Thay đổi quan chức trong hệ thống tài chính nhà nước ở Thượng Hải cho thấy cuộc thanh trừng quyền lực khu vực của ĐCSTQ
Chính quyền Thượng Hải đang trong tình trạng hỗn loạn.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành cải tổ hệ thống tài chính nhà nước của Thượng Hải, với một loạt quan chức và giám đốc điều hành cao cấp đang bị điều tra hoặc cách chức.
Một số nhà phân tích tin rằng điều này cho thấy Băng đảng Thượng Hải, bè phái của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân vốn xem đại đô thị này là pháo đài chính, đang bị cô lập khỏi mạch kinh tế của phần còn lại của đảng.
Hôm 28/11, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Thượng Hải (SASAC) thông báo rằng ông Hạ Thanh (He Qing) sẽ là bí thư Đảng và giám đốc mới — vị trí này đã bị bỏ trống trong hai tháng qua sau khi giám đốc tiền nhiệm Bạch Đình Huy (Bai Tinghui) bị bắt hôm 24/09. Ủy ban kiểm tra kỷ luật Thượng Hải đã đưa ra thông báo cùng ngày. Theo báo cáo, ông Bạch đang bị điều tra.
Ông Bạch đã lãnh đạo SASAC Thượng Hải trong hơn bốn năm kể từ tháng 02/2019; ông cũng là đại biểu Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm ngoái.
Ông Chu Kiện (Zhu Jian), cựu chủ tịch Ngân hàng Thượng Hải, đã kế nhiệm vị trí chủ tịch trước đây của ông Hạ Thanh để trở thành chủ tịch của Chứng khoán Quốc Thái Quân An (Guotai Junan Securities).
Sáu tổ chức tài chính trực thuộc của SASAC Thượng Hải — Chứng khoán Quốc Thái Quân An, Ngân hàng Thượng Hải (Bank of Shanghai), Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải (Shanghai Pudong Development Bank), Bảo hiểm Thái Bình Dương Trung Quốc (China Pacific Insurance), Chứng khoán Hải Thông (Haitong Securities), và Ngân hàng Thương mại Nông thôn Thượng Hải (Shanghai Rural Commercial Bank) — cũng tiến hành một loạt điều chỉnh nhân sự trong vòng một tháng.
Ông Khổng Khánh Vĩ (Kong Qingwei), cựu bí thư ĐCSTQ của Công ty Bảo hiểm Thái Bình Dương Trung Quốc, đã từ chức và bị thay thế bởi ông Phó Phàm (Fu Fan), cựu tổng giám đốc và phó bí thư, theo một công bố của công ty phát hành hôm 06/12.
Hôm 17/11, Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải tuyên bố ban giám đốc đã bầu ông Trương Vị Trung (Zhang Weizhong), cựu giám đốc kinh doanh của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, làm chủ tịch. Cựu chủ tịch Trịnh Dương (Zheng Yang), phó chủ tịch và chủ tịch ngân hàng Phan Vệ Đông (Pan Weidong) đều bị cách chức vào tháng Chín.
Nhà phân tích chính trị Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ Lý Yến Minh (Li Yanming) nói với The Epoch Times hôm 14/12 rằng giới quan chức ở Thượng Hải đã gần như chật cứng các quan chức thuộc nhóm lợi ích của ông Giang Trạch Dân, hay còn gọi là “Băng đảng Thượng Hải.” Cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản này đã có thời gian dài hoạt động ở Thượng Hải, và dù đã qua đời hơn một năm nhưng băng nhóm Thượng Hải của ông ta vẫn có cội rễ sâu xa trong khu vực, ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính sách.
“SASAC Thượng Hải từ lâu đã bị ông Giang Miên Hằng, con trai của ông Giang Trạch Dân, kiểm soát chặt chẽ,” ông Lý nói và trích dẫn rằng SASAC Thượng Hải giám sát 45 doanh nghiệp lớn hoạt động ở mọi lĩnh vực tại trung tâm kinh tế quốc tế này. Tập đoàn Công nghiệp Thượng Hải (Shanghai Industrial Group), Tập đoàn Dược phẩm Thượng Hải (Shanghai Pharmaceutical Group), Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải (Shanghai International Port Group), và Tập đoàn Điện lực Thượng Hải (Shanghai Electric Group) đều thuộc quyền sở hữu hoặc giám sát trực tiếp của SASAC Thượng Hải.
Ông Lý nói thêm: “Việc tái cấu trúc sâu rộng hệ thống tài chính nhà nước của Thượng Hải cho thấy cuộc chiến giành ngân quỹ tài chính đã diễn ra ở cấp cao nhất của Đảng Cộng sản, và phe cánh của ông Giang Trạch Dân đã trở thành mục tiêu để thanh lọc.”
Theo ông Lý, cùng với việc loại bỏ các quan chức chủ chốt khỏi hệ thống tài chính, chính quyền trung ương của ĐCSTQ đã tịch thu một phần tài sản công do Băng đảng Thượng Hải nắm giữ, chẳng hạn như Ngân hàng Thượng Hải.
Tháng Mười Một, Ngân hàng Thượng Hải đã bị cơ quan quản lý phạt 13.8 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.95 triệu USD) vì 32 vi phạm liên quan đến nợ xấu, quản lý tài sản đầu tư, và khai thông tin về các sản phẩm tài chính. Trước đó hồi tháng Tư, Ngân hàng Thượng Hải cũng đã bị phạt 98.544 triệu nhân dân tệ (khoảng 13.9 triệu USD) vì nhiều vi phạm khác nhau.
Cổ đông lớn nhất của ngân hàng là Công ty Đầu tư Thượng Hải Liên Hòa (Shanghai Union Investment Co.), một công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước trực thuộc SASAC Thượng Hải, được thành lập vào năm 1994 Người sáng lập, chủ tịch, và người đại diện pháp lý của công ty này cũng là ông Giang Miên Hằng, người đã sử dụng công ty để mở rộng quyền kiểm soát của mình đối với các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, công nghệ cao, nông nghiệp, và bất động sản cũng như các dự án liên quan khác ở Thượng Hải.
Các quan chức ĐCSTQ bị thanh trừng
Ít nhất 90 quan chức tài chính đã ngã ngựa từ khi chính quyền ĐCSTQ trung ương bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào khu vực tài chính trên khắp Trung Quốc vào đầu năm nay.
Các giám đốc và nhà điều hành ở Thượng Hải bị điều tra năm nay còn có: ông Chu Chính Quân (Zhou Zhengjun), chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Thượng Hải; ông Pan Deqing, phó chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Thượng Hải; ông Nghiêm Tuấn (Yan Jun), chủ tịch Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải; ông Tiêu Tinh (Xiao Xing), phó chủ tịch Công ty Bảo hiểm Thái Bình Dương Trung Quốc; và ông Lữ Á Thần (Lu Yachen), phó chủ tịch Tập đoàn Điện lực Thượng Hải, người bị kết án 20 năm tù.
Ngoài lĩnh vực tài chính, một số quan chức ở các khu vực khác của Thượng Hải đã bị cách chức trong năm nay, bao gồm ông Trình Phong (Cheng Feng), phó tổng giám đốc Tập đoàn Báo chí Thượng Hải, người đã “bị khai trừ kép” khỏi đảng và chức vụ hôm 13/12; và ông Đổng Vân Hổ (Dong Yunhu), bí thư đảng ủy và chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Thành phố Thượng Hải, người đã bị “khai trừ kép” hôm 12/12.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times