Texas đạt bước tiến với dự luật chống nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Bắc Kinh
Các nhà lập pháp của Hạ viện Texas đã đồng ý thông qua một dự luật chống hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiến một bước gần hơn đến việc đưa dự luật này thành luật.
Được đặt tên là Dự luật Thượng viện 1040 (SB 1040), dự luật này được đưa ra nhằm mục đích cấm các nhà cung cấp bảo hiểm y tế tài trợ cho hoạt động cấy ghép tạng từ Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác được biết là có liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, hành động sát nhân và lấy nội tạng của họ để bán.
Đạo luật này được Hạ viện Texas nhất loạt thông qua hôm 22/05 với 145 nhà lập pháp bỏ phiếu ủng hộ. Sau khi nhận được sự đồng thuận tại Thượng viện tiểu bang hồi tháng Tư, dự luật này sẽ phải trải qua một vòng bỏ phiếu khác trong phòng Thượng viện về việc đưa vào một phần nêu rõ ý định lập pháp. Sau khi được thông qua, dự luật này sẽ được chuyển đến bàn của thống đốc, trở thành dự luật chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Bước tiến này của dự luật song hành với một nỗ lực tương tự tại Quốc hội Hoa Kỳ, nơi một dự luật trừng phạt những kẻ tiếp tay cho hành vi lạm dụng cũng đang đạt được tiến triển. Hôm 27/03, Đạo luật Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ áp đảo, đánh dấu hành động lập pháp phi biểu tượng đầu tiên ở Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn hành động tàn bạo này.
Mục đích lập pháp của dự luật Texas nêu rõ rằng dự luật này nhằm “chống lại thông lệ thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ những người còn sống để cấy ghép mà không có sự đồng ý tự do, tự nguyện; nâng cao nhận thức về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của các tù nhân lương tâm và những người dễ bị tổn thương khác do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng và tín đồ Cơ Đốc trong Nhà thờ tại gia,” đồng thời hạn chế du lịch ghép tạng bất hợp pháp trong đó cư dân đến từ Texas có thể trở thành những người vô tình tiếp tay cho tội ác này.
Môn tu luyện tĩnh tại Pháp Luân Công vẫn đang là mục tiêu của một chiến dịch đàn áp đẫm máu ở Trung Quốc cộng sản, và các học viên của môn này hiện đang là nhóm nạn nhân chính của thông lệ tàn bạo kể trên.
Tại một cuộc họp báo hôm 29/03 nhằm thu hút sự chú ý đến dự luật, bà Crystal Trần, một học viên Pháp Luân Công ở Houston, cho biết bà và các học viên khác đã từng là mục tiêu của các đợt xét nghiệm máu trong thời gian họ bị giam cầm cùng nhau.
Thời điểm nhà cầm quyền bắt đầu cuộc đàn áp môn tu luyện này trên toàn quốc vào năm 1999, bà Trần chỉ mới ngoài 20. Trong các trại lao động, bà bị buộc phải lao động khổ sai tới 17 giờ một ngày, sản xuất đồ hiệu và quà Giáng Sinh, bà nói với hội nghị Rotary International tổ chức tại Houston hồi tháng Sáu năm ngoái. Mẹ bà đã bị tra tấn đến tử vong.
Bà nói, sự tra tấn dã man mà bà và các học viên khác phải chịu đựng cho thấy rõ ràng rằng các lần xét nghiệm y tế nói trên không được thực hiện vì sức khỏe của họ.
Bà nói trong cuộc họp báo tháng Ba, “Các học viên Pháp Luân Công tập luyện hàng ngày, cũng không uống rượu hay hút thuốc,” và những nội tạng khỏe mạnh như vậy khiến họ trở thành “mục tiêu chính của nạn thu hoạch nội tạng.”
“Nếu nhóm máu và loại mô của tôi trùng khớp với người nhận nội tạng thì tôi đã không thể có mặt ở đây ngày hôm nay.”
Dân biểu tiểu bang Texas Tom Oliverson, chủ tịch Ủy ban Bảo hiểm của Hạ viện, người đã giới thiệu phiên bản Hạ viện của dự luật này hồi tháng Hai, cam kết tại cuộc họp báo tháng Ba rằng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để “thu hút sự chú ý đến thông lệ khủng khiếp và đáng ghê tởm này.”
Ông chia sẻ, làm việc về vấn đề này trong nhiều năm, mọi chuyện đã trở nên rõ ràng rằng “chính quyền cộng sản Trung Quốc xem người dân của họ như một loại hàng hóa trao đổi, không phải là con người với các quyền và tự do được bảo đảm.”
Ông Oliverson cho biết ông đã thấy những gì mà các trang web bệnh viện của Trung Quốc đang quảng cáo, bằng cả Anh ngữ và Hoa ngữ, rằng “tim có sẵn, người hiến sẵn sàng.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times