Sự đón tiếp ông Trump tại hội nghị Đảng Tự Do
Tại hội nghị, điều dường như khiến những người theo chủ nghĩa tự do rất chính thống này lo ngại nhất là quyền tự do cho một người tên là Ross Ulbricht.
Giống như nhiều người khác tôi không thích bị phân loại, nhưng nếu bị ép buộc như khi được hỏi hệ tư tưởng chính trị của tôi là gì, thì tôi sẽ đánh dấu vào ô có nội dung “nghiêng về chủ nghĩa tự do”.
Nói cách khác, tôi phần nào theo chủ nghĩa tự do nhưng đừng buộc tôi phải như vậy. Tuy nhiên, nhìn chung tôi thực sự tin rằng chính phủ nào quản lý ít nhất thì là chính phủ tốt nhất.
Nhưng vào tối hôm 25/05, khi xem cựu Tổng thống Donald Trump trình bày tại Hội nghị Tự do trên truyền hình, thì theo cách nói ở những năm 1960, tôi muốn đốt tấm thẻ chủ nghĩa tự do của mình.
Những người này là ai? Cựu Tổng thống Trump là mục tiêu của những lời chế nhạo liên tục từ khán giả, những người còn non nớt và khinh thường ông đến mức dễ dàng hình dung rằng không ai khác muốn quan hệ với họ. (Tôi nghe nói doanh nhân Vivek Ramaswamy cũng bị đối xử tương tự tại hội nghị này, nhưng với số lượng khán giả ít hơn.)
Sự kiện này diễn ra chỉ hai đêm sau khi cựu Tổng thống Trump diễn thuyết ở quận Bronx [thành phố New York], nơi ông được một đám đông lớn hơn nhiều, đa chủng tộc, và chủ yếu là tầng lớp người đi làm chào đón nồng nhiệt hơn. Chí ít một sự so sánh như vậy là đáng chú ý.
Tại hội nghị, điều có vẻ khiến những người theo chủ nghĩa tự do rất chính thống này lo ngại nhất (điều đó có vẻ gần như là một nghịch lý, nhưng thực tế không phải vậy) là việc đòi quyền tự do cho một người đàn ông tên là Ross Ulbricht. Họ la lớn “Free Ross” (hãy trả tự do cho Ross) bất cứ khi nào có thể, nhiều lần át đi bài diễn thuyết [của ông Trump]. Những tấm bảng “Free Ross” in sẵn tràn ngập trong phòng hội nghị đến mức dù cố ý hay vô tình chúng thường che khuất cựu Tổng thống Trump khỏi máy quay truyền hình.
Người được đề cập đến là ông Ulbricht, người sáng lập trang web đen Silk Road vào năm 2011. Đây là một thị trường buôn bán tất cả các loại ma túy từ cần sa, heroin đến thuốc gây ảo giác (LSD), cũng như các “dịch vụ” khác, một trong số đó là có thể tiếp cận các tin tặc chuyên nghiệp, những người có thể cung cấp cho các doanh nghiệp nào quan tâm quyền truy cập bí mật vào mạng xã hội của mọi người và dữ liệu cá nhân khác.
Ông Ulbricht đã kiếm được hàng triệu dollar hoa hồng từ việc này cho đến khi bị bắt vào năm 2013, bị xét xử và kết án tù chung thân. Hiện nay ông Ulbricht đã thụ án được 11 năm.
Nói một cách nghiêm túc, đối với cựu Tổng thống Trump và những người khác, thì hệ thống tư pháp Hoa Kỳ rõ ràng không được sáng suốt trong những năm gần đây, nhưng tôi không cho rằng ông Ulbricht là một người tử vì đạo như những người tham dự hội nghị nghĩ. Tuy nhiên, bản án của ông ấy vẫn quá nặng, mặc dù một số tử vong do ma túy được cho là có liên quan đến những mối liên hệ được thực hiện trên web của ông.
Cựu Tổng thống Trump cho biết ông có thể giảm nhẹ bản án cho ông Ulbricht, và cũng khẳng định sẽ bổ nhiệm một người theo chủ nghĩa tự do vào nội các của mình. Ông còn cam kết, như đã hứa trước đây, sẽ thả các tù nhân liên quan đến sự kiện Ngày 06/01 (J6). Tuy vậy việc này dường như không xoa dịu được đám đông ồn ào, cũng như không chứng tỏ được rằng trong các chính sách của mình, ông là tổng thống theo chủ nghĩa tự do nhất trong nhiều năm, chí ít là kể từ thời [cựu tổng thống] Ronald Reagan và có thể sau đó. (Tất nhiên là vẫn có ngoại lệ, nhưng đây là thế giới thực.)
Đáng lo ngại hơn là nỗi ám ảnh của những người theo chủ nghĩa tự do hiện nay, dường như bao gồm cả những người tham dự hội nghị này, về việc bất kỳ ai cũng có thể có được bất kỳ loại ma túy nào họ muốn. Điều này không phù hợp trong thời đại mà người Mỹ, trong đó có hàng ngàn thanh niên vô tội, đang mất đi sinh mệnh mỗi ngày vì fentanyl. Trên thực tế, điều đó thể hiện một kiểu ích kỷ vốn có trong hệ tư tưởng khi bị đẩy đến cực đoan.
Tôi không có ý nói rằng người sử dụng ma túy phải bị trừng phạt một cách nghiêm khắc. Nhưng tôi biết từ kinh nghiệm và quan sát, sử dụng ma túy tự do có thể hủy hoại cuộc sống của quý vị và của những người xung quanh, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, thậm chí cả xã hội nói chung. Việc này không chỉ là về sự tự do mà quý vị ca ngợi.
Ma túy từng là nỗi ám ảnh của những người theo chủ nghĩa tự do giáo điều trong một khoảng thời gian. Vào năm 2016, tôi đã phỏng vấn cho PJ Media ứng cử viên tổng thống của họ năm đó, ông Gary Johnson, và tất cả những gì ông ấy muốn nói đến là hợp pháp hóa cần sa, như thể đó là vấn đề quan trọng nhất mà nhân loại đang đối mặt vậy.
Đáng ngạc nhiên là cựu Tổng thống Trump được biết đến là người không sử dụng ma túy hay rượu nhưng ông lại sẵn sàng làm hài lòng đám đông đòi “Free Ross”. Tôi đoán là nếu ông ấy cho họ mọi thứ họ mong muốn, thì họ sẽ lại đưa ra nhiều yêu cầu hơn. Đó là điều mà các nhà tư tưởng thường làm.
Điều này dẫn đến thứ mà tôi tin là bài học đúc rút ra. Các hệ tư tưởng chính trị khi đi đến cực đoan, khi họ thay thế tôn giáo bằng những hệ thống đức tin như “Đức Chúa thất bại” nổi tiếng, chủ nghĩa cộng sản, thì tính hữu dụng của những hệ thống đó suy yếu đi và trong nhiều trường hợp trở nên nguy hiểm, giống như với chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội tự do sử dụng gateway drug (một loại ma túy khiến người dùng sử dụng loại ma túy khác gây nghiện hơn, nguy hiểm hơn). Đáng tiếc là chủ nghĩa tự do có những điểm không hoàn hảo của riêng nó, nhiều điểm trong số đó đã được phô bày tại hội nghị này.
Các hệ tư tưởng chính trị bản thân chúng là không hoàn hảo. Ngay cả khi ở mức tốt nhất, những hệ tư tưởng đó cũng có thể khiến chúng ta không nhìn thấy thực tế của thế giới xung quanh mình.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times