Các nhà điều tra tiết lộ nguyên nhân gây thiệt hại đường ống Nord Stream
Hôm thứ Ba (18/10), các quan chức ở Đan Mạch cho biết “những vụ nổ lớn” đã gây thiệt hại cho các đường ống Nord Stream dưới Biển Baltic.
Hệ thống Nord Stream do Nga xây dựng đã vận chuyển hàng tỷ feet khối khí tự nhiên từ Nga sang Đức trước khi bị hư hại hồi cuối tháng trước. Không có quốc gia hoặc nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc và Hoa Kỳ cũng không đưa ra tuyên bố công khai về việc ai có thể đứng sau sự cố này.
Trong một tuyên bố đã dịch, Cơ quan Tình báo Cảnh sát Đan Mạch xác nhận rằng “thiệt hại nghiêm trọng” đối với những đường ống này là do “những vụ nổ lớn.” Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát này không quy trách nhiệm cho ai gây ra những vụ nổ đó.
“Không thể nói là khi nào” một “cuộc điều tra lớn hơn có thể được hoàn thành,” tuyên bố trên tiếp tục. “Chúng tôi hiểu rằng có sự quan tâm lớn đến vụ việc này, nhưng ở thời điểm hiện tại, sẽ không có thêm thông tin nào về cuộc điều tra các vụ rò rỉ khí đốt tự nhiên được công bố.”
Các nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch đang tiến hành điều tra bốn lỗ hổng trên đường ống Nord Stream 1 và 2. Những phát hiện của Đan Mạch có vẻ giống với kết quả của các công tố viên Thụy Điển, những người trước đó đã nói rằng hai lỗ hổng dường như là do các vụ nổ gây ra.
Đoạn video do một công ty chế tạo robot của Na Uy quay và được một hãng thông tấn Thụy Điển đăng tải cho thấy một lỗ hổng lớn trong đường ống Nord Stream 1. Hãng thông tấn này cho rằng khoảng 50 mét, hoặc khoảng 150 feet đường ống đã bị mất do vụ nổ đó.
Quy trách nhiệm
Một số quan chức Âu Châu cho rằng Nga có thể là thủ phạm gây ra vụ nổ nhưng Điện Kremlin đã cương quyết phủ nhận những cáo buộc đó, kể cả phát ngôn viên hàng đầu Dmitry Peskov. Vài ngày sau khi vụ nổ được báo cáo, ông Peskov nói với các phóng viên rằng những tuyên bố như vậy là “ngu ngốc có thể dự đoán được” và đặt câu hỏi tại sao Nga lại phá hủy một hệ thống mà họ đã giúp xây dựng và đầu tư kinh phí đáng kể vào đó.
Một quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ cũng đã phủ nhận rằng Hoa Thịnh Đốn có liên quan đến vụ việc này. Một vài người, trong đó có một giáo sư kinh tế của Đại học Columbia, đã suy đoán rằng Hoa Kỳ sẽ có lợi lớn khi đường ống Nord Stream bị hư hại vì khi đó các quốc gia Âu Châu sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên của Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 10, giáo sư Jeffrey Sachs cho biết Tổng thống Joe Biden cũng đã công khai tuyên bố rằng ông sẽ phản đối đường ống Nord Stream 2 trong những ngày trước khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine hồi tháng Hai.
“Nếu Nga xâm lược, điều đó có nghĩa là xe tăng hoặc quân đội lại vượt qua biên giới Ukraine, sẽ không còn có Nord Stream 2 nữa. Chúng tôi sẽ cho ngừng đường ống này,” ông Biden nói tại một sự kiện vào tháng Hai. Ông cũng nói với một phóng viên rằng “Tôi hứa với quý vị, chúng tôi sẽ làm được điều đó.”
Tuy nhiên, việc cắt giảm dòng khí đốt từ Nga, quốc gia từng cung cấp 40% nhu cầu của Âu Châu, đã khiến Liên minh Âu Châu gặp khó khăn trong việc thống nhất tìm cách ứng phó với giá cả tăng cao vốn đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho các gia đình và doanh nghiệp.
Hôm thứ Ba (18/10), Ủy ban Âu Châu đã đề nghị một gói các biện pháp khẩn cấp để giải quyết giá năng lượng cao, trong đó có việc các nước EU bắt đầu cùng mua khí đốt. Nhưng họ đã tránh đề nghị áp giá trần đối với khí đốt ngay lập tức trong bối cảnh có sự chia rẽ về ý tưởng này.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times