Thần toán Quách Phác biết trước sinh tử, ‘binh giải’ thành Tiên
Quách Phác (276-324), tự Cảnh Thuần, là người gốc huyện Văn Hỷ, quận Hà Đông (nay là huyện Văn Hỷ, tỉnh Sơn Tây). Ông là con trai của Quách Viện, Thượng thư Đô lệnh sử nhà Tây Tấn. Quách Phác rất tài giỏi, thần bí khôn lường, nhưng lại hiền lành và ít nói. Ông giỏi về từ phú, danh tiếng truyền khắp lúc bấy giờ. Quách Phác không chỉ là văn học gia, huấn cổ học gia (người chú giải nghĩa văn) mà còn là đại sư về thuật số học của Đạo gia. Ông tinh thông thiên văn, lịch âm dương và thuật bói toán. Hơn 60 sự việc mà ông bói toán trước sau đã ứng nghiệm, và chúng được tập hợp lại thành một tập sách có tên là “Đỗng lâm”. Trong cuộc đời của mình, Quách Phác đã viết hàng chục vạn từ, tất cả đều được truyền lại cho hậu thế.
Quách Phác không chỉ bói được sự cát hung của người khác, mà ông còn bói được cả thời điểm qua đời của chính mình. Ông còn biết bản thân sẽ bị sát hại bởi ai từ khi mới mười ba tuổi, và có sự sắp xếp trước. Điều này càng khiến hậu nhân ngạc nhiên hơn. Bài thơ của Tôn Nguyên Yến thời nhà Đường mô tả Quách Phác như sau: “Đáo đầu phân mệnh nan di cải, giải thoát Thanh Nhu dữ biệt nhân.” (Tạm dịch: Cuối cùng, thật khó để thay đổi số phận, giải thoát cho Thanh Nhu và những người khác.)
Quách Phác giỏi bói toán, có thể tiêu tai chuyển phúc
Từ nhỏ, Quách Phác đã theo ông Quách Công ở Hà Đông học bói toán. Quách Công bí mật cất giữ chín tập “Thanh nang trung thư” và truyền toàn bộ cho Quách Phác. Kể từ đó, Quách Phác liền thông hiểu các thuật số ngũ hành, thiên văn, bói toán v.v.. có thể tiêu tai họa, chuyển thành phúc. Vào thời đó, người ta cho rằng ngay cả những danh gia như Kinh Phòng, Quản Lộ cũng không thể vượt qua ông. Môn đồ của Quách Phác là Triệu Tái từng đánh cắp “Thanh nang trung thư”, nhưng chưa kịp đọc thì sách đã bị lửa thiêu rụi. Vì sự việc này mà người ta càng khâm phục sự thần toán của Quách Phác.
Dưới thời trị vì của Tấn Huệ Đế và Tấn Hoài Đế, Hà Đông bị người dị tộc (ý chỉ không phải người Hán) xâm nhiễu đầu tiên. Quách Phác thông qua bói toán biết cuộc sống của mình sẽ phát sinh biến cố. Ông thở dài: “Tội nghiệp thay! Bách tính sẽ bị rơi vào tay dị tộc, quê hương vườn tược của họ sẽ trở thành hoang mạc!” Thế nên, ông âm thầm tập hợp gia tộc, người thân, bằng hữu, cùng với hàng chục gia đình mà ông qua lại định cùng nhau đến phía đông nam tỵ nạn. Tình cờ khi họ đến chỗ của tướng quân Triệu Cố, con ngựa tốt mà Triệu Cố cưỡi đã tử vong. Triệu Cố trong lòng thương xót, tâm trạng chán nản, nên không muốn tiếp đãi khách khứa.
Những người gác cổng không thông báo với chủ nhân về Quách Phác. Quách Phác nói: “Ta có thể hồi sinh con ngựa.” Người gác cửa giật mình kinh ngạc, đi trình báo chủ nhân. Triệu Cố vội vàng bước ra cửa, nói: “Ông có thể hồi sinh con ngựa của ta ư?” Quách Phác nói: “Tôi cần 20, 30 nam tử khỏe mạnh, tay cầm gậy dài, đi về phía đông ba mươi dặm. Khi gặp đồi cây hoặc đàn tế, tổ miếu thì dùng gậy đập vào đó. Nếu lấy được thứ gì thì cầm lấy và nhanh chóng quay lại. Có thứ đó rồi, con ngựa đã tử vong có thể hồi sinh.”
Triệu Cố làm theo những gì Quách Phác nói, quả nhiên có được một con vật trông giống một con khỉ. Khi con vật nhìn thấy con ngựa đã tử vong, nó thở ra và hít vào ở mũi con ngựa. Lập tức, con ngựa đứng dậy, gõ móng vó và ăn uống như thường lệ, nhưng con vật giống như khỉ kia đột nhiên biến mất. Sự việc này khiến Triệu Cố biết được khả năng phi phàm của Quách Phác, nên đã ban thưởng cho ông rất hào phóng.
Quách Phác vốn đang giữ chức Thượng thư lang của nhà Tấn, nhưng vì mẫu thân qua đời nên ông đã từ chức. Ông tìm được mảnh đất tốt để an táng mẫu thân, và có một khu mộ địa ở Kị Dương cách mép nước khoảng trăm bước. Có người nói với ông rằng đất ấy quá gần mép nước. Nhưng Quách Phác nói: “Nó sẽ sớm thành đất liền thôi”. Quả nhiên, sau đó đất cát bồi lên cao. Vùng đất cách khu mộ địa vài chục dặm đã biến thành ruộng dâu.
Khi Vương Đạo trở thành Thừa tướng của nhà Tấn, ông ấy chấn hưng tông thất nhà Tấn. Quách Phác tận tâm dốc sức phò trợ Vương Thừa tướng quy hoạch chế độ. Vương Thừa tướng từng nhờ ông bói toán. Quách Phác nói: “Nếu ông gặp tai ương là động đất, thì có thể cưỡi xe đi về phía tây vài chục dặm. Khi nhìn thấy một cây bách, ông hãy cắt một đoạn dài bằng chiều cao cơ thể và đặt nó vào nơi ông ngủ. Như thế, tai họa có thể được tiêu trừ.” Vương Đạo làm theo lời Quách Phác dặn. Vài ngày sau xảy ra một trận động đất, đoạn gỗ bách bị vỡ tan.
Biết Vương Đôn làm phản
Vương Đôn đang trấn thủ Nam Châu, trong lòng ôm giữ mưu tính tạo phản nên cử Quách Phác làm phụ tá để tham mưu việc quân. Khi đó, Trần Thuật ở Dĩnh Xuyên được phong làm Đại tướng quân. Ông ta có danh tiếng tốt và được Vương Đôn trọng dụng, nhưng không lâu sau đã qua đời. Quách Phác khóc rất thương tâm và gào thét lên: “Tự tổ à, tự tổ, há biết đây chẳng phải là phúc ư!” Ngay sau đó, Vương Đôn phát động tạo loạn. Thì ra, Quách Phác đã sớm biết ý đồ của Vương Đôn.
Khi Vương Đôn tạo phản, Tấn Minh Đế chỉ mới mười lăm tuổi. Minh Đế triệu các triều thần và hỏi Thái sử: “Khanh xem Vương Đôn tạo phản có thể có được thiên hạ chăng?” Thái sử nói: “Vương Đôn muốn trở thành Thiên tử, nhưng ông ta không thể có được thiên hạ.” Thế là, Tấn Minh Đế thay y phục, lên ngựa, rồi một mình tiến vào thành Cô Thục. Khi đó, đúng lúc Vương Đôn đang cùng Quách Phác dùng bữa, nhưng Quách Phác không hề nói một lời.
Vương Đôn tức giận hỏi: “Ta mời ông tới đây là để cùng bàn định đại kế giành thiên hạ. Sao ông không nói gì?” Quách Phác nói: “Tôi vừa nhìn thấy tinh linh của mặt trời, mặt trăng và các vì sao trên bầu trời cùng các vị Thần Tiên của Ngũ nhạc Tứ hải trên mặt đất đang hộ vệ một người tiến vào thành Cô Thục. Tôi nhất thời kinh ngạc đến mức vô hồn nên mới không nói chuyện với ông.”
Vương Đôn nhất quyết yêu cầu Quách Phác giải thích rõ ràng chuyện gì đang xảy ra. Quách Phác nói với Vương Đôn: “Tôi vừa nói rằng có một tiểu nô bộc cưỡi ngựa chơi trên phố ở Cô Thục.” Vương Đôn càng nghĩ càng thấy không đúng, ông ta cho rằng những gì Quách Phác nói chắc chắn không phải là ý này. Thế là ông ta sai 30 kỵ binh đuổi theo, nhưng rốt cuộc không đuổi kịp Tấn Minh Đế.
Biết trước sinh tử của chính mình
Khi Vương Đôn chuẩn bị khởi binh, ông ta có một giấc mơ và nhờ Quách Phác giải mộng cho mình. Vương Đôn nói: “Đêm qua ta nằm mơ thấy mình cày ở giữa sông bên ngoài thành Thạch Đầu (Nam Kinh ngày nay). Ông hãy bói cho ta xem thử”.
Quách Phác nói: “Cày ở giữa sông lớn cũng chính là không thể lật ngược được, phản cũng không thành.”
Khi Vương Đôn nghe thấy Quách Phác bói cho mình là quẻ xấu, lại hỏi ông: “Ông lại bói một quẻ về thọ mệnh của ta xem là bao nhiêu?”
Quách Phác trả lời: “Theo quẻ vừa rồi, nếu khởi binh thì ông sẽ sớm gặp đại họa. Nếu sống ở Vũ Xương, tuổi thọ của ông sẽ là rất nhiều.”
Vương Đôn nghe xong tức giận, nói: “Ông biết thọ mệnh của mình không?”
Quách Phác nói: “Tôi sẽ ra đi vào giờ quá Ngọ hôm nay.” Vương Đôn rất tức giận, bắt giữ ông và ra lệnh đưa đến Nam Cương để hành hình.
Ngay khi Quách Phác bị sát hại, nước sông tràn vào chợ. Thi thể của Quách Phác bị trôi xuống một cái hố ở phía nam thành phố. Ở đó, người nhà đã chuẩn bị sẵn quan tài và những vật dụng để lo việc hậu sự cho ông. Hai cây bách ở trên mặt đất có tổ chim Ác là. Đây là dấu hiệu mà Quách Phác đã nói trước cho người nhà. Ông nói bản thân sẽ bị sát hại vào giờ nọ ngày nọ, hãy mai táng ông ở dưới hai cây Bách có tổ chim. Vì vậy, người nhà đã làm theo chỉ dẫn trong thư, và chuyển quan tài đến nơi do ông chỉ định để chờ đợi.
Trước khi bị sát hại, Quách Phác nói với đao phủ Ngũ Bá: “Khi ta mười ba tuổi, ta đã cởi chiếc áo bông ngắn của mình đưa cho ông ở Sách Đường. Khi đó, ta biết mạng sống của ta nằm trong tay ông. Chỉ xin ông hãy hành quyết ta bằng chính cây đao của ta!” Đao phủ nghĩ về chuyện trong quá khứ. Lúc đó, ông ta không dám xin chiếc áo bông ngắn của Quách Phác. Quách Phác bảo ông ta hãy lấy nó đi, sau này sẽ biết tại sao ông lại đưa nó cho ông ta! Ngũ Bá nhớ lại chuyện xưa, khóc lóc dùng cây đao của Quách Phác để hành hình. Đây chính là điển cố được mô tả trong bài thơ của Tôn Nguyên Yến thời nhà Đường “Đáo đầu phân mệnh nan di cải, Giải thoát Thanh Nhu dữ biệt nhân.” (Tạm dịch: Cuối cùng, thật khó để thay đổi số phận, giải thoát cho Thanh Nhu và những người khác). Quách Phác sớm biết sinh tử có mệnh, nhưng ông đã sớm sắp xếp rồi.
Sớm an bài ‘binh giải’
Vào ngày thứ ba sau khi Quách Phác được mai táng, người dân trên phố Nam Châu nhìn thấy Quách Phác bán y phục và đồ dùng mà ông đã sử dụng trước đây. Ông còn nói chuyện với những người nhận ra ông, hơn nữa có rất nhiều người đã nhìn thấy Quách Phác. Sau khi nghe chuyện này, Vương Đôn không tin. Ông ta cho mở quan tài của Quách Phác để xem xét, và thấy bên trong chẳng có thi thể nào cả. Hóa ra Quách Phác đã mượn binh khí binh giải (thuật ẩn thân của người tu Đạo) và thành Tiên rời đi rồi.