Thế giới chúc mừng cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan
Bất chấp cảnh báo từ chế độ cộng sản Trung Quốc, cử tri ở Đài Loan đã bầu chọn ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) làm tổng thống tiếp theo của họ.
Hôm thứ Bảy (13/01), Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác trên thế giới đã gửi lời chúc mừng tới Đài Loan, sau khi Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống giữa áp lực từ Bắc Kinh.
“Hoa Kỳ chúc mừng ông Lại Thanh Đức về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Chúng tôi cũng chúc mừng người dân Đài Loan đã một lần nữa thể hiện sức mạnh của hệ thống dân chủ và quá trình bầu cử vững chắc của mình,” Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau khi ông Lại đọc diễn văn tuyên bố chiến thắng.
Hôm thứ Bảy, cử tri Đài Loan đã chọn ông Lại, người mà Bắc Kinh coi là “kẻ ly khai,” làm tổng thống tiếp theo của họ bất chấp những lời cảnh báo từ chế độ cộng sản Trung Quốc. Đối thủ đối lập chính của ông, ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) của Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh, đã thừa nhận thất bại ngay sau 8 giờ tối theo giờ địa phương.
Ủy ban Bầu cử Trung ương Đài Loan cho biết, với hầu hết các điểm bỏ phiếu đều báo cáo, ông Lại đã giành được 40% số phiếu bầu, còn ông Hầu là 33%.
Phản ứng trước chiến thắng của ông Lại, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiane) cho biết ông sẽ làm việc với chủ tịch các cơ quan Quốc hội liên quan để cử phái đoàn tới Đài Bắc tham dự lễ nhậm chức của ông Lại vào tháng Năm.
“Để nhấn mạnh cam kết liên tục của Quốc hội đối với an ninh và dân chủ, tôi sẽ yêu cầu chủ tịch các Ủy ban Hạ viện liên quan dẫn đầu một phái đoàn tới Đài Bắc sau lễ nhậm chức của ông Lại vào tháng Năm,” ông nói trong một tuyên bố.
“Tôi kỳ vọng Hoa Kỳ và Đài Loan sẽ cùng nhau thúc đẩy các nguyên tắc tự do, cơ hội và an ninh cho tất cả các quốc gia yêu tự do và các đối tác của chúng tôi ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Phản ứng của Tổng thống Biden
Tổng thống Joe Biden đã được phóng viên hỏi về phản ứng trước cuộc bầu cử ở Đài Loan hôm thứ Bảy. Ông nói: “Chúng tôi không ủng hộ độc lập.”
Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng quốc gia này là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất cho hòn đảo này.
Ông Blinken tuyên bố rằng Hoa Thịnh Đốn “cam kết duy trì hòa bình và ổn định xuyên Eo biển cũng như giải quyết các khác biệt một cách hòa bình, không bị ép buộc và áp lực.”
Trong bài diễn văn mừng chiến thắng, ông Lại bày tỏ sẵn sàng nối lại đối thoại với nước láng giềng của Đài Loan là Trung Quốc. Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc coi nền dân chủ tự trị này là lãnh thổ của mình và chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực.
Ông nói trong cuộc họp báo hôm thứ Bảy bên ngoài trụ sở chiến dịch tranh cử của ông ở Đài Bắc: “Miễn là có phẩm giá và sự bình đẳng giữa hai bờ eo biển, Đài Loan rất sẵn lòng tham gia đối thoại với Trung Quốc.”
Bắc Kinh đã dừng mọi liên lạc chính thức với Đài Bắc và cố gắng cô lập hòn đảo này trên trường quốc tế kể từ khi bà Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Dưới áp lực từ Bắc Kinh, chính phủ của bà Thái đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác trên thế giới.
Ông Lại cho biết ông sẽ đi theo con đường của bà Thái, tìm cách duy trì hiện trạng Eo biển Đài Loan. Nhưng đồng thời, ông Lại nhấn mạnh rằng ông “quyết tâm bảo vệ Đài Loan khỏi các mối đe dọa và hăm dọa từ Trung Quốc.”
Phản ứng của Trung Quốc
Chính quyền Trung Quốc phản ứng một cách thận trọng với cuộc bầu cử ở Đài Loan và thậm chí còn không nêu đích danh ông Lại. Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối ngày thứ Bảy, một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu cộng đồng quốc tế chấp nhận ý tưởng rằng chỉ có “một Trung Quốc,” công nhận tuyên bố chủ quyền của chế độ đối với hòn đảo tự trị này.
“Vấn đề Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Cho dù có thay đổi gì xảy ra ở Đài Loan thì thực tế cơ bản là chỉ có một Trung Quốc trên thế giới, và [điều thực tế rằng] Đài Loan là một phần của Trung Quốc sẽ không thay đổi,” tuyên bố viết.
Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử quan trọng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng áp lực lên Đài Loan, gửi chiến đấu cơ và chiến hạm đến gần hòn đảo này hàng ngày và truyền bá thông tin sai lệch trên mạng. Khi cử tri Đài Loan bỏ phiếu hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng hòn đảo cho biết họ đã phát hiện 8 phi cơ và 6 tàu Trung Quốc hoạt động quanh đảo.
Bất chấp việc ông Lại liên tục kêu gọi hòa bình và hứa rằng ông sẽ duy trì “nguyên trạng” trong quan hệ hai bờ eo biển, ĐCSTQ vẫn cảnh báo người dân không nên bỏ phiếu cho ông, nói rằng việc ông Lại được bầu có thể “gây ra sự đối đầu và xung đột giữa hai bờ eo biển.”
Phản ứng của các nhà lập pháp Hoa Kỳ
Tại Hoa Thịnh Đốn, việc ĐCSTQ gây áp lực như vậy đã vấp phải rất nhiều chỉ trích tại Capitol Hill hôm thứ Bảy. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul (Công Hòa-Texas) và Dân biểu Gregory Meeks (Dân Chủ-New York), một thành viên cao cấp của ủy ban, cùng với Dân biểu Young Kim (Cộng Hòa-California), và Dân biểu Ami Bera (Dân Chủ-California) đã lên án những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm “tác động đến cuộc bầu cử thông qua thông tin sai lệch và áp lực quân sự” đồng thời hoan nghênh “người dân Đài Loan đề cao các lý tưởng dân chủ.”
Các nhà lập pháp này cho biết họ mong muốn được làm việc với chính phủ của ông Lại để cải thiện mối quan hệ kinh tế, văn hóa, và quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois), thành viên Đảng Dân Chủ cao cấp trong ủy ban, đã chúc mừng ông Lại về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống, gọi Đài Loan là “một đại diện sáng ngời của một nền dân chủ thịnh vượng và một biểu tượng của lòng dũng cảm khi đối mặt với áp lực độc tài gần như liên tục.”
Hơn chục nhà lập pháp Hoa Kỳ từ lưỡng đảng cũng gửi lời chúc mừng đến Đài Loan, trong đó nhiều nghị sĩ kêu gọi tăng cường mối quan hệ không chính thức với hòn đảo được điều hành theo lối dân chủ này.
Các dân biểu Gerry Connolly (Dân Chủ-Virginia), Mario Diaz-Balart (Cộng Hòa-Florida), Ami Bera (Dân Chủ-California), và Andy Barr (Cộng Hòa-Kentucky), đồng chủ tịch của Nhóm họp kín Quốc hội về Đài Loan, gọi cuộc bầu cử hôm thứ Bảy là “một sự biểu lộ mạnh mẽ khác về nền dân chủ thịnh vượng của Đài Loan.”
Họ nói trong một tuyên bố: “Trước những mối đe dọa leo thang đối với nền dân chủ và an ninh của Đài Loan, điều bắt buộc là Hoa Kỳ phải kiên định ủng hộ người dân Đài Loan và cam kết chung của chúng tôi đối với các giá trị dân chủ.”
Thượng nghị sĩ Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina) cũng đồng tình.
Ông nói trong một tuyên bố: “Mỹ phải làm hết sức mình để đẩy lùi ông Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời đưa ra sự ủng hộ hoàn toàn cho một Đài Loan dân chủ và tự do.”
Phản ứng của quốc tế
Liên minh Âu Châu (EU), Vương quốc Anh, Nhật Bản, và các nhà lập pháp ở các nước dân chủ khác cũng đã gửi lời chúc mừng của họ tới Đài Loan sau khi ông Lại đắc cử.
EU cho biết họ “hoan nghênh” cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan và bày tỏ lời chúc mừng tới “tất cả các cử tri đã tham gia cuộc bầu cử dân chủ này.”
Một phát ngôn viên của người đứng đầu cơ quan ngoại giao của châu Âu cho biết trong một tuyên bố: “EU vẫn lo ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng ở Eo biển Đài Loan và phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng.”
Trong khi đó, Nhật Bản cam kết tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa với Đài Loan.
“Chính phủ Nhật Bản chúc mừng việc tiến hành thành công cuộc bầu cử dân chủ và chúc mừng chiến thắng của ông Lại,” Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa nói trong một tuyên bố, đồng thời gọi Đài Loan là “đối tác rất quan trọng và bằng hữu quan trọng” của đất nước này.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times