Tâm điểm của giáo dục tại gia: Lời khuyên từ một bà mẹ 5 con
Giáo dục tại gia vẫn là một lựa chọn phổ biến. Nhiều bậc cha mẹ đã biết đến những lợi ích của giáo dục tại gia đối với con cái và gia đình nên giờ đây họ không muốn từ bỏ. Ngoài ra, nhiều người ngày càng nhận thức rõ hơn về các vấn đề liên quan đến đạo đức diễn ra trong các trường công lập. Vì mức độ phổ biến của việc học tại gia tiếp tục tăng, các bậc cha mẹ khác cho rằng đây cũng có thể là một lựa chọn tốt cho gia đình của họ.
Đối với những người sắp sửa bước vào hành trình dạy con tại gia, đây có vẻ là một công việc khó khăn hoặc cảm thấy đầy lo lắng. Đối với họ, những bài học có được từ các bậc cha mẹ có kinh nghiệm là vô cùng quý giá. Tôi đã hỏi cô Jodi Mockabee, một blogger, người thiết kế chương trình giảng dạy, bà mẹ có 5 con học tại gia, về những lời khuyên của cô dành cho những người mới bắt đầu. Dưới đây là những chia sẻ của cô.
The Epoch Times: Cô thấy những lợi ích tuyệt vời nhất của việc giáo dục tại gia là gì?
Cô Jodi Mockabee: Chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận hiệu quả của việc học tại gia. Tôi đã bắt đầu nhận thấy sự lặp lại không cần thiết trong một số môn học nhất định và sự trùng lặp giữa các môn học khác nhau. Chúng ta có đủ khả năng đưa ra một hệ thống giúp trẻ em tiếp xúc với các giá trị chân, thiện, và mỹ thông qua những tác phẩm văn học hay, đồng thời cho phép chúng có nhiều thời gian khám phá thế giới bên ngoài, chơi thể thao, và tham quan những địa điểm thú vị. Lợi ích lớn nhất là chúng ta có nhiều thời gian hơn: Nhiều thời gian bên nhau hơn, nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, nhiều thời gian vui chơi hơn, và nhiều thời gian để sáng tạo hơn.
The Epoch Times: Đối với bậc cha mẹ sắp bắt đầu cho con học tại gia năm đầu tiên, cô sẽ giới thiệu cho họ những bước quan trọng nào để họ chuẩn bị cho năm học mới?
Cô Mockabee: Tôi khuyến khích các bậc cha mẹ mới [bước vào giáo dục tại gia] đọc các triết lý giáo dục tại gia khác nhau trước khi bắt đầu năm học. Hai cuốn sách mà tôi muốn giới thiệu là “The Call of the Wild and Free” (Tiếng Gọi nơi Hoang Dã và Tự Do) của tác giả Ainsley Arment và “For the Children’s Sake” (Vì Lợi Ích Của Trẻ Em) của tác giả Susan Macaulay.
Cả hai cuốn sách này sẽ giới thiệu một quan điểm giáo dục hoàn toàn mới tràn đầy hy vọng và thú vị. Sau khi đọc những cuốn sách đó, tôi đã nghĩ ra một vài mục tiêu cho năm học tiếp theo. Những kỳ vọng của bạn phải có tính thực tế. Nếu bạn lập một danh sách quá dài, bạn sẽ cảm thấy không khả thi. Tôi hiếm khi viết ra nhiều hơn năm mục tiêu. Đôi khi, một mục tiêu có thể đơn giản là cùng nhau cười nhiều hơn; những lúc khác, có thể có một mục tiêu giáo dục chẳng hạn như thành thạo phép chia số lớn cho một đứa trẻ cụ thể.
Đặt ra một vài mục tiêu có thể giúp bạn không đi chệch hướng và sẽ giúp bạn tiến lên phía trước trên hành trình học tập — đồng thời cũng tạo không gian để cùng nhau trải nghiệm cuộc sống.
Sau khi đặt những mục tiêu này rồi, tôi khuyên bạn nên trở thành học sinh của mỗi đứa bé. Gặp riêng từng em và tìm hiểu xem chúng đang mong đợi hoặc lo ngại điều gì. Thông thường, tôi sẽ chọn tác phẩm văn học dựa trên sở thích khác nhau của các con để mỗi cháu đều tham gia thật hào hứng trong giờ đọc sách.
Tôi cũng sẽ mua một vài món đồ rồi đặt rải rác xung quanh trong suốt cả năm để có thể truyền cảm hứng cho con mà không cần nói gì với chúng. Ví dụ, một năm nọ, tôi mua một chiếc la bàn và bản đồ của một khu rừng quốc gia gần đó. Tôi chỉ để các đồ vật này bên bếp củi để ai đó tìm thấy. Chính đứa bé phát hiện ra đã trở thành một người thích hoạt động ngoài trời! Một lần khác, tôi đặt một bộ sưu tập đá cùng một cuốn sách về đá. Thay vì giới thiệu cho các con, tôi để chúng tự khám phá [ra các đồ vật này]. Sau khi tìm thấy bộ sưu tập, các con đã dành hàng giờ để nhận dạng các loại đá và cùng nhau tìm hiểu về địa chất. Chúng liên tục dạy tôi về những tảng đá trong các chuyến đi bộ đường dài. Những hành động nhỏ này có thể gợi mở những đam mê và sở thích lớn lao về sau.
The Epoch Times: Giáo dục tại gia cho những năm học tiểu học khác biệt như thế nào so với những năm trung học cơ sở và trung học?
Cô Mockabee: Chúng tôi có con ở cả ba cấp độ học thuật, chân thành mà nói thì không có quá nhiều thay đổi — ngoài số lượng bài viết và các hoạt động bổ sung, chẳng hạn như một công việc bán thời gian hoặc tham gia các môn thể thao ở trường trung học. Tất nhiên, mỗi đứa trẻ có những bước tiến trong môn toán và khả năng đọc sách độc lập, nhưng chúng tôi thường ở cùng nhau trong khoảng thời gian đọc thành tiếng; cuối cùng những em nhỏ hơn sẽ tham gia và lắng nghe những cuốn sách có cấp độ đọc cao hơn, chẳng hạn như cuốn “Plutarch’s Lives” (Cuộc Đời của Plutarch) và “Beowulf.”
Tôi cũng bắt đầu cho con tham gia một số lớp ở trường trung học khi chúng tôi tận dụng ưu thế của các chương trình tuyển sinh kép tại các trường cao đẳng địa phương. Thay vì học môn giải tích ở trường, đứa con ở độ tuổi học trung học của tôi học môn này ở trường cao đẳng. Điều này giúp các cháu cùng lúc nhận được tín chỉ tốt nghiệp trung học lẫn cao đẳng. Đó là một hệ thống khá hiệu quả! Ở tiểu bang chúng tôi, những học sinh học tại gia có thể tham gia các hoạt động và các môn thể thao tại các trường công lập, vì vậy chúng tôi thực sự tận dụng tất cả các lựa chọn có sẵn.
The Epoch Times: Một số sai lầm phổ biến mà các bậc cha mẹ mới cho con học tại gia gặp phải là gì?
Cô Mockabee: Rất nhiều bậc cha mẹ mới cho con học tại gia mắc sai lầm khi cố gắng mô phỏng một lớp học tại chính ngôi nhà của họ. Không chỉ bằng cách trang trí, mà còn bằng cách tạo ra mô hình có hệ thống tương tự. Họ lướt qua nhiều môn học trong suốt cả ngày, thúc giục con hoàn tất nhanh chóng để họ có thể đánh dấu vào ô đã hoàn thành. Học tập là quá trình vất vả. Điều này đòi hỏi thời gian và sự tập trung, niềm hứng thú, và sự tương tác qua lại.
Một trong những lợi ích của giáo dục tại gia là bạn có thể cung cấp những điều đó cho con nếu bạn thoát ra khỏi mô hình hệ thống cũ. Bạn hãy cùng học với con, nên hiểu rằng bất kỳ thời gian nào dành cho nghiên cứu, khám phá, đọc, và trải nghiệm đều là khoảng thời gian xứng đáng bỏ ra. Việc học không nhất thiết là ngồi vào bàn, điền vào các ô trống của một cuốn sách bài tập khoa học.
The Epoch Times: Lời khuyên hữu ích nhất về giáo dục tại gia mà cô từng nhận được là gì?
Cô Mockabee: Tôi tin chắc vào lời của bà Charlotte Mason, một nhà giáo dục người Anh, người đã giảng dạy vào giai đoạn thế giới bước sang thế kỷ 20. Một trong những câu nói của bà ấy là, “Giáo dục là một bầu không khí, là sự chuyên cần, là cuộc sống.” Những lời dạy của bà đã thực sự giúp tôi hiểu được bản chất của giáo dục. Đó không chỉ là về học thuật; đó còn là về sự phát triển nhân cách và giúp con cái chúng ta khỏe mạnh về thể chất, vững chãi về tinh thần và tâm hồn.
The Epoch Times: Cô ước mình nên biết điều gì khi mới bắt đầu cho con học tại gia?
Cô Mockabee: Tôi ước mình đã tự tin hơn trong những năm đầu. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để lo lắng rằng mình sẽ làm hỏng các con và cảm thấy việc học tại gia là một thử nghiệm lớn. Đôi khi, tôi vẫn cảm thấy như vậy.
Nhưng bây giờ sau vài năm gặt hái được một vài thành công, tôi phát hiện ra rằng tất cả trẻ em đều sẽ có những thiếu sót về mặt học tập ở ít nhất một lĩnh vực — bất kể chúng học ở đâu. Vì vậy, thay vì tập trung vào những gì tôi “không” làm, tôi cố gắng bảo đảm rằng những gì chúng tôi “đang” làm là có chất lượng và hướng đến những mong muốn của một đứa trẻ.
The Epoch Times: Những chiến lược hoặc công cụ nào phù hợp với cô nhất khi cho con học tại gia?
Cô Mockabee: Chúng tôi có những thói quen cụ thể trong gia đình được gọi là “những quy tắc hằng ngày.” Đây là những công việc mỗi ngày bao gồm tập thể dục, làm việc nhà, và học tập độc lập. Hầu hết những việc này được thực hiện ngay cả trước khi chúng tôi cùng nhau ăn sáng. Điều này giúp bắt đầu một ngày mới hiệu quả.
Sau đó, chúng tôi tụ họp lại dành thời gian cho điều mà chúng tôi gọi là “Hoạt động chung của buổi sáng”. Đây là lúc tôi đọc thành tiếng một vài cuốn sách cổ điển và chúng tôi thảo luận về những ý tưởng và khái niệm quan trọng. Hoạt động này luôn chứng tỏ cho tôi thấy trẻ em có khả năng hiểu ngôn ngữ phức tạp và lòng nhân ái như thế nào. Những cuộc trò chuyện này là trọng tâm của giáo dục tại gia của chúng tôi.
Trong khi các quy tắc [hằng ngày] tạo ra kết quả hữu hình, thì thời gian “Hoạt động chung của buổi sáng” lại giúp mở rộng thế giới quan của các con. Cả hai đều là những công cụ đã đóng góp đáng kể cho giáo dục tại gia của chúng tôi.
The Epoch Times: Nếu cô chỉ có thể đưa ra một lời khuyên cho các bậc cha mẹ sắp bắt đầu giáo dục tại gia trong năm đầu tiên, thì đó sẽ là gì?
Cô Mockabee: Họ nên hiểu rằng cần thời gian để gia đình thích nghi với một nhịp điệu mới. Đừng tạo áp lực cho bản thân hoặc cho con rằng phải ngay lập tức yêu thích việc học tại gia. Chúng tôi đã mất gần một năm để tìm ra phương pháp phù hợp. Cuối cùng, chúng tôi loại bỏ tất cả các chương trình giảng dạy mà tôi đã mua ban đầu, ngoại trừ môn toán, và thay thế bằng môn văn học cổ điển. Chúng tôi viết về những gì mình đã đọc và thậm chí còn thêm hình ảnh minh họa vào công việc của mình mỗi ngày. Tôi thậm chí chưa bao giờ biết mình có những lựa chọn như vậy!
Chúng tôi đã có những bước tiến nhanh chóng kể từ đó và có nhiều năm vẽ đầy các tài liệu minh họa cho những cuốn sách chúng tôi đã đọc. Các con vẫn hay xem lại.
Nhưng việc khám phá ra nhịp điệu đó cần thời gian, vì vậy hãy bao dung với bản thân một chút khi bạn định hướng đến một con đường hoàn toàn mới cho gia đình mình.
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times