Thăng trầm của chữ ‘Nhuận’ và cuộc đại đào thoát khỏi sự thống trị của ĐCSTQ
Trong hàng ngàn năm qua, từ “nhuận” (潤) luôn gắn liền với cái đẹp. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, từ “nhuận” đã khoác thêm một lớp nghĩa mới cay đắng, thống khổ, tựa như một người đang có một cuộc sống sung túc, đang lúc tận hưởng cuộc sống thì bỗng nhiên bị buộc phải rời bỏ quê hương. Những thăng trầm của từ “nhuận” có thể gọi là bi tráng.
Chữ “nhuận” mang hàm nghĩa đẹp và sâu sắc
Khi nhắc đến từ “nhuận,” có người sẽ bất giác hạ giọng ngâm bài thơ của Đỗ Phủ: “Tùy phong tiềm nhập dạ, nhuận vật tế vô thanh” (Theo gió lẻn vào đêm, tưới tắm vật lặng lẽ). Có người sẽ nghĩ đến câu đối của Trịnh Bản Kiều: “Xuân phong phóng đảm lai sơ liễu, dạ vũ man nhân khứ nhuận hoa” (Gió xuân thổi mạnh như chải liễu, mưa đêm giấu người tưới ẩm hoa). Còn có người sẽ nghĩ đến những từ mỹ miều như “Ngọc nhuận châu viên” (Ngọc làm ẩm viên minh châu). Cách phát âm của từ “nhuận” (潤) giống như âm thanh phát ra khi gõ vào một miếng ngọc đẹp, thanh thoát, dễ chịu, toát lên ý thơ và vận vị.
Người Trung Quốc cũng thường dùng những từ có chữ “nhuận” để miêu tả người quân tử có đức hạnh. Chẳng hạn như “ôn nhuận như ngọc,” ví von đức tính cao khiết, ôn văn, nho nhã của người quân tử, như viên ngọc đẹp thường ôn hòa, nhu nhuận và sáng bóng. Hay “phú nhuận ốc, đức nhuận thân” (“Lễ ký – Đại học”), có của cải mới có thể trang trí nhà cửa, cũng như nội tâm con người có đức thì thân thể mới được tưới tắm, nuôi dưỡng; biểu thị rằng người quân tử không ngừng đề cao tu luyện bản thân, trở thành người tốt cho xã hội và người khác.
Từ “nhuận” lần đầu tiên xuất hiện trong cụm từ “Thủy viết nhuận hạ” trong “Thượng thư – Hồng phạm,” để chỉ đặc tính của nước là tưới tắm nuôi dưỡng và chảy xuống chỗ thấp. Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh” (“Đạo đức kinh, Chương 8”). Đức hạnh tốt đẹp nhất giống như nước. Nước nuôi dưỡng vạn vật mà không tranh giành công lao. Đặc tính của nước thể hiện qua tính cách của nhân vật là làm lợi cho người và khiêm tốn. Đây là chuẩn tắc tốt đẹp nhất giữa người với người, với bản thân, với sự vật và với hoàn cảnh trong văn hóa truyền thống.
Thánh Hiền thời cổ đại nói về việc chọn nơi nên ở
Vì đặc tính của nước là lưu động nên mang hàm nghĩa là di cư. Nếu dùng từ “nhuận” để miêu tả sự di cư của con người từ nơi này đến nơi khác, nhằm lựa chọn nơi thích hợp để sinh sống và có cuộc sống tốt đẹp hơn, thì không những hợp lý mà còn cao minh.
Về việc lựa chọn nơi ở thích hợp, trong văn hiến Trung Hoa thời cổ đại có không ít những cuộc luận thuật liên quan. Lão Tử từng nói: “Cư thiện địa” (sống nơi tốt đẹp) (“Đạo đức kinh, Chương 8”). Khổng Tử từng nói: “Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc nhập, vô đạo tắc ẩn” (Không vào nước đang có mối nguy hiểm, không sống ở nước đang hỗn loạn, thiên hạ hữu đạo thì vào, vô đạo thì ẩn) (Luận ngữ – Thái Bá 8). Quẻ trong Kinh Dịch cũng có câu: “Bất ninh phương lai.” Quẻ này nói rằng những người ở nơi đó không được yên ổn, họ mới tìm đến chỗ này của bạn. Tương tự như vậy, nếu người ở chỗ bạn không yên ổn, thì họ sẽ chạy đi nơi khác. Ngoài ra, còn có câu chuyện mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà mà mọi người đã biết đến. Những bậc Thánh Hiền và các kinh điển thời cổ đại này đều cảnh báo con người hãy chọn một nơi thích hợp để sinh sống, không nên sống trong một xã hội hỗn loạn và nguy hiểm.
“Tẩu tuyến” và cuộc đại đào thoát khỏi sự thống trị của ĐCSTQ
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cướp chính quyền ở Hoa lục vào năm 1949, đã có nhiều vụ việc người dân đào thoát khỏi nền chính trị bạo ngược của ĐCSTQ, cũng như thoát khỏi tình trạng nghèo đói, bần cùng mà đảng này gây ra. Từ những năm 1950 cho đến trước cuộc cải cách mở cửa, đã có bốn làn sóng người Hoa lục nhập lậu vào Hồng Kông để đào thoát trên quy mô lớn. Năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma đào thoát sang Ấn Độ cùng với 80,000 người Tây Tạng. Ngoài những vụ chạy trốn quy mô lớn này, một số lượng lớn người phải lưu vong ở ngoại quốc do bị ĐCSTQ đàn áp trong các phong trào chính trị do đảng này phát động.
Dữ liệu về người tị nạn do Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) công bố năm 2022 cho thấy vào năm 2021, gần 120,000 người Trung Quốc đã xin tị nạn chính trị ở ngoại quốc trong một năm. Đầu năm nay (2023), một đoàn khách du lịch gồm 400 người khởi hành từ Ôn Châu đã lưu lại ở ngoại quốc và không hồi hương sau khi đến Ý. Theo dữ liệu từ Cục quan thuế và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (US Navy and Border Protection), trong 6 tháng kể từ tháng 10/2022, hơn 6,500 công dân Trung Quốc đã bị bắt tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico vì nhập cảnh trái phép vào nước này. Con số này tăng gấp 15 lần so với cùng thời gian năm trước, và đây là mức cao kỷ lục.
Tại sao ngày càng nhiều người dân Hoa lục vượt qua khó khăn, nguy hiểm, thậm chí liều mạng để thoát khỏi sự thống trị của ĐCSTQ và di cư đến nơi khác? Theo tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ, chẳng phải Trung Quốc đã bước vào một xã hội cường thịnh, trở thành “đất nước hùng mạnh” sao? Vì sao có người vẫn muốn phản bội “tổ quốc vĩ đại” và “kết giao với ngoại quốc”? Có thể thấy, “đất nước hùng mạnh” không đồng nghĩa với đất nước tươi đẹp. Thực tế sự di cư này khắc họa chân thực tình trạng đàn áp nghiêm trọng và tàn ác của chính quyền bạo ngược ĐCSTQ đối với người dân nước này.
Trong ba năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, các biện pháp phòng dịch cực đoan của ĐCSTQ một lần nữa mang đến cho người dân Trung Quốc mùi vị khác của nắm đấm sắt chuyên chế. Một số người dân bắt đầu tỉnh ngộ, nhìn thấy rõ bản chất tà ác của ĐCSTQ và bắt đầu tìm cách thoát khỏi chế độ tàn bạo này.
Ví dụ, nhà văn 19 tuổi Trình Tân Vũ (Cheng Xinyu) ở thành phố Thành Đô, đang cân nhắc việc di cư ra ngoại quốc. Cô nói: “Tôi không thể chấp nhận rằng mình sẽ mất mạng ở đây trong tương lai.” Cô đã tham gia một trào lưu trực tuyến mới có tên “Nhuận học.” Rất nhiều người có cùng mục tiêu với cô Trình. Họ trao đổi các vấn đề liên quan trên Internet như: “Tại sao phải nhuận, nhuận ở đâu và nhuận như thế nào?” Họ chia sẻ tất cả cách thức và kinh nghiệm đào thoát khỏi Trung Quốc để tìm kiếm một tương lai an toàn và tươi sáng hơn.
Cô Ngô Lệ Hoa (Wu Lihua) đã đào thoát đến Hoa Kỳ thành công. Hành trình đến Hoa Kỳ của cô và con gái 5 tuổi bắt đầu khi cô nhìn thấy một bài đăng trên Douyin với từ khóa “tẩu tuyến” (走线). “Tẩu tuyến” dùng để chỉ hành trình đi bộ xuyên qua các quốc gia Mỹ Latinh đến Hoa Kỳ của những người không thể nhập cư thông qua các tuyến hợp pháp thông thường. Đây là một cách của “nhuận.” Ngày càng nhiều công dân Trung Quốc đáp chuyến bay đến quốc gia Mỹ Latinh là Ecuador, sau đó thực hiện chuyến đi dài 3,700 km đến biên giới Mỹ-Mexico, nơi họ có thể nhập cảnh mà không cần sổ thông hành.
Ý nghĩa mới của từ “nhuận” và ngục án văn học hiện đại của ĐCSTQ
Tại sao mọi người không trực tiếp sử dụng những từ như “rời đi,” “ra đi” hay “di dân” khi giao tiếp trực tuyến, mà thay bằng từ “nhuận”? Điều này phải kể đến sự giả dối và bản chất “mạnh ngoài yếu trong” của ĐCSTQ. Trên thực tế, chính quyền ĐCSTQ luôn giữ bí mật về những vụ đào thoát nêu trên, thậm chí xem chúng là bí mật quốc gia hàng đầu. Trong khi ĐCSTQ đang ca ngợi “chủ nghĩa xã hội,” thì rất nhiều người Trung Quốc lại sẵn sàng liều mạng để đào tẩu sang quốc gia khác. Điều này không chỉ gây bất lợi cho việc tuyên truyền giả dối của ĐCSTQ, mà còn là cú đánh mạnh vào hình ảnh “vĩ đại, quang vinh và chính xác” của đảng này. ĐCSTQ thậm chí còn kết án những người đào thoát không thành công với tội danh phản quốc và đầu hàng kẻ thù. Vì vậy, nếu bạn công khai thảo luận, trao đổi cách thức, kinh nghiệm đào thoát khỏi “tổ quốc vĩ đại, đảng vĩ đại” trên Internet, thì an ninh mạng của ĐCSTQ sẽ nhắm đến bạn. Bạn chưa kịp lập kế hoạch đào thoát, thì khả năng bạn phải đối diện với án tù hoặc bị tước đoạt cái gọi là “quyền lợi chính trị” mà đại đa số người dân Trung Quốc chưa bao giờ được hưởng.
Để tránh tai mắt của an ninh mạng ĐCSTQ, mọi người đã dùng từ “nhuận” thay vì “đào thoát khỏi Trung Quốc” trên Internet. Từ “nhuận” (潤) được chọn vì bính âm “rùn” trong Hoa ngữ của nó giống với từ “run” trong Anh ngữ. “Run” trong Anh ngữ có nghĩa là chạy hoặc trốn thoát. Từ đó có thể thấy, ý nghĩa mới của từ “nhuận” cũng là sản phẩm của sự kiểm soát Internet chặt chẽ của ĐCSTQ, và là kết quả ngục án văn học hiện đại dưới sự cai trị của đảng này.
Nhận ra bản chất của ĐCSTQ và lựa chọn tương lai bằng cách “nhuận xuất”
Điều đáng mừng là những người đến Hoa Kỳ hoặc quốc gia khác thông qua con đường “tẩu tuyến” đều có hiểu biết nhất định về bản chất tà ác của ĐCSTQ. Ngày 29/06, khi tham dự một cuộc biểu tình phản đối ĐCSTQ ở Flushing, New York, ông Vương Quân Đào (Wang Junta), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ Trung Quốc, cho biết người Trung Quốc vào Hoa Kỳ theo đường “tẩu tuyến” gần đây khác với những người Trung Quốc nhập cảnh lậu theo đường biển vào Hoa Kỳ hơn 20 năm trước. Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh theo đường “tẩu tuyến” có hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất của ĐCSTQ. Nhóm người này, ngoài một bộ phận nhỏ là vì lý do kinh tế, thì còn lại chủ yếu là lựa chọn chế độ; họ muốn loại bỏ ĐCSTQ bằng cách lựa chọn chế độ tốt không có đảng cộng sản.
Anh Tống Thiếu Hoa (Song Shaohua), người đến New York, Hoa Kỳ cách đây không lâu thông qua “tẩu tuyến” rất vui mừng khi anh đã đọc được cuốn “Cửu Bình Cộng sản Đảng” thông qua phần mềm “vượt tường lửa” khi anh còn ở Trung Quốc. Anh Tống nói: “Mọi người nên đọc cuốn sách này. Sau khi đọc cuốn sách này, các bạn sẽ hiểu sâu hơn về bản chất của ĐCSTQ. Người dân Trung Quốc đã chấp nhận sự tẩy não của hệ thống ĐCSTQ từ mẫu giáo đến tuổi trưởng thành. May mắn thay, cuối cùng chúng ta cũng đã nhận rõ sự tà ác của nó.”