Thế giới đang dõi theo việc khai triển tiền điện toán của ngân hàng trung ương ở Nigeria
Ông Nick Corbishley, ký giả và tác giả điều tra cho biết, các ngân hàng trung ương lớn đang dõi xem đồng tiền điện toán của ngân hàng trung ương (CBDC) mới của Nigeria hoạt động như thế nào kể từ khi ra mắt cách đây một năm, khi họ chuẩn bị giới thiệu các loại tiền điện toán ở quốc gia của chính họ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “Crossroads” (“Giao Lộ Thông Tin”) của EpochTV, ông Corbishley cho biết việc thúc đẩy các loại tiền điện toán tập trung hiện nay đã trở nên khả thi thông qua công nghệ nhận dạng kỹ thuật số, vốn cho phép một mức độ kiểm soát không thể tưởng tượng được đối với con người trong 10 hoặc 15 năm trước.
Ông Corbishley đã viết cuốn sách “Đã Bị Quét: Tại Sao Giấy Thông Hành Vaccine và ID Kỹ Thuật Số Sẽ Có Nghĩa là Sự Kết Thúc của Quyền Riêng Tư và Tự Do Cá Nhân” (“Scanned: Why Vaccine Passports and Digital IDs Will Mean the End of Privacy and Personal Freedom”).
Ông Corbishley cho biết các loại tiền điện toán được các ngân hàng trung ương phát hành trực tiếp cho người tiêu dùng, cá nhân, và doanh nghiệp, loại bỏ các bên trung gian, mặc dù một số bên trung gian lớn vẫn có thể được phép tồn tại.
Ông nói rằng các ngân hàng trung ương hợp tác với các chính phủ về tiền điện toán nhiều đến mức rất khó xác định mức độ mà các ngân hàng trung ương này kiểm soát chính phủ hay mức độ mà chính phủ kiểm soát các ngân hàng trung ương. Thật khó để phân định “đâu là nơi ranh giới này kết thúc và ranh giới kia bắt đầu.”
Ông Corbishley cho rằng nếu các ngân hàng có khả năng xác định người dân và doanh nghiệp có thể và không thể tiêu tiền của họ vào những gì, thì “đó sẽ là mức độ kiểm soát chưa từng có đối với chúng ta” và điều đó có nghĩa là hạn chế các giao dịch tài chính của các cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những không gian nhất định và ở những nơi nhất định.
Ông nói thêm, “Đây được gọi là tiền tệ mang tính lập trình,” và so sánh loại tiền này với một “kiểu phong tỏa tài chính.”
Với tiền mặt, ông Corbishley nói, người ta không thể theo dõi số tiền được chi tiêu như thế nào, vì một người có thể tặng tiền mặt cho người khác như một món quà mà không cần bất kỳ người trung gian nào, và không ai biết về việc trao tiền này. Ông lưu ý, trong một thế giới với các loại tiền điện toán của ngân hàng trung ương — một thế giới không có tiền mặt — “thì việc trao tặng này sẽ không còn khả thi nữa. Mọi khoản thanh toán mà chúng ta thực hiện sẽ được theo dõi và truy tìm, và có thể sẽ có các khoản phí được áp dụng cho các khoản thanh toán đó.”
“Đó là việc mất đi tính ẩn danh, đó là việc mất đi sự riêng tư, và đó là … sự hợp nhất của một quyền lực tập trung mà hầu hết những người trong chúng ta thậm chí còn không thể hình dung được thứ quyền lực ấy sẽ trông ra sao nữa.”
Thúc đẩy tiền điện toán của ngân hàng trung ương
Ông Corbishley cho biết, một số quốc gia đã thử nghiệm các loại tiền điện toán của ngân hàng trung ương (CBDC), nhưng không có quốc gia nào tiến xa hơn Trung Quốc, nước đã lên kế hoạch cho loại tiền điện toán của mình từ năm 2014. Tuy nhiên, ông nói thêm, Trung Quốc vẫn chưa chính thức ra mắt CBDC ngoài giai đoạn thử nghiệm, nhưng cuộc thử nghiệm của họ bao gồm khoảng hai chục thành phố đại diện cho một phần đáng kể dân số của họ.
Một báo cáo hồi tháng Năm (pdf) từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy gần 90% các ngân hàng trung ương quốc gia đang có kế hoạch ra mắt CBDC của riêng họ để phát hành ra công chúng.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương lớn đang theo dõi việc khai triển một loại CBDC ở Nigeria tên là eNaira (pdf), ông Corbishley cho biết.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết về eNaira trên trang web của mình: “Đây là CBDC thứ hai mở cửa hoàn toàn cho công chúng sau đồng tiền của Bahamas.”
Tại Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang đã chạy chương trình thí điểm kéo dài 12 tuần với chín tổ chức tài chính lớn, trong đó có Citigroup Inc., Mastercard Inc., và Wells Fargo & Co., để thử nghiệm CBDC và nền tảng minh chứng về khái niệm tiền điện toán mang tên Regulated Liability Network (Mạng lưới Rủi ro được Quản lý).
Mặc dù Fed nói rằng họ sẽ không sử dụng kết quả thí điểm kể trên để hình thành chính sách hoặc quyết định về việc có nên lập ra một CBDC, nhưng ngân hàng trung ương đã chịu áp lực từ Hoa Thịnh Đốn để theo kịp các quốc gia khác có tiền tệ số hóa, đặc biệt là Trung Quốc.
Tại một hội nghị quốc tế do ngân hàng trung ương Pháp tổ chức hôm 27/09/2022, bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) cho biết, ECB đang khám phá các khả năng của đồng euro điện toán. Vào năm 2023, ECB sẽ ra quyết định về việc có nên khởi động giai đoạn hiện thực hóa dự án đồng euro điện toán này hay không.
Mất tính ẩn danh
Ông Corbishley chỉ ra rằng việc ra mắt đồng euro điện toán sẽ liên quan đến “một số hy sinh về quyền riêng tư và tính ẩn danh.”
“Khi chúng tôi khảo sát người dân Âu Châu, mối quan tâm đầu tiên mà họ có, ngoài việc nguồn lực hỗ trợ đồng euro kỹ thuật số, là quyền riêng tư,” bà Lagarde cho biết tại hội nghị. “Quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu trong tâm trí của họ khi chúng tôi phát triển đồng euro điện toán.”
Chủ tịch ECB cũng lưu ý rằng “chẳng hạn, sẽ không có sự ẩn danh hoàn toàn như với tiền giấy ngân hàng, mà sẽ có một mức độ tiết lộ thông tin hạn chế, và sự tiết lộ thông tin này chắc chắn không phải là ở cấp ngân hàng trung ương.”
Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết rằng nếu một loại CBDC được theo đuổi ở Hoa Kỳ, thì đồng tiền điện toán này sẽ đòi hỏi phải xác minh danh tính để “không phải là một công cụ ẩn danh.”
Ông Powell nói: “Chúng ta sẽ phải tìm cách cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư với xác minh danh tính.”
Cuộc chiến với tiền mặt
Ông Corbishley nói: “Ít nhất trong thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến một cuộc chiến với tiền mặt leo thang một cách từ từ.”
Ông Corbishley cho biết: “Có những nhóm lợi ích rất mạnh muốn có một thế giới không có tiền mặt,” và đứng đầu danh sách đó là một số đại công ty công nghệ và nhiều công ty xử lý thanh toán và thẻ tín dụng.
Ông nói, các ngân hàng quan tâm đến việc giảm sử dụng tiền mặt vì sử dụng tiền mặt là tốn kém đối với họ.
Ông Corbishley giải thích, một mặt, các ngân hàng trung ương muốn bảo toàn tiền mặt vì đó là công cụ quan trọng để đối mặt với mối đe dọa từ mã kim, mã kim giá cố định (stablecoin), và tất cả các dạng tiền điện toán khác thuộc về tư nhân.
Mã kim giá cố định có xu hướng cung cấp giá trị ổn định bằng cách gắn giá trị của mình với giá của một tài sản khác, chẳng hạn như một loại tiền tệ như USD hoặc một loại hàng hóa như vàng.
Mặt khác, ông Corbishley cho biết các ngân hàng trung ương “rõ ràng đang có những bước tiến rất lớn trong việc thiết lập các loại tiền điện toán của ngân hàng trung ương.”
Nigeria thúc đẩy tiền điện toán
Kể từ khi giới thiệu đồng CBDC eNaira, vào tháng 10/2021, Nigeria đã thu hút được khoảng 1 triệu người trong tổng số khoảng 220 triệu người dân tải xuống ứng dụng cho phép họ sử dụng đồng tiền điện toán này. Trong số đó, chỉ có khoảng 280,000 người thực sự sử dụng đồng tiền này, ông Corbishley nói.
Ông Corbishley cho biết: “Vì vậy, tỷ lệ sử dụng chỉ vào khoảng 0.1%, mặc dù thực tế là ngân hàng trung ương đã làm mọi cách và chính phủ đã làm mọi cách có thể để khuyến khích người dân sử dụng tiền điện toán. Họ đã cấm các ngân hàng cho phép giao dịch hoặc kích hoạt các giao dịch liên quan đến mã kim ở một quốc gia nơi mã kim ngày càng được quan tâm nhiều hơn.”
Ông Corbishley khẳng định, sau một năm, chính sách thay thế tiền mặt bằng tiền điện toán của Nigeria dường như không hiệu quả, vì vậy ngân hàng trung ương Nigeria đã sử dụng biện pháp phi tiền tệ hóa thông qua thiết kế lại tiền giấy.
Ông Corbishley giải thích rằng việc thiết kế lại liên quan đến việc “rút các tờ tiền có giá trị cao khỏi nền kinh tế để giới thiệu lại các tờ tiền ở định dạng mới. Biện pháp này cũng có thể được sử dụng để giảm khả năng sử dụng tiền mặt của mọi người.”
Hồi tháng Mười (2022), Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) đã công bố thiết kế lại ba loại tiền giấy mệnh giá cao nhất của quốc gia này — các tờ 1,000 naira, 500 naira, và 200 naira (tương ứng với khoảng 2.23 USD, 1.11 USD, và 45 xu) — để thay thế các tờ tiền mệnh giá này bằng các loại tiền mới.
Theo một tuyên bố của ngân hàng trung ương Nigeria (pdf), loại tiền mới bắt đầu được lưu hành hôm 15/12/2022. Người dân Nigeria có một tháng rưỡi để gửi các tờ tiền cũ vào tài khoản ngân hàng của họ trước khi chúng không còn là tiền pháp định. Tuyên bố cho biết những người không có tài khoản ngân hàng được khuyến khích mở một tài khoản vì sẽ không có việc ngân hàng này cho đổi thẳng tiền mới lấy tiền cũ.
Thống đốc ngân hàng trung ương Nigeria, ông Godwin Emefiele, nói với giới báo chí (pdf) hồi tháng 10/2022 rằng một trong những thách thức quản lý tiền tệ mà quốc gia này phải đối mặt là “việc công chúng tích trữ đáng kể tiền giấy, với số liệu thống kê cho thấy hơn 85% lượng tiền đang lưu thông nằm ngoài kho tiền của các ngân hàng thương mại.”
Ông Emefiele nói: “Chúng tôi tin rằng việc thiết kế lại tiền tệ sẽ giúp củng cố nỗ lực của chúng tôi trong việc củng cố nền kinh tế không dùng tiền mặt vì quá trình này sẽ được phụ trợ bằng việc tăng phát hành mới đồng eNaira của chúng tôi. Thiết kế lại tiền tệ sẽ tiếp tục kiềm chế hơn nữa việc tiền tệ bên ngoài hệ thống ngân hàng đi vào hệ thống ngân hàng.”
Để tiếp tục khuyến khích người dân sử dụng tiền điện toán, đầu tháng Mười Hai Nigeria đã công bố rằng họ sẽ hạn chế rút tiền mặt tại quầy và máy ATM ở mức 20,000 naira (45 USD) mỗi ngày cho mỗi người.
Ông Corbishley cho biết việc hạn chế rút tiền mặt này là một mức giảm 87% trong số tiền mà người Nigeria thường có thể rút từ tài khoản ngân hàng của họ. “Đó là một sự thay đổi lớn trong cuộc sống của mọi người.”
Ngân hàng này cũng giới hạn mức rút tiền mặt tối đa hàng tuần cho các cá nhân và công ty lần lượt là 100,000 naira (223 USD) và 500,000 naira (1,113 USD). Tuy nhiên, hai tuần sau, ngân hàng trung ương này đã tăng mức giới hạn hàng tuần lên gấp 5 lần đối với cá nhân và 10 lần đối với công ty, nói rằng quyết định này “dựa trên phản hồi nhận được từ các bên liên quan,” theo tuyên bố của họ.
Vùng đất thí nghiệm
Ông Corbishley khẳng định, theo dõi sự phát triển của CBDC ở Nigeria là rất quan trọng “bởi vì đây là nền kinh tế lớn đầu tiên trên hành tinh ra mắt một loại tiền điện toán của ngân hàng trung ương.”
Nền kinh tế Nigeria là một trong những nền kinh tế lớn nhất ở Phi Châu, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng đầu lục địa khi quy đổi sang USD, theo Statista, và đứng thứ hai khi điều chỉnh theo giá địa phương, theo World Population Review. Nigeria cũng là quốc gia đông dân nhất ở Phi Châu và xét về GDP bình quân đầu người thì nước này thấp hơn mười quốc gia Phi Châu hàng đầu rất nhiều.
Ngân hàng Thế giới xếp GDP của Nigeria đứng thứ 30 trên thế giới.
Ông Corbishley nói rằng Phi Châu là nơi thử nghiệm hoàn hảo cho các sáng kiến như CBDC vì đây là khu vực trên thế giới có nhiều người không có tài khoản ngân hàng. Ở Nigeria, chỉ 45% dân số có tài khoản ngân hàng trong khi 55% dân số không có, ông nói thêm.
Ông Corbishley cho biết, đây là một khoảng trống lớn cần được lấp đầy, và nó đang được lấp đầy một phần bằng các khoản thanh toán giữa mọi người thông qua điện thoại di động. Ông cũng tin rằng việc thực hiện nghị trình toàn cầu ở Phi Châu sẽ dễ dàng hơn, lấy ví dụ về việc Liên minh Phi Châu ra mắt giấy thông hành vaccine gần đây cho tất cả các công dân của mình.
Ông Corbishley giải thích, Liên minh Phi Châu phụ thuộc vào nguồn tài chính từ các tổ chức bên ngoài ngoài Phi Châu, vì vậy với mức độ phụ thuộc đó, “việc hoàn thành công việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.”
Tuy nhiên, ông lưu ý, đã có những cảnh báo từ nhiều tổ chức và tổ chức phi chính phủ khác nhau về cách Phi Châu đang bị đưa ra [làm công cụ thí nghiệm] và cách các chương trình kỹ thuật số đang bị các chính phủ độc tài sử dụng.
Ông Andrew Moran và cô Katabella Roberts đã đóng góp cho báo cáo này
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times