Thiên thượng ưu ái cho người hết lòng vì dân
Thiên Thượng đã rút lại ngôi vị thủ khoa vốn đã định sẵn cho Lý Kiến Trung mà trao lại cho Tiễn Duy Thành – người hết lòng vì dân mà phụng sự .
Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa nhắc nhở chúng ta về những truyền thống và giá trị đạo đức đã được trân trọng và gìn giữ trên khắp thế giới. Chúng tôi hy vọng những câu chuyện và thông điệp trong loạt bài này sẽ khiến trái tim và tâm trí của độc giả được thăng hoa.
Câu chuyện “Thiên thượng ưu ái cho người hết lòng vì dân” là một trong rất nhiều những câu chuyện được kể trong chương trình “Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa” đã ngừng phát hành của Đài phát thanh Hy Vọng, hiện được chuyển thể và đăng tải tại đây để quý độc giả cùng thưởng thức.
Vào tháng 5, năm thứ 10 dưới triều đại của hoàng đế Càn Long, có hai thư sinh đến từ huyện Vũ Tân tên là Tiễn Duy Thành và Lý Kiến Trung. Hai người bắt đầu lên ngựa đến kinh thành để tham gia kỳ thi Tiến sĩ, một kì thi tuyển quan cho triều đình. Một ngày, họ đến Sơn Đông thì bỗng nhiên gặp cơn mưa lớn. Chờ đến khi tìm được quán trọ trong thị trấn thì toàn thân họ đã ướt sũng.
Vì đường đi cực nhọc, cả hai vừa ăn cơm tối xong liền lăn ra giường nghỉ ngơi. Tiễn Duy Thành vừa nằm xuống không bao lâu thì trước mắt hiện lên cảnh tượng mơ hồ, chỉ thấy chính mình đã đi đến kinh thành. Anh đi lang thang, bất giác đi vào nơi trường thi và trông thấy rất nhiều thí sinh đang vây quanh tường xem cáo thị.
Anh tự hỏi, “Ai là người đỗ Trạng Nguyên năm nay? Liệu mình có đỗ Trạng Nguyên không?”
Tiễn vội vàng tiến về phía trước xem kết quả. Anh lập tức không khỏi kinh ngạc khi nhìn thấy tên Lý Kiến Trung được viết rõ ràng đầu bảng vàng. Anh vội vàng nhìn xuống, mãi đến hàng thứ 30 mới tìm thấy được tên mình. Anh không khỏi mừng rỡ kêu lên, “Ta đỗ tiến sĩ rồi!”
Lý Kiến Trung nằm bên cạnh vẫn chưa ngủ liền nghe được. Lý vội vàng hỏi, “Tiễn huynh, huynh vừa nói gì? Huynh vừa đỗ gì?”
Tiễn dụi mắt nói, “Ta vừa có một giấc mộng, mộng thấy anh là Trạng Nguyên còn ta đứng thứ 30 danh sách Tiến sĩ”.
Sau khi nghe giấc mơ của Tiễn, Lý Kiến Trung cao hứng đến nỗi không ngủ được, cứ mở to mắt chờ đến hừng đông để lên kinh ứng thí.
Thế nhưng, hôm sau trời vẫn ảm đạm, mưa gió không ngừng. Lý Kiến Trung lo lắng, đứng ngồi không yên. Tiễn Duy Thành thấy thế liền nhã ý khuyên nhủ, “Hiền đệ, đừng nóng vội. Trời mưa là ông Trời muốn giữ chúng ta ở lại thị trấn này. Chúng ta nhân cơ hội này xem kinh sách vậy.” Nhưng Lý Kiến Trung vẫn lo lắng không yên, cứ nghĩ đến chuyện rời đi. Tiễn Duy Thành đành phải lấy sách ra đọc một mình.
Đợi liên tiếp ba ngày thì mưa cuối cùng cũng tạnh. Lý Kiến Trung tranh thủ ăn cơm thật sớm rồi thúc giục Tiễn Duy Thành lên đường. Bởi vì gần đến ngày thi, họ buộc lòng quất roi ngựa vội vã phi nước đại. Họ băng qua cánh rừng hắc tùng, lại vừa xuyên qua thị trấn Tam Đạo Loan, đi đến một con sông nhỏ.
Khi chuẩn bị băng qua cầu, thì bất thình lình từ cánh rừng bên bờ kia sông vọng đến tiếng kêu khóc của một tiểu cô nương, “Xin cứu mạng!”
Tiễn Duy Thành vội vàng quay đầu ngựa, nói với Lý Kiến Trung, “Hiền đệ, nhanh đi cứu người!” rồi phi ngựa băng qua sông cứu người.
Nhưng Lý Kiến Trung lạnh lùng nói, “Huynh muốn cứu người, thì ở lại đi, tôi cần phải đi trước”. Nói xong, Lý liền kẹp bụng ngựa hướng phía khác phi như bay đến kinh thành.
Tiễn Duy Thành phi ngựa nhanh chóng đến bìa rừng, nhảy xuống ngựa, chạy nhanh về phía tiếng la hét và phát hiện ra một thiếu phụ đang ôm chặt tiểu cô nương khóc lóc vật vã. Bên cạnh họ là cái cây có treo một sợi dây thừng.
Tiễn Duy Thành lập tức hiểu ra thiếu phụ kia đang muốn treo cổ tự vẫn. Anh tiến lại gần lo lắng hỏi, “Tẩu tẩu có gì uẩn khúc trong lòng chăng?” Thiếu phụ nhìn vị thư sinh xa lạ trước mặt với ánh mắt thất thần, lắc đầu, nước mắt chảy dài trên mặt.
Thấy mẹ không muốn nói, tiểu cô nương liền trả lời, “Bọn thổ phỉ không cho cha cháu lựa chọn nào, đã bức tử ông ấy, nên mẹ cháu cũng muốn tự vẫn…”
Tiểu cô nương còn chưa dứt câu, hai mẫu tử liền ôm nhau khóc nức nở.
Tiễn Duy Thành nghe xong trong lòng chua xót, cố ngăn dòng nước mắt, nghẹn ngào nói, “Tẩu tẩu à, đừng khóc nữa, ở đây ta có chút tiền”.
Anh liền lấy ra 10 lượng bạc từ trong tay nải và đặt vào tay thiếu phụ.
Gia cảnh Tiễn Duy Thành cũng không giàu có, thật vất vả lắm mới dành dụm được 20 lượng bạc lên kinh dự thi. Bạc này chỉ có thể gắng gượng làm lộ phí đi đường, vì thế mà anh phải tằn tiện suốt chặng đường đi. Hiện giờ vì đã cho đi số bạc, anh cũng không đủ ngân lượng để quay trở về nhà nếu không đỗ được kì thi. Nhưng anh cũng không nghĩ đến điều đó bởi vì tất cả những gì anh có thể nghĩ là cứu người.
Người phụ nữ ngơ ngác nhìn vào nén bạc trên tay, một hồi lâu mới nhớ ra bái tạ ân nhân, nhưng Tiễn Duy Thành đã vội vã lên ngựa và ra khỏi khu rừng đến kinh thành.
Mười ngày sau, Lý Kiến Trung mới gặp lại Tiễn Duy Thành tại trường thi. Hai người không nói với nhau lời nào.
Nửa tháng sau, kết quả thi được công bố. Tiễn Duy Thành đã đỗ Trạng Nguyên trong khi Lý Kiến Trung lại chỉ đứng thứ 30. Việc này trái ngược hoàn toàn với giấc mộng của Tiễn Duy Thành.
Lý Kiến Trung vừa nhìn thấy Tiễn Duy Thành đã hung hăng hét to, “Anh đã cướp ngôi đầu bảng của tôi!”
Tiễn Duy Thành tâm bình khí hòa trả lời, “Việc này phải hỏi chính anh mới đúng”.
Thi trạng nguyên chính là để tuyển quan lại cho triều đình. Nếu làm quan mà lại làm ngơ trước việc khốn cùng của dân chúng, thì trọng dụng một người như thế có ích gì? Vì thế, Thiên Thượng đã rút lại ngôi vị thủ khoa trao cho Tiễn Duy Thành – một người hết lòng vì dân mà phụng sự.
Hà Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times