Tập đoàn Evergrande Trung Quốc đệ đơn khai phá sản tại New York
Hôm 17/08, Tập đoàn Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, đã đệ đơn khai phá sản tại New York trong bối cảnh cuộc khủng hoảng địa ốc ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc.
Việc đệ đơn theo Chương 15 của bộ luật bảo hộ phá sản của Hoa Kỳ, theo đó bảo vệ các công ty không thuộc Hoa Kỳ đang trong quá trình tái cơ cấu khỏi các chủ nợ đang nhắm vào tài sản có trụ sở tại Hoa Kỳ của họ. Đơn phá sản được đưa ra sau khi công ty này hoãn các cuộc họp liên quan đến kế hoạch tái cấu trúc trị giá 3.2 tỷ USD để duy trì hoạt động của công ty.
Hôm thứ Năm (17/08), công ty con của Evergrande, Thiên Cơ Holdings (Tianji Holdings), cũng đã tìm kiếm sự bảo hộ như vậy.
Hồ sơ phá sản của Evergrande đang làm gia tăng thêm nỗi sợ hãi ở một quốc gia hiện đang gặp trở ngại với thị trường địa ốc đang ngày một suy thoái và cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng rộng lớn hơn.
Từng là công ty xây dựng nhà lớn thứ hai của Trung Quốc tính theo doanh số bán hàng, cuối năm 2021, Evergrande đã không thể trả được khoản nợ 300 tỷ USD mà họ đang gánh trên lưng. Kể từ đó, các công ty chiếm 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã vỡ nợ, và công ty Bích Quế Viên (Country Garden), một nhà phát triển địa ốc hàng đầu khác của Trung Quốc, hôm 06/08 đã lỡ hạn thanh toán hai lô trái phiếu phát hành bằng đồng dollar với tổng trị giá 22.5 triệu USD, khiến công ty này vẫn còn thời gian ân hạn 30 ngày trước khi bị gán mác “vỡ nợ.”
Tổng nợ mà Evergrande ước tính phải trả lên đến khoảng 330 tỷ USD. Tháng trước, công ty này đã công bố khoản lỗ tổng cộng 81 tỷ USD cho năm 2021 và 2022.
Công ty này cho biết họ đang tổ chức các cuộc đàm phán tái cấu trúc để trả nợ cho các chủ nợ ở Hồng Kông, Quần đảo Cayman, và Quần đảo Virgin thuộc Anh. Đơn vị sản xuất xe điện của họ, Tập đoàn Xe điện Mới Hằng Đại (China Evergrande New Energy Vehicle Group), hôm thứ Hai đã công bố kế hoạch hoán đổi nợ lấy vốn chủ sở hữu (đây được xem là thỏa thuận tái cấp vốn, cụ thể chủ nợ sẽ hưởng một phần vốn chủ sở hữu và để đổi lấy việc xóa bỏ nợ), trong đó sẽ trao 27.5% cổ phần cho công ty di động NWTN có trụ sở tại Dubai để thu về 500 triệu USD.
Lo lắng về thị trường địa ốc Trung Quốc đã tăng lên sau khi một đại công ty tín thác của Trung Quốc có hoạt động đầu tư địa ốc khá lớn, Tín Thác Trung Dung (Zhongrong International), đã lỡ hẹn thanh toán cho hàng chục sản phẩm đầu tư.
Hôm thứ Hai (14/08), trong một báo cáo nghiên cứu, JPMorgan cho biết tình trạng vỡ nợ tín dụng gia tăng sẽ kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống từ 0.3 đến 0.4 điểm phần trăm, dẫn đến một “vòng luẩn quẩn” của những khó khăn về tài chính địa ốc.
Nền kinh tế Trung Quốc hồi tháng Bảy đã rơi vào tình trạng giảm phát với giá tiêu dùng giảm lần đầu tiên sau hai năm, điều này gây áp lực buộc các nhà chức trách phải tăng cường viện trợ tài chính và tiền tệ.
Ông Thái Phưởng (Cai Fang), một cố vấn của ngân hàng trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, mô tả việc thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng là “mục tiêu cấp bách nhất,” đồng thời kêu gọi sử dụng “tất cả các kênh tài chính hợp lý và hợp pháp để đưa tiền vào túi người dân.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times