‘Thánh chiến’ đích thực không lợi dụng bạo lực và khủng bố
Khi một hoài bão lớn gặp một động cơ bất chính, nó sẽ sản sinh ra những “vũ khí mang tính huỷ diệt”. Đó là cách những kẻ tự xưng là “Thánh chiến Hồi giáo” xuất hiện và để lại những hệ luỵ khôn lường cho thế giới.
Khi lòng thù hận làm vấy bẩn lý tưởng
Trong chương trình TED Talk, ông Manwar Ali – một cựu chiến binh Hồi giáo cực đoan – đã chia sẻ câu chuyện của mình. Trong quá khứ, ông quan tâm sâu sắc đến những gì người khác phải chịu đựng và khao khát làm vơi đi những khổ đau của họ, và ông chọn trở thành một chiến binh “Thánh chiến Hồi giáo” (Jihad)*.
Ông Manwar Ali sinh ra ở Bangladesh nhưng phần lớn thời gian ông sống ở Anh do công việc của cha ông. Năm 1971, gia đình ông trở về Bangladesh và mọi thứ đã thay đổi. Đất nước lâm vào chiến tranh giành tự do, mọi người trở nên thù địch nhau. Mới 12 tuổi nhưng ông đã phải chứng kiến đời sống cực khổ của gia đình, 22 người thân qua đời một cách bi thảm và em trai ông phạm tội sát nhân.
“Tôi chứng kiến những đoàn quân giết động vật bên đường để ăn, nạn đói bao trùm lấy tôi, hỗn loạn, bạo lực man rợ – bạo lực phi nghĩa. Tôi từng là một chàng trai một thiếu niên, với nhiều hoài bão. Tôi muốn được học tập, nhưng tôi đã không thể đến trường trong suốt 4 năm.”
Cuộc chiến giành độc lập kết thúc, cha ông bị bắt giam trong 2 năm rưỡi, và được thả tự do vào năm 1973. Sau đó, gia đình ông sang Anh tị nạn. Khi ấy, ông mới 17 tuổi. Ký ức về những năm tháng đấu tranh khiến ông Ali nhận thức sâu sắc về mọi tội ác và bất công trên thế giới. Vì vậy, ông đã nuôi dưỡng một khát vọng mãnh liệt, đó là sửa chữa những sai lầm ấy và giúp đỡ những người bị áp bức.
Nhưng, bằng cách nào ông có thể thực hiện được hoài bão đó? Ông tìm kiếm và rồi tìm thấy một con đường: chấp nhận bạo lực để thực hiện “chính nghĩa”. Ông bắt đầu tham gia vào Chiến tranh Hồi giáo ở Afghanistan. Ông muốn bảo vệ cộng đồng người Hồi giáo ở Afghanistan chống lại quân Xô Viết. Bởi theo ông, đây mới là Thánh chiến: là nghĩa vụ cao cả, sẽ được Chúa ban phước lành.
“Tôi trở thành người thuyết pháp. Tôi từng là một trong những kẻ tiên phong trong Chiến tranh Hồi giáo ở Anh. Tôi đi tuyển mộ, đi gây quỹ, huấn luyện. Tôi biến Thánh chiến đích thực thành những thứ bẩn thỉu khi phát biểu với vai trò là những kẻ Hồi giáo phát xít – những kẻ lợi dụng lý tưởng của Thánh chiến để biện minh cho ham muốn về sức mạnh, quyền lực, và bá chủ thế giới. Ham muốn bẩn thỉu ấy vẫn tồn tại đến ngày nay bởi những nhóm Hồi giáo phát xít như Al-Qaeda, Tổ chức Hồi giáo tự xưng, v.v.”
Trong quá trình tuyển mộ, ông còn gặp hai đứa bé 13 tuổi ở Burma; chúng rất lễ phép và có giọng nói nhẹ nhàng. Hai đứa trẻ cầu xin Ali hãy đưa chúng đến Anh để được đến trường. Những cậu bé ngây thơ, đáng thương như vậy phải đi giết người trong các cuộc đụng độ giữa các nhóm đối lập. Và nó diễn ra ở khắp nơi… Afghanistan, Kashmir, Burma, Philippines, Chechnya.
“Các tiểu lãnh chúa sử dụng các thanh niên dễ tổn thương như một vũ khí giết chóc dưới danh nghĩa “Thánh chiến”. Người Hồi đối đầu lẫn nhau. Họ không bảo vệ nhau để chống lại những kẻ xâm lược, giải thoát họ khỏi ách áp bức. Trẻ em bị lợi dụng, bị nhẫn tâm áp bức, chúng lao vào những cuộc đối đầu vì hai chữ “Thánh chiến” mà tôi đã nói. Và nó vẫn còn tiếp diễn đến tận hôm nay.”
Ông bắt đầu nhận ra những buổi truyền giáo, tuyển mộ, gây quỹ, huấn luyện mang tính cực đoan, đưa những thanh niên đến các trận chiến và bỏ mạng là hoàn toàn sai trái. Ông chấm dứt hành động này vào năm 2000, lãng phí 15 năm cho một điều vô nghĩa.
IS không phải là Hồi giáo, lý tưởng bạo lực không phải là ‘Thánh chiến’
Từ khi xuất hiện một thực thể tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) vào cuối tháng 6/2014, thế giới buộc phải chứng kiến liên tiếp những vụ giết người tập thể man rợ và những vụ cắt cổ nạn nhân do chính IS tung lên truyền thông thông qua mạng Internet.
Điều đáng chú ý là, những kẻ này tự xưng mình là “Thánh chiến Hồi giáo”. Hệ tư tưởng của chúng là tuyệt đối không chấp nhận tất cả tôn giáo khác với Hồi giáo. Khi chiếm được thành phố Mosul, Iraq, IS ra lệnh cho cộng đồng Thiên Chúa giáo ở đây phải lựa chọn: hoặc là cải sang đạo Hồi, hoặc là chấp nhận nộp “lệ phí” để được phép giữ đức tin, hoặc là bỏ mạng! Sắc dân Yazedi (vùng núi Sinjar ở tây bắc Iraq) bị IS coi là “tà đạo” phải xóa sạch.
Tất cả đàn ông Yazedi nếu rơi vào tay IS đều bị giết. Đàn bà và trẻ con sắc dân này bị coi là “chiến lợi phẩm”. Họ bị chia cho các chiến binh làm của riêng, tùy nghi sử dụng, kể cả đem bán như nô lệ.
IS chủ trương chiếm đất, nắm dân, bám dân, xây dựng “nhà nước”, “quân đội”, hệ thống thuế, cơ sở hạ tầng, sử dụng tích cực công nghệ, truyền thông xã hội. Chúng nuôi tham vọng xây dựng một vương quốc Hồi giáo hiện đại lấy cảm hứng từ Caliphate trong quá khứ.
Nguồn thu của IS đa dạng và mạnh mẽ, khiến IS được coi là tổ chức khủng bố giàu có nhất. Trong đó có 2 nguồn thu quan trọng là đánh thuế và bán dầu. Các nguồn khác là quyên góp, bắt cóc tống tiền, bán đồ cổ…
Trong năm 2015, IS tiếp tục nghĩ ra đủ trò hành quyết dã man và quái đản khiến cả thế giới phẫn nộ, cốt để khủng bố đối thủ và răn đe những người bất đồng.
Thứ “Hồi giáo” mà IS muốn khôi phục theo họ là phải “đúng theo chuẩn mực” của Hồi giáo ở miền tây bán đảo Ả Rập cách nay hơn 14 thế kỷ. Theo triết lý của “Hồi giáo nguyên gốc” mà IS tôn vinh: mọi nơi thờ tự chỉ dành riêng cho thánh Allah. Những nơi nào có các lăng mộ của “người đời”, dù đó là các bậc anh hùng tiền bối của Hồi giáo, cũng đều là “phạm giáo luật”. Vì vậy, IS đã cho nổ tung nhiều cơ sở thờ tự của người Hồi giáo, trong đó phần lớn là các di tích lịch sử có hàng trăm năm tuổi tại các khu vực do chúng kiểm soát.
Trước những tuyên truyền rầm rộ của tổ chức này, rất nhiều thành viên đã gia nhập IS, và coi đây là “Thánh chiến thuần khiết nhất”, là thực thi giáo luật Sharia “nghiêm túc nhất”! Họ suy tôn thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi mà thực chất là một trùm khủng bố. IS nay không chỉ bó hẹp trong lãnh thổ của “nhà nước Hồi giáo” tại Iraq-Syria, mà tồn tại một cách có tổ chức cả ở khu vực tiểu lục địa Ấn Độ, Libya- Tunisia, Sinai Ai Cập…
Tuy nhiên, toàn thể thế giới Hồi giáo, từ các nguyên thủ quốc gia đến Tổ chức Hồi giáo thế giới, các giáo chủ Hồi giáo quyền uy, các viện Hồi giáo danh tiếng trên thế giới… bất kể thuộc dòng Sunni hay dòng Shiite, đều khẳng định “IS không phải là Hồi giáo” và chối bỏ sự liên quan của Hồi giáo đối với những hành động bạo tàn từ IS và các nhóm khác nhân danh “Thánh chiến Hồi giáo”.
Hệ luỵ của IS là vô cùng to lớn. Giữa năm 2015, bầu không khí Trung Đông thêm u ám khi IS bành trướng, đe dọa “nhuộm đen” cả Iraq và Syria.
Cuối năm 2015 thế giới vẫn không bình yên khi bất ngờ xảy ra loạt vụ tấn công đẫm máu ở Paris vào ngày 13/11 khiến 130 người chết.
Trong năm 2015, bộ máy an ninh các nước phương Tây phải làm việc cật lực để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các vụ tấn công khủng bố của các chiến binh “Thánh chiến Hồi giáo” cũng như các phần tử cảm tình với chúng.
Làn sóng người tị nạn từ Trung Đông (nhất là Syria) chạy sang Tây Âu tăng mạnh trong năm 2015 khiến khu vực này gặp khó khăn lớn trong bảo đảm an ninh trước nguy cơ khủng bố Hồi giáo. Việc thực hiện thỏa thuận tự do đi lại trong khu vực Schengen của EU và việc Tây Âu đề cao quyền tự do cá nhân cũng gây không ít thách thức cho cơ quan an ninh.
Những lý tưởng cực đoan của IS và những cách thức bạo lực man rợ để thực hiện các “giáo lý” của mình là đối nghịch với chuẩn mực đạo đức và các giá trị phổ quát của nhân loại. Đây thực chất là một “tội ác chiến tranh”; IS đối đầu với cả thế giới, nhưng lại gắn cho mình một vỏ bọc hào nhoáng đầy “chính nghĩa” là “Thánh chiến Hồi giáo” để kêu gọi và lôi kéo nhiều thành viên “ngây thơ và non nớt”.
Thế nào là Thánh chiến thực thụ?
Chúng ta quay trở lại với câu chuyện của Manwar Ali, điều gì khiến “lý tưởng” của ông sụp đổ và đi vào ngõ cụt?
Trước những người đang theo dõi chương trình TED Talk, ông thẳng thắn chia sẻ rằng:
“Chúng tôi quá bận để nói đến đạo đức, và đây là nguyên nhân khiến chúng tôi mù quáng. Chúng tôi đã không tự trao cơ hội cho bản thân để xây dựng phẩm chất đạo đức. Chúng tôi tự nói bản thân, rằng ‘ta chiến đấu vì áp bức’, nhưng chiến tranh luôn để lại những tổn thất. Từ những cái chết, chúng tôi trở thành công cụ, đồng lõa trong việc gây ra những khổ đau để giành lấy tư lợi từ những phần tử tàn bạo.”
Không nơi nào trên Trái Đất ủng hộ một cuộc Thánh chiến bạo lực bởi nó sẽ dẫn tới những tổn thất lớn hơn. Nhưng lý tưởng về Thánh chiến đã bị xuyên tạc, bị hiểu sai thành đấu tranh vũ lực ở bất kỳ nơi nào Hồi Giáo gặp khó khăn, bởi những kẻ Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda, Tổ chức Hồi giáo tự xưng IS và những tổ chức khác.
Một mục đích dù cao cả đến mấy, nhưng được thực hiện bằng những phương tiện sai trái và tàn bạo, thì cũng không thể mang đến những điều Thần thánh. Chúng ta không thể lấy mục đích biện minh cho phương tiện.
Cuối cùng, ông Manwar Ali cũng đã nhận ra và dám đối diện với sự thật, dám suy nghĩ, dám đương đầu trước những câu hỏi khó khăn. Ông đã chạm tới tâm hồn mình; và đó cũng chính là lúc ông đã tìm ra câu trả lời: Thế nào là Thánh chiến thực thụ.
“Vì vậy hôm nay tôi đến đây để thỉnh cầu mọi người, đặc biệt những người tin tưởng mạnh mẽ vào phong trào vũ trang Hồi giáo hãy từ chối những quyền lợi độc đoán ấy; buông bỏ tức giận, căm thù bạo lực; học cách sửa sai mà không phải cố gắng biện minh cho những tội ác, bất công và việc làm vô nghĩa, thay vì tạo những thứ không mấy đẹp đẽ và hữu ích để ta sống lâu hơn. Đây là cách để tiếp cận với thế giới, cuộc đời bằng tất cả tình yêu thương. Học cách đi lên hoặc vun đắp những hạt giống tốt để chứng kiến những điều tốt đẹp và niềm tin vào mọi người và thế giới xung quanh. Bằng cách này, chúng ta có trách nhiệm hơn với bản thân, với mọi người, với cộng đồng, và Thánh Allah. Đó là mới Thánh chiến – Thánh chiến đích thực.”
Thánh chiến bao gồm sự cố gắng và lòng mộ đạo tự tẩy uế, và cống hiến. Thánh chiến muốn nói đến sự chuyển biến tích cực từ việc học hỏi, từ sự khôn ngoan và tưởng nhớ Chúa. Đôi khi Thánh chiến mang nghĩa chiến đấu, nhưng với những điều kiện nghiêm ngặt, không vượt qua các chuẩn mực và giới hạn đạo đức.
Trong Đạo Hồi, lợi ích của một hành động phải vượt trội so với tổn thất và khó khăn nó mang lại. Quan trọng hơn, những câu kinh trong kinh Qur’an liên quan đến Thánh chiến hoặc chiến đấu không bác bỏ những câu kinh nói về lòng vị tha, sự nhân từ hay kiên nhẫn. Thánh chiến đích thực là cố gắng hết sức để củng cố và sống với những phẩm chất Chúa yêu quý: trung thực, đáng tin cậy, lòng cảm thông, nhân từ, sự tôn trọng và chân thành.
Những thanh thiếu niên bị tổn thương và mất phương hướng, không đủ tự chủ để tìm ra một phương thuốc đúng đắn để chữa lành và rồi họ lạc lối. Họ tìm kiếm bạo lực để xua tan đi nỗi đau giày vò trong tâm hồn. Và lúc đó, chính họ trở thành nô lệ cho sự hận thù, quyền lực và ham muốn bất chính. Những người đang chiến đấu trong Hồi Giáo cực đoan, những kẻ bị lôi kéo bởi những kẻ cực đoan, họ cũng là con người, họ cũng có thể thay đổi. Họ có thể giành lại trái tim mình và chữa lành chúng bằng cách lấp đầy lòng nhân đạo.
Chú thích:
Jihad: Một thuật ngữ Hồi giáo, là một bổn phận tôn giáo của người Hồi giáo. Trong tiếng Ả Rập, từ jihād dịch như một danh từ có nghĩa là “thánh chiến”. Jihad xuất hiện 41 lần trong Kinh Qur’an và thường xuyên trong các biểu hiện thành ngữ “cố gắng theo cách của Thánh (al-jihad fi sabil Allah)”. Jihad là một bổn phận tôn giáo quan trọng đối với người theo Hồi giáo. Nhiều người diễn giải “thánh chiến” trên khía cạnh quân sự và vũ lực, nhưng nhiều người Hồi giáo ngoan đạo nhấn mạnh thánh chiến tinh thần và đạo đức, là một cuộc đấu tranh nội tâm chống lại các xung lực cơ bản của chính mình.
Minh Anh