Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách trở thành trung tâm năng lượng của khu vực với sự trợ giúp của Nga
Ankara dường như đã chấp nhận đề xướng gần đây của Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin nhằm biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm phân phối khí đốt tự nhiên của Nga trong khu vực.
“Chúng tôi đã đồng ý với ông Vladimir Putin để tạo ra một trung tâm khí đốt ở đất nước của chúng tôi, qua đó khí đốt tự nhiên … có thể được chuyển đến Âu Châu,” TT Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố hôm 19/10.
Nhưng một số chuyên gia năng lượng tỏ ra nghi ngờ về kế hoạch này, do hoàn cảnh kinh tế và chính trị phức tạp của khu vực.
“Tôi không tin rằng đề xướng này sẽ mang lại kết quả thiết thực, ít nhất là trong ngắn hạn,” ông Mehmet Ogutcu, người đứng đầu Câu lạc bộ Năng lượng London, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh quốc, nói với The Epoch Times.
Ông nói thêm: “Ông Putin đang thực hiện ước mơ trở thành một trung tâm trung chuyển năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ — điều mà nước này đã mong muốn từ lâu.”
Giấc mơ đường ống
Tuần trước, ông Putin đã gặp ông Erdogan tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Tại đây, ông Putin được biết là đã đưa ra quan điểm biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm vận chuyển khí đốt của Nga.
Tại cuộc họp, tin tức cho hay ông Putin đã đưa ra đề nghị của Nga nhằm giúp đỡ trong việc xây dựng một trung tâm phân phối ở Thổ Nhĩ Kỳ để tái xuất khí đốt của Nga sang các nước thứ ba, trong đó có các nước thuộc Liên minh Âu Châu.
Vài ngày sau, ông Erdogan thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đồng ý bắt đầu làm việc về một trung tâm phân phối khí đốt ở khu vực Tây Bắc Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã là một nước tiêu thụ khí đốt lớn của Nga, chiếm gần một nửa tổng lượng khí đốt nhập cảng của nước này. Khí đốt của Nga được vận chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống TurkStream, trải dài 930 km (580 dặm) dưới Hắc Hải.
Về phần mình, ông Ogutcu đặt nghi vấn về khả năng tồn tại của kế hoạch này.
“Âu Châu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng chưa từng có, vốn có thể sẽ kéo dài trong hai năm tới,” ông nói. “Nhưng một kiến trúc năng lượng mới của Âu Châu – một kiến trúc không phụ thuộc vào khí đốt của Nga – đang được đưa vào áp dụng.”
Ông nói thêm, điều này cùng với việc Liên minh Âu Châu không muốn mua khí đốt của Nga, “sẽ làm giảm khả năng Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm trung chuyển khí đốt của Nga đến Âu Châu.”
Thay đổi bản đồ năng lượng
Tuy nhiên, các nhà quan sát khác tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng của sáng kiến này.
Theo ông Sergei Kondratiev, một quan chức tại Viện Năng lượng và Tài chính của Nga, thỏa thuận được đề xướng hứa hẹn sẽ “thay đổi bản đồ năng lượng của Âu Châu.”
Nói chuyện trước truyền thông Nga, ông Kondratiev cho biết nếu dự án này thành hiện thực, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành “trung tâm khí đốt lớn nhất ở Âu Châu, nếu không muốn nói là duy nhất.”
Những người ủng hộ kế hoạch này dự đoán hai thị trường năng lượng riêng biệt ở Âu Châu sẽ xuất hiện. Trong khi Bắc Âu sẽ mua khí đốt hóa lỏng đắt tiền hơn từ Hoa Kỳ và Na Uy, thì Nam và Trung Âu sẽ được tiếp cận với khí đốt rẻ hơn nhiều thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất kể khả năng tồn tại cuối cùng như thế nào, thì kế hoạch này dường như đã khiến giới chức Hoa Kỳ phẫn nộ. Hoa Thịnh Đốn vẫn nghi ngờ về những gì họ xem là mối bang giao ngày càng sâu sắc giữa Moscow và Ankara, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Tuần này, thứ trưởng đặc trách về vấn đề tài trợ khủng bố và tội phạm tài chính thuộc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chuyến thăm, bà đã tổ chức các cuộc thảo luận kín với một số quan chức, trong đó có thống đốc ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyến thăm được nhiều người xem là một lời cảnh báo đối với Ankara, dù là thành viên NATO lâu năm, đã từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đối với Nga.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngân khố, chuyến thăm của bà Rosenberg tới Thổ Nhĩ Kỳ “khẳng định tầm quan trọng của mối bang giao đối tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết những rủi ro do sự trốn tránh lệnh trừng phạt và các hoạt động tài chính bất hợp pháp khác tạo ra.”
Phá hoại dưới nước
Ông Putin công bố đề xướng đầy tham vọng của mình sau một loạt các cuộc tấn công vào các đường ống dẫn khí đốt của Nga dưới Biển Baltic và Hắc Hải.
Tháng trước, đường ống Nord Stream, nối liền các mỏ khí đốt ở Nga với Bắc Âu, đã bị cố tình chọc thủng ở bốn khu vực khác nhau. Các sự cố này đã thúc đẩy một loạt những lời tố cáo lẫn nhau, cùng với các cuộc điều tra của một số chính phủ Âu Châu.
Trong một vụ việc ít được đưa tin rộng rãi, hồi giữa tháng Mười, các nhà chức trách Nga đã bắt giữ một số người với cáo buộc cố gắng phá hoại đường ống TurkStream.
“Vụ phá hoại đường ống đã trở thành một đặc điểm chính của cuộc xung đột Nga-Ukraine,” ông Ogutcu nói. “Ngay sau khi các cuộc tấn công vào Nord Stream, Nga báo cáo một nỗ lực trên TurkStream. Tôi không nghĩ đây là một sự trùng hợp.”
Trong khi Điện Kremlin quy trách nhiệm cho các đặc vụ Ukraine về vụ tấn công tiếp theo, được cho là xảy ra trên lãnh thổ Nga, thủ phạm của vụ tấn công Nord Stream vẫn chưa được biết – chí ít là đối với công chúng.
Hôm 14/10, các nhà chức trách Thụy Điển đột ngột tạm dừng các cuộc điều tra chung về sự cố Nord Stream, với lý do lo ngại về “an ninh quốc gia.”
Theo ông Ogutcu, một “niềm tin rộng rãi” cho rằng các cuộc tấn công đường ống do các bên “tìm cách làm tê liệt khả năng xuất cảng khí đốt của Nga” gây ra.
Hôm 21/10, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết sự thật về sự cố Nord Stream sẽ khiến người dân Âu Châu “ngạc nhiên” nếu được công khai. Ông không nói rõ thêm chi tiết.
‘Mối quan hệ cá nhân’
Khi Nga bắt đầu các hoạt động quân sự ở Ukraine kể từ hôm 24/02, Ankara, cũng như các đồng minh NATO, đã nhanh chóng lên án hành động này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cung cấp cho Ukraine nguồn cung cấp ổn định chiến đấu cơ không người lái Bayraktar.
Tuy nhiên, Ankara đã kiên định không ủng hộ các lệnh trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đối với Nga, vốn có mối bang giao thương mại sâu rộng và đường biên giới trên biển kéo dài.
“Thổ Nhĩ Kỳ không muốn gây nguy hiểm cho lợi ích của mình,” ông Ogutcu, cựu cố vấn của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. “Họ muốn các mối bang giao cân bằng với Nga, Hoa Kỳ, EU và các cường quốc khác.”
Mối bang giao tương đối tốt của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã cho phép nước này làm trung gian giữa hai bên tham chiến. Hồi tháng Bảy, Ankara đã giúp môi giới một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine cho phép Nga tiếp tục các chuyến hàng ngũ cốc qua Hắc Hải.
“Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới phương Tây có thể nói chuyện với cả hai bên,” ông Ogutcu nói.
Hồi tháng Tám, ông Erdogan đã có một cuộc gặp thân mật với ông Putin tại Sochi. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã đồng thuận cải thiện bang giao song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và năng lượng.
Kể từ đó, họ đã gặp nhau thêm hai lần nữa, khiến các chính phủ phương Tây lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng đi sâu vào quỹ đạo của Moscow. Hồi tháng trước (tháng Chín), ông Erdogan đã đi đến mức chỉ trích phương Tây vì “các chính sách dựa trên sự khiêu khích” đối với Nga.
“Có một mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Erdogan,” ông Ogutcu nói. “Bất chấp sự khác biệt của họ – về vấn đề Syria, Caucasus, và Hắc Hải – họ vẫn có thể ngồi xuống và nói chuyện với nhau.”
Ông Ogutcu đối chiếu điều này với “mối bang giao căng thẳng” thường thấy của Thổ Nhĩ Kỳ với Brussels và Hoa Thịnh Đốn.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã không được phương Tây đón nhận,” ông nói. “Có một tâm lý chung ở Thổ Nhĩ Kỳ rằng các đồng minh [phương Tây] của họ đã không cung cấp cho họ sự hỗ trợ đầy đủ.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times