Thiên cổ anh hùng Tào Tháo (P.11): Mất Hán Trung, bại Quan Vũ
Loạt bài viết về Thiên cổ anh hùng Tào Tháo ở các phần trước:
- Phần 1: Phong lưu thiên cổ ẩn giấu thiên cơ
- Phần 2: Kế thừa dự ngôn, minh chủ xuất hiện
- Phần 3: Giương cờ nghĩa tiêu diệt bạo loạn
- Phần 4: Thuận ý trời nghênh đón Hiến Đế
- Phần 5: Thảo phạt Viên Thuật, tiến đánh Lữ Bố
- Phần 6: Diệt Viên Thiệu – thả Quan Vũ
- Phần 7: Thảo phạt Viên Tử chinh phục Ô Hoàn
- Phần 8: Tào Thừa Tướng bại trận Xích Bích
- Phần 9: Xây đài Đồng Tước – Hưng thịnh Kiến An
- Phần 10: Trận chiến Đồng Quan tạo thành thế chân vạc
Tấn phong Ngụy Vương, mất Hán Trung, bại Quan Vũ
Trương Lỗ tự Công Kỳ, người huyện Phong thuộc nước Bái. Tổ phụ của ông là Trương Lăng, làm khách ở đất Thục, học đạo ở trong núi Hạo Minh, theo đạo Ngũ Đấu Mễ. Ông và cha mất, Trương Lỗ khôi phục lại đạo. Ông chiếm cứ Hán Trung, lấy đạo Ngũ Đấu Mễ để giáo hóa dân chúng, tự đặt hiệu là “Sư Quân”.
Tháng 3 năm Kiến An thứ 20 (năm 215), Ngụy Công Tào đích thân dẫn đại quân đánh Trương Lỗ; tháng 7, đến Dương Bình. Lỗ muốn đem Hán Trung đầu hàng, nhưng em của ông là Trương Xiếm không chịu. Tào Tháo tiến quân bình định mà hạ được. Trương Lỗ vào đất Thục chạy đến Ba Trung ở vùng núi phía Nam.
Tả hữu có người muốn thiêu hủy hết kho lương thực hàng hóa, Trương Lỗ nói: “Bản thân ta muốn quy về quốc gia, mà ý chưa đạt. Nay phải đi để tránh xung đột, không có ác ý. Kho lương thực hàng hóa quý, là sở hữu của quốc gia.” Nói rồi ông bèn niêm phong kho mà đi. Tào Tháo vào Nam Trịnh thì rất vui mừng, lại thấy Trương Lỗ có thiện ý, bèn sai người tới an ủi. Trương Lỗ cuối cùng với tâm thái “thà rằng làm nô tài cho Ngụy Công”, đem cờ xí “Hoàng Y Đương Vương” quy nhập Tào doanh. Trương Lỗ tận lực cống hiến, Tào Tháo phong cho Trương Lỗ là Trấn Nam tướng quân, lấy khách lễ đối đãi, phong cho ông chức Lãng Trung Hầu với ấp phong vạn hộ. Tào Tháo còn phong cho 5 người con của Trương Lỗ và Diêm Phố làm Liệt Hầu, kết thông gia với Trương Lỗ, cho con trai lấy con gái Trương Lỗ. Trương Lỗ mất, Thụy là Nguyên Hầu, con được kế thừa.
Thừa tướng chủ bộ Tư Mã Ý nói với Tào Tháo rằng: “Lưu Bị dùng gian kế bắt được Lưu Chương, người Thục vẫn chưa quy phục, mà lại tranh giành Giang Lăng ở xa, thời cơ này không được để mất đi. Nay phá được Hán Trung, Ích Châu sẽ chấn động, đưa quân đến gần, thế tất sẽ tan. Thánh nhân không thể làm trái thời gian, cũng không thể đánh mất thời cơ.” Tào Tháo nói: “Con người khổ chưa thấy đủ, đã được đất Lũng, lại nhòm ngó đất Thục!”
Lưu Diệp cũng khuyên, nói: “Bây giờ không lấy, sau này tất phải lo lắng.” Tháo không nghe theo, cho Hạ Hầu Uyên làm Đô hộ tướng quân, đốc thúc Trương Cáp, Từ Hoàng giữ Hán Trung; để thừa tướng trưởng sử Đỗ Tập làm phò mã đô úy, giám sát công việc của Hán Trung.
Tháng 12, Tào Tháo trở về Nam Trịnh, chỉ giữ Hạ Hầu Uyên đồn trú ở Hán Trung, quan thị trung Vương Xán có làm bài thơ ngũ ngôn để ca ngợi việc này: “Tòng quân có khổ vui, dám hỏi người theo ai. Theo người có tài đức, được đánh trận dài dài? Tướng công đánh Quan Hữu, hiển hách chấn thiên uy, nhất cử diệt Huân Dục, tái cử phục Khương Di, phía tây thu giặc cỏ, dễ như cúi nhặt đồ. Bày thưởng hơn núi Nhạc, rượu thịt bày đê sông, quân trung đều dư dả, người ngựa đều béo tốt, đi bộ và ngồi xe, tất cả đều dư dả. Mở đất ba ngàn dặm, đi về nhanh như bay, ca vũ nhập Nghiệp Thành, sở nguyện đều như ý”.
Việc Trương Lỗ đến Ba Trung, Hoàng Quyền nói với Lưu Bị: “Nếu như mất Hán Trung, thì Tam Ba sẽ khó mà chấn hưng lên được, việc này cũng giống như cắt mất cánh tay của nước Thục vậy.” Lưu Bị bèn phong cho Hoàng Quyền chức Hộ quân, dẫn các tướng đi đón Trương Lỗ. Trương Lỗ đã hàng Tào Tháo rồi, Hoàng Quyền bèn đánh và phá được Phác Hồ, Đỗ Hoạch, Nhậm Ước. Tào Tháo sai Trương Cáp đốc thúc chư quân tuần sát Tam Ba, muốn di dân ở đó đến Hán Trung, tiến quân vào Đãng Cừ. Lưu Bị phái Trương Phi là Thái thú Ba Tây ra nghênh chiến, đánh nhau hơn 50 ngày, Trương Phi đánh bại Trương Cáp. Trương Cáp chạy về Nam Trịnh, Lưu Bị cũng rút về Thành Đô.
Tháng 2 năm Kiến An thứ 21 (năm 216) Tào Tháo quay về đất Nghiệp. Tháng 5, Hán Hiến Đế tấn phong Tào Tháo làm Ngụy Vương.
Tào Tháo nhiều lần dâng thư từ chối, chiếu xuống ba lần không chấp nhận: “Nay khanh trái lệnh trẫm, cố từ chối sự khẩn thiết. Việc này không phải vì trẫm mà để giáo huấn cho hậu thế vậy. Như thế là hạn chế chí hướng của khanh, nên đừng tiếp tục từ chối.” Thế là Tào Tháo làm Ngụy Vương, ấp 3 vạn hộ, vị trí đứng đầu các chư hầu, khi tấu không phải xưng thần, nhận chiếu không phải bái lạy, dùng mũ miện xe cộ y phục cờ xí, nghi thức lễ nhạc của thiên tử, xuất nhập có người dọn đường, tông miếu, tổ tiên, thờ cúng đều theo chế độ nhà Hán. Nghiệp Thành la quốc đô, các vương tử đều được phong là liệt hầu.
Tháng Giêng năm Kiến An thứ 22 (năm 217), Ngụy Vương Tào Tháo dẫn quân đến Cư Sào, Tôn Quyền bảo vệ Nhu Tu; tháng 2, Tào Tháo tấn công Tôn Quyền. Mùa đông, tháng 10, Hiến Đế truyền lệnh cho Tào Tháo được đội mũ miện 12 tua, ngồi xe nạm vàng, 6 ngựa kéo, xe phụ có ngũ sắc chẳng khác gì hoàng đế.
Mùa hạ tháng 4 năm Kiến An thứ 23 (tức năm 218), thủ lĩnh Vô Thần Đê của bộ tộc Ô Hoàn ở Đại Quận và Thượng Cốc làm phản. Tào Tháo phong con trai của mình là Yên Lăng Hầu Tào Chương làm kỵ binh tướng quân, đi tiên phong thảo phạt họ. Chương giỏi bắn cung, sức vóc hơn người. Tào Tháo cảnh báo Chương, nói rõ: “ Ở nhà là cha con, làm việc là quân thần, hành sự phải theo vương pháp, ngươi phải cẩn trọng!”
Tào Chương tiến đánh bộ tộc Ô Hoàn ở Đại Quận, đích thân ra trận, áo giáp đã dính vài mũi tên, khí thế lên cao, thừa thắng xông tới đuổi quân địch lên phía bắc, đến tận phía bắc Tang Can. Kết quả đại thắng, chém đầu và bắt sống mấy ngàn tên. Khi đó Kha Bỉ Năng là thủ lĩnh của người Tiên Bi dẫn mấy vạn kỵ binh quan sát tình hình mạnh yếu, nhìn thấy sức chiến đấu của Chương đến đâu thắng đó, mới chịu xin hàng. Phía bắc được bình định.
Đến năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Hạ Hầu Uyên và Lưu Bị đã cầm cự nhau được hơn một năm, Lưu Bị vượt sông Miến Thủy ở phía nam từ Dương Bình, Hạ Hầu Uyên dẫn quân giao tranh. Pháp Chính nói: “Nên đánh”. Lưu Bị sai tướng Hoàng Trung trước là tù binh thừa thế khua chiêng múa trong tấn công quân địch, phá tan quân của Hạ Hầu Uyên, chém Uyên và thích sử Ích Châu Triệu Ngung. Trước đó, Hạ Hầu Uyên đã thắng rất nhiều trận, Tào Ngụy Vương thường cảnh giới ông ta: “Làm tướng cũng có lúc yếu nhược, không thể chỉ dũng mãnh. Tướng phải lấy dũng mãnh làm gốc, hành động phải mưu trí; nhưng chỉ có dũng thôi, thì chỉ là một kẻ thất phu đối với kẻ địch.”
Hạ Hầu Uyên mất ở chiến dịch núi Định Quân, Tào Tháo đặc biệt phong cho danh hiệu “Quân sách lệnh”: “Hạ Hầu Uyên tháng này trộm đốt Lộc Giác. Lộc Giác cách bản doanh 15 dặm, Uyên đưa 400 binh lính đến Lộc Giác, để bổ sung quân sĩ. Quân giặc trên núi nhìn thấy, từ trong hang động bất ngờ xuất hiện, Uyên cho quân đánh lại, quân địch bao vây đằng sau, quân lính rút lui mà Uyên vẫn chưa tới cứu viện, thương vong nhiều. Uyên vốn không phải là người giỏi dùng binh, trong quân gọi ông là “Bạch địa tướng quân”; làm đốc soái còn không tự tham chiến, huống hồ bổ sung quân cho Lộc Giác?”
Trương Cáp dẫn quân quay trở về Dương Bình, là lúc quân Ngụy vừa mất đi nguyên soái, trong quân rối loạn, không biết làm thế nào. Đốc quân Đỗ Tập và Quách Hoài thu thập tàn quân, cùng nhau đề cử Trương Cáp làm chủ tướng. Cáp đứng ra làm, chấn chỉnh quân ngũ, các tướng đều chịu sự điều động của Trương Cáp, lòng dân cũng được an định. Ngoài ra, với mưu lược của Quách Hoài, nên lại càng bình ổn. Tào Tháo biết được tình hình thì rất là khen ngợi, sai sứ giả đến biểu dương tiết tháo của Trương Cáp, lại cho Quách Hoài làm tư mã.
Tháng 3, Ngụy Vương Tào Tháo từ Trường An đến Tà Cốc, gần với Hán Trung. Lưu Bị nói: Tào Tháo tuy đến, nhưng không thể làm gì rồi, ta tất có Hán Xuyên thôi.” Lưu Bị bèn tập trung chống đỡ chỗ hiểm, tuyệt không giao tranh. Tào Tháo và Lưu Bị cùng nhau cầm cự suốt mấy tháng, trong thời gian này chỉ có một cuộc chạm trán với đội quân hỗ trợ của tướng quân Triệu Vân bên Lưu Bị. Đến mùa hạ tháng 5, Tào Tháo đưa toàn bộ quân ở Hán Trung quay về Trường An, Lưu Bị liền có được Hán Trung.
Tào Tháo e sợ Lưu Bị lấy Vũ Đô ở phía Bắc để uy hiếp Quan Trung, bèn dùng kế của Thích sử Ung châu Trương Ký, cho Ký cai quản Vũ Đô, dời hơn 5 vạn người xuống núi đến ở biên giới Phù Phong, Thiên Thủy. Lại phái Tào Chân đến Vũ Đô, đón đám Tào Hồng trở về đồn trú ở Trần Thương, để kiềm chế Lưu Bị, Gia Cát Lượng.
Mùa thu tháng 7, Lưu Bị tự xưng Hán Trung Vương, phong Quan Vũ là tiền tướng quân, ban cho phù tiết và tín vật.
Quan Vũ sai Thái thú Nam Đô My Phương trấn giữ Giang Lăng, tướng quân Phó Sĩ Nhân trấn giữ Công An, còn Quan Vũ tự mình dẫn quân tấn công Tào Nhân ở đất Phàn. Tào Nhân sai Tả tướng quân Vu Cấm và Lập nghĩa tướng quân Bàng Đức đóng quân ở Bắc Phàn. Tháng 8, mưa liên tục, nước sông Hán Thủy tràn bờ, bình địa mấy trượng, đám quân Vu Cấm đều bị ngập. Vu Cấm và các tướng trèo lên cao tránh nước, Quan Vũ chèo thuyền lớn đến tấn công, đám quân Vu Cấm bị đường cùng phải xin hàng. Bàng Đức ở trên đê, mặc giáp cầm cung, bắn tên trúng đích, từ rạng sáng đã dốc sức chiến đấu, đến tận quá trưa, Quan Vũ đánh càng gấp; Bàng Đức hết tên, cầm đản binh giáp chiến. Bàng Đức càng giận dữ, khí thế càng mạnh, nhưng nước ngập mạnh khiến cho binh lính đầu hàng hết.
Bàng Đức ngồi thuyền nhỏ muốn quay về doanh trại của Tào Nhân, nước dâng mạnh làm lật thuyền và mất cung tiễn, một mình ôm lấy chiếc thuyền bị lật. Cuối cùng bị Quan Vũ bắt, ông nhất quyết không chịu quỳ. Quan Vũ nói: “Khanh huynh lúc tại Hán Trung, ta muốn để khanh làm tướng, không sớm đầu hàng là làm sao!” Đức nói: “Thằng nhãi ranh, cái gì gọi là hàng vậy! Ngụy Vương mang giáp trăm vạn, uy chấn thiên hạ. Lưu Bị nhà ngươi chỉ là hạng tầm thường mà thôi, há có thể so sánh! Ta thà làm quỷ nước nhà, quyết không làm tướng giặc!” Quan Vũ liền giết ông.
Tào Tháo nghe tin rơi nước mắt nói: “Ta biết Vu Cấm 30 năm, làm sao khi lâm nguy khốn, lại không bằng Bàng Đức chứ!” Rồi ông phong hai con của Bàng Đức là Liệt hầu.
Quan Vũ cấp tốc tấn công Phàn Thành, thành bị ngập nước, thường xuyên bị sụt lở, dân chúng đều sợ hãi. Có người nói với Tào Nhân rằng: “Mối nguy hôm nay không sức mạnh nào chống đỡ được, nhân lúc Quan Vũ chưa kịp vây kín, nên dùng thuyền nhẹ thoát đi trong đêm.” Thái thú Nhữ Nam Mãn Sủng nói: “Nước từ trên núi chảy nhanh và mạnh, hy vọng không kéo dài. Nghe tin Quan Vũ đã sai biệt tướng đến đất Giáp, tự tán dương mình ở phía nam, dân chúng bị quấy nhiễu, Quan Vũ sở dĩ không dám tiến thêm, vì sợ quân ta đánh ở phía sau mà thôi. Nếu bây giờ chúng ta bỏ đi, lũ lụt tràn xuống phía nam, sẽ không còn cơ hội phục quốc, ngài nên chờ đợi.”
Nhân nói: “Hay!”, rồi cho dìm chết ngựa trắng, cùng với quân lính ăn thề, đồng tâm cố thủ. Nhân lực trong thành còn mấy nghìn người, trong thành còn một số cơ bản chưa bị chìm. Quan Vũ ngồi thuyền đến tận thành, lập tức bao vây mấy lớp, cắt đứt trong ngoài. Ở phía nam, người theo Quan Vũ không ngớt, Quan Vũ uy chấn Hoa Hạ.
Ngụy Vương Tào Tháo bàn tính việc dời Hứa Đô để tránh xung đột, Thừa tướng quân tư mã Tư Mã Ý, Tây Tào thuộc Tưởng Tế nói với Tào Tháo rằng: “Bọn Vu Cấm vì bị nước nhấn chìm, không phải thua do đánh trận, đối với đại sự quốc gia chưa phải là tổn thất. Lưu Bị, Tôn Quyền bằng mặt mà không bằng lòng, Quan Vũ thì đang đắc chí, Quyền tất không muốn như thế rồi. Có thể sai người khuyên Quyền nghe theo, hứa cắt đất Giang Nam cho Quyền, thì vòng vây tự giải.” Tào Tháo nghe theo.
Tới khi Quan Vũ tấn công Phàn Thành, tướng trấn thủ Lục Khẩu Lã Mông của Tôn Quyền cáo bệnh nặng, cho Lục Tốn thay Lã Mông. Lục Tốn vẫn chưa có danh tiếng, không phải là đối thủ của Quan Vũ. Lục Tốn đến Lục Khẩu, gửi thư cho Quan Vũ, ca ngợi công đức của ông, tự mình rất nhún nhường, có ý để gửi gắm tận trung. Quan Vũ rất yên tâm, không chút nghi ngại, giảm bớt quân số đến Phàn Thành. Quan Vũ thu được mấy vạn người của Vu Cấm, nên thiếu thốn lương thực, cho quân lấy gạo của Quyền ở Tương Quan; Tôn Quyền biết tin, bèn phát binh tập kích Quan Vũ.
Lã Mông đến Tầm Dương, ra sức hàng phục tinh binh của Quan Vũ, lại sai quân lính mặc áo trắng chèo thuyền, đóng giả làm thương nhân, đi lại suốt đêm. Khi Quan Vũ đồn trú ở ven sông, tận thu và bắt người, là nguyên do khiến Quan Vũ không hề hay biết. Bộ tướng của Quan Vũ là Mi Phương, Phó Sĩ Nhân vốn đều hiềm nghi Quan Vũ coi thường mình. Khi Quan Vũ xuất binh, Phương và Nhân không cung cấp đủ lương thảo, Quan Vũ nói: “Trả lại, sẽ trừng trị!”. Phương và Nhân đều sợ hãi mở cửa thành Nam Quận đầu hàng Mông.
Quan Vũ nghe tin Nam Quận bị phá, lập tức giải vây Phàn Thành quay về phía nam. Quan Vũ mấy lần sai người thăm dò tin tức Lã Mông, Mông đều hậu đãi sứ giả, đi khắp trong thành, nhà nhà được hỏi, hoặc viết thư tay. Quân lính của Quan Vũ trở về, dò xét tin tức thì đều biết gia môn không có việc gì, được đãi ngộ quá lúc bình thường, khiến cho quân của Quan Vũ không có lòng chiến đấu.
Tôn Quyền cho Lã Mông làm Thái Thú Nam Quận, phong chức Sán Lăng Hầu, ban thưởng 10 vạn tiền, vàng 500 cân; cho Lục Tốn làm Thái thú Nghi Đô.
Quan Vũ bảo vệ Mạch Thành ở phía tây. Tôn Quyền sai Chu Nhiên, Phan Chương cắt đứt đường lộ của ông. Tháng 12, Tư mã của Phan Chương là Mã Trung bắt sống được Quan Vũ và con trai của ông là Quan Bình ở thôn Chương, chặt đầu ông, rồi bình định Kinh Châu. Tôn Quyền gửi thủ cấp của Quan Vũ đến cho Tào Tháo. Tào Tháo lấy hầu lễ mai táng ông. Đến đây cũng kết thúc một đoạn truyền tụng thiên cổ về Tào Tháo và Quan Vũ: tiếc anh hùng, biết anh hùng, và cái duyên “Nghĩa” đã kết của các anh hùng dũng tuyền tương báo.
(Còn tiếp)
Tổ nghiên cứu Nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm.
Xem thêm: Thiên cổ anh hùng Tào Tháo (P.12): Đại nghiệp thành công vẫn không xưng Đế