hunter Biden xuất hiện ngay sau bản cáo trạng của ông Trump: đó là một sự che đậy hoàn hảo để làm ra vẻ rằng ‘không ai đứng trên luật pháp’, trong khi lại đặt một số người đứng trên luật pháp. Đó là một hành động giả tạo kiểu tiểu thuyết viễn tưởng của nhà văn George Orwell nhằm cung cấp cho các hãng truyền thông mức độ họ cần che đậy một cách chính xác. Thật hào hứng để xem xem trò này diễn ra như thế nào.”
Có lẽ ở thời điểm này, trò này chưa hào hứng lắm.
Câu hỏi là, chúng ta đang ở đâu? Đây là quốc gia nào?
Tôi đã nhận được một câu trả lời mang tính ẩn dụ — hoặc thần bí — vào sáng nay khi thực hiện khoản thanh toán thuế cho Sở Thuế vụ (IRS) hàng quý của mình, tôi phát hiện ra số tấm séc của mình là 1984.
Tuy nhiên, chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh mà chính phủ và các đồng minh của họ là các Đại công ty Công nghệ nắm quyền lực công nghệ to lớn, thì thậm chí cả ông George Orwell, tác giả của “1984,” hay ông Aldous Huxley cũng không thể hình dung được.
Điều mà những người này lo sợ nhất là khả năng có một chính phủ mới của ông Trump, vốn là nguyên nhân trực tiếp của vụ án oan đang diễn ra này. Chính phủ đó sẽ dẫn đến sự mất quyền lực chưa từng có — đối với đất nước của chúng ta — trong một giai cấp thống trị (hay còn gọi là nhà nước ngầm) với tổn thất lớn tài chính và địa vị.
Một lần nữa, rõ ràng là điều này hoàn toàn đúng đối với các chính trị gia, nhưng cũng chuẩn xác với giới truyền thông và một tỷ lệ khá lớn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Ngoài ra còn có một dấu hiệu mạnh mẽ khác về một nhận định mà ngày càng nhiều người cho là đúng đắn — rằng chúng ta đang ở giữa một cuộc nội chiến không tiếng súng. (Hãy hy vọng sự việc này sẽ duy trì ở mức độ như vậy.)
Chúng ta, dù muốn hay không, tất cả đều ở trong một cuộc chiến trí tuệ. Câu người xưa thường nói, “mất cảnh giác thì mất cơ hội,” quả đúng trong trường hợp này — và thậm chí còn mất nhiều hơn thế nữa.
Bài tập về nhà tôi tự đưa ra cho bản thân là đọc lại tiểu thuyết “Vụ án” của tác giả Franz Kafka. Không ai hiểu biết nhiều về cách công lý vận hành hơn ông ấy.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times