Thanh chính liêm minh, hưng lợi trừ hại, cương trực công chính Vu Khiêm
Vu Khiêm (1398-1457) tự là Đình Ích, người ở Tiền Đường (nay là Hàng Châu), từ nhỏ đã thông minh hơn người và rất giỏi thư pháp. Thư pháp của ông tĩnh lặng, trang nghiêm, cao nhã và tràn đầy ý vị. Lúc bình sinh, ông từng viết bài thơ nổi tiếng “Thạch hôi ngâm”:
“Thiên chùy vạn kích xuất thâm sơn,
Liệt hỏa phần nhiêu nhược đẳng nhàn.
Phấn thân toái cốt toàn bất phạ,
Yếu lưu thanh bạch tại nhân gian.”
(“Thạch hôi ngâm” trích từ “Vu Thiếu Bảo tụy trung truyện”)
Tạm dịch:
Nghìn chùy vạn kích từ núi sâu,
Lửa lớn thiêu đốt nhàn mấy thâu.
Thân bụi xương tan nào đâu sợ,
Thanh bạch nhân gian tất được lưu.
Vu Khiêm dấn thân trong chốn quan trường hơn 30 năm, thanh chính liêm minh, hưng lợi trừ hại, cương trực công chính. Những chuẩn tắc ứng xử ‘nửa thần’ của Vu Khiêm đã đóng góp rất lớn cho văn hóa truyền thống 5,000 năm của Trung Hoa. Giống như Hàn Tín, Nhạc Phi, Viên Sùng Hoán, tiết tháo phẩm đức của Vu Khiêm khiến người đời kính trọng và tôn sùng.
Hưng lợi trừ hại, vì dân giải trừ thống khổ
Vào năm Tuyên Đức thứ 5 thời Minh Tuyên Tông (1430), Minh Đình thiết lập Tuần phủ. Tuyên Tông đích thân chọn Vu Khiêm làm Hữu thị lang bộ Binh, giữ chức Tuần phủ hai tỉnh Hà Nam và Sơn Tây. Phẩm trật của ông thăng từ hàng Thất phẩm lên tận Tam phẩm. Đây là sự tín nhiệm rất lớn của Hoàng đế dành cho Vu Khiêm. Không phụ trọng trách được giao, Vu Khiêm đặt chân đến khắp các nẻo, thăm hỏi lão bách tính, phân rõ lợi hại trong lúc thị sát chính sự tại nơi nhậm chức. Trong vòng một năm, ông liên tục dâng sớ để hưng lợi trừ hại. Những người như Dương Sĩ Kỳ, Dương Vinh, Dương Bác, v.v. ở Nội các đều xem trọng Vu Khiêm, đem những gì ông luận xét tấu lên triều đình phê chuẩn, khiến Vu Khiêm được phát huy hết sở trường, mang lại nhiều thành tựu lớn.
Không giống như các Quan quan liêu luôn ‘cao cao tại thượng’, Vu Khiêm thấy được cuộc sống khó khăn của người dân và luôn nghĩ trăm phương ngàn cách vì dân giải trừ thống khổ. Ông thiết bày điều lệ bán lương thực, kho nghĩa, kho bình chuẩn, cục thuốc giúp dân, mang đến cho dân nghèo một lượng lớn lương thực không cần hoàn lại. Vu Khiêm còn xây dựng thêm bờ đê cho Hoàng Hà, cho phép bách tính đến nha môn Tuần phủ tố cáo oan sai, lại tận lực để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Để củng cố việc phòng thủ biên cương, ngoài chức Đại đồng ở nơi biên tái, ông tấu xin thiết lập chức Ngự sử quản lý. Vu Khiêm thu hồi đất đai hoang nhàn của quan phủ bị quan quân chiếm đoạt, cải tạo thành đồn điền, lấy đó làm tài sản chung để sử dụng.
Lúc quốc gia gặp nạn, bảo vệ xã tắc chẳng hề lo nghĩ
Vào năm Chính Thống thứ 13 thời Minh Anh Tông (1448), biên cương nhà Minh ngày một rối ren, công việc của bộ Binh càng ngày càng bận rộn. Vu Khiêm nhận mệnh vào kinh, nhậm chức Tả thị lang bộ Binh.
Năm 1449 sau Công nguyên, tức năm Chính Thống thứ 14, quân Ngõa Thích của Mông Cổ đánh xuống phía nam. Kết quả trong trận Thổ Mộc Bảo, 50 vạn đại quân của nhà Minh toàn bộ bị quét sạch, Minh Anh Tông bị bắt làm tù binh. Tin tức truyền đến kinh thành, Từ Trinh (sau đổi thành Từ Hữu Trinh) chủ trương dời đô đến phương Nam để tránh địch. Vào thời khắc nguy cấp, Vu Khiêm khảng khái bày tỏ ý kiến: “Ai còn nói dời đô xuống phía Nam sẽ trảm ngay. Kinh sư là gốc rễ của thiên hạ, một khi dời đi thì đại sự sẽ tiêu mất, không thấy cơ đồ nhà Tống sụp đổ ở phía Nam sao!” Quân địch nắm trong tay Minh Anh Tông, công phá thẳng Tử Kinh Quan, dòm ngó tiến vào Kinh sư. Thạch Hưởng kiến nghị thu binh cố thủ khiến địch binh đói khát và mệt mỏi. Vu Khiêm nghiêm nghị nói: “Làm sao có thể tỏ ra yếu thế, khiến quân địch xem thường ta.” Đối diện với quân địch cường mạnh, Vu Khiêm không hề sợ hãi, trầm mặc điềm tĩnh, chỉ huy vững chắc, hài hòa mưu dũng. Ông suất lĩnh 22 vạn đại quân giao chiến với quân địch năm ngày đêm, cuối cùng đánh bại được Ngõa Thích, bức chúng lùi về ngoài biên tái, khiến Minh triều chuyển nguy thành an.
Sau khi Minh triều thu được thắng lợi, luận công ban thưởng, công lao của Vu Khiêm lớn nhất. Cảnh Đế đặc biệt gia thụ ông làm Thiếu Bảo bên cạnh chức Tổng đốc quân vụ, Thượng thư bộ Binh. Thạch Hưởng được phong làm Vũ Thanh hầu. Các văn thần, võ tướng khác cũng được thăng thưởng. Đối với việc phong thưởng, Vu Khiêm vẫn giữ lòng thành từ chối, nói: “Bốn phía ngoài thành có nhiều tường lũy, liêm sỉ của khanh đại phu nào dám vòi công nhận thưởng!” Cái ông nghĩ đến đầu tiên không phải là danh lợi, địa vị cá nhân mà là an nguy của quốc gia, vậy nên đem công lao thắng lợi này quy về cho các tướng sĩ.
Vu Khiêm lần lượt đánh bại các âm mưu và thủ đoạn khác nhau của Dã Tiên như dụ dỗ đầu hàng, bàn hòa, phản gián, v.v. bảo vệ nhà Minh. Do liên tiếp thất bại, số binh tử thương của quân Ngõa Thích không ngừng tăng lên, tâm lý chán nản chiến đấu ngày một lớn. Mâu thuẫn giữa Dã Tiên, Thoát Thoát Bất Hoa, A Thích Tri Viện cũng ngày càng sâu sắc do phân chia chiến lợi phẩm không đều. Dã Tiên thấy không có cơ hội lấy được nhà Minh nên tâm cầu hòa ngày một lớn hơn.
Vào năm Cảnh Thái thứ nhất (1450), A Thích sai sứ giả đến nghị hòa, biểu thị Dã Tiên đồng ý rút lui, còn trao trả Hoàng thượng. Không lâu sau, Minh Anh Tông cuối cùng đã được trở về Bắc Kinh.
Một dòng nhiệt huyết cuối cùng đổ xuống nơi nào
Tính cách Vu Khiêm rất cương trực. Ông xem thường những đại thần có tinh thần yếu nhược, những người ngoại thích, quý tộc rêu rao công lao xưa cũ, vì vậy ông gặp phải sự phản đối của những người này. Mỗi khi gặp chuyện không như ý, Vu Khiêm ôm ngực thở dài: “Dòng máu nhiệt huyết ở đây, nhưng cuối cùng đổ xuống trên đất nào!” Ông đã quá quen thuộc với những ố khí của chốn quan trường và sự ích kỷ của các sĩ đại phu. Họ đố kị người hiền tài, tranh quyền đoạt lợi, tham lam vô sỉ, .v.v.
Lúc ấy, Từ Hữu Trinh vì xướng nghị dời đô về phía Nam nên bị Vu Khiêm trách tội, cuối cùng đem lòng thống hận ông. Quan Tổng binh Thạch Hưởng công lao không bằng Vu Khiêm, lại được phong hầu, thế nên trong lòng hổ thẹn, bèn dâng sớ tiến cử con trưởng Vu Khiêm là Vu Miện, nhưng bị ông trách mắng: “Quốc gia nhiều việc, nghĩa thần tử không được nghĩ đến ân riêng. Hơn nữa Hưởng ngươi giữ chức đại tướng, không nghe câu ‘chỉ cần một việc mờ ám có thể đánh bạt một đám hèn mọn’ sao. Ngươi lấy việc phò quân quốc, độc tiến thần tử, còn muốn Vu Khiêm ta bàn luận như thế nào? Bề tôi có quân công, phải tận lực ngăn chặn kiểu may mắn đó, quyết không dám dùng con trai để lạm công.” Đối mặt với sự phê bình chính khí của Vu Khiêm, Thạch Hưởng ngược lại đem lòng thù hận. Đồng thời, Thạch Hưởng chưởng quản quân binh ở kinh dinh, nhiều lần muốn nổi gió làm loạn, nhưng vì có Vu Khiêm nên không thể tiến hành được. Vì vậy, sự thống hận của ông ta đối với Vu Khiêm ngày càng lớn. Những kẻ tiểu nhân rất nhanh cấu kết thành một khối, ngày đêm trù tính mưu hại Vu Khiêm.
Sự biến đoạt môn, hàm oan qua đời
Vào tháng Giêng năm Cảnh Thái thứ 8 thời Minh Cảnh Đế (1457), đám người Thạch Hưởng, Từ Hữu Trinh phát động sự biến đoạt môn, ủng hộ Anh Tông lên ngôi lần nữa. Trong buổi thượng triều, những người này cấu kết bắt Vu Khiêm và Vương Văn vào ngục với tội danh “có ý” đưa ngoại phiên (chư hầu có thái ấp) lên làm vua, phán hai người tội mưu nghịch, kết án tử hình. Pháp ti nghiêm hình tra khảo hai người, Vương Văn ra sức biện giải, Vu Khiêm lại cười nói: “Bọn người Hưởng có ý như vậy, tranh biện có ích gì?” Lúc án kiện đề giao cho Anh Tông, Anh Tông vẫn cảm thấy do dự, nói: “Vu Khiêm thực sự có công.” Từ Hữu Trinh lập tức nói: “Nếu không giết Vu Khiêm, thì lần hành động này sẽ không tạo ra uy danh gì.”
Vào ngày 22, Vu Khiêm và Vương Văn đồng thời bị sát hại. Lúc tịch biên gia sản nhà họ Vu, quan quân không phát hiện trong nhà ông có thứ gì giá trị, chỉ có căn nhà chính khóa cửa rất kiên cố. Lúc mở ra xem, bên trong ngoài y phục và thanh kiếm do Cảnh Đế ban tặng, không hề có thứ gì khác.
Sau khi Vu Khiêm mất, Thượng thư bộ Binh kế nhiệm là Trần Nhữ Ngôn dựa thế Thạch Hưởng, tham ô của cải, khiến những công lao chỉnh đốn quốc phòng của Vu Khiêm trước đó đều bị hủy hoại. Anh Tông vô cùng tức giận. Về sau Tây Bắc có nhiễu loạn, Cung Thuận hầu Ngô Cẩn nói với Anh Tông: “Nếu Vu Khiêm còn sống, đương nhiên sẽ không thể có chuyện giặc đến đây.” Anh Tông nghe xong, trầm mặc không nói gì.
Minh Hiến Tông hạ chiếu giúp sửa oan sai
Vào tháng Tám năm Thành Hóa thứ 2 thời Minh Hiến Tông (năm 1466), Vu Miện được ân xá trở về quê nhà, dâng sớ rửa oan cho cha. Minh Hiến Tông lần này đích thân ‘rửa sạch oan khuất’ cho Vu Khiêm. Hoàng đế đem nhà cũ của Vu Khiêm ở Hồ Đồng, Tây Biểu Bối, trong Sùng Văn Môn đổi thành “Trung Tiết từ” (đền thờ người trung nghĩa tiết tháo), sai quan viên đến tế bái anh linh ông. Hiến Tông đích thân viết bài cáo rằng: “Khi đất nước gặp nạn, khanh bảo vệ xã tắc chẳng hề lo lắng. Duy việc một mình giữ gìn công đạo lại bị những kẻ gian hiềm khích. Thời Tiên đế trẫm đã biết nỗi oan của ngươi, lòng trẫm thực thương cảm tấm lòng trung trinh ấy.”