Texas ký thành luật dự luật đầu tiên của Hoa Kỳ chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Bắc Kinh
Texas vừa ký thành luật một dự luật lưỡng đảng nhằm chống lại tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc, đưa tiểu bang này trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ chống lại hành vi lạm dụng thông qua các biện pháp pháp lý.
Theo dự luật SB 1040 , được Thống đốc Greg Abbott ký hôm 18/06 và có hiệu lực từ ngày 01/09, sẽ là bất hợp pháp nếu các nhà cung cấp bảo hiểm y tế tài trợ cho các ca cấy ghép nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác được biết là có liên quan đến hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Dự luật này đã được cả hai viện lập pháp của tiểu bang đồng thuận thông qua hồi tháng trước.
Dưới sự giám sát của nhà cầm quyền Trung Quốc, hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng quan trọng từ những người còn sống để kiếm lời đã phát triển thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, đồng thời làm tăng thêm tình trạng lạm dụng các nhóm không có khả năng tự vệ như các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công đang bị giam giữ. Pháp Luân Công là một nhóm tín ngưỡng với hàng chục triệu người theo học đã phải đối mặt với chiến dịch đàn áp không ngừng của Bắc Kinh kể từ năm 1999.
Dân biểu Tom Oliverson, nhà bảo trợ chính của dự luật này, nhớ lại cuộc gặp với các học viên Pháp Luân Công nhiều năm trước. Họ đã cho ông xem trang web của các bệnh viện ở Trung Quốc quảng cáo với thế giới rằng những người hiến tặng còn sống đang sẵn sàng trợ giúp ngành y tế nước này tìm cách thu hút khách du lịch ghép tạng.
“Tôi chỉ thấy kinh hoàng. Hết sức kinh hoàng không thể tin nổi,” ông nói với The Epoch Times. Trong khi ông Oliverson làm việc để vận động cho vấn đề đạo đức trong hoạt động cấy ghép nội tạng để bảo đảm rằng mọi người là những người hiến tạng tự nguyện ngay tại Hoa Kỳ, ông nói rằng ông “chưa bao giờ gặp trường hợp nào mà một người nào đó còn minh mẫn, tỉnh táo, và có thể tự mình ký vào bản đồng ý nhưng không muốn trở thành người hiến tạng bị cưỡng bức phải hiến tạng.”
“Chuyện này nghe giống như một thứ gì đó trên phim ảnh vậy,” ông nói.
Kể từ đó, ông Oliverson đã nghiên cứu một số biện pháp khác, bao gồm SCR 3, một nghị quyết được đồng thuận thông qua hồi tháng 04/2021 để lên án “hành vi bại hoại của nạn cưỡng bức lấy nội tạng người để cấy ghép” của Bắc Kinh. Hồi tháng Ba, ông đã giới thiệu TX HB3914, một dự luật nhằm cấm Viện Nghiên cứu và Phòng chống Ung thư Texas, nhà tài trợ nghiên cứu ung thư của tiểu bang, cấp tiền tài trợ cho một người nộp đơn có thể nhận nội tạng từ một bệnh viện ở Trung Quốc.
Đối với ông Oliverson, việc ngăn chặn các công ty bảo hiểm y tế chi trả cho các bộ phận nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc là chìa khóa để chấm dứt hoạt động du lịch ghép tạng không có sự đồng thuận như vậy. Phẫu thuật cấy ghép nội tạng đắt đỏ đến mức đại đa số người Mỹ dựa vào bảo hiểm y tế để thực hiện.
Ông nói, ý tưởng này “về cơ bản ngăn chặn khả năng” để ai đó được chi trả khi tham gia vào hành vi lạm dụng ở Trung Quốc hoặc bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Ông nói: “Cách tốt nhất để ngăn chặn thành công khả năng này là làm cho một quốc gia không thể thành công về mặt kinh tế nếu quốc gia đó không xem con người là con người mà rõ ràng là xem như một nguồn thu nhập.”
Ông Oliverson nhận thấy còn nhiều việc phải làm. Ông hy vọng rằng các tiểu bang khác có thể xem luật này như một bản hướng dẫn và ban hành các phiên bản của riêng họ để chống lại nạn lạm dụng đồng loại để cưỡng bức thu hoạch nội tạng quan trọng của họ. Để tạo thuận lợi cho việc này, ông muốn đưa luật này đến các hội nghị của các cơ quan lập pháp tiểu bang do các tổ chức như Hội nghị Quốc gia của các Cơ quan Lập pháp Tiểu bang thực hiện và trình bày như một luật mẫu để các tiểu bang khác xem xét.
“Tôi muốn xem đây là điều gì đó sẽ được thông qua ở tất cả 50 tiểu bang. Đó sẽ là mục tiêu cuối cùng của tôi — để tất cả người Mỹ đứng lên hiệp lực chống lại hành động đáng ghê tởm này,” ông nói.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times