Minh Thành Tổ dùng pháp luật trị thiên hạ, thi hành nền chính trị nhân từ quan tâm dân sinh
Sau khi lên ngôi, Minh Thành Tổ đã nhiều lần nhấn mạnh phải theo pháp luật để thống trị thiên hạ, ông cũng thi hành nền chính trị nhân từ quan tâm dân sinh. Điều này đã đặt định cơ sở vững chắc cho thiên hạ của triều Minh trong suốt 276 năm.
Thời kỳ Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, sau khi Tể tướng Hồ Duy Dung bị giết chết vì âm mưu tạo phản, Chu Nguyên Chương đã bãi bỏ cơ quan Trung thư tỉnh và chức Tể tướng vốn tồn tại qua nhiều triều đại, muốn Lục bộ báo cáo trực tiếp với hoàng đế. Việc này mặc dù tăng cường được quyền lực của hoàng đế, nhưng Chu Nguyên Chương cũng vất vả không kém. Thời kỳ Vĩnh Lạc, Minh Thành Tổ Chu Đệ thiết lập cơ cấu các cơ quan chính phủ, cơ bản là tiếp tục tuân theo cơ cấu của thời Minh Thái Tổ, có điều là ông lệnh cho các đại thần thân tín như Thị độc (chức quan trong viện Hàn lâm, giữ việc đọc sách cho vua) Giải Tấn và Hồ Quảng, sử quan Hoàng Hoài trực tiếp vào Văn Uyên Các tham gia chính vụ, từ đó hình thành nên cơ chế Nội các, đồng thời trở thành quy định, trở thành cơ cấu quan lại ổn định.
Minh Thành Tổ cũng quy định rõ ràng các chức trách của Nội các là tham gia chính vụ, chú ý phụ trách chưởng hiến, ghi chép và kiểm tra tấu chương, viết phê đáp, soạn thảo chiếu lệnh, sắp xếp các tấu biểu của các sở ty gửi đến, hộ tống đi tuần, phụ trách việc giảng học ở các viện, chủ trì đại điển v.v. Có thể nói Nội các lúc này càng giống với ban thư ký hơn, chỉ có một phần đặc quyền, nhưng không có quyền lực thực tế của Tể tướng, không thể trực tiếp chỉ huy cấp dưới. Nhưng sự ra đời của Nội các đã giải quyết điểm thiếu khuyết xuất hiện trong cơ chế hành chính sau khi Chu Nguyên Chương bãi bỏ chức vị Tể tướng, đây cũng là cơ quan giúp việc quan trọng cho Minh Thành Tổ quản lý và thống trị thiên hạ.
Dựa theo pháp luật thống trị thiên hạ
Sau khi Minh Thành Tổ lên ngôi, đã nhiều lần nhấn mạnh phải theo pháp luật để thống trị thiên hạ, bởi vì có như vậy mới có thể khiến cho quốc gia từng bước đi đến ổn định, mà điều này đã đặt định cơ sở vững chắc cho thiên hạ của triều Minh trong suốt 276 năm.
Một lần, một vị tướng lĩnh từng lập được chiến công đã vi phạm hình pháp, quan viên của hình bộ biện hộ giúp cho vị tướng kia, hy vọng Minh Thành Tổ có thể “luận công định tội”. Minh Thành Tổ phê bình quan viên hình bộ rằng: “Thi hành luật pháp cần phải công bằng chính trực, thưởng phạt cần phải phân rõ. Trước kia hắn ta có công, triều đình đã khen thưởng hắn; nay hắn phạm pháp, vây thì nên trị tội hắn. Nếu như không trị tội, đó chính là dung túng cái ác, dung túng cái ác thì làm sao có thể quản lý thống trị thiên hạ đây? Không thể ‘luận công định tội’, mà là phải theo pháp luật để trị tội.”
Năm Vĩnh Lạc đầu tiên, Thành Tổ còn từng triệu kiến những người thuộc Hình khoa đô sự trung, nói cho những người này biết: “Mệnh lệnh quốc gia, mục đích là làm cho người có địa vị thấp kính sợ mà không dám phạm pháp, mặc dù chưa trừ bỏ được tâm ác, nhưng làm người bên trên khi dùng pháp thì khoan dung nhân từ chứ đừng mạnh mẽ cứng rắn. Đối đãi với mọi người nên chân thành, không nên làm bộ. Mạnh mẽ cứng rắn thì bách tính không thể chịu được, làm bộ thì bách tính không tin phục nữa”.
Minh Thành Tổ nói những lời này là có nguyên nhân, bởi vì vào năm trước khi ông phái Ngự sử cấp sự trung đi thăm hỏi động viên quân và dân chúng các nơi, trước khi đi ông nhiều lần dặn dò cốt phải an dân. Nhưng sau đó ông nhận được tấu chương do cấp sự trung Đinh Diễm gửi về báo rằng, đến Tứ Xuyên vì không thấy được người phạm pháp, liền ngầm phái người thân tín dùng tiền dẫn dụ họ tiến hành giao dịch, quả nhiên có người dân phạm pháp, thế là bắt giữ người đó lại.
Minh Thành Tổ không đồng ý đối với chuyện này, cho rằng Đinh Diễm làm việc hà khắc. Ông cho rằng, cổ nhân trị thiên hạ, là thi hành đường lối công bằng chính đáng. Trước kia Đường Thái Tông cũng là lấy vật đưa cho người ta, đợi người này nhận thì tăng thêm tội, toàn dựa vào Ngụy Trưng can gián mới không xử phạt. Bởi vậy Minh Thành Tổ thường coi đây là bài học. Đối với Đinh Diễm vì tranh công mà hãm hại oan uổng người lương thiện, Minh Thành Tổ phái người trói Đinh Diễm đem về kinh hỏi tội, đồng thời thả những người dân bị vu hại.
Vĩnh Lạc năm thứ 6, tư pháp thượng tấu có ba trăm tù phạm sẽ bị hành quyết. Minh Thành Tổ nói với các hạ thần: “Hơn ba trăm người, chưa hẳn người người đều đáng giết. Có một người không đáng phải xử quyết, thì người chết đó sẽ bị oan uổng. Các vị phải thẩm tra đối chiếu tỉ mỉ lại cho thật kỹ, một ngày không xong thì hai ngày, ba ngày, mười ngày cũng không sao, nhất định phải làm cho trong những người này không có người chết oan”. Sau khi thẩm tra, quả nhiên có hơn hai mươi người không đáng bị xử tử.
Pháp luật Triều Minh xử nặng nhất là tội vu cáo. Năm Vĩnh Lạc thứ nhất quy định, phàm là kẻ vu cáo 3-4 người thì bị phạt đánh 100 gậy, lưu đày đến nơi khác 3 năm; kẻ vu cáo 5-6 người, bị phạt đánh 100 gậy, lưu đày 3 ngàn dặm. Kẻ vu cáo từ 10 người trở lên, bị lăng trì xử tử, bêu đầu ở quê nhà, gia quyến phải dời đến vùng hoang vu xa xôi.
Năm Vĩnh Lạc thứ 8, Đô ngự sử Trần Anh vạch tội Long Bình hầu Trương Tín cưỡng chiếm hơn 80 dặm ruộng công ở Luyện Hồ cùng với chiếm hơn 70 khoảnh ruộng công ở huyện Giang Âm, Minh Thành Tổ nói: “Ngày xưa Trung Sơn Vương có một vùng đất Sa Châu, đường nước tưới cho đồng ruộng chảy qua vùng đất này, gia đồng (người hầu) của ông ấy đã từng chiếm giữ đường nước này để mưu lợi, sau khi Trung Sơn Vương nghe được, liền đem vùng đất Sa Châu trả về cho quan phủ. Bây giờ Trương Tín sao dám tham lam vơ vét của dân như thế!”. Ngay sau đó hạ lệnh theo pháp luật trị tội Trương Tín.
Minh Thành Tổ dựa vào ghi chép thẩm án của ty Tư pháp thượng tấu, mà căn dặn rằng: “Khi thảo luận hình phạt, nhất định phải biết phạm nhân là quân tử hay là tiểu nhân. Nếu như quân tử có tội, cũng như là sẩy chân xuống rãnh, là tình cờ phạm tội, cần cân nhắc tình hình mà có chỗ bảo hộ; nếu như tiểu nhân có tội, thì giống như ham thích ăn uống, bừa bãi mà làm, không phải sai phạm vô ý. Quân tử lỡ sai phạm mà không khoan thứ, thì không phải đạo lý bảo vệ giúp đỡ cái thiện; tiểu nhân cố ý phạm pháp mà không trừng phạt, là có lỗi dung túng cái ác. Các vị cần nhận định chính tà, cân nhắc cho kỹ càng đúng đắn, không nên vơ đũa cả nắm”.
Minh Thành Tổ đối với ngoại thích (họ bên ngoại) ước thúc cũng rất nghiêm khắc, phàm là người ngoại thích nào “gây chuyện phạm pháp” đều bị xử tội chết.
Năm Vĩnh Lạc thứ 11, Trương Húc, là anh trai của vợ Thái tử nhưng lại mặc kệ người hầu làm nhiều việc gây ảnh hưởng xấu. Sau khi Thành Tổ biết được, đích thân triệu kiến Trương Húc, nói với Trương Húc rằng: “Ngươi là thân thích của Trẫm, hẳn là phải tuân thủ pháp luật nhất. Hiện giờ ngươi không tuân thủ pháp luật, ta phải tăng tội ngươi thêm một bậc để trừng trị. Những nhà Khai Bình Vương, Vĩnh Thành Hầu, Đức Khánh Hầu, cậy là ngoại thích mà gây chuyện phạm pháp, đều chịu diệt vong. Gương trước không xa, ngươi hiện nay phú quý, nhưng chỉ cần không quên lúc nghèo hèn, thì tự nhiên sẽ không sinh ra an dật kiêu ngạo. Nếu không như vậy, tất cả mọi người đều ức hiếp bách tính, thiên hạ sao có thể quản lý tốt được? Ngươi hãy coi chừng!”
Mặt khác, Phò mã Phú Dương Hầu Lý Nhượng đã chết, người nhà của ông có người mua khống muối thu tiền thật, bị Cẩm y vệ bắt lại, con trai của Phú Dương Hầu khẩn cầu xóa bỏ tội lỗi của mình. Minh Thành Tổ nói: “Chế độ pháp lệnh cũng giống như thiên hạ, há vì thân thích cá nhân mà phế bỏ?”. Vì vậy chiếu theo luật pháp mà trị tội hắn.
Thực thi nền chính trị nhân từ chăm sóc bách tính
Khi Minh Thành Tổ vừa lên ngôi, liền chiếu dụ các đại thần của Binh bộ phải trợ cấp cho người thân của những tướng sĩ khi xuất chinh bị tử trận và bị bệnh mà chết, đồng thời hạ lệnh cho mỗi vệ sở trình báo chi tiết. Con cháu của những binh sĩ chết này nếu từ 15 tuổi trở lên thì đưa đến Binh bộ kế thừa chức vụ, mẹ góa con côi dưới 14 tuổi thì đưa đến kinh thành chăm sóc nuôi dưỡng; những quả phụ có con gái nhỏ mà không có con trai thì cấp dưỡng tất cả; nếu những người không muốn đến kinh thành mà có người thân có thể nương nhờ thì chiếu theo lệ mà cấp lương bổng.
Vĩnh Lạc năm thứ nhất, Minh Thành Tổ phái một số đại thần đến các quận huyện trong toàn quốc tuần sát tình cảnh dân chúng, trước khi đi ông nói: “Cha mẹ đối với con cái, trước khi trời rét lạnh thì chuẩn bị áo quần, trước khi chúng đói thì chuẩn bị thức ăn, ở các phương diện đều rất tận tâm. Người làm phụ mẫu của nhân dân cũng phải tuân theo đạo lý như vậy. Trẫm ở trong cung, mỗi một miếng ăn, mỗi một ngụm nước đều nhớ đến quân và dân, nhưng lại không có cách nào biết rõ tình hình của nhân dân. Vì vậy, các vị hãy làm tai mắt của triều đình, để tâm điều tra nghe ngóng, phát hiện các nơi có các vấn đề thiên tai lũ lụt, hạn hán, nếu chính quyền địa phương giấu diếm không báo, các vị phải báo cáo tất cả cho trẫm. Các vị phải biết được, lợi ích nào trong dân và quân cần phải phát triển, tệ nạn nào cần phải loại bỏ”.
Minh Thành Tổ căn cứ vào tình hình nắm được để có những phương pháp áp dụng tương ứng. Như trong thời gian chiến dịch Tĩnh Nan, ba vùng Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông vì chiến tranh mà bị phá hoại rất lớn, hơn nữa còn cung cấp không ít phí dụng cho quân sự. Minh Thành Tổ hạ lệnh Hộ bộ căn cứ vào tình huống khác nhau, mà có chính sách miễn giảm thuế chia ra trong ba năm, hai năm, một năm hoặc là nửa năm cho những địa phương này, đồng thời phân phát dụng cụ làm nông cho nông dân, khuyến khích những người lánh nạn chiến tranh trở về nguyên quán, chính quyền cung cấp hạt giống, trâu cày, dụng cụ làm nông v.v… Phải nói là, năm đầu tiên khi Minh Thành Tổ lên ngôi vẫn là thi hành chính sách kinh tế và dân sinh như trước.
Năm Vĩnh Lạc thứ nhất, khi Minh Thành Tổ với các quan lại tùy tùng bàn luận chính sự đã nói rằng: “Trẫm lên ngôi chưa được bao lâu, thường lo sợ bách tính không được yên ổn, ban đêm ở trong cung thường thường đốt nến mà ngồi, tra cứu bản đồ các châu quận, tĩnh lặng suy tính cặn kẽ, nơi nào gần đây gặp phải nạn đói, cần phải tăng thêm cứu tế; vùng biên cương nơi nào cần thiết lập phòng thủ. Sáng sớm khi thượng triều thảo luận với quần thần giải quyết thế nào. Gần đây ở vài nơi của Hà Nam phát sinh nạn châu chấu hạn hán, trẫm ăn không ngon ngủ không yên, vì vậy cử người đi xem xét. Nếu như dân chúng có thể có cuộc sống bậc bình thường khá giả, đó chính là tâm nguyện của trẫm vậy.”
Cũng vì có địa phương phát sinh nạn châu chấu, hạn hán mà Minh Thành Tổ hạ lệnh cấm các thái giám ở hoàng thành nuôi dưỡng gà vịt, để tránh lãng phí lương thực, đồng thời cảnh cáo nếu như phát hiện có người tái phạm thì tuyệt đối không bỏ qua. Còn có một lần, ông nghe nói Ngự Mã Giám vì nuôi dưỡng voi trắng đã yêu cầu Hộ bộ cung cấp lương thực, Minh Thành Tổ gọi các quan viên có liên quan đến, nói với họ rằng: “Lương thực voi trắng ăn trong một ngày là đồ ăn của mấy gia đình nhà nông ăn trong một ngày, chức trách của Quân vương là nuôi dân, các ngươi làm như vậy khiến cho trẫm mất đi lòng dân trong thiên hạ”. Minh Thành Tổ cũng cảnh cáo những người này, nếu như tái phạm tuyệt đối không tha.
Còn có một lần, Minh Thành Tổ phái nhóm người Đạo Diễn đi tới vùng Tô Hồ (Giang Tô, Hồ Nam, Hồ Bắc) cứu tế, trước khi đi ông căn dặn những người này rằng: “Mỗi miếng cơm manh áo của Quân Vương, đều là do dân chúng cung dưỡng, dân chúng nghèo đói không có cơm ăn quần áo mặc, Quân Vương sao có thể không chăm sóc? Quân Vương là cha; dân là con vậy. Làm con phải hiếu thuận, làm cha phải từ ái, cần phải cố gắng làm tròn đạo lý này. Các ngươi bỏ ra tiền của mới có thể có được lòng dân, chính là người làm quan nhân từ”.
Trong thời kỳ Vĩnh Lạc, có thái giám lén lút yêu cầu phủ doãn Ứng Thiên phủ cung cấp thợ thủ công để làm việc tư, sau khi Minh Thành Tổ biết được đã trách cứ phủ doãn, nói cho ông ta biết cần phải chính trực không thiên vị, phải lĩnh hội được ý nguyện yêu thương dân chúng của quốc gia, tại sao lại đi sợ hãi những người ở trong cung? Nếu như còn tái phạm sẽ xử chém. Đồng thời, Minh Thành Tổ còn cho bắt giữ thái giám đã đưa ra yêu cầu đó, cũng nói bản thân là Thiên Tử, còn không dám tùy tiện ép buộc một người dân, “Kẻ nào dám tự ý sai khiến họ?”
Năm Vĩnh Lạc thứ tư, một hôm, Minh Thành Tổ cùng các hạ thần hầu cận nói chuyện, biết được ở kinh thành có người bị bệnh không thể kịp thời mời thầy chữa bệnh, bèn cảm thán rằng: “Ở Nội phủ cất giữ thuốc rất nhiều, mà không thể cứu giúp người ở bên ngoài cung, thế thì cất giữ có tác dụng gì đây?”. Rồi hạ lệnh cho Thái y viện cứ theo toa thuốc mà điều chế, mang thuốc ra phân phát cho dân chúng trong và ngoài thành. Minh Thành Tổ còn bày tỏ: “Mỗi miếng cơm tấm áo trẫm dùng, đều không thể quên vất vả của người trong thiên hạ. Ở gần bên cạnh đều không thể cứu giúp, huống chi ở nơi xa xôi?”
Năm Vĩnh Lạc thứ 7, vợ của thường dân Lý Văn Tú ở huyện Linh Khâu tỉnh Sơn Tây một lần sinh được ba bé trai, dựa theo lệ thường quan phủ sẽ cung cấp lương thực cho đến khi ba đứa bé được 8 tuổi, nhưng Minh Thành Tổ hạ lệnh cung cấp lương thực cho đến khi 10 tuổi.
Năm Vĩnh Lạc thứ 8, Minh Thành Tổ nghe nói mỗi năm người dân ở phủ Ôn Châu chuyển phèn chua đến Bắc Kinh đều gặp đường núi ngăn trở, vận chuyển khó khăn. Vì vậy ông hỏi đại thần của Công bộ tác dụng của việc vận chuyển phèn chua, đại thần bẩm tấu là dùng để nhuộm vải. Minh Thành Tổ nói: “Vì để nhuộm vải bố mà khiến người dân ở xa ngàn dặm cực khổ, có thể hủy bỏ yêu cầu cung cấp hàng năm cho họ, từ nay trở đi quy định vải bố không cần phải nhuộm màu”.
Do Lưu Hiểu thực hiện
Tạ Tú Tiệp biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ