Taliban ký thỏa thuận khai thác dầu đầu tiên với Trung Quốc
Lực lượng Taliban cầm quyền tại Afghanistan đã ký một thỏa thuận khai thác dầu với Công ty Xăng dầu và Khí đốt Trung Á Tân Cương (CAPEIC) của Trung Quốc. Đây là thỏa thuận ngoại quốc lớn đầu tiên của nước này kể từ khi phiến quân Taliban lên nắm quyền kiểm soát vào năm 2021.
Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, theo hợp đồng, CAPEIC sẽ đầu tư 150 triệu USD trong mỗi năm và con số này sẽ lên đến 540 triệu USD trong vòng ba năm tới để khai thác dầu ở lưu vực Amu Darya của Afghanistan.
Trong một bài đăng trên Twitter hôm thứ Năm (05/01), ông cho biết, “Trong hợp đồng này, Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan sẽ có cổ phần 20% [trong dự án], và tỷ lệ này sẽ tăng lên 75%.”
Ông Zabihullah cho biết họ sẽ khai thác dầu trong một khu vực có diện tích 4,500 km vuông (1,737 dặm vuông) trải dài tại ba tỉnh của Afghanistan là Sar-e Pul, Jawzjan, và Faryab. Dự tính tốc độ khai thác hàng ngày sẽ tăng dần từ 1,000 lên 2,000 tấn.
Ông nói thêm rằng hợp đồng này có thời hạn 25 năm và sẽ tự động bị chấm dứt nếu CAPEIC không đáp ứng các trách nhiệm vật chất của mình trong vòng một năm.
Theo một nghiên cứu năm 2019 của PetroChina, Amu Darya là lưu vực chứa khí đốt lớn nhất ở Trung Á và là lưu vực giàu khí đốt lớn thứ ba thế giới sau lưu vực Tây Siberia và lưu vực Vịnh Ba Tư.
Đồng bằng châu thổ sông Amu Darya nằm chủ yếu ở Turkmenistan và Uzbekistan, cũng như ở một số khu vực phía bắc Afghanistan và đông bắc Iran.
Không có quốc gia nào công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền vào năm 2021, kể cả Trung Quốc. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục hợp tác với Taliban vì lợi ích kinh tế.
Người ta ước tính rằng Afghanistan có nguồn tài nguyên trị giá hơn 1 ngàn tỷ USD chưa được khai thác, điều này đã thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư ngoại quốc, mặc dù nhiều thập niên hỗn loạn đã trở thành rào chắn đối với mọi dự án khai thác quy mô lớn.
Trở lại năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã ký kết một bản hợp đồng với cựu chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan để khai thác dầu tại Amu Darya. Theo ước tính có khoảng 87 triệu thùng dầu thô được khai thác tại lực vực Amu Darya vào thời điểm đó.
Quyền Phó Thủ tướng Mullah Baradar cho biết thỏa thuận mới này của Taliban với CAPEIC là kết quả của việc một công ty Trung Quốc khác, mà ông không nêu đích danh, ngừng khai thác dầu sau sự sụp đổ của chính phủ trước đó.
‘Phóng đại mối đe dọa’
ĐCSTQ cho phép Taliban giữ đại sứ quán Afghanistan tại Bắc Kinh và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan mặc dù chính quyền này vẫn không được công nhận chính thức. Các nhà phân tích tin rằng an ninh là một yếu tố khác thúc đẩy sự ủng hộ của ĐCSTQ đối với Taliban.
Bà Jennifer Murtazashvili, một học giả vãng lai trong Chương trình Á Châu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết trong báo cáo năm 2022 của mình rằng ĐCSTQ lo ngại về một khả năng là chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo từ Afghanistan sẽ lan sang Trung Quốc và khu vực Tân Cương.
Bà nói: “Mối quan tâm an ninh chính của Trung Quốc là các mối đe dọa tiềm ẩn từ Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan tương đối nhỏ, đây là một nhóm tìm cách trả tự do cho tỉnh Tân Cương và người Duy Ngô Nhĩ, giúp họ thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc.”
“Mục tiêu của Trung Quốc là bảo đảm Taliban sẵn sàng loại bỏ các nhóm chiến binh dân tộc Duy Ngô Nhĩ hoạt động bên trong lãnh thổ Afghanistan. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Trung Quốc đã phóng đại mối đe dọa này cũng như sự tham gia của người Duy Ngô Nhĩ vào các tổ chức khủng bố.”
Thỏa thuận CAPEIC được đưa ra một ngày sau khi Taliban cho biết lực lượng của họ đã tiêu diệt tám thành viên IS trong các cuộc đột kích, trong đó có một số người chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào một khách sạn Trung Quốc ở Kabul hồi tháng trước.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times