7 đức hạnh và 7 tội lỗi trong các bức tranh của danh họa Giotto
Cùng xem Nhà nguyện Scrovegni tráng lệ của thành phố Padua có thể giúp chúng ta nâng cao cảnh giới tinh thần như thế nào.
Một trong những báu vật vĩ đại nhất của nghệ thuật Ý là Nhà nguyện Scrovegni ở thành phố Padua, nước Ý. Nếu xét về quy mô đồ sộ của nền nghệ thuật Ý thì điều này quả là bất ngờ, vì bản thân Nhà nguyện Scrovegni là một không gian khá nhỏ và khép kín. Đi lên theo con đường này, cách đó không xa là Vương cung thánh đường St. Anthony uy nghi, đồ sộ cả về quy mô lẫn tham vọng. Bên cạnh kiến trúc tuyệt vời, nơi đây còn lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật của các bậc thầy như Donatello. Nếu kích thước hùng vĩ là yếu tố [đánh giá] duy nhất, thì Nhà nguyện Scrovegni có vẻ sẽ lép vế [so với các di tích khác]. Nhưng, thực tế thì không phải vậy.
Điều gì khiến cho Nhà nguyện Scrovegni bé nhỏ trở nên kỳ diệu và quan trọng đến vậy?
Danh họa Giotto và tầm ảnh hưởng của ông
Danh họa Giotto có các bức tranh tô điểm cho nhà nguyện này. Ông là một nghệ sỹ quan trọng thời Phục Hưng. Thật vậy, một số người cho rằng ông đã khởi xướng thời kỳ Phục Hưng trong nghệ thuật, vì phong cách của ông đã ảnh hưởng đến tất cả các nghệ sỹ sau này. Một trong những phương diện ảnh hưởng đó là sự mới mẻ trong việc khắc họa cảm xúc con người. (Như người bạn cùng thời của ông là đại thi hào Dante, đã làm điều tương tự trong lĩnh vực thơ ca).
Trước thời của danh họa Giotto, các bức tranh biểu tượng chiếm ưu thế trong nghệ thuật Cơ Đốc Giáo. Đây cũng là những kiệt tác nghệ thuật, nhưng nhấn mạnh vào bản chất thiêng liêng của Đấng Christ, có xu hướng cách điệu hóa và thể hiện sự tĩnh tại, thay vì miêu tả mặt nhân tính của Ngài. Còn ông Giotto lại đưa nhân tính vào nghệ thuật Cơ Đốc Giáo.
Ví dụ, nếu chúng ta nhìn vào Cảnh Số 6 “Meeting at the Golden Gate” (Gặp Gỡ tại Cổng Vàng) trong nhà nguyện này, chúng ta sẽ thấy Thánh Ann (mẹ của Đức Trinh Nữ Mary) đang lao đến hôn người chồng vừa mới trở về của mình là Thánh Joachim, sau thời gian dài xa cách. Cận cảnh khuôn mặt của họ cho thấy, ông đang kéo bà về phía mình và bà đang hôn ông (môi kề môi) rất dịu dàng. Ở đây có tình yêu của con người, điều vốn vượt ra ngoài bối cảnh tượng trưng cho những khoảnh khắc thần học, chẳng hạn như Đấng Christ trên Thập tự giá, hay Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng.
Đối với ông Giotto, việc đưa yếu tố con người vào nghệ thuật dường như cũng hàm chứa những ý nghĩa thần học sâu sắc. Đây không phải là nghệ thuật vị nghệ thuật, mà đây là nghệ thuật vị Thiên Chúa, có thể nói như vậy. Có rất nhiều ý tưởng thần học lôi cuốn được thể hiện trong nghệ thuật của nhà nguyện nhỏ này.
Chỉ cần lấy một ví dụ này: Nằm đối diện nhau, ở hai đầu tương ứng của nhà nguyện (phía Tây và Đông) là bức tranh Đức Chúa Cha được các thiên thần vây quanh và Đấng Christ ở trung tâm bức tranh “Last Judgment” (Phán Xét Cuối Cùng). Bản thân nghệ thuật đã ngoạn mục rồi, nhưng điều thậm chí còn thú vị hơn nữa là ý nghĩa thần học sâu sắc được truyền tải qua hình ảnh. Chúa Cha và Chúa Con đang ngự đối diện nhau qua gian giữa của nhà nguyện, và họ là hình ảnh phản chiếu của nhau! Đây không phải là hình ảnh Chúa Cha — một ông lão tóc bạc, như kiểu Ông già Noel thời đầu thường bị mô tả và chế giễu trong các tác phẩm văn học vô thần là “ông lão trên trời.”
Thay vào đó, Đức Chúa Cha trẻ trung và đang ở độ xuân ngời nhất, giống như Đấng Christ, có thể nói là đời đời. Tất nhiên, điều này phù hợp với nhiều tài liệu tham khảo Kinh thánh khác nhằm bác bỏ ý tưởng về hình ảnh một ông lão trên trời: và mạnh mẽ nhất là khi Đấng Christ nói trong Phúc Âm John, “Ai đã thấy Ta thì đã thấy Cha Ta.” (John 14.9) Nói cách khác, hình ảnh Chúa Cha phản ánh trong Chúa Con.
Tuy nhiên, tạm gác các vấn đề thần học lớn lao về bản chất của Thiên Chúa, điều khiến tôi ấn tượng nhất trong chuyến thăm nhà nguyện này gần đây là những khía cạnh rất con người — như sự thân mật của Thánh Joachim và Thánh Ann, biểu cảm trên khuôn mặt Judas khi hắn hôn Đấng Christ trong vườn Gethsemane, hay 14 bức chân dung của danh họa Giotto về 7 mối tội đầu ở phía bắc lối đi, đối diện với 7 đức hạnh thiêng liêng ở phía nam — và mỗi bức tranh đều tương ứng với nhau.
14 bức chân dung này thật phi thường, và mục đích của chúng cũng vậy: trị liệu tâm hồn.
7 đức hạnh và 7 mối tội đầu mà danh họa Giotto khắc họa không hoàn toàn khớp với danh sách mà Giáo hoàng Gregory the Great, hay Thánh Thomas Aquinas đưa ra (danh sách của ngài là nền tảng cho trường ca “The Divine Comedy” (Thần Khúc) của Dante). Theo chuyên gia Giuliano Pisani viết trong cuốn sách “The Scrovegni Chapel” (Nhà Nguyện Scrovegni), thì danh họa Giotto chịu ảnh hưởng từ nhà thần học mà hiện nay hầu như đã bị lãng quên — Tu sỹ Albert xứ Padua, người cũng chịu ảnh hưởng đặc biệt từ thần học Augustine.
Nghệ thuật này được sắp đặt để tạo ra hiệu quả trị liệu, hiệu quả chữa lành. Và nguyên tắc y học mà nó dựa vào gọi là “nguyên tắc đối lập” (principle of opposites) hay “học thuyết tương phản” (doctrine of contraries), mà theo đó — theo thầy thuốc Hy Lạp Hippocrates, bệnh tật phát sinh từ sự mất cân bằng trong cơ thể. Những điều này chỉ có thể được sửa chữa (nghĩa là, làm cho bệnh nhân khỏe lại) bằng cách áp dụng nguyên tắc đối lập. Nếu nhiệt độ quá cao thì sẽ cần đến các biện pháp làm mát, nếu một người bị lạnh thì cần phải sưởi ấm. Do đó, khi bước dọc theo lối đi của Nhà nguyện Scrovegni về hướng bắc, chúng ta sẽ thấy mỗi thói xấu cụ thể, khi quay về hướng nam — đối diện với nó, chúng ta sẽ thấy cách chữa trị — đức hạnh sẽ loại bỏ thói xấu đó. Suy ngẫm về một thói xấu trong tất cả các khía cạnh của nó, như được mô tả trong nghệ thuật, sẽ giúp chúng ta tăng khả năng tự nhận thức và sự ghê tởm đối với phương diện này trong đời sống con người; và rồi, bức tranh đối diện sẽ cho ta thấy cách thoát khỏi sự kìm kẹp của thói xấu đó.
Vì thế, nơi trưng bày này không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn có giá trị đạo đức và tinh thần.
Vậy là, chúng ta có 7 tội lỗi — 4 tội lỗi cơ bản, theo sau là 3 tội lỗi về tinh thần — đối diện với những đức hạnh tương ứng với chúng. Những tội lỗi và đức hạnh đó là gì?
Làm tròn 4 đức hạnh cơ bản sẽ đưa chúng ta đến Địa Đàng (Earthly Paradise), và làm tròn 3 đức hạnh tinh thần sẽ đưa chúng ta đến Thiên Đàng (Heavenly Paradise).
Nhân đây, cần lưu ý rằng trình tự này không chỉ hoạt động theo chiều ngang mà còn theo chiều dọc: Ngu Dốt được khắc chế bằng Cẩn Trọng, nhưng nếu Ngu Dốt không bị khắc chế thì sẽ dẫn tới Thiếu Kiên Định; và Thiếu Kiên Định sẽ dẫn tới Thịnh Nộ .v.v. Cuối cùng, khi hoặc nếu chúng ta tật đố với bất cứ ai, thì chúng ta sẽ kết thúc bằng việc mất hết hy vọng vào chính mình.
Ngu Dốt và Cẩn Trọng
Để hiểu cách hoạt động này, hãy xem xét cặp đầu tiên là Ngu Dốt (Folly) và Cẩn Trọng (Prudence). Trong tiếng Latinh, từ “ngu dốt” là “stultitia.” Nó không chỉ có nghĩa là dại dột, mà còn ám chỉ những hành động trường kỳ thiếu suy nghĩ, không lý trí, và vô căn cứ; Nó bao gồm việc đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt, và tình trạng chung là thiếu trí huệ, thậm chí là thiếu hiểu biết chung.
Bây giờ, nhìn vào bức tranh này. Chúng ta thấy gì?
Chúng ta thấy người đàn ông với một số đặc điểm cho thấy anh ta thiếu nhận thức hoặc trí tuệ. Anh ta to béo, chứng tỏ nghiện những lạc thú về giác quan; anh ta đứng một góc hơi nghiêng, nên không thẳng người; đội một chiếc vương miện lông vũ trông lố như thể, gì đây? đang tự phong vương cho mình; kèm theo dải lông công tương ứng phía sau y phục, như thể anh ta tự cho mình quan trọng hoặc thuộc hoàng gia. Trên thắt lưng anh ta đeo những chiếc lục lạc nhỏ, dường như cố tình thu hút sự chú ý về phía mình bằng tiếng kêu leng keng của chúng; miệng anh ta há hốc, biểu lộ sự ngu dốt — một kiểu trố mắt nhìn vô thức; đôi chân trần, giống như động vật; và tay phải anh ta cầm một cây chùy lớn, có hình dạng thô kệch, ngụ ý việc sử dụng vũ lực mà không có bất kỳ sự khéo léo nào (chẳng hạn như một thanh liễu kiếm hoặc một thanh gươm). Nói tóm lại, anh ta có tất cả những gì mà loài người không nên có.
Nhìn vào hình ảnh này, đó có phải là bạn không? Chúng ta có thấy điểm nào ở bản thân trong bức tranh này không? Bởi vì nếu có thì chúng ta đang gặp rắc rối nghiêm trọng về mặt tinh thần!
Khi quay sang hướng nam, chúng ta sẽ nhìn thấy thuốc giải — phương pháp chữa trị! Bởi vì ở đây, phía đối diện, ta thấy Prudentia vô hiệu hóa Stultitia. “Prudentia” là một từ trong tiếng Latinh, dịch sang tiếng Anh là “prudence” (cẩn trọng) hoặc “wisdom” (trí huệ). Từ này đề cập đến phẩm chất hoặc đức tính thận trọng, khôn ngoan, và cho thấy khả năng phán đoán tốt khi đưa ra quyết định; khả năng đưa ra những lựa chọn đúng đắn dựa trên việc cân nhắc cẩn thận các hậu quả, đồng thời đánh giá thấu đáo các lựa chọn có sẵn.
Ở đây, chúng ta thấy một người phụ nữ đang ngồi sau sự bảo vệ của chiếc bàn học. Cô đang nghiên cứu, học hỏi, rõ ràng là đang xây dựng một loại phòng thủ nhằm chống lại sự thiếu hiểu biết và thiếu suy nghĩ. Bàn học là một phần trong phòng nghiên cứu thanh lịch và ngăn nắp, ngụ ý về sự trật tự và có mục đích. Tay phải của cô cầm một chiếc la bàn, tượng trưng cho khoa học, và trên tay trái của cô là tấm gương để cô nhìn vào: Cô đang tuân theo nguyên tắc cổ điển cốt lõi là “biết mình” (know thyself). Để làm được điều đó, chúng ta phải tham gia vào một hình thức tự vấn nhất định và nhìn nhận con người thật của chúng ta, nghĩa là, như cách mà Thiên Chúa nhìn chúng ta. Cũng lưu ý rằng, không giống như người đàn ông Ngu Dốt, đầu của người phụ này hơi nghiêng về phía trước — một góc độ điển hình của người biết lắng nghe hơn là nói quá nhiều. Đây chính là phương thuốc giải độc.
Chúng ta có thể tiếp tục phân tích nhưng điểm mấu chốt, như chuyên gia Giuliano Pisani đã nêu lên là, “liệu pháp mà Cẩn Trọng thực hiện là phương thuốc giải độc chống lại việc không thể phân biệt điều gì là tốt, và nó giúp chúng ta bước tiếp trên con đường của mình.” Nói cách khác, nếu như ngay từ đầu chúng ta đã không phân biệt được điều gì là tốt, điều gì là xấu, thì làm sao chúng ta có thể đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong đời sống tinh thần mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi [nên theo đuổi]?
Vậy thì, đã đến lúc chúng ta nhìn lại tất cả 14 bức tranh để xem chúng ta đang tiến bộ như thế nào! Hãy tự mình xem xét các biện pháp khắc phục những tội lỗi này.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times